Thứ bảy, 23/11/2024

Tĩnh Tâm Tháng 06.2021: Bí Tích Thánh Thể - Trung Tâm Đời Sống Dâng Hiến

Cập nhật lúc 08:39 28/05/2021



BÍ TÍCH THÁNH THỂ - TRUNG TÂM ĐỜI SỐNG DÂNG HIẾN

(1Cr 11,23-27)

Cuộc sống con người cả thể chất và tinh thần đều cần phải được nuôi dưỡng. Nếu như cơm bánh là thứ lương thực cần thiết cho thân xác đến độ người ta có thể bỏ hết thời gian, tài năng và sức lực để tìm kiếm nó, thì Thánh Thể càng cần thiết hơn bội phần để nuôi dưỡng linh hồn và cho ta hạnh phúc mai hậu. Thế nhưng trong thế giới có quá nhiều thứ quan trọng và cần thiết này, Thánh Thể chiếm vị trí nào trong đời sống người tu sĩ?
  1. Bí tích Thánh Thể là trung tâm đích thực của đời sống Hội Thánh
Công Đồng Vaticano II khẳng định: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo” (LG 11). Thật vậy, Hội Thánh không phải chỉ là một phương tiện để loan báo Tin Mừng, mà còn là nơi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, tình hiệp nhất liên kết chúng ta với Chúa Kitô và với nhau nhờ Thánh Thể.
Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu nói “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em,… anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24). Một cách vô tình, Bí tích Thánh Thể có khi đã trở thành “ đối tượng để tôn thờ” hơn là “Bí tích phải sống”. Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến thầy:  mệnh lệnh ấy của Chúa Giêsu  không chỉ nhắm đến linh mục chủ lễ, nhưng đến từng người tham dự trong cộng đoàn phụng vụ. Chúa muốn chúng ta không chỉ tôn thờ, yêu mến Thánh Thể mà phải trở nên Bánh bẻ ra cho đời.
Vì yêu thương chúng ta và muốn hiện diện, ở lại với chúng ta cách hữu hình, Chúa Giêsu đã hiến mình cho ta. Ngài biến Thịt Máu mình trở nên Bánh để hiện diện cách sống động trong ta. Vì thế, khi ăn Bánh Thánh ta được đón nhận ơn thánh; ăn Chúa Giêsu ta trở nên sự hiện hữu của Ngài; trong Chúa Giêsu ta được hiệp thông với nhau bởi Bánh; như Chúa Giêsu ta được mời gọi: hãy trở nên tấm bánh bẻ ra, hãy xả thân, chấp nhận lao nhọc, để sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
 Thánh giám mục Inhaxio Antiokia đã có câu nói rất đẹp về cuộc tử đạo sắp xảy đến của mình: “Tôi là hạt miến của Thiên Chúa; tôi sẽ bị răng thú dữ nghiền nát, để trở nên tấm bánh tinh tuyền của Đức Kitô”. Vì thế, hãy làm”, câu mệnh lệnh này muốn mời gọi mỗi ki tô hữu hãy trở nên “con người Thánh Thể”, nghĩa là không chỉ tôn thờ mà còn sống mầu nhiệm ấy theo khuôn mẫu của chính Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương nhân loại đến cùng.
  1. Thánh Thể được ví như nguồn sống nơi người tận hiến
Như cá không nước, cây không nhựa, đèn không dầu, xe không xăng, đời tu mà không yêu mến đến với Chúa Giêsu Thánh Thể thì tâm hồn sẽ suy yếu và chết yểu dần dần, vì: nếu chúng ta không ăn Thịt và uống Máu Con Người, chúng ta không có sự sống nơi mình (x. Ga 6, 53). Còn “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 56-57).
Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngài tình nguyện ở lại như thế để làm gì nếu không phải vì con người và mong cho con người được hạnh phúc, được sống dồi dào và tồn tại muôn đời. Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả để những người thuộc về Ngài được sống và sống dồi dào.
Nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta kín múc được nguồn suối tình yêu đến với tâm hồn chúng ta, làm cho mảnh đất tâm hồn được dạt dào và tốt tươi; đồng thời chúng ta cũng được mời gọi diễn tả hay làm cho dòng chảy đó đến với những tâm hồn sa mạc đang cần đến dòng suối tình yêu tuôn chảy đến mọi ngõ ngách khô cằn của tâm hồn.
Các nữ tu dòng mẹ thánh Teresa Calcutta chầu Thánh Thể Chúa mỗi ngày 1h, để kín múc sức mạnh tình yêu, lòng nhiệt thành từ Bí tích Thánh Thể, khiến một vị ký giả đã nói rằng nếu có trả ông 100 đô la ông cũng không làm cái công việc lau chùi vết thương lở loét trên những người bệnh. Mẹ Têresa cũng trả lời ông rằng: tôi cũng thế, dù có trả tiền tôi nhiều hơn thế tôi cũng không làm, nhưng vì Chúa Giêsu thì không có đồng nào, chúng tôi vẫn làm. Sự khác biệt giữa con người có Chúa Giêsu và không có Chúa Giêsu là như thế đó.
Vậy tôi đã sống mầu nhiệm Thánh Thể thế nào trong đời tu của tôi?
  1. Chiêm ngắm mầu nhiệm tự hủy nơi Bí tích Thánh Thể
Có cái gì đó tương tự giữa “phận làm người” và “phận làm bánh” của Chúa! Nét giống nhau ấy chính là sự tự hủy trong cả hai mầu nhiệm nhằm mang lại ơn cứu độ.
  • Sự tự hủy trong mầu nhiệm Nhập thể: Ngôi Hai từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa  →  trở thành bào thai bé nhỏ → không bám víu vào sự sống của mình → chịu thương khó và tử nạn →  được chôn vào lòng đất → được siêu thăng và thực hiện ơn cứu độ nhân loại.
  • Sự tự hủy trong Bí tích Thánh Thể: Chúa Giêsu từ thân phận con người→ tự trở thành một tấm bánh mỏng manh→ tấm bánh ấy không bám víu vào sự toàn vẹn của mình→ chấp nhận bị bẻ ra để trao ban→ được tan biến trong lòng người đón nhận→ thực hiện ơn cứu độ cho những ai đón nhận cách xứng đáng với lòng tin.
Đời dâng hiến của chúng ta cũng chính là tấm bánh cuộc đời để bẻ ra, để trao ban như Chúa Giêsu. Tôi rung động về điều gì khi chiêm ngắm Bí tích Thánh Thể?
Lạy Chúa, xin cho đời dâng hiến của chúng con trở nên hữu dụng khi chúng con được nên một với Chúa nhờ Bí tích Thánh Thể và chúng con có thể trở nên mọi sự cho mọi người. Amen.
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Phút Tạ Ơn (1) (31/12/2020)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log