Muốn nhận định một điều gì người nhận định thường phải qua những bước sau:
Bước 1 – Hiểu đúng vấn đề
Muốn nhận định điều gì thì đầu tiên người nhận định cần phải hiểu đúng điều ấy, và hiểu tại sao muốn nhận định điều ấy để quyết định xem có được và nên khởi công nhận định hay không. Muốn thế, phải tìm hiểu đúng những điều sau:
1. Muốn nhận định điều gì?
Phải trình bày cho thật đúng, thật đủ, thật cặn kẽ và thật cụ thể điều mình muốn nhận định để chính mình và người giúp mình hiểu đúng. Sau đó trả lời cho đúng, đủ, rõ, và vắn câu hỏi sau:
Tôi muốn nhận định điều gì?
2. Tại sao tôi muốn nhận định điều ấy?
Phải làm sao để hiểu đúng lý do tại sao tôi muốn nhận định điều trên. Thường phải nêu ra cho đúng, cho đủ, cho cặn kẽ và cho cụ thể lý do khiến ta muốn nhận định. Điều này rất quan trọng vì nó giúp ta và người giúp nhận ra có nên tiến hành việc nhận định hay không. Sau khi đã giãi bày để hai bên hiểu đúng lý do, hãy tóm tắt thành một câu trả lời đúng, đủ, rõ, và vắn cho câu hỏi sau:
Tại sao tôi muốn nhận định điều đã nêu ra?
3. Có được phép nhận định hay không?
Công việc thứ ba phải làm trong bước thứ nhất là phải xem điều muốn nhận định có được phép nhận định không. Điều được phép nhận định là điều không bị cấm. Như vậy phải trả lời cho đúng, đủ, rõ và vắn câu hỏi sau:
Điều tôi muốn nhận định có bị cấm bởi Thiên Chúa, bởi đại diện của Thiên Chúa hoặc bởi chính bản thân tôi không?
4. Điều được phép trên có nên nhận định không?
Muốn trả lời cho câu hỏi này phải biết rõ những điều sau:
5. Có khi nào nên ngưng việc nhận định không?
Trong bước tìm hiểu đúng vấn đề, ta có thể ngưng việc nhận định vì một trong ba lý do sau:
Chỉ nên nhận định khi điều muốn nhận định có những lý do sau: Được phép nhận định và nên nhận định vì khi được nhận định phải phép thì người nhận định sẽ sống tốt hơn.
Bước 2 – Điều kiện nhận định
Bước thứ 2 là phải xem người muốn nhận định có đủ điều kiện cần thiết sau đây để nhận định không.
1. Đối với Chúa
* Điều 1 – Ao ước thi hành ý Cha
Họ có thâm tín điều này không: Thiên Chúa là Cha họ hằng yêu thương săn sóc họ trong mọi sự, nên trong điều họ đang muốn nhận định chắc Cha phải có ý muốn cho họ và ý muốn ấy phải là điều tốt nhất cho họ.
Tuy nhiên Cha vẫn tôn trọng họ như đứa con trưởng thành và muốn họ chọn lấy và đảm nhiệm lấy lựa chọn của họ. Chính vì thế họ ao ước biết ý Cha để thực hiện.
* Điều 2 – Cởi mở đối với ý Chúa
Thâm tín về tình yêu của Thiên Chúa là Cha đối với họ chẳng những thúc đẩy họ ao ước biết ý Cha để thực hiện, mà còn phải làm họ gạt bỏ mọi ràng buộc, tự do đối với mọi cản trở, sẵn sàng tiếp nhận ý Chúa một cách vô điều kiện. Đó là điều Thánh I-nha-xi-ô gọi là thái độ bình tâm, nhiều người gọi là tự do. Điều kiện này cần thiết để có con mắt đơn sơ, luôn coi cứu cánh đời họ là cứu cánh chứ không phải phương tiện.
* Điều 3 – Thân quen đối với Chúa
Họ phải sống thân mật với Thiên Chúa và quen thuộc, nhậy bén đối với ý Thiên Chúa.
* Ba điều kiện trên đây quan trọng cho việc nhận định ý Chúa như thế nào?
