Ý tưởng về “ký ức” được lặp đi lặp lại trong sách Đệ Nhị Luật. Môsê nhiều lần nói với dân: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em, đã dẫn anh em đi...anh em đừng quênÐức Chúa, Thiên Chúa của anh em, Đấng đã cho anh em ăn manna”. Còn Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,24). Thánh Thể là bí tích của ký ức, nhắc nhớ chúng ta, theo một cách thật sự và hữu hình, về câu chuyện tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta đến mức nào. 1. Yêu là tưởng nhớ Lời Chúa nói “hãy nhớ”, sự tưởng nhớ về những hành động của Chúa hướng dẫn và củng cố hành trình của dân Người qua sa mạc, nhớ hết mọi điều mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta là nền tảng của lịch sử cá nhân của ơn cứu độ của chúng ta. “Tưởng nhớ” thật thiết yếu đối với niềm tin, như nước đối với cây. Một thân cây mà không có nước thì không thể sống và sinh hoa trái. Niềm tin cũng vậy, cần phải được uống một cách sâu sắc trong ký ức về tất cả mọi điều mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta. “Tưởng nhớ” muốn nói rằng ký ức là quan trọng, vì nó giúp cho chúng ta chìm vào trong tình yêu, để nhớ lại, để không bao giờ lãng quên Đấng đang yêu thương chúng ta và chúng ta biết phải đáp trả tình yêu ấy thế nào. ĐTC nói: “Kitô hữu là người, trong đời sống đức tin của mình, phải luôn ghi nhớ những cách thức và hoàn cảnh mà Thiên Chúa đã tỏ lộ ra. Chính việc ghi nhớ ấy sẽ củng cố hành trình đức tin của chúng ta. Anh chị em hãy ghi nhớ mọi điều tốt lành mà Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt cuộc hành trình cũng như những thách đố, khó khăn, vì Ngài luôn đồng hành với chúng ta và không hề e sợ trước những tội lỗi xấu xa của chúng ta”. 2. Nhớ lại những kỷ niệm Thiên Chúa đã làm để chứng minh Ngài yêu thương và tôn trọng ta Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta thường xuyên “tưởng nhớ” lại lịch sử cá nhân đời mình vì nó mang đậm một dấu ân của lịch sử cứu độ. Ngài cứu ta từng giây phút. Mỗi người chúng ta đã bước đi trên một con đường được Thiên Chúa đồng hành, có lúc gần gũi nhưng cũng có khi lại cách xa Ngài, nhưng Thiên Chúa luôn tôn trọng ta.ĐTC nói: “Thật là tốt cho một tâm hồn Kitô hữu, nếu tôi biết ghi nhớ con đường của tôi, con đường của chính tôi, những lúc Thiên Chúa đối xử với tôi, những lúc tôi đã hành xử với Chúa,những lúc tôi cố tình bất trung…Thiên Chúa đã cầm tay tôi mà dẫn dắt… Nhưng có nhiều lần tôi đã nói với Chúa: ‘Không, tránh xa con đi! Con không muốn!’. Thiên Chúa tôn trọng. Ngài trân trọng chọn lựa của ta. Nhưng để ghi nhớ, chúng ta phải nhớ về chính cuộc sống, chính chặng đường hành trình của chúng ta. Chúng ra phải tiếp tục điều này và hãy làm thường xuyên trong đời sống cá nhân của chính anh chị em. Chính trong thời khắc đó, Thiên Chúa đã ban cho ta ân sủng và chúng ta thưa rằng: ‘Trong chặng đường vừa qua, con đã làm điều này, đã làm điều kia… Chúa đã đồng hành với con’. Và như thế chúng ta sẽ tiến tới một cuộc gặp gỡ mới, một cuộc gặp gỡ đong đầy lòng biết ơn”. Nhớ về những kỷ niệm, bao giờ cũngnảy sinh một tâm tình cảm tạ, biết ơn tự chính trái tim. Tâm tình cảm tạChúa Giêsu, Đấng đã không bao giờ mệt mỏi khi đồng hành với chúng ta trong suốt chiều dài của lịch sử cuộc đời. Có nhiều lần chúng ta đã đóng sập cánh cửa trước mặt Ngài. Đã bao nhiêu lần chúng ta giả vờ không trông thấy Ngài, không tin rằng Ngài đang ở với chúng ta. Đã bao nhiêu lần chúng ta từ chối ơn cứu chuộc mà Ngài mang đến … Nhưng Ngài vẫn ở đó chờ đợi chúng ta.ĐTC nói “những ký ức sẽ mang chúng ta đến gần Thiên Chúa”. Nhớ về những việc tốt lành mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Đã bao nhiêu lần Ngài đã cứu chúng ta, trong lúc ma quỉ và sự dữ, tội lỗi và những tật xấu thâm đế, những yếu đuối, những bất trung, phản bội...quật ngã chúng ta, nó đập chúng ta đến bầm dập thân thể, khiến chúng ta nửa sống nửa chết…(x. Lc 10, 29-37 dụ ngôn người Samari tốt lành). Bởi vậy, tôi khuyên anh chị em điều này, rất đơn giản: “Hãy ghi nhớ! Hãy nhớ lại xem cuộc đời của tôi đã như thế nào, một ngày sống hôm nay của tôi ra sao và một năm vừa qua của tôi như thế nào?”