ĐỨC MARIA – TRUNG GIAN CHUYỂN CẦU
(Ga 2,1-11)
“Họ hết rượu rồi” - Hết rượu
Đoạn Tin Mừng trên, thánh Gioan đã thuật lại một câu chuyện tiệc cưới của một đôi bạn tại làng Cana, miền Galilê. Trong số khách dự tiệc tiệc cưới, có những vị khách rất đặc biệt, đó là Mẹ Maria, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài. Theo phong tục tiệc cưới của người Do-thái, nghi thức rước dâu về nhà chồng thường diễn ra lúc chiều tối và dự tiệc cưới vào ban đêm. Thời gian tiếp khách và tổ chức ăn mừng tiệc cưới có thể kéo dài khoảng một tuần. Đây là thời gian vui mừng, hạnh phúc nhất trong cuộc đời của đôi tân hôn. Vì thế, gia đình hôn nhân không sợ tốn kém trong việc thiết đãi khách dự tiệc. Khách có thể ăn uống, vui chơi, chúc tụng nhau thoải mái. Như thế, việc chuẩn bị đủ rượu cho thời gian kéo dài tiệc cưới là rất quan trọng. Nhưng không may cho gia chủ và đôi tân hôn hôm nay là đang tiệc cưới và khách còn đầy nhà thì hết rượu. Niềm vui thật dang dở và có thể nói là một nỗi buồn, một sự tủi nhục cho gia chủ, biết nói thế nào với khách bây giờ, và hơn nữa là một điều xui xẻo cho hạnh phúc của đôi tân hôn. Trước tình huống này, Đức Maria, một người phụ nữ là khách mời rất tinh tế và bén nhạy, Mẹ không chỉ nhận ra tình huống nhưng còn thấu hiểu được sự lo lắng đầy khó khăn, bế tắc của chủ nhà, của đôi tân hôn và của gia nhân giúp việc cho tiệc cưới. Mẹ đã nhanh nhẹn để nhận ra tình huống và cách xử trí tình huống hiệu quả nhất. Khi Mẹ thấy họ hết rượu, thì Mẹ đến ngay với Chúa Giêsu và nói: “Họ hết rượu rồi”. Điều này cho thấy niềm tin của Mẹ vào Chúa Giêsu là một niềm tin vững chắc. Mẹ tin rằng Ngài có thể làm một dấu lạ để giúp gia chủ thoát khỏi tình huống bế tắc này.
Thứ rượu vật chất cần thiết và quan trọng để góp phần làm cho bữa tiệc thêm vui say, tình bạn bè, thân hữu và tương quan huynh đệ thêm thân thiện, thắm thiết hơn, thì thứ “rượu tình yêu” trong gia đình và trong đời sống thánh hiến là yếu tố vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Thế nhưng tình trạng Hết “rượu tình yêu” trong đời sống thường ngày của mỗi gia đình hay của mỗi cộng đoàn thánh hiến là điều dễ xảy ra. Hết “rượu tình yêu” làm cho các mối tương quan trong đời sống trở nên khô cứng, làm cho con người sống trong khổ đau, bế tắc, mệt mỏi và suy nhược cả về thể xác lẫn tinh thần. Khi đối diện với một tình huống như thế, ai trong chúng ta cũng mong muốn có được một ai đó thật tinh tế, bén nhạy để thấu hiểu, cảm thông và có khả năng giúp ta thoát khỏi khó khăn như Mẹ Maria đã giúp gia đình tiệc cưới ở Cana.
Là người Nữ tu Mến Thánh, tôi không chỉ được mời gọi biết sống trông cậy vào sự trợ giúp và bầu cử của Mẹ trong đời sống cá nhân hay cộng đoàn của tôi, nhưng tôi còn được mời gọi để bắt chước gương Mẹ về sự tinh tế, bén nhạy trước nhu cầu của tha nhân, nhất là nhu cầu của những anh chị em đang sống trong tình trạng “gia đình hết rượu” yêu thương, chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ nhau. Tôi cũng phải nhạy bén với tình trạng “cộng đoàn hết rượu” của đời thánh hiến. Một cộng đoàn không còn sự bén nhạy, tinh tế trước những nhu cầu vật chất và tinh thần của chị em, không có sự thấu hiểu nỗi khổ đau trong tâm hồn, không có sự cảm thông về những giới hạn và khác biệt, không có sự nâng đỡ và cảm thông khi yếu đuối, vấp ngã, thất bại trong đời sống cá nhân hay cộng đoàn…
Vì thế, để đời sống thánh hiến trở nên vui tươi, lành mạnh và sung mãn thì mỗi chị em cần được nuôi dưỡng bằng thứ “rượu” yêu mến suy niệm Lời Chúa mỗi ngày; trung thành và sốt sắng cầu nguyện trong việc cử hành thánh lễ, kinh nguyện; nuôi dưỡng các mối tương quan bằng sự bao dung, cởi mở, chân thành trong đối thoại, biết lắng nghe nhau bằng thái đội tích cực để thấu hiểu và cảm thông; nuôi dưỡng bằng những bữa ăn đầy sự tươi vui, thắm tình huynh đệ và cần làm dậy lên những thứ men của tinh thần dấn thân qua công việc bổn phận hàng ngày và sự thuộc về để xây dựng cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, loan báo Tin Mừng bình an của Chúa ngay trong chính cộng đoàn mình đang ở.