Hai điều kiện đầu tối cần không có thì không nhận định được, vì không linh hướng nào làm thay được. Điều kiện thứ ba bớt tuyệt đối hơn. Nếu chưa thân quen với Chúa đủ thì có thể nhờ linh hướng tạm thời bổ túc.
2. Đối với người khác và với mình
* Điều 4 – Khiêm tốn
Phải khiêm tốn đủ để biết hoài nghi một cách lành mạnh đối với những nỗ lực tìm kiếm ý Chúa của mình, và biết hạ mình để tiếp nhận ý Chúa qua những người Chúa sai đến giúp mình.
* Điều 5 – Bác ái
Người nhận định phải có lòng bác ái để không mất bình an khi thấy tập thể cộng đoàn bất đồng ý kiến về vấn đề của họ, để không lên án mà trái lại tôn trọng các ý kiến ngược với lựa chọn của mình, để không bắt người khác đồng ý với mình và nhất là lựa chọn như mình.
* Điều 6 – Can đảm
Sau khi cầu nguyện và cởi mở tâm hồn để được hướng dẫn, người nhận định cảm thấy chắc chắn rằng mình nên hành động thế này, lúc này và tại đây, và tin rằng hành động như thế là điều duy nhất chính đáng đối với họ lúc này, thì người ấy phải có đủ can đảm để dám lựa chọn và hành động dẫu là chưa 100% chắc, hay có khi không chắc về mặt khách quan.
3. Phải quyết định thế nào?
Trong các điều kiện trên, nếu thiếu và không tạm thời bổ túc cách này hay cách khác được thì không thể đi vào nhận định được mà phải giúp người nhận định dần dần có đủ điều kiện tối cần. Chỉ khi có đủ điều kiện mới bước vào việc nhận định được.
Bước 3 – Nhận định khôn ngoan
1. Tạo lấy những điều kiện thuận lợi
Khi đã có đủ những điều kiện tối cần, người nhận định bắt tay vào việc nhận định. Trước tiên, hãy dành ra một thời gian cần thiết và tìm lấy một nơi thuận lợi để giữ thinh lặng và sống cô tịch. Tùy theo tầm quan trọng và độ phức tạp của vấn đề phải nhận định mà thời gian cần thiết phải để ra có thể từ 3 đến 8 ngày. Nếu mệt mỏi thì trước hết hãy nghỉ ngơi.
Khi phải quyết định một điều quan trọng, rất nên, nếu không muốn nói là nhất thiết phải, xin một người hướng dẫn thiêng liêng thành thạo để giúp đỡ mình trong khi tiến hành việc nhận định.
Khi đã có những điều kiện thuận lợi, tôi đi vào giờ cầu nguyện nhận định.
2. Nhập nguyện
a. Nêu ra điều định lựa chon cho đúng, đủ, rõ và vắn hết sức.
Thí dụ, nếu phải trả lời cho lời mời gọi: nếu con muốn khấn trọn đời thì làm đơn. Tôi sẽ định thức vấn đề như sau:
Thiên Chúa là Cha của tôi có muốn tôi khấn trọn đời hay không? Câu này có nghĩa là: Chúa có muốn cho tôi tiếp tục tu hay không?
b. Tôi muốn mình đang đứng trước mặt Chúa là Cha của tôi.
Tôi nhìn lại cuộc đời của mình và hoàn cảnh sống hiện tại của mình để sống một cách sống động và cụ thể tương quan của tôi với Chúa: Chúa là Cha của tôi và tôi là con yêu của Người.
Tôi phải sống tương quan thân thương này cho tới khi thấy mình tự do đối với việc khấn trọn đời hay không khấn trọn đời, tức là tôi không muốn bên này hơn bên kia mà chỉ muốn điều Cha tôi muốn.
c. Xin Chúa Thánh Thần dùng trí khôn tôi hoặc trí tưởng tượng của tôi mà làm cho tôi lựa chọn điều nào Cha muốn, tức là điều nào làm cho tôi nên giống Chúa Ki-tô hơn, sống làm con Thiên Chúa hơn và anh em với mọi người hơn.
