Thứ năm, 21/11/2024

Tĩnh Tâm Tháng 06.2022: Bí Tích Thánh Thể Trong Đời Sống Thánh Hiến

Cập nhật lúc 14:57 30/05/2022

BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
(Ga 6,30-58)
 
WMTGHH - Đời sống thánh hiến, cách nào đó đã diễn tả đời sống Giáo Hội thời sơ khai, nơi đó, mọi người đồng tâm nhất trí với nhau trong việc học hỏi giáo huấn của các Tông đồ, chuyên cần cầu nguyện, tham dự Lễ Bẻ Bánh và cùng nhau làm việc tông đồ bác ái. Đời sống thánh hiến được ví như bản sao đời sống yêu thương của con cái Nước Thiên Chúa. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến chỉ rõ: Ơn gọi đời thánh hiến được sống nhờ Thánh Thể và cho Thánh Thể. Vì thế, lòng tôn thờ Thánh Thể nơi người tu sĩ phải thân tình, phải sâu sắc và Thánh Thể phải là trọng tâm của mọi sinh hoạt của cuộc sống. Dịp tĩnh tâm tháng 6 này, chúng ta cùng suy ngẫm về Bí Tích Thánh Thể:
  • Thánh Thể - Trung tâm điểm của đời sống cộng đoàn
  • Thánh Thể - Bàn tiệc hiệp nhất cộng đoàn
  • Thánh Thể - Lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh
  • Thánh Thể - Động lực thúc đẩy sứ vụ loan báo Tin Mừng.
  1. Thánh Thể - Trung tâm điểm của cộng đoàn
Để có thể sống đời tu trọn vẹn trong niềm vui không phải chuyện dễ dàng. Nhiều người cảm thấy khó hoà nhập với lối sống tập thể. Bởi vì cộng đoàn là một tổ hợp của nhiều hạng người thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều loại tính cách,… không ai giống ai. Một cộng đoàn mà mỗi người là một thế giới riêng biệt nên quả thực là rất khó hoà hợp. Đó là một khó khăn đòi hỏi người tu sĩ phải từ bỏ những cá tính của mình để tìm điểm chung với những thành viên khác của cộng đoàn. Trong cộng đoàn, mỗi người một tính cách, mỗi người một sở thích, mỗi người một ý, để đi đến đồng nhất là một hành trình lâu dài. Quá trình đó, mỗi tu sĩ phải đấu tranh với cái tính “ngông” tự nhiên của mình, phải cọ xát và cắt xén để con người của mình ngày càng nhạy cảm hơn với những khác biệt và những yếu điểm của chị em mình. Điều gì làm nên sự thống nhất trong đa dạng của đời sống cộng đoàn tu trì? Đó chính là Bí Tích Thánh Thể.
Bí Tích Thánh Thể là trung tâm điểm quy tụ mọi thành phần của cộng đoàn về một tình yêu và một đức tin vào một Chúa. Nơi Thánh Thể, mỗi người tìm thấy được điểm chung nơi người chị em của mình. Trong cuộc sống, có thể giữa người này người nọ có những khác biệt hay đôi lúc có những xung khắc về quan điểm hay cách sống thì khi cùng chung cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, người tu sĩ tìm thấy sự đồng tâm nhất trí. Trong cộng đoàn, mọi con mắt, mọi hành động và mọi khác biệt đều hướng về trung tâm điểm là Thánh Thể, để từ đó, mọi người cùng chia sẻ một tấm bánh, cùng uống một chén rượu, cùng hướng về một Chúa là Cha của hết mọi người. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Vita Consecrata số 4 đã nói đến “Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của Giáo Hội và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến. Do bản chất, Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người và của mỗi cộng đoàn.”
  1. Thánh Thể - Bàn tiệc hiệp nhất của cộng đoàn
Điều mong muốn cuối cùng của Đức Giêsu nơi người môn đệ là mong họ hiệp nhất nên một (Mt 17,20-21). Trước khi về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Điều này cho thấy rằng Chúa Giêsu luôn hiện diện trong cộng đoàn cầu nguyện hội họp nhân danh Chúa, nơi Lời Chúa, trong những người nghèo khổ đau yếu và tù đày (Mt 25,31-46), nhất là Chúa hiện diện một cách thực sự nơi hai hình của Thánh Thể (SGLHTCG, số1373). Thánh Thể là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Khi cùng ăn một tấm bánh và cùng uống một chén rượu là thân mình và máu thánh của Đức Giêsu là chúng ta nên một với Người, và qua đó chúng ta được hiệp nhất với nhau (Ep 2,19-22). Đón nhận Bí tích Thánh Thể, ta cũng được mời gọi để trở nên tấm bánh nuôi dưỡng niềm hy vọng của nhân loại đang nhiều nỗi chán chường, tuyệt vọng và đánh mất niềm tin vào cuộc sống, vào con người và cội nguồn là niềm tin vào Thiên Chúa.
Chính Đức Giêsu là bánh đích thực, là lương thực đem lại sự sống cho con người. Bánh sự sống không phải là bánh ăn mãi không hết, cũng không phải là thứ bánh cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử, không phải thứ bánh ăn vào là no luôn, nhưng là căn tính của Đức Giêsu, là ngôi vị của Đức Giêsu, mà ta được mời gọi đích thân “cảm nếm”. Vì thế, khi cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa là chúng ta củng cố và phát triển sự hiệp nhất và tình yêu thương của những người đã dâng hiến cho Thiên Chúa trót cả cuộc đời.