. 3. Yêu là hành động: Chúa Giêsutrong Thánh Thể và Chúa Giêsu nơi người anh em “Chúa Giêsu đã tự biến mình thành Tấm Bánh ban Sự Sống, hầu làm thỏa mãn nỗi đói khát của chúng ta về tình yêu. Và như thể việc này vẫn không đủ đối với Người, nên Người còn tự ẩn mình nơi tha nhân, nơi những người đói khát, trần truồng, khiêm tốn nhất, nơi những người chúng ta phục vụ, hầu bạn và tôi có thể làm thỏa mãn niềm khao khát của Người về tình yêu nhân loại. Nơi những người đau yếu, nghèo khổ, không được ai cần đến, không được yêu thương, những kẻ phong hủi, nghiện ma túy, nghiện rượu, các cô gái điếm… thì Đức Kitô đã ẩn mình trong nỗi đau khổ của họ” (Mẹ Têrêxa Calcutta). Ở bất cứ cấp độ nào dù là giáo phận, giáo xứ, gia đình hay dòng tu, chúng ta đều được qui tụ nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh và được mời gọi sống sứ điệp trở nên những người phục vụ. Chúng ta chỉ phục vụ anh em vì đã tin vào Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu lại cải trang trong những người anh chị em đang sống cận kề. Đối với mẹ Têrêxa, Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể và Chúa Giêsu trong tha nhân, đặc biệt trong người nghèo chỉ là một. Chúa Giêsu mà tôi rước trong Thánh Lễ, thì cũng chính là Giêsu mà tôi đang phục vụ. Không phải là một Giêsu khác. Mẹ nói: “chúng ta được kêu gọi sống chiêm niệm giữa lòng thế giới bằng cách: tìm kiếm gương mặt của Thiên Chúa trong hết mọi sự, trong mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi biến cố xảy ra; đặc biệt trông thấy và thờ lạy sự hiện diện của Chúa Giêsu trong hình bánh nhỏ mọn, trong sự cải trang khốn khó nơi tha nhân, nơi những người nghèo.Tìm kiếm gương mặt của Thiên Chúa bằng cách cầu nguyện cho công việc đang làm được thực hiện với Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu”. Người ta chỉ nhận ra nhau khi người ta thuộc về nhau. Cầu nguyện giúp ta nhận ra căn tính thuộc về Chúa Giêsu, nhận ra khuôn mặt của Chúa, nhận ra cơn khát của Chúa nơi tha nhân. Đối với Mẹ Thánh, thuộc về Chúa Giêsu là một thực tại vô cùng quan trọng. Bởi vì mọi công tác mục vụ của chúng ta làm cho nhân loại đều là những cách diễn tảsự thuộc về Chúa Giêsu của chúng ta. Bởi thế, càng sống tinh thần thuộc về, càng diễn tả cách rõ nét và chính xác trong cung cách phục vụ của mình. Cung cách phục vụ đó chính là vẻ đẹp của sự trao ban mà nó bắt nguồn và tuôn chảy từ một ý nghĩa sâu xa của sự thuộc về Chúa Giêsu. 4.Vẻ đẹp của tình yêu phục vụ -dâng hiến Mẹ Terexa Calcutta có một kho tàng về kinh nghiệm phục vụ trong tình yêu. Mẹ đã kể lại một câu chuyện cảm động như sau:Hôm ấy có một người lạ mặt đến thăm các bệnh nhân. Ông ta đến nhà vào lúc một Sơ vừa mới đem một người hấp hối từ ngoài đường về. Sơ này tìm thấy kẻ hấp hối đang nằm bất tỉnh bên ống cống, mình phủ đầy giòi bọ, trông thật ghê tởm. Thế nhưng, không chút ái ngại, Sơ ấy vẫn chăm sóc bệnh nhân cách kỹ lưỡng. Sơ nhặt từng con giòi, rửa sạch sẽ mọi chỗ, vừa làm vừa mỉm cười với tất cả lòng thương mến. Sơ làm việc cách thản nhiên, không bận tâm để ý đến ai cả. Trong khi đó, người khách lạ đứng ở một góc phòng quan sát từng cử chỉ của Sơ ấy. Sau cùng, người khách lạ kia đến gặp tôi và trút hết tâm sự: “Thưa Mẹ, sáng nay con đến nhà này với tâm hồn của một kẻ vô thần. Lòng con đầy căm hờn và oán giận. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin vào Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đã đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không thể nào có đủ nghị lực để yêu mến tha nhân được”. Lạy Chúa Giêsu! xin ban cho chúng con tình thương và đôi mắt nhân hậu của Chúa để chúng con có thể khám phá ra những hạt giống tốt đã được gieo rắc trong tâm hồn những người chúng con đang phục vụ và giúp cho những hạt giống ấy phát triển thêm nhờ vào cách đối xử nhân từ của chúng con.Amen.