3. Dùng trí khôn xem xét các lý do thuận và nghịch
a. Hai câu trả lời ngược nhau
Sau khi đã đi vào cầu nguyện, hãy chuyển câu hỏi ở 2a thành hai câu trả lời ngược nhau.
Câu hỏi Thiên Chúa là Cha của tôi có muốn tôi tiếp tục tu hay không? Được chuyển thành hai câu trả lời sau:
Cha muốn tôi tiếp tục tu
hoặc:
Cha không muốn cho tôi tiếp tục tu.
Sau đó, xem xét các lý thuận và nghịch cho từng câu trả lời một.
b. Xem xét lý thuận, lý nghịch cho câu trả lời thứ nhất.
Trước hết, hãy liệt kê cho hết những lý thuận, lý nghịch cho từng câu trả lời; rồi cân nhắc để biết cho đúng sức nặng của từng lý do và để cuối cùng xem trí khôn nghiêng hẳn về phía nào thì chọn phía ấy. Có thể dùng bảng sau:
Chúa muốn tôi tiếp tục tu
Việc phải làm | Các lý thuận | Các lý nghịch |
Liệt kê cho hết các lý. |
-Trước hết để các lý tự do xuất hiện cho hết.
– Sau đó, dùng trí khôn và trí tưởng tượng moi móc cho hết các lý.Những lý do nào chứng tỏ Cha muốn tôi tiếp tục tu?
Những lý do nào chứng tỏ câu trả lời thứ nhất là sai? Cân nhắc cho hết và đúng mọi lý. Cân nhắc cho hết và cho đúng mọi lý thuận. Cân nhắc cho hết và đúng mọi lý nghịch. Lý trí nghiêng rõ về bên nào thì chọn bên ấy. Nếu các lý thuận rõ ràng nặng hơn lý nghịch thì chọn tiếp tục tu. Nếu các lý nghịch rõ ràng nặng hơn lý thuận thì chọn thôi tu.
Chúa không muốn tôi tiếp tục tu
Việc phải làm | Các lý thuận | Các lý nghịch |
Liệt kê cho hết các lý |
-Trước hết để các lý tự do xuất hiện cho hết.
-Sau đó, dùng trí khôn và trí tưởng tượng moi móc cho hết các lý.Lôi ra cho hết mọi lý do chứng tỏ Cha không muốn tôi tiếp tục tu.
Lôi ra cho hết mọi lý do chứng tỏ câu trả lời 2 là sai. Cân nhắc cho hết và cho đúng mọi lý thuận. Cân nhắc cho hết và đúng mọi lý nghịch. Lý trí nghiêng rõ về bên nào thì chọn bên ấy. Nếu các lý thuận rõ ràng nặng hơn lý nghịch thì chọn thôi tu. Nếu các lý nghịch rõ ràng nặng hơn lý thuận thì chọn tiếp tục tu.
1) Liệt kê cho hết mọi lý do.
* Làm sao liệt kê cho hết mọi lý do?
Thường phải để các lý do tự do xuất hiện rồi mới tìm cách moi móc hết mọi lý do.
Trong suy nghĩ cầu nguyện, trước hết tôi để các lý do thuận tự do xuất hiện, không kiểm duyệt cho hết. Có sao tôi ghi đúng như vậy. Sau đó tôi suy nghĩ để moi ra cho hết mọi lý thuận. Tôi suy nghĩ xem nếu chấp nhận câu trả lời này thì tôi sẽ được gì.
Tiếp đến tôi tìm các lý nghịch. Tôi cũng để các lý nghịch tự do xuất hiện không cấm cản. Sau đó mới tìm cách moi ra cho hết những lý do nghịch.
* Tại sao phải liệt kê cho hết các lý do thuận nghịch?
Để tránh sai lầm và tránh đặt lại vấn đề khi gặp khó khăn. Nếu chưa liệt kê hết mọi lý do thì hoặc có thể nhận định sẽ sai và lúc gặp khó khăn, ta có thể đòi chọn lựa lại.
2) Cân nhắc cho hết và cho đúng mọi lý do.
* Phải nhắc cho hết và cho đúng mọi lý do.
* Tại sao? Vì không cân nhắc cho đúng sức nặng của mỗi lý do thì có thể quyết định sai và có thể sẽ đặt lại vấn đề khi gặp khó khăn.