  1. Thánh Thể: Lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng
Để sống đời đời, Đức Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, một thức ăn hay một thức uống. Đức Giêsu mời gọi chúng ta “ăn uống” máu thịt của bản thân Ngài, mà bản thân Ngài, giống như chúng ta, là một ngôi vị sống động, chứ không phải là món ăn. Như thế, bánh hay của ăn trường sinh, không phải là một vật thể ăn được, có phép nhiệm mầu biến đổi con người thành bất tử, nhưng là ngôi vị Đức Giêsu mà chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, để ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20). 
 Qua hành vi “ăn”và “uống” Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời, để Ngài trở thành xương thịt, thành sự sống cho chúng ta. Chúa ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trao ban tất cả những gì mình có, mình là cho chúng ta, Chúa ước ao trở nên một với chúng ta. Và Chúa mời gọi chúng ta hãy xác tín vào Lời Chúa đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51). Bánh Hằng Sống là Đức Kitô, để trở thành sự sống cho chúng ta, đã phải đi ngang qua cái chết trên Thập Giá, bởi vì đó là đường tất yếu của tấm bánh, nghĩa là phải bị nghiền nát, bị bẻ ra, được hòa tan để trở thành lương thực nuôi sống và ban sự sống cho con người. 
  1. Thánh Thể - Động lực thúc đẩy sứ vụ loan báo Tin Mừng
Mỗi người đều được kêu gọi sống Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu đã chọn ra những người để họ chuyên lo việc rao giảng Nước Thiên Chúa. Những người đó là các tông đồ và các môn đệ. Họ được Đức Giêsu gọi đi theo Người để làm những kẻ lưới người như lưới cá (Mt 4,19). Trong quá trình hoạt động sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã huấn luyện các môn đệ tinh thần tông đồ. Thiên Chúa Cha đã sai Đức Giêsu xuống thế gian để loan báo Tin Mừng cứu độ và bình an cho mọi loài thọ tạo. Kết thúc cuộc sống trần thế, Ngài đã trao sứ vụ đó cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Sứ vụ đến với muôn dân là động lực thúc đẩy mỗi người chúng ta dấn thân loan báo Tin Mừng. Nhưng để việc loan báo Tin Mừng đạt được hiệu quả, người môn đệ cần gắn bó với Thầy mình. Thánh Gioan, tác giả sách Tin Mừng thứ tư cho ta thấy điều này rõ hơn: Ai gắn kết với Đức Giêsu thì sẽ sinh nhiều hoa trái và hoa trái ấy mới tồn tại (Ga 15,1. tt).
Kinh nghiệm “ở lại trong Tình Yêu của Chúa Giêsu” nơi Thánh Gioan mời gọi chúng ta hãy dành thời giờ cho Chúa Giêsu Thánh Thể, bày tỏ lòng yêu mến và tôn thờ bằng những giờ khắc bên Chúa. Những khoảnh khắc âm thầm thinh lặng bên lòng Chúa (Os 2,16), người tu sĩ sẽ kín múc được nghị lực và hồng ân của Chúa. Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời của những tâm hồn dâng hiến.
Bên Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra được tiếng Chúa gọi, nhận ra ý muốn của Thiên Chúa dành cho ta trước từng biến cố, trước mỗi việc làm, trong từng nhiệm vụ, đồng thời biết được sứ mệnh Chúa trao và biết sống theo sự dẫn dắt của Người.
Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cảm nhận thâm sâu lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa, nghe tiếng mời gọi trở về với Người và đón nhận sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa, giúp chúng ta nên hoàn thiện mỗi ngày.
Ngồi dưới chân Chúa, chúng ta tìm được an ủi trong khổ đau, cảm nhận được đỡ nâng trong yếu đuối phận người, được khích lệ vượt qua thử thách. Thật vậy, chính Chúa Giêsu Thánh Thể đã đổ đầy cuộc đời chúng ta bằng ánh sáng và sức mạnh, không ngừng giúp chúng ta vượt qua thử thách, vươn tới Thiên Chúa là cùng đích của cuộc đời. Khi có một niềm tin sâu sắc được nuôi dưỡng trong Bí tích Thánh Thể thì chúng ta cảm thấy an vui tiến bước trong cuộc đời dâng hiến và động lực hăng say dấn thân sứ vụ tông đồ.
 Như thế, chúng ta có thể xác tín, nhờ kết hiệp mật thiết trong Chúa Giêsu Thánh Thể, được ăn chính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu qua mỗi Thánh lễ, giúp người tu sĩ hiểu được ý nghĩa cuộc sống dâng hiến, nhận biết cùng đích cuộc đời, tìm được lối sống tốt đẹp, đồng thời đón nhận dạt dào ân sủng của Chúa, giúp người tu sĩ thăng tiến trong cuộc sống từng ngày, kiện toàn nếp sống bác ái yêu thương, sống trọn ơn gọi vĩnh cửu của đời mình và hân hoan ra đi thi hành sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho mỗi người.    
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Cầu Nguyện (17/06/2021)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log