CHIÊM NGẮM TÌNH YÊU CỦA ĐỨC GIÊSU TRONG CUỘC KHỔ NẠN ĐỂ SỐNG ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
(Ga 18,1-19.42 và Cl 3,1-17)
WMTGHH - Khi nói đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, có lẽ không bút sách nào có thể diễn tả cho hết những cảm nhận, những suy tư của biết bao con người. Cho đến hôm nay, tình yêu ấy vẫn trào tràn nơi mỗi tâm hồn, và ngay trong giây phút hiện tại này, khi một lần nữa ta còn được hiện hữu trên cuộc đời, trong tĩnh lặng để cùng Chúa đi vào con đường của sầu buồn tang tóc. Nhưng không phải để dìm mình trong nỗi đau thương, mà là để nghiệm thật sâu tình yêu nhiệm lạ của Chúa, từ đó thúc đẩy ta bước tới mặc lấy sức sống mới, sức sống Phục Sinh của Đức Kitô.
- Tình yêu và lòng thống hối
Chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa, nhiều người trong chúng ta có lẽ đã hơn một lần tự hỏi: “Tại sao Chúa lại chết vì tội của tôi?”. Câu trả lời cho nghi vấn này mà mỗi người nghiệm thấy là “Vì Người yêu thương tôi!”. Quả thực như vậy, câu trả lời trên“như một luồng ánh sáng soi chiếu đức tin của Giáo hội” (Đức Hồng Y Raniero). Thánh Phaolô cũng nhiều lần trả lời cho các tín hữu: “Người đã yêu thương anh em và phó mình vì anh em”(Ep 5,2),“Con Thiên Chúa đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi”(Gl 2,20),“Chúa kitô đã yêu thương Giáo hội và đã hiến mình vì Giáo Hội”(Ep 5,25). Đây là một chân lý không thể chối cãi; chân lý ấy nói như Đức Hồng Y Cantalamessa: là chân lý đệ nhất bao trùm tất cả, áp dụng cho Giáo hội và cho từng người trong chúng ta. Hơn thế nữa,Thánh Gioan, người đã tự nhận mình là “người môn đệ Chúa yêu”, đã đưa mặc khải này trở về với Đức Giêsu khi Ngài còn tại thế. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình”(Ga 15,13). Đây thực sự là câu trả lời dứt khoát cho mọi nghi vấn vì sao Chúa lại tử nạn. Không còn gì để thắc mắc nữa. “Chúa đã yêu thương chúng ta, chỉ vì Người đã yêu thương chúng ta, tất cả là ở đó” (ĐHY Cantalamessa - Sức Mạnh Của Thập Giá).
Thật vậy, với những câu trả lời trên, nhất là lời khẳng định của thánh Gioan, lần nữa cho ta thấy một cách rõ ràng: Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chết nhục nhã trên thập giá một cách tự nguyện vì yêu. Không phải vì tình cờ, không phải vì những thế lực nào đó hay các nguyên nhân lịch sử đã đưa Người đến chỗ thiếu ý thức hoặc miễn cưỡng.
Nhìn lại điều này để chúng ta nhận thấy mình hạnh phúc biết bao, phẩm giá của ta cao quý dường nào! Nhưng khi ta càng khám phá, càng đi sâu vào tình yêu Chúa dành cho ta, thì ta càng cần biết rằng, ta không phải là những khán giả bàng quan; làm ngơ, đứng ngoài cuộc, coi như không dính líu gì đến mình, mà phải can đảm thấy được bộ mặt thật của mình qua các nhân vật trong cuộc khổ nạn chứ đừng đứng đó để xác định ai là người đã giết Đức Giêsu. Có lẽ chúng ta cần gióng lên lời xác quyết với chính mình: chính tôi là kẻ ấy! Tôi đã giết Chúa của tôi! Tôi đã có mặt ở đó hôm ấy; tôi đã cùng đám đông hét lên: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”(Ga 19,15a); chính tôi đã ở đó, là tôi trong Phêrô đã chối Thầy không chút ngượng ngùng; là tôi trong Giuđa vì chút lợi lộc mà bán rẻ Thầy, nộp Thầy bằng cái hôn bội bạc, là tôi trong các môn đệ thân tín bỏ mặc Thầy vật lộn với đau thương trong Vườn Dầu; là tôi trong Philatô nhát đảm, tham quyền cố vị mà chối bỏ sự thật; là tôi trong đám quân dữ khi đánh đòn Người, nhẫn tâm gắn thêm gai nhọn vào mão gai, và phỉ nhổ vào mặt Người, nhạo báng Người và đóng đinh Người!
