Suy niệm
Đời sống thiêng liêng của người Ki-tô hữu phải quy về ý thức tình bằng hữu của Đức Ki-tô đối với mỗi người chúng ta. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã diễn tả thực tại sâu xa đó khi ông nói về mối tương quan giữa ông với Đức Ki-tô: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Ðó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 29-30).
Những lời lẽ đơn giản này tóm lược tất cả thái độ Ki-tô giáo trong đời sống thiêng liêng. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã chiêm ngắm Đức Ki-tô, Vị Tân lang như là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Còn ông, ông chỉ là bạn của Tân Lang. Ông không có quyền gì trên Giáo Hội, ông chỉ là người tôi tớ khiêm hạ giữa bao nhiêu người khác. Thế nhưng, ông biết rõ mình là bạn của Tân Lang, nên ông định nghĩa cho thái độ của mình là như vậy.
Mỗi kitô hữu có thể tự xưng là bạn của Chúa Ki-tô, và có thể định nghĩa cho thái độ của mình như vậy trong đời sống thiêng liêng. Đời sống này không cứng nhắc và phức tạp gồm những kỷ luật và khổ chế; cũng không phải là một phương pháp hạn hẹp gồm kinh nguyện và suy gẫm; nhưng chính là sự ý thức được tình bằng hữu của Đức Ki-tô luôn hiện diện với Giáo Hội của Ngài cho đến tận thế. Từ tình bạn đó có thể nảy ra một luật lệ một thể chế, một phương pháp… Nhưng trước hết tình bạn là nền tảng, còn lại chỉ là thứ yếu và là hệ quả.
Bạn của Đức Ki-tô đứng đó và nghe Ngài, rồi khấp khởi mừng vui khi được nghe tiếng Tân Lang. Đời sống thiêng liêng trước hết phải đứng đó, nghĩa là một sự sẵn sàng trước nhan Chúa, một sự nghỉ ngơi trước uy nhan Ngài, một tác động hiện diện trước Thánh Nhan. “Cô Ma-ri-a … cứ ngồi bên chân Chúa” (Lc 10,39) trong thái độ nghỉ ngơi và tín thác. Ở đây cũng không đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hôi tâm hay phải theo một phương pháp suy ngắm thực sự, nhưng đòi chúng ta có một thái độ đón nhận và ý thức sự hiện diện và tình bạn của Đức Ki-tô. Phương pháp nguyện ngắm đơn giản này có thể áp dụng trong mọi lúc của đời sống xáo trộn của chúng ta. Không cần phải có thời gian thinh lặng lâu dài để chuẩn bị cho sự cầu nguyện hay suy ngắm. Trong xe điện, xe đò, ngoài đường phố…lúc nào cũng có thể bỏ ra một giây lát ngắn ngủi cầm trí để đứng đó hiện diện trước Đức Ki-tô và ý thức được tình bạn của Ngài. Phải biết rằng sự hiện diện với Thiên Chúa này là tất cả đời sống thiêng liêng. Bất cứ với phương pháp nào để áp dụng hay duy trì, cũng không cần phải tiếc nuối thời gian vàng son đã qua, lúc mà đời sống êm lặng giúp suy ngắm dễ dàng. Trong những biến chuyển của nền văn minh cơ khí, vẫn còn có chỗ cho sự hiện diện với Thiên Chúa này. Ta chỉ cần tìm ra được những phương thế thích nghi với đời sống hiện đại. (Max Thurian, trích từ Ai Là Anh Em Tôi: Các bài suy niệm theo chủ đề, Nữ Biển Đức chuyển ngữ)
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô! Mỗi lần con đến bên Ngài, con thường mang nơi mình một cảm thức về một Thiên Chúa cao cả, uy linh và siêu việt. Con quỳ mọp xuống trước cung thánh Chúa trong nhà thờ để thờ lạy, để van xin. Con ngước nhìn lên bàn thờ Chúa nơi gia đình để tạ ơn và cầu khẩn. Cõ lẽ một cảm thức về Thiên Chúa như thế chưa đủ, vì Chúa không chỉ là Đấng Cao Cả, nhưng cũng là một bạn nghĩa thiết của con người. Chúa ơi! từ nay, xin Chúa giúp con luôn ý thức rằng Chúa là một người bạn thân của con. Amen.