3) Xem lý trí nghiêng hẳn về bên nào.
Lý trí nghiêng phía nào thì quyết định theo phía đó.
c. Xem xét các lý thuận, lý nghịch cho câu trả lời thứ 2 (làm y như phần b trên đây).
d. Sau khi đã cân nhắc thì chia sẻ với người hướng dẫn.
đ. Khi nào kết thúc việc xem xét lý do?
Khi tôi đã chắc chắn và hài lòng vì liệt kê đã hết, cân nhắc đã hết và đã đúng cho cả hai câu trả lời, phía nghiêng đã rõ. Nếu chưa thỏa mãn thì làm lại cho tới khi thỏa mãn.
4. Dùng tưởng tượng để biết phải chọn hướng nào.
Nếu sau khi dùng lý trí chọn lựa mà không thỏa mãn hoàn toàn thì có thể dùng tưởng tượng để biết phải chọn hướng nào. Theo cách này, ta sẽ làm như sau.
a. Nhắc lại câu hỏi với câu trả lời như ở 3a trên đây.
b. Tạo tâm trạng thích hợp
Phải cầu xin để tôi cảm thấu tình yêu của Thiên Chúa là Cha tôi đối với tôi đến độ tôi chỉ còn muốn chọn điều nào đẹp lòng Cha hơn cả (LT 184).
c. Khuyên người xa lạ lựa chọn điều nào thì tôi cũng chọn điều ấy.
Hãy tưởng tượng một người mà tôi chưa bao giờ gặp, cũng chẳng hề quen biết đến hỏi ý kiến tôi để biết phải lựa chọn bên nào. Rất khao khát người ấy cảm thấu tình yêu của Thiên Chúa là Cha của họ và họ chọn được điều Cha muốn cho họ. Tôi khuyên họ chọn phía nào thì tôi cũng chọn phía ấy (LT 185).
d. Lúc tôi chết tôi muốn bây giờ tôi chọn bên nào?
Tưởng tượng mình ở vào giờ chết. Vào lúc ấy, tôi muốn bây giờ tôi chọn bên nào thì bây giờ tôi cũng chọn như vậy. (LT 186).
đ. Vào ngày phán xét, tôi muốn bây giờ chọn bên nào?
Tưởng tượng tôi sống trong ngày phán xét chung. Vào ngày ấy tôi muốn bây giờ tôi lựa chọn bên nào thì bây giờ tôi chọn bên ấy (LT 186).
5. Xin xác chuẩn
Khi đã làm xong việc lựa chọn hay quyết định mà thấy đã đủ chắc chắn, rõ ràng và muốn ngưng lại thì người nhận định đến với Chúa, dâng cho Người việc lựa chọn đó để Người đoái nhận và xác chuẩn cho. Nếu thấy lòng bình an, hoan lạc thì có thể ngưng lại và coi như việc nhận định đã xong. Nếu thấy lòng không yên, buồn sầu thì chưa ngưng lại được và phải làm việc lựa chọn lại hoặc chuyển sang phương pháp nhận định thiêng liêng.
Bước 4 – Nhận định thiêng liêng
Giờ đây, tôi bắt đầu xem xét và nhận tích các chuyển biến nội tâm (an ủi, sầu khổ, sợ hãi, giằng co, vui tươi, bình an) xuất hiện trong tôi từ khởi đầu cuộc nhận định.
1. Xem xét các dấu hiệu Chúa ra cho câu trả lời thứ nhất: Chúa muốn tôi tiếp tục tu.
a. Trước hết dâng cho Chúa lựa chọn câu trả lời thứ nhất, rồi xem xét các hệ quả của lựa chọn ấy trên bản thân tôi cùng trên tương quan giữa Chúa và tôi.
b. Tiếp đến quan sát những chuyển động nơi mình.
* Trong tôi xuất hiện những chuyển biến nào? Những ước nguyện nào?
* Tôi cảm thấy gần Chúa hơn hay xa Chúa hơn?
* Tôi cảm thấy mình có hài lòng không?
