Rm 12, 1-2
SỐNG ĐỜI CẦU NGUYỆN
1Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. 2Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.
- Vị trí ưu việt của đời sống cầu nguyện
- Đối với người Kitô hữu, tin không chỉ là chấp nhận một hệ tư tưởng hay một hệ thống luân lý, nhưng trước hết và trên hết là bước vào mối quan hệ yêu thương với Đấng mình tin. Vì thế, khi tuyên xưng các chân lý đức tin, cử hành niềm tin và sống niềm tin, người tín hữu phải luôn có một quan hệ sống động và cá nhân với Thiên Chúa. Mối quan hệ yêu thương này chính là cầu nguyện.Và “Thiên Chúa không ngừng kêu gọi mỗi người đến gặp Người cách huyền nhiệm trong cầu nguyện”. (GLCG. 2591).
- Người tu sĩ được thánh hiến, nghĩa là được tách riêng ra để thuộc trọn về Chúa. Chính vì thế, nhiệm vụ đầu tiên và chính yếu của tu sĩ là chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và kết hiệp liên lỉ với Người bằng kinh nguyện (Gl 663,1). Đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, đời sống cầu nguyện giữ vị trí cao nhất trong Hiến Chương cũng như trong đời sống của mỗi chị em (HC 55).
- Định hướng số 25 nhiệm kỳ 2016 - 2020của Hội dòng cũng “yêu cầu chị em sử dụng thời gian cách hiệu quả nhất để tránh tình trạng thiếu giờ thiêng liêng, và dù có đảm nhận công việc chuyên biệt nào, chị em cũng phải dành vị trí ưu tiên cho các giờ kinh nguyện.
- Mở rộng và chuẩn bị tâm hồn.
Để mô tả tiến trình mở rộng và chuẩn bị tâm hồn bước vào đời sống cầu nguyện, Thánh Augustinô đã sử dụng một hình ảnh rất đẹp như sau:
- Đổ bỏ cái cũ để tiếp nhận cái mới: “Giả dụ Thiên Chúa muốn lấp đầy tâm hồn bạn bằng mật ong [một biểu tượng về sự dịu dàng và lòng tốt của Thiên Chúa]; nhưng nếu lòng bạn đầy dấm chua, bạn đổ mật ong vào nơi nào?”
Đức Bênêđíctô XVI giải thích tư tưởng này như sau: “tâm hồn ta trước tiên phải được nới rộng và sau đó rửa sạch, không còn dấm và mùi vị của nó nữa. Điều đó đòi phải làm việc cật lực và gây đau đớn, nhưng chỉ theo cách ấy thì chúng ta mới có khả năng đón nhận và chứa đựng Thiên Chúa, đồng thời mở rộng lòng tiếp nhận mọi người. Điều đó cho ta hiểu rằng, cầu nguyện không phải là đi ra khỏi lịch sử và rút lui vào góc hạnh phúc riêng mình, nhưng là trải qua một tiến trình thanh luyện bên trong. Sự thanh luyện đó mở lòng ta ra với Thiên Chúa và với tha nhân”.
- Thanh luyện lương tâm để lắng nghe sự Thiện: Trong cầu nguyện ta phải biết điều ta có thể xin Thiên Chúa - điều xứng đáng với Thiên Chúa. Ta không thể cầu nguyện chống lại người khác, cũng như không thể cầu xin những điều nông cạn và những tiện nghi như mình mong muốn, vì niềm hy vọng nghèo nàn, giả tạo dẫn ta xa lìa Thiên Chúa. Phải biết thanh luyện ước muốn và khát vọng của mình, cũng như phải biết tự giải thoát khỏi những giả dối ẩn khuất gây nên thất vọng. Thiên Chúa thấy rõ chúng, và khi ta đến trước mặt Chúa, chúng ta cũng bị bắt buộc nhận ra chúng. Vịnh gia đã cầu nguyện: “Nhưng nào ai thấy rõ lầm lỗi mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 19,12 ).
Không nhìn nhận lầm lỗi của mình và ảo tưởng về sự vô tội của bản thân khiến tôi không thể trở nên công chính và không được giải thoát. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, có lẽ tôi cần tìm nơi trú ẩn trong những lọc lừa ấy, bởi vì không ai có thể tha thứ cho tôi; không ai là tiêu chuẩn đích thực. Tuy nhiên sự gặp gỡ với Thiên Chúa thức tỉnh lương tâm của tôi, vì nó không còn nhắm đến sự công chính hoá bản thân, không còn là một suy nghĩ đơn thuần của tôi và của những người đương thời đang uốn nắn suy nghĩ của tôi, nhưng nó trở thành một khả năng lắng nghe chính sự Thiện (Đức Bênêđíctô, Spe Salvi, Thông Điệp Niềm hy vọng Kitô giáo, số 33)
3. Hiệu quả của đời sống cầu nguyện:
- Nên đồng hình đồng dạng với Chúa
Khi lời cầu nguyện phát xuất từ đáy lòng, với tâm hồn chân thật và tha thiết tìm kiếm Chúa, tâm hồn con người sẽ được biến đổi để nên giống Chúa hơn, để sẵn sàng làm hòa, yêu thương tha thứ cho kẻ thù và những người bách hại (x. Mt 5,23).
Việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa là biết thương xót và cảm thông với anh chị em đồng loại, biết đặt mình vào vị thế và hoàn cảnh của tha nhân, để không xét đoán, không lên án, không kết tội, không nói xấu hay đặt điều bôi nhọ anh chị em mình.
Trở nên giống Chúa còn là gần gũi và đồng hóa mình với những người nghèo hèn, bé mọn (x. Mt 25, 31 - 46), là hy sinh quên mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân, là chấp nhận phần thua thiệt về mình mà không so đo tính toán, không ganh tỵ, hiềm khích….
- Sống trong sự hiệndiện của Chúa
Cầu nguyện là để học sống với sự hiện diện của Chúa và để thấy sự hiện diện của Chúa lấp đầy lòng ta. Cầu nguyện như thế giúp ta thoát ra khỏi con người dầy đặc chínhmình để không buông mình vào những tự mãn thiêng liêng, không cho mình là người Chúa chọn riêng, không mong có được tài năng hay đức độ sâu rộng, không tìm cách thể hiện mình dưới mọi góc độ của cuộc sống, mà chỉ đắm mình trong sự hiện diện của Chúa cho tới khi tất cả trở nên trong Chúa, hay Chúa trở nên tất cả.
Như thế, đời sống cầu nguyện đem lại cho tâm hồn sự an vui, con tim đầy tình yêu mến, trí óc được thông thoáng và chiếu sáng, phấn khởi đi vào cuộc sống dấn thân phục vụ bằng sự hiện diện khiêm tốn, cảm thông, chia sẻ, và trở nên thân cận với mọi người. Bởi lẽ, sống đời cầu nguyện giúp ta dần dần xóa đi cái “tôi” cứng cỏi, mang nặng hư danh và ảo tưởng, để thay vào đó sự hiện diện tràn đầy của Chúa trong tâm tình, tư tưởng và lối sống, nghĩa là để cho Chúa được thành hình và lớn lên trong ta, cho ta được bước vào chính Sự Sống
- Trở nên như Chúa muốn.
Cầu nguyện không phải để có được điều gì, nhưng là để sống với điều mình đang có; cũng không phải để trở nên điều mình mong ước, nhưng là mong ước điều mình sẽ trở nên. Việc cầu nguyện đích thực không bao giờ trông mong kết quả. Vì trong cầu nguyện chính Chúa mới là Đấng có thật, và là Đấng làm nên tất cả, không phải như ta mong, nhưng như Ngài muốn.
- Tìm Chúa nơi chính mình
Chính trong sự tịnh tâm để chìm sâu trong Chúa mà ta nhận ra con người thật của mình, để ta không còn bị lệ thuộc vào lời khen tiếng chê của những người chung quanh, và càng được tự do để hành động trong tình yêu mà Chúa đã yêu ta. Ta không còn lo sợ trước những phê phán của người đời và ngay cả những người có “bề thế” bên cạnh ta, vì trong cầu nguyện ta dần dần nhận ra rằng, giá trị đích thực của ta là ở nơi Chúa. Ta không mong tìm được vị thế hay tốt đẹp trước mặt người khác, nhưng chỉ mong được hòa nhập và bén rễ sâu trong Đấng đã làm cho ta hiện hữu. Trong đời sống cầu nguyện, cái tuyệt đối mà ta đi tìm chỉ duy nhất là Chúa, Đấng mà nhờ Ngài ta hiện hữu và sống phong phú.
Lời kết: “Cầu nguyện là sự hô hấp của tâm hồn” (Martino). Khi không còn ham muốn cầu nguyện nữa là dấu chỉ của một tâm hồn suy giảm sự sống. Sự chết chỉ có thể hoành hành nơi những ai đã đánh mất đời cầu nguyện.Quả thế,tâm hồn chỉ được nuôi dưỡng, lớn lên và sống trong sự an toàn nhờ cầu nguyện. Chính vì vậy mà “Sự cầu nguyện là thành lũy lớn nhất của tâm hồn” (Augustino). Trong thành lũy đó chất chứa “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Cv 13, 52). Tương lai của thành lũy đó là chính Đức Kitô: là niềm vui bất tận và sự sống sung mãn muôn đời cho ta trong Thiên Chúa (x. Ga 10, 28).