Chúng ta cũng cần dừng lại và lắng nghe thêm lời kết tội khủng khiếp của Thánh Phêrô: “Anh em đã giết Đức Giêsu thành Nazareth!” Ba ngàn người cảm thấy lòng đau như cắt và thưa với Phêrô: “Thưa các anh, chúng tôi phải làm gì đây?”(Cv 3,37). Một nỗi kinh hoàng ập xuống trên họ, và lúc này đây cũng ập xuống trên chúng ta. Làm sao chúng ta không hoảng sợ khi nghĩ rằng “Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đến nỗi đã tặng ban Con Một của Người”(Ga 3,16), thế mà đáp lại, chúng ta lại đang tâm giết chết Ngài, “chúng ta đã giết mất nguồn sống”.
Ba ngàn người trong Công vụ tông đồ đã đón nhận lời của thánh Phêrô, họ đã sám hối và trở về với Chúa, đón nhận phép rửa nhân danh Đức Giêsu, và từ đây họ bước vào một đời sống mới trong Đấng Phục Sinh qua ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta cũng vậy, khi đã thú nhận chính mình đã giết Chúa, thấy được nơi mình một con người tội lỗi, thì không phải cứ ở lì trong nỗi sợ hãi thất vọng, mà cần phải đứng lên, ra khỏi thân xác yếu hèn, để thấy và tin tưởng vào tình yêu cứu độ của Chúa dành cho chúng ta, vì yêu chúng ta. Mọi tội luỵ của ta Chúa đã đưa lên cây thập giá, qua những mũi đinh ghim chặt Chúa, nơi mũi giáo đâm thấu cạnh sườn, và rồi chôn vùi tất cả trong nấm mồ vì một chữ “Yêu” – yêu cho đến cùng”. Tình yêu đến cùng đó đã làm hài lòng Chúa Cha, để rồi Cha “siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).
Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, Ngài đã lật tung cửa mồ bước ra khỏi mồ trong ánh sáng vinh quang rạng rỡ. Ngài đã vốn sẵn lòng yêu chúng ta, Ngài cũng muốn chúng ta bước vào trong vinh quang với Ngài. Nhưng để có thể tham dự vào sự sống mới một cách trọn vẹn, chúng hãy luôn nhớ rằng: ta luôn mang trong mình sức sống của Chúa, sức sống căng tràn của Đấng đã phục sinh từ cõi chết. Vậy ta còn chần chừ gì nữa, hãy mạnh mẽ lên! Can đảm lên! để sống sự sống mới của Đức Kitô qua việc:
- Khơi lên sự sống mới “hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3)
Ngay từ ngày ta được giải thoát khỏi tội Nguyên Tổ nhờ được dìm mình trong dòng nước thánh tẩy là Bí tích Rửa Tội, thì sự sống của Đức Kitô tiềm tàng trong ta. Nhưng ta đã để cho sự chết của thế gian lấn át sự sống ấy, đã để cho sự dữ bao phủ chúng ta, nhất là giữa thế hệ “gian tà, sa đoạ” này. Nhìn thoáng bên ngoài thì thấy mọi sự đang phát triển, đang vươn tới đỉnh cao, nhưng bên trong là một ‘bãi chiến trường’ của sự ác, của mọi toan tính gian manh đưa con người tới chỗ diệt vong. Dù chúng ta là những người được chọn gọi, được tách khỏi thế gian để thánh hiến cho Chúa, nhưng thế gian không hề buông tha chúng ta. Nhiều khi ta không nhận ra bộ mặt thật của nó, vì nó được che đậy một cách quá tinh vi, dưới nhiều hình thức, khiến ta dễ rơi vào cái bẫy của nó, và có lẽ không ít lần ta chết chìm trong hố sâu của nó. Nhưng Chúa không cho phép ta chết ngộp trong sự chết, mà muốn chúng ta được sống bằng sự sống của chính Ngài. Ngài đã băng qua đau khổ, tối tăm để bước vào ánh sáng, và sức sống mới đã bừng lên, xua tan đi tất cả những xú khí ám lấy ta.