* Tôi có cảm thấy bình an, hoan lạc hơn, an ủi hơn hay cảm thấy xáo trộn, buồn chán và sầu khổ.
2. Xem xét các dấu hiệu Chúa ra cho câu trả lời thứ hai: Chúa không muốn cho tôi tiếp tục tu.
Cũng làm như ở câu trả lời thứ nhất, nghĩa là dâng cho Chúa lựa chọn rồi quan sát chuyển động.
a. Dâng Chúa câu trả lời thứ hai, rồi xem xét hệ quả của lựa chọn trên bản thân và trên tương quan giữa Chúa và tôi.
b. Quan sát chuyển động
Tôi quan sát nỗi lòng tôi xem có thấy xuất hiện những chuyển động cùng những ước nguyện.
* Tôi thấy tôi gần Chúa hay xa Chúa hơn?
* Tôi cảm thấy mình có hài lòng không?
* Tôi có cảm thấy bình an, hoan lạc, an ủi hơn hay cảm thấy xáo trộn, buồn rầu và sầu khổ.
3. Gặp người hướng dẫn
Tôi đến gặp người hướng dẫn để cùng nhau nhận tích các chuyển biến nội tâm.
4. Bao giờ mới quyết định được?
a. Chưa rõ thì chưa quyết định được.
Nếu không lựa chọn nào làm cho tình thân giữa Chúa và tôi lớn lên hay suy giảm thì chưa rõ nên chưa quyết định được. Tôi phải lặp lại những bài tập đã làm và cứ để cho chuyển biến nội tâm thay nhau xuất hiện, cho tới khi sáng tỏ. Cũng có thể là trong 2 điều chọn lựa, không điều nào tốt cả. Trong trường hợp này, tôi phải xem lại những câu trả lời, có lẽ phải thu hẹp thêm thông tin, hoặc phải thay đổi cách trả lời.
b. Đã rõ thì quyết định
Nếu câu trả lời nào làm cho tình thân giữa Chúa và tôi tăng triển trông thấy, và đem lại cho tôi bình an, niềm vui, trong khi câu trả lời ngược lại chỉ ngăn cản tình thân ấy, làm cho tôi buồn chán và xáo trộn trong lòng thì rõ ràng tôi phải chọn bên nào và phải bỏ bên nào rồi. Tôi đã sẵn sàng để quyết định.
c. Quyết định
Khi thấy rõ là mình được bình an đủ, tôi có thể quyết định. Tôi trở lại cầu nguyện để thực sự dâng mình cho Chúa và dấn thân theo hướng tôi đã nhận ra những tín hiệu cho thấy là đẹp lòng Chúa. Tôi cố gắng làm cho quyết định trở nên dứt khoát: phát triển càng rõ càng tốt và bảo đảm đó là một quyết định thẳng thắn, toàn diện, vì điều kiện. Tôi viết quyết định ấy ra và nêu rõ những động cơ chính yếu khiến tôi đi đến quyết định ấy.
Bước 5 – Xin xác chuẩn
Quyết định xong, tôi phải mau chóng thực hiện, đồng thời để ý ghi nhận các xác chuẩn. Xác chuẩn đầu tiên có thể thấy được là niềm vui mà tôi cảm thấy khi tôi thực sự bắt tay thực hiện quyết định. Hễ quyết định tốt là vui: mọi quyết định tốt đều mang theo bình an và niềm vui. Vậy trong suốt giai đoạn này, tôi cứ ở trong bầu khí nhận định để thấy rõ các chuyển biến nội tâm của mình. Nên gặp lại người huớng dẫn để được hướng dẫn theo hướng ấy.
Trong khi thực hiện, nếu thấy không ổn, bị xâu xé, hình như mình đã quyết định lầm, thì trước hết tôi phải nhận định về giả định này và không bỏ một quyết định mà tôi đã để ra bao nhiêu công sức mới có được. Không được lẫn lộn khó khăn với nghi ngờ. Vạn khó khăn cộng lại cũng không thành một nghi ngờ.
Nếu thấy hiển nhiên là tôi đã lầm, thì tôi phải làm lại, phải dựa vào ánh sáng mới này mà khởi sự lại và tiến hành việc nhận định lại.