BƯỚC THEO CHÚA KITÔ
ĐẤNG LUÔN KẾT HIỆP VỚI CHÚA CHA VÀ HƯỚNG VỀ CHA (Lc 11,1-4)
WMTGHH - “Việc huấn luyện các tu sĩ trong những giai đoạn khác nhau: khởi đầu và liên tục, có mục đích chính là làm cho các tu sĩ có kinh nghiệm dồi dào về Thiên Chúa và giúp họ kiện toàn một cách tiệm tiến những kinh nghiệm ấy trong đời sống của họ (x. HL 35). Những hình thức canh tân tốt nhất chỉ có thể đem lại kết quả nếu những hình thức đó được nuôi dưỡng nhờ sự canh tân sâu xa về đời sống thiêng liêng”(x. HL 1).
1. Đôi mắt toả sáng
Vẻ đẹp bền vững và mãi hấp dẫn của một con người vẫn mãi luôn là vẻ đẹp nội tâm. Vẻ đẹp này không chỉ đơn thuần là đẹp trong tính cách, trong hành vi, trong tri thức, nhưng trước nhất và trên hết, đó là vẻ đẹp tâm linh mà chúng ta thường gọi là sự thánh thiện. Dịp Lễ bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến, ĐTC Phanxicô nói với các nam nữ tu sĩ tại Quảng Trường thánh Phêrô: “ngày hôm nay Chúa vẫn tiếp tục mời gọi anh chị em với tình yêu mà anh chị em đã được kêu gọi. Đừng lãng quên kỳ công đó, đừng lãng quên vẻ đẹp đó, tiếng gọi tình yêu từ thuở ban đầu. Chúng ta chỉ có thể làm mới lại tình yêu đó bằng đời sống cầu nguyện. Cha muốn nhắc lại: điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Cốt tủy của đời sống thánh hiến là cầu nguyện: hãy cầu nguyện! và do đó để ta được ‘già đi’, nhưng anh chị em sẽ già đi như loại rượu vang tốt, thơm ngon và bổ dưỡng! Ngài nói tiếp “tôi thực sự thích thú thấy các nam nữ tu sĩ, tuy già nhưng với đôi mắt vẫn tỏa sáng, bởi vì họ có ngọn lửa của đời sống tâm linh vẫn còn bùng cháy”.
2. Sống với Thiên Chúa là Cha từ căn tính
Chúa Giêsu luôn dùng “Kinh Lạy Cha” để cầu nguyện với Chúa Cha, đặc biệt trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời. Ngài mặc khải cho ta biết chính qua người Cha vĩ đại này mà chúng ta được thừa nhận là những đứa con của Ngài. Và mỗi khi chúng ta thưa lên “Cha” thì chính điều này khẳng định căn tính của mỗi chúng ta: căn tính được trở nên con cái Thiên Chúa. Một người Cha mà cha thánh Gioan Vianney diễn tả: tên gọi “cha” nói lên một mối tương quan mật thiết đến độ, không có ta, Thiên Chúa không thể là Cha, và không có Thiên Chúa, ta không thể là con. Không có con, Cha không thể là Cha, và không có Cha, con không thể là con. Cha thánh giải thích: điều đó dễ hiểu lắm, khi một thanh niên choai choai chưa có vợ, người ta không thể gọi là ông bố, và dầu có vợ đi nữa mà chưa có con thì cũng không được gọi là “bố”, đơn giản là vì họ chưa sinh con. Người ta chỉ là bố, là mẹ khi họ sinh ra con. Thiên Chúa là Cha vì Ngài sinh ra chúng ta, Ngài đang dõi mắt nhìn chúng ta, ngắm nghía chúng ta hệt như người mẹ ngắm nghía đứa con thơ của mình bằng tất cả tình yêu và sự trìu mến. ĐTC nói “chúng ta cứ hãy để cho Thiên Chúa ngắm nghía chúng ta, trìu mến chúng ta, yêu thương chúng ta hệt như người mẹ ngắm nghía đứa con thơ của mình”.
Vì là Cha, Ngài không tiếc với ta điều gì, ngay cả việc trao ban chính Con Một của Ngài. Vì là Cha, Ngài dám liều mất tất cả để được ta. Ngài bỏ chín mươi chín con chiên lành để đi tìm cho được con chiên lạc. Người yêu thương người tội lỗi, Ngài chạy theo, năn nỉ, lôi kéo ta về với Người, đến độ cha thánh Gioan Vianney diễn tả tình yêu ấy như sau: “Đâu phải con người tội lỗi trở về với Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa chạy theo ta để đưa ta về với Ngài, bất chấp những xúc phạm của ta, đưa ta về Thiên Đàng gần như ngược với ý muốn của ta, hệt như một bà mẹ ôm con đi qua vực sâu vậy. Bà chỉ lo sao tránh được những bước nguy hiểm, trong lúc đứa con không ngừng cấu xé bà.... Thiên Chúa ôm ấp con người nội tâm của chúng ta như người mẹ ôm đứa con mình, hôn lấy hôn để; Người đến với kẻ tội lỗi với thái độ ‘hấp tấp’ hơn đến với người công chính; Người sẵn sàng tha thứ cho người tội lỗi hơn cả bà mẹ hớt hải lôi con mình ra khỏi lửa vậy. Ôi thẳm sâu tình yêu của Thiên Chúa, Cha chúng ta….”
Ban Huấn Luyện