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta thức tỉnh luôn, ta sẽ thấy mình được ở trong sự quan phòng của Chúa, từng giây phút, nhất là trong thời dịch bệnh này. Ta được nuôi dưỡng bằng hai nguồn sống của Thánh Thể và Lời. Hai nguồn sống vô tận ấy ta đón nhận nhưng không mỗi ngày, có điều ta có nhận ra; có thấy lòng được bừng cháy lên bởi Lời Chúa; bởi chính dòng máu Thánh là thân mình Đức Kitô đang cuộn chảy trong ta. Sức sống ấy đang thôi thúc chúng ta, cần phải mở thật to con mắt thể lý lẫn tâm linh để thấy được, để dứt khoát theo lời thánh Phaolô: “giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em” (Cl 3,5a). Đừng cúi xuống tìm bới những thứ hèn mạt nơi “hạ giới” của: những quyến luyến lệch lạc, “gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam…” (Cl 3,5b).
Trong quá khứ nếu ta còn ăn ở như thế, thì ta phải nhớ rằng: Chúa đã ban, đã khơi dậy trong ta sự sống mới rồi, ta hãy mạnh mẽ trỗi dậy, hãy từ bỏ lối sống cũ: “Nào là giận dữ, nóng nảy giận hờn…”. Ta đã mặc lấy con người mới, “con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá”. Đặc biệt chúng ta “là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,10). Chỉ với những lời này đã đủ để ta thấy mình cao trọng là dường nào! Bởi thế, không có lý do gì cản trở ta trỗi dậy, đón lấy sức sống từ nơi Chúa và thực sự trở nên con người mới. Quyết buông bỏ, sống tiết độ, làm chủ những ham muốn thế gian; quyết vươn tới cuộc sống cao cả hơn, để tâm hồn được nhấc bổng lên với những lý tưởng cao đẹp; quyết luôn hướng lòng trí và kiếm tìm những gì thuộc“thượng giới” nơi Đức Kitô đang ngự trị và chờ đợi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin lỗi Chúa vì những thái độ sống chưa tích cực của mình: một đời sống thiếu lửa nhiệt thành, một tấm lòng thiếu bao dung tha thứ. Dù chúng con cảm nghiệm tình yêu lớn lao Chúa thương ban và tha thứ cho chúng con qua cái chết và sự sống lại của Ngài, nhưng chúng con thấy mình còn hờ hững, vô tâm. Xin Chúa khơi lên trong chúng con sự sống của Chúa, cho chúng con luôn nhớ Chúa đã sống lại, đã bước vào đời sống mới không chỉ trong mùa Phục Sinh này, mà cho đến vĩnh cửu, sức sống ấy vẫn luôn trào tràn qua từng nhịp thở của chúng con. Xin giúp chúng con trở nên mạnh mẽ can trường như những chiến binh dũng cảm, để chúng con nhiệt tâm tiến bước dưới lá cờ của Vị Chỉ Huy Tối Cao là chính Chúa, và cho trái tim chúng con được đốt nóng bởi ngọn lửa phục sinh của Chúa, nhờ đó tâm hồn chúng con luôn tươi mới, như lời thánh Phaolô: “để tỏ lòng biết ơn anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh ca do Thần Khí linh hứng”. Vâng! Từ này chúng con sẽ cất cao bài ca của ba chữ “H”: ‘Hăng say’, ‘Hoan hỷ’, ‘Hoà thuận’, để đời thánh hiến của chúng con thật sự có ý nghĩa, thật sự phản chiếu hình ảnh của Đức Kitô Hằng Sống. Amen