Khi suy nghĩ về những điều này, mỗi chị em chúng ta cần chiêm ngắm Mẹ để rút ra bài học gì cho mình trước nhu cầu của chị em và của tha nhân?
- “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”
Mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Mẹ đã nói câu này ở vị thế và vai trò hoàn toàn chủ động như thể Mẹ có trách nhiệm phải giải quyết khó khăn này. Lời của Mẹ không chỉ là một gợi ý mà còn như một mệnh lệnh, cần sự vâng phục tuyệt đối: “cứ làm theo”, không cần lời giải thích.
Chúa Giêsu bảo họ: các anh hãy đổ nước vào chum. Họ làm theo lời Chúa Giêsu nói và quả thật dấu lạ đã xảy ra, đó là nước lã đã hóa thành rượu, và lại còn là rượu ngon, đến nỗi người ta phải nói với tân lang: “ai ai cũng thết rượu ngon trước, khi khách ngà ngà mới thết rượu xoàng hơn”. Còn anh thì lại giữ “rượu ngon” cho tới mãi bây giờ. Để có được thứ rượu ngon như thế, thì cần phải có thứ “rượu niềm tin” vững chắc vào Thiên Chúa của Mẹ Maria và sự vâng phục tuyệt đối của gia nhân. Dấu lạ Chúa Giêsu làm cho “nước hóa thành rượu ngon”, sẽ giúp khơi dậy và củng cố niềm tin cho các môn đệ, đồng thời bày tỏ vinh quang Thiên Chúa cho mọi người trong tiệc cưới và dân vùng Cana. Quả thật, khi bất cứ ai biết làm theo ý muốn của Thiên Chúa thì những dấu lạ chắc chắn sẽ xảy ra.
Qua dấu lạ này, chúng ta cần nhận ra vai trò trung gian của Mẹ Maria trước Thiên Chúa cho đời sống của mỗi chúng ta. Mẹ không có quyền năng để làm dấu lạ, Mẹ cũng không thay thế Chúa Giêsu, nhưng Mẹ đã thể hiện một đức tin tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, con Mẹ. Chúa Giêsu mang ơn cứu độ đến cho con người, nhưng con người nhận được ơn cứu độ đó qua sự trợ giúp của Mẹ Maria.
Câu chuyện tiệc cưới hôm nay, thánh Gioan đã làm nổi bật mẫu gương của Mẹ Maria, mẫu gương về lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, mẫu gương về sự bén nhạy, tinh tế và giàu lòng trắc ẩn trước nhu cầu của gia đình tân hôn nói riêng và những nhu cầu của toàn thể nhân loại, nhất là trước nỗi khổ đau của con người. Vì thế, Mẹ đã vào cuộc như thể trách nhiệm của Mẹ phải lo toan, Mẹ đi bước trước để đến cầu xin với Thiên Chúa ban ơn cho con người. Đây có phải là mẫu gương mà tôi, một người nữ tu phải bắt chước Mẹ? Tôi có sự bén nhạy, tinh tế trước nhu cầu của chị em trong cuộc sống hàng ngày? Tôi có ý thức vai trò trung gian chuyển cầu cho anh chị em đang đau khổ, thất vọng, nghèo đói về mọi phương diện đang cần lắm một lời cầu nguyện, một sự hiện diện, thăm hỏi, lắng nghe, chia sẻ và nâng đỡ cách này hay cách khác?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao cho nhân loại một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria. Mẹ đã mang cả nhân loại trong trái tim mình, Mẹ cảm thông, chia sẻ và chuyển cầu cho chúng con trong mọi khó khăn của đời sống trần gian này. Xin Chúa ban cho mỗi chị em trong Hội dòng chúng con, luôn biết noi gương Mẹ để chúng con trở thành người nữ tu có một trái tim bén nhạy như Mẹ, giàu lòng trắc ẩn trước nỗi khổ đau của chị em trong cộng đoàn và của anh chị em đồng loại, nhất là những anh chị em đang đắm chìm trong đau khổ bởi tội lỗi, nghèo đói, chiến tranh, dịch bệnh, ghen ghét, chia rẽ, hận thù, khủng bố, bách hại đức tin... Xin cho chúng con luôn ý thức trở thành trung gian chuyển cầu như Mẹ, để lòng thương xót và phúc lành của Thiên Chúa xuống trên mỗi gia đình, mỗi Dòng tu và trên toàn Giáo hội và xã hội trong thế giới hôm nay.