“Sống đức vâng phục thánh hiến,
người nữ tu MTG tự nguyện đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu Kitô
và liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần để thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha” (HC 30)
***
Bản chất của lời khấn vâng phục là tận hiến ý riêng của mình như lễ vật dâng lên cho Thiên Chúa, và kết hợp với thánh ý Ngài. Như thế, việc vâng phục của tu sĩ hơn hẳn việc vâng phục một bề trên, hơn hẳn việc giữ luật hoặc hiến pháp. Thuật ngữ vâng phục xuất phát từ “ob- audire”, tiếng Latinh có nghĩa là “lắng nghe”, nghe một cách thận trọng, nghe bề sâu, nghe tận cõi lòng, nghe bằng cả tâm hồn. Lắng nghe ở đây luôn hàm chứa một tình yêu, một sự gắn bó thâm sâu và hoàn toàn hướng về đối tượng mình lắng nghe. Sau Lắng nghe chính là hành động tức là làm theo ý của đối tượng muốn truyền đạt. Lắng nghe Thiên Chúa, Đấng luôn kêu gọi ta trong từng hoàn cảnh của ta. Một khả năng lắng nghe như thế đòi hỏi nơi chúng ta sự từ bỏ mình cách khiêm tốn và một sự tập trung vào Đấng hiện diện trong mọi sự. Khi ấy, vâng phục không chỉ là ám chỉ đến bề dưới mà còn cả bề trên nữa, lắng nghe Thiên Chúa Đấng tỏ mình trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố, nơi từng chị em trong cuộc sống. Thật vậy đối với người tu sĩ, ngoài việc bước theo sát Chúa Kitô Khiết tịnh và Nghèo khó, họ còn phải đi đến mức độ tận hiến cao nhất đó là tận hiến sự tự do và quyền làm chủ định đoạt đời mình cho Chúa Giêsu.
- Người tu sĩ tự nguyện đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu Kitô
Khi cam kết sống vâng phục như Chúa Giêsu là người sống đời thánh hiến bước vào một hành trình mới, một hành trình mà họ không còn sống cho riêng mình nữa nhưng hoàn toàn sống cho một Đấng khác. Họ không còn tùy thuộc vào chính mình nữa nhưng tùy thuộc vào một Đấng khác. Tin Mừng Gioan không ngừng nói đến sự tùy thuộc của của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa Cha: Ngài phát xuất từ Cha, luôn hướng về Cha, gắn bó với Cha, yêu mến Cha, sống nhờ thánh ý Cha, làm theo ý Cha. Ngài hoàn toàn đặt đời mình trong bàn tay yêu thương của Cha, hoàn toàn trao quyền làm chủ cuộc đời mình cho Chúa Cha.
Đọc kỹ những trang Tin Mừng Gioan ta thấy từ lời nói, thái độ sống, cách hành xử của Chúa Giêsu là một cách hành xử của người thảo luôn qui phục Chúa Cha, hoàn toàn tùy thuộc vào sự định đoạt của Cha. Vì yêu mến Cha nên Ngài không nhất thiết phải sống theo ý riêng mình. Mọi chương trình và ý muốn của Cha đều trở nên chương trình và ý muốn của Con. Đây chính là một sự tùy thuộc toàn diện và tuyệt đối, là một sự tùy thuộc lạ lùng và kỳ diệu, biểu lộ một tình yêu sâu nhiệm của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu thuộc trọn về Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói “Ta và Cha là một”.
Nếu hiểu ý nghĩa của “vâng phục” như thế, thì mỗi người chúng ta phải tự vấn: được bao nhiêu tình yêu ta dành cho Thiên Chúa và quy hướng về Đấng mà tôi yêu mến và gắn bó? Đấng mà tôi tự nguyện trao phó quyền làm chủ cuộc đời tôi? Vì thực tế nhiều khi ta luôn lừng khừng và bủn xỉn trong việc hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Ta quyết tâm sống khiết tịnh nhưng vẫn để cho đủ thứ đam mê tình đời mon men. Ta quyết tâm sống nghèo, nhưng lại luôn tìm mọi cách để có được những thứ ta muốn. Ta quyết tâm sống vâng lời nhưng khi chạm tới ý riêng thì ta lại vùng vẫy. Ta bảo ta đã dâng hết mọi sự cho Thiên Chúa, nhưng kỳ thực, ta chẳng dâng gì cả, tất cả đều vẫn ở trong tay ta. Cuối cùng Chúa không làm chủ cũng chẳng được quyền gì trong đời ta.
