SỨC MẠNH TRONG YẾU ĐUỐI (2Cr 4, 7-12) Con người luôn bị bao vây bởi những yếu đuối về thể xác cũng như tinh thần: nghèo đói, bệnh tật, thất bại, mất mát, thua thiệt, hiểm nguy, chết chóc, tội lỗi. Dù thế, lịch sử Giáo hội không ngừng chứng minh sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi những con người yếu đuối. Đối với những người tin vào Chúa Giêsu thì sự nghịch lý này lại dẫn chúng ta đến với một mầu nhiệm: Mầu Nhiệm Vượt Qua.
- Sống nghịch lý của mầu nhiệm Vượt Qua
Khi sống Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, thánh Phaolô hiểu được rằng đó là một sự trải nghiệm liên lỉ việc “sống –chết” nơi con người của thánh nhân. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường Đamas đã thay đổi cuộc đời ngài một cách quyết liệt. Đó là một loại trải nghiệm sống-chết đối với Phaolô. Nếu xưa kia những gì ngài cho là giá trị, là đáng tự hào, thì nay ngài dám đánh đổi tất cả để được Chúa Giêsu. Tất cả đã trở nên không có giá trị trước mối lợi tuyệt vời là được hiểu biết và yêu mến Chúa. Những gì trước đây ngài cho là “mối lợi” thì nay lại là “thua thiệt”. Điều đáng ngạc nhiên là trong suốt cuộc đời theo Chúa, ngài đã luôn chọn cho mình đứng dưới “ngọn cờ” của sự yếu đuối. Cái nghịch lý của “sự điên rồ Thập giá” được thánh Phaolô trình bày, ngài yêu cầu độc giả phải đánh giá sự việc không theo tiêu chuẩn, triết lý hoặc sự thông thái loài người nhưng bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong khi Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là một cớ vấp phạm đối với người Do thái (bởi nó mâu thuẫn với nhãn quan thế tục về hành động cứu độ) và là sự ngu dại đối với dân ngoại thì ngài đề nghị với những ai tin vào Đức Kitô hãy nhận ra sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi sự điên rồ Thập giá. Nếu nhìn từ góc độ bên ngoài, việc Đức Kitô Chịu Đóng Đinh thập giá đúng là một sự “thất bại”, một sự “yếu đuối”, và tột đỉnh của yếu đuối là sự chết. Sự thật Ngài đã chết, đã mất tất cả: mất phẩm giá, mất danh dự, mất sự nghiệp và mất cả mạng sống. Nhưng chính từ cái yếu đuối, cái chết chóc đó thì quyền năng của Thiên Chúa lại được mạc khải. Trong yếu đuối lại phát sinh sức mạnh, trong cõi chết lại phát sinh sự sống và ơn cứu độ cho toàn thể thế giới. Còn gì mạnh mẽ hơn SỰ SỐNG? còn gì mãnh liệt hơn TÌNH YÊU? còn gì lớn lao hơn ƠN CỨU ĐỘ? Nhà thần học Brown Alexandra diễn tả rất thâm thúy điều này như sau: việc đóng đinh thập giá (hay mầu nhiệm của sự yếu đuối) là cơ hội cho sự thay đổi thị giác của con người phải mang tính biến đổi: nơi thập giá người ta nhìn thấy tình yêu Thiên Chúa đã chiến đấu vì lợi ích của con người, Ngài đã thực sự bước vào trận chiến với ‘những kẻ cai trị thế gian này’. Bất kỳ ai nhận ra hành động của sự yếu đuối bên ngoài này nơi Thập giá như là sự diễn tả quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ, thì người ấy đã bắt đầu bước vào sự nhận thức mới về SỨC MẠNH. Và một người như thế sẽ nhìn thấy thập giá như là nơi… nơi mà TÌNH YÊU THẦN LINH khước từ đi theo kiểu sức mạnh thế gian.
Bởi thế, Thánh Phaolô đã không ngại sử dụng hình ảnh “kho tàng chứa đựng trong bình sành”. Ngài nhìn nhận về những yếu đuối, giới hạn và sự giòn mỏng của bản thân. Kinh nghiệm sứ vụ của thánh Phaolô cho thấy trong kiếp người chỉ là giòn mỏng và đổ vỡ, nhưng chính trong sự đổ vỡ đó lại chứng tỏ một sức mạnh vô biên của Thiên Chúa luôn hoạt động nơi các tín hữu và nơi các giáo đoàn của ngài. Thánh nhân không bao giờ ngã lòng trước những thất bại, yếu đuối, không chùn bước trước những đau khổ, bách hại, bị gièm pha chỉ trích, bị sỉ nhục và trước mọi hình thức gian truân trong cuộc đời sứ vụ. Những đau khổ mà ngài phải chịu trong thân thể như là dấu chỉ của sức mạnh tình yêu Thiên Chúa và là nơi mà sức mạnh đó được biểu lộ.
Thật vậy, mô hình “sống-chết” của Đức Giêsu luôn được tái diễn trong thân thể của thánh Phaolô: “Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Giêsu còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội thánh” (Cl 1,24); “…Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, hoang mang nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình dấu tích cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em” (2Cr 4, 7-12).
Ngài cũng trải nghiệm về những thánh giá từ bản thân: “…thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Ngài quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Cuối cùng ngài tuyên bố gây ngạc nhiên: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi. Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Giêsu ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,9-10).
- Sống Linh đạo MTG cũng chính là sống linh đạo Vượt QuCon người hôm nay dễ bị lôi cuốn bởi sức mạnh và tiêu chuẩn người đời chứ không phải tiêu chuẩn Phúc âm. Tôi đang bị lôi cuốn bởi sức mạnh nào?
- Thánh Phaolo luôn mang trong mình “dấu tích” cuộc thương khó của Đức Giêsu. Còn tôi đang mang trong mình những những dấu tích ấy ở mức độ nào?
- Mô hình “sống-chết” của Đức Giêsu mà thánh Phaolo sống đã đi vào cuộc sống của tôi như thế nào?
- Diễn tả sâu sắc nhất của linh đạo về sức mạnh trong yếu đuối: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”. Sự yếu đuối của bản thân dạy cho tôi nhận ra chân lý nào? Khi nào tôi kinh nghiệm về sự mạnh mẽ nhất? khi nào tôi cảm nhận mình được yêu thương vô điều kiện? khi nào tôi cảm nhận rõ ràng về sức mạnh của ân sủng Chúa?
Hẳn là lúc chúng ta tiếp cận, diện đối diện với sự yếu đuối trần trụi nhất của bản thân và chúng ta đã không làm gì khác hơn là việc phó thác cuộc đời mình vào bàn tay yêu thương và mạnh mẽ của Thiên Chúa.