SỐNG TINH THẦN MÙA CHAY THEO GƯƠNG THÁNH GIUSE
(Mt 1,18-25; 2,13-23)
WMTGHH - Nói Thánh Giuse là con người của Mùa Chay không phải vì thời gian dành riêng mừng kính ngài trùng với Mùa chay, cũng không phải ngài ăn chay trường như các kinh sư và Pharisiêu, vì Thánh Kinh cũng không ghi lại cho ta biết một lời thoại, một giáo huấn nào của thánh Giuse liên quan đến mùa chay. Tất cả những gì được Thánh Kinh nói về thánh Giuse là hành động thinh lặng bên Đức Maria và Chúa Giêsu. Nhưng chính sự thinh lặng trong hành động này lại là biểu hiện của một “tinh thần Chay trường” nơi thánh nhân. Sự thinh lặng của thánh Giuse không phải sự thinh lặng riêng tư của tĩnh tâm, linh thao; cũng không phải sự thinh lặng của chút tâm tình hi sinh vì nhún nhường; và chắc chắn càng không phải sự thinh lặng do hững hờ, thờ ơ, hay đợi chờ rình rập. Sự thinh lặng của Thánh Giuse là sự thinh lặng thánh triệt để: Ngài chọn thinh lặng để thi hành sứ vụ Cha nuôi Con Thiên Chúa; để bảo vệ thanh danh Đức Maria; để chấp nhận và vâng phục tuyệt đối; để nhiệt thành lao động và phục vụ… Chính khi thánh Giuse làm tất cả theo chương trình, kế hoạch của Thiên Chúa trong thinh lặng mà thánh nhân đã mang lấy cả Mùa Chay lớn vào cuộc đời mình và nên gương mẫu cho chúng ta noi gương Ngài để sống Mùa chay.
a. Thinh lặng để thực thi vai trò người Cha nuôi
Nhà văn Ba Lan Jan Dobraczyński, trong tác phẩm “Hình bóng của Chúa Cha”, đã kể câu chuyện về cuộc đời của Thánh Giuse theo hình thức tiểu thuyết. Ông dùng hình ảnh gợi liên tưởng của một cái bóng để nói về Thánh Giuse. Trong mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời: Ngài trông nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ để Chúa Giêsu đi một mình, nhất là trong những biến cố khúc quanh cuộc đời Đức Giêsu giai đoạn đầu Nhập thể: như đón Mẹ Maria và Đức Giêsu về nhà, về quê khai hộ khẩu, chạy trốn Ai cập và từ Ai cập về… (Mt 1,18-25; 2,13-23, Lc 2,1-27, 33-51a). Chúng ta có thể nghĩ đến những lời của Môsê nói với Israel: “Trong sa mạc… ngươi đã thấy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi bồng bế ngươi như người ta bồng bế con mình, trên mọi nẻo đường các ngươi đi” (Đnl 1,31). Tương tự như vậy, Thánh Giuse đã đóng vai trò một người cha trong suốt cuộc đời của Ngài.Thánh Giuse đã hoàn thành xuất sắc vai trò người “Cha” với Chúa Giêsu: tất cả vì Hài Nhi và cho Hài Nhi. Thánh Giuse lựa chọn thinh lặng để bảo vệ Hài Nhi Giêsu, bảo vệ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong vai trò người cha nuôi.
Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy. (Trích Tông Thư PATRIS CORDE “TRÁI TIM NGƯỜI CHA” của Đức Thánh Cha Phanxicô - Bản dịch của HĐGM – Việt Nam).
Noi gương thánh Giuse trong Mùa chay này, mỗi người chúng ta hãy xác định vị trí của mình trong cộng đoàn và hãy ứng xử với nhau bằng tâm tình người cha: thực sự quan tâm đến nhau trong sự trưởng thành và bác ái vì Chúa, vì ích chung chứ không vì mình.
b. Thinh lặng để cầu nguyện
Sự tĩnh lặng của thánh Giuse không phải là sự ù lì chẳng có gì để nói ra, cũng không phải sự trống rỗng chẳng thấy chi để ghi nhận vào, ngược lại, đó là điều kiện để ngài cầu nguyện. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Đấng giữ gìn Chúa Cứu Thế” đã gợi lại bầu khí thinh lặng bao trùm tất cả những gì liên quan đến bản thân thánh Giuse như sau: "Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì "thánh Giuse làm", nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được "trong những hành động" luôn luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Hằng ngày, thánh Giuse tiếp xúc với "mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ", mầu nhiệm đã "cư ngụ" dưới mái gia đình của thánh Giuse" (Thông điệp Đấng giữ gìn Chúa Cứu Thế, số 25).
Sứ điệp của Thiên Chúa đến với Thánh Giuse cũng đều là trong giấc mơ, trong sự thinh lặng của đêm vắng (Mt 1,20; 2,13-14.19-20). Từ ngữ “giấc mơ” mà Phúc Âm nhắc đi nhắc lại bốn lần không muốn nói tới một điều gì khác ngoài hình ảnh của một tâm hồn bỏ ngỏ cho thánh ý Thiên Chúa tự do tác động.