Như vậy đối với người tu sĩ, đâu là mấu chốt của vấn đề? “vâng hay không vâng”?, “phục hay không phục”? Nếu nhìn thật kỹ nơi Chúa Giêsu ta thấy rõ: Vấn đề mấu chốt của chúng ta chính là không diễn tả được hành vi cụ thể của ĐỨC TIN và sự hâm hẩm của TÌNH YÊU. Dường như đức tin của chúng ta đang sống là một tình trạng “đức tin đang chảy máu”. Nếu chúng ta chân thành tự vấn tận cõi lòng, ta sẽ biết được bao nhiêu tình yêu, bao nhiêu hy sinh tôi thực sự dành cho Thiên Chúa, hay tôi tin Chúa, yêu Chúa sẽ là cơ hội tốt để CÁI TÔI chúng ta mỗi ngày thêm bành chướng?
2. Liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần
Liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần muốn nói lên một đời sống không ngừng cầu nguyện. Trong đời sống cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ mặc cho ta những tâm tình con thảo của Chúa Giêsu, để ta biết khiêm nhường yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa qua những trung gian Chúa gửi đến, qua biến cố, công việc bổn phận… toàn bộ đời sống Thiên Chúa đòi ta một sự không ngừng truy tìm thánh ý Ngài. Trong đời sống cầu nguyện Chúa Thánh Thần làm cho ta có thiện ý ngay qui hướng mọi tư tưởng, ước muốn và hành động về Thiên Chúa, không để cho ta tìm kiếm bất cứ sự gì, không qui về mình bất cứ thứ gì, dù là điều nhỏ nhất, thầm kín nhất. Sống trong đời sống cầu nguyện liên lỉ, tự bản chất sẽ trở thành “chiếc mũ chiến” trên đầu và bảo vệ ta khỏi những mũi tên “hòn đạn” của kiêu ngạo, giúp ta nhạy bén nhận ra tín hiệu từ Thiên Chúa qua những trung gian, những biến cố, những khó khăn, những giằng co, trái ý. Sống trong cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ rèn giũa và thanh luyện tâm hồn ta y như một người thợ rèn, thợ gốm, để ta biết buông bỏ những gì là “rỉ sét của cuộc đời”.
Chiến thắng để từ bỏ chính mình chính là sự chiến thắng và từ bỏ sâu xa nhất, nhưng chỉ khi đi đến mức sâu xa nhất ta mới gặp được BẢN NGÃ THẬT của mình được đã được thiết kế trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Biển Đức đã có lý khi ngài thường xuyên căn dặn anh em hãy coi chừng kẻ thù lớn nhất của anh em chính là ý riêng. Napoleon thì nói: kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính bản thân mình. Thật vậy, khi đoan hứa sống Vâng phục, người sống đời thánh hiến như đã “đụng chạm” sâu thẳm đến “cái tôi” của mình. Sống đời sống cầu nguyện thực sự, chúng ta sẽ phải trải nghiệm về mô hình “sống-chết” của Thánh Phaolo, chúng ta sẽ chạm đến tận cùng cái “sống-chết” của cái tôi, và khi đó chúng ta hiểu được cái nghịch lý của Thập giá, ta sẽ sống một kinh nghiệm mới về Thiên Chúa, kinh nghiệm về “sức mạnh trong yếu đuối. Đó chính là kinh nghiệm mà chính Chúa Giêsu đã phải trải qua trên thập giá. Quả thật cái chết là tận cùng của sự yếu đuối, của thất bại, của sự mục nát nơi hạt lúa mì. Nhưng chính trong tận cùng của sự mục nát ấy lại vọt lên SỰ SỐNG VĨNH CỬU của Thiên Chúa. Còn gì mạnh mẽ hơn SỰ SỐNG? còn gì mãnh liệt hơn TÌNH YÊU? còn gì lớn lao hơn ƠN CỨU ĐỘ?
Sống đức vâng phục thánh hiến, nghĩa là họ luôn “bước đi trước Thiên Nhan Chúa”, luôn biết soi dọi đời mình nơi Chúa Ki-tô, biết lấy thánh ý Chúa làm quan trọng nhất trong cuộc đời, biết điều chỉnh từ điều hợp ý mình đến điều hợp ý Chúa, hầu có thể vươn tới sự tự do đích thực, sự tự do ưng thuận, kah khát và làm theo thánh ý Thiên Chúa, vì: “Đức vâng phục trong đời tu chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa” (Sắc lệnh Perfectae Caritatis, 46).
- Để người tu sĩ thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha
Sự vâng phục của chúng ta không chỉ diễn ra một lần là xong, cũng như ý muốn của Thiên Chúa không chỉ nói với con người một lần là đủ. Do đó, mỗi người đều phải tìm cách đọc ra ý Chúa trong bổn phận và trong hoàn cảnh riêng của mình. Vâng phục chính là lắng nghe tiếng Chúa qua sự soi dẫn của Thánh Thần, lắng nghe Giáo Hội, lắng nghe Hội dòng, lắng nghe chị em, lắng nghe những thách đố của thời đại, và nhất là lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa trong từng chi li của đời sống. Đối diện với những lời mời gọi của Thiên Chúa, tất cả mọi thành phần trong Hội dòng đều phải vâng phục.
Vâng phục chính là lắng nghe, không chỉ nghe bằng tai nhưng bằng cả con tim, bằng tấm lòng chân thành và bằng cả cuộc sống. Sẽ không sống được trọn vẹn ý nghĩa của “lắng nghe” nếu không có tình yêu. Có những lúc chùn chân mỏi gối, chúng ta thật sự thấy sự vâng phục chẳng dễ thực hiện. Tìm biết ý Chúa đã khó, mà vâng phục ý Chúa trong những tác nhân trung gian lại càng khó hơn, vì vâng phục luôn đòi hỏi sự xoá mình và một lòng khiêm cung. Như Chúa đã xoá mình để phụng sự ý Cha, như Mẹ Maria đã xoá mình để thưa tiếng xin vâng. Chúng ta cũng dõi theo bước chân của các Ngài, quên mình để vâng phục những gì Chúa đặt để trên hành trình ơn gọi và sứ mạng. Chắc chắn một điều là sẽ chẳng bao giờ chúng ta hiểu hết được ý Chúa, nhưng chúng ta phải làm hết những gì Chúa đã cho biết. Chỉ khi nào chúng ta biết cách soi dọi đời mình trong gương vâng phục của Chúa Kitô, luôn yêu mến và tin tưởng vào thánh ý Chúa như nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho cuộc đời, chúng ta mới thực sự sống đầy đủ ý nghĩa của đời thánh hiến.
Lạy Chúa Giêsu! tâm hồn con dễ nổi loạn khi gặp những trái ý và nghịch cảnh, nhất là khi phải đối diện với những tình cảnh vô lý và đau thương. Con nhiều khi giống như Phêrô bị Chúa mắng “satan” vì không hiểu đường lối của Chúa mà chỉ biết phản ứng bung xung theo tính tự nhiên của con người. Nhưng lạ thay, khi Chúa “bắt” mọi sự vâng phục, thì chính Chúa lại trở nên Đấng vâng phục vì con. Chúa cũng đã phải học biết vâng phục từ những đau khổ để dạy con biết học nơi Chúa sự vâng phục từ những ngang trái và đau thương hàng ngày. Xin khơi rộng trí não và nhất là khơi sâu trong trái tim con bừng lên ngọn lửa tình yêu để con biết vâng phục Chúa trong mọi sự, nhờ đó con có thể sống an vui giữa mọi tình cảnh của đời sống.