Trong biến cố phải đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria lánh nạn sang Ai Cập, rồi sau đó từ Ai Cập trở về Nagiarét, thánh Giuse đã cho thấy một dáng hình cầu nguyện không thể quên được. Ngài vâng nghe và thực hành lệnh Chúa mau mắn đến độ lạ lùng (Mt 2,13-14.19-23).
Mùa Chay cũng là mùa cầu nguyện, noi gương thánh Giuse và cùng với ngài chúng ta dành nhiều thời gian thinh lặng thánh để cầu nguyện nhiều hơn, để cảm nghiệm chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho mình và để thực thi thánh ý Thiên Chúa như ngài.
c. Thinh lặng để bảo vệ thanh danh cho Đức Maria
Khi biết Đức Maria mang thai trước khi hai người về chung sống, thánh Giuse phải chịu đựng nhiều nỗi khổ tâm, nhưng ngài không thuộc số những kẻ vội vàng tìm cách trút bỏ nỗi niềm bằng cách kể lể với người khác để vơi đi nỗi sầu, cũng không tố giác Đức Maria. Nhưng ngài chọn thinh lặng, nên ngài đã trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng và tinh tế. Rồi khi được trao trách nhiệm bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” ( Mt 1,20). Thánh Giuse lại là người bảo mật tối đa, thận trọng tuyệt đối với trật tự mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã phần nào soi sáng cho ngài. Và mặc dù không hiểu rõ mọi chuyện, ngài vẫn quyết định thinh lặng bảo vệ danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và cuộc sống của Đức Maria.
Noi gương thánh Giuse, chúng ta chay tịnh lời nói tiêu cực, lời nói xấu, lời đàm tiếu, chỉ trích, lời nói không đúng sự thật. Nhịn không nói đến lỗi của người khác, không cằn nhằn, hay than thở, không thốt ra những lời tự mãn… để bảo vệ nhau.
d. Thinh lặng để chấp nhận và vâng phục tuyệt đối
Thánh Giuse được báo mộng và khi thức dậy ngài đã chấp nhận thánh ý Chúa, đón nhận Đức Maria một cách vô điều kiện: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24), đó chính là đức vâng phục của thánh nhân. Quả thật, nơi thánh Giuse chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng, mà chỉ thấy niềm tin tưởng. Chính sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng. Thánh nhân không chạy trốn khó khăn thử thách, nhưng đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình.
Như vậy, con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận và vâng phục tuyệt đối, vì thánh nhân tin có Chúa ở cùng.
Noi gương Ngài, chúng ta hãy chấp nhận tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời với lòng tin và sự vâng phục từ trái tim cho ý muốn cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện.
e. Thinh lặng để lao động và phục vụ
Đối với thánh Giuse, làm chính là cách nói hay hơn cả, nên ngài không băn khoăn, chẳng phản ứng, nhưng hết mình làm việc bổn phận được trao phó và hết tình gắn bó yêu thương để trở nên trụ cột của một mái ấm gia đình Thánh Gia mà ở đó mọi thành viên đều cảm nhận được hạnh phúc an vui (Lc 2,4-7.22.40.52).
Thánh Giuse tìm được hạnh phúc không phải ở sự hy sinh bản thân mà là ở sự tự hiến, sự quên mình phục vụ gia đình Nadaret. Chính vai trò cùng cương vị “bạn thanh sạch Đức Maria” và “Cha nuôi Đấng Cứu Thế”, đã nói lên thánh nhân là một người tận tụy hy sinh quên mình phục vụ.
Mùa chay là mùa của phục vụ, noi gương ngài chúng ta hãy biết phục vụ khởi đi từ sự quên mình ngay trong chính cộng đoàn chúng ta.
Lời nguyện: Lạy Thánh Giuse, sự thinh lặng của Ngài không chỉ biến ngài nên bức tường thành khổng lồ, vững chãi để Thiên Chúa đầy khôn ngoan tuyển lựa đặt ngài làm Cha nuôi trần gian cho Đấng Cứu Thế, và làm bạn thanh sạch Đức Maria. Bên cạnh đó, sự thinh lặng của ngài còn là hình bóng sự thinh lặng của “Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, Đối Tượng duy nhất của lòng trí con”, đó là sự thinh lặng cứu độ. Xin ngài dạy con trong mùa chay này biết không ngừng chiêm ngắm, lắng nghe sự thinh lặng cứu độ của Chúa Giêsu và cho con biết sống sự thinh lặng thánh như ngài để cầu nguyện, để chuyển tải, để nói, để nghe, để thấu hiểu nhiều hơn, để cảm nghiệm chương trình cứu độ của Thiên Chúa và để cộng tác vào chương trình ấy tích cực hơn. Amen.