ƠN GỌI CỦA TÔI LÀ THUỘC VỀ ĐỨC GIÊSU KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH (1Cr 7,32-35)
WMTGHH - Có một vị tu sĩ trẻ đến gặp Mẹ Têrêxa để than phiền về việc bề trên của thầy đã thuyên chuyển thầy đi chỗ khác trong khi thầy đang phục vụ người cùi. Anh ta nói với Mẹ Têrêxa: “Thưa Mẹ, ơn gọi của con là phục vụ người cùi, vậy mà bề trên của con đã thuyên chuyển con đi lo việc dạy học, con rất bất bình về việc này”. Mẹ Têrêxa liền từ tốn nhìn vào mắt chàng tu sĩ trẻ và nói: “Ơn gọi của con không phải là lo cho người cùi, cũng không phải lo cho học sinh, nhưng ơn gọi của con là thuộc về Đức Kitô”. Lời của Mẹ Têrêxa không phải chỉ nói với vị tu sĩ trẻ kia, nhưng là lời đang nói với mỗi người chúng ta: Ơn gọi của chúng ta là thuộc về Đức Kitô, chứ không phải là làm được điều này, việc nọ hay chuyện kia. Hơn thế nữa, là những người sống theo Linh Đạo Mến Thánh Giá, thì ơn gọi của chúng ta phải là thuộc về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.
- Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, mẫu gương thuộc về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh
Điều gì lôi cuốn một cậu bé mới 9 tuổi đã có ý tưởng quy tụ những người yêu mến thánh giá, để rồi sau 37 năm ấp ủ, cậu bé ấy trở nên vị sáng lập Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên? (Tiểu sử số 2 và số16).
Điều gì khiến một chàng thanh niên đang ở đỉnh cao thành công danh vọng của chức vụ Thẩm phán Tòa Án Thuế Vụ, lại chấp nhận từ bỏ tất cả để quyết định theo đuổi ơn gọi làm linh mục? (Tiểu sử số 3).
Điều gì làm cho một nhà Thừa sai chấp nhận rời bỏ quê hương Châu Âu, để bước vào cuộc hành trình đem Tin Mừng sang Đông Á với bao nhiêu khó khăn bề ngoài về khí hậu, ăn uống, điều kiện sống, chịu đói, chịu khát, chịu rét…? (Tiểu sử số 8).
Điều gì khiến cho một nhà Truyền giáo vượt qua được mọi thử thách bề trong như bị vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, gài bẫy, kiện tụng, vu oan đủ điều bởi các tu sĩ Dòng tên và các tu sĩ thuộc chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha tại chính nơi miền truyền giáo? (Tiểu sử số 14).
Điều gì làm cho một vị Mục tử hoàn toàn dấn thân phục vụ và hết lòng yêu mến đoàn chiên tại những vùng truyền giáo xa lạ, khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa…? ( Di cảo số 9 và số 15 – phần III).
Điều gì khiến một vị chủ chăn luôn khát khao hiệp nhất và sống hiệp nhất với dân Chúa, với những người cùng làm việc tông đồ và với Tòa Thánh Rô ma? (Tiểu sử số 37).
Điều gì khiến một vị Đại diện Tông tòa luôn sẵn sàng vâng phục hoàn toàn Đức Giáo Hoàng, người đại diện Đức Giêsu ngay cả khi sự vâng phục đó không theo ý muốn của mình? ((Tiểu sử số 11; Di cảo số 19 – Phần III).
Điều gì làm cho một con người dám can đảm cho Chúa Giêsu Kitô mượn thân xác của mình để tiếp nối hy lễ cứu độ của Chúa Cứu Thế? (Tiểu sử số 27; Bài tự sự - chương 1; Cl 1,24).
…Và sau cùng, điều gì làm cho người Cha chung của chúng ta quyết định dâng hiến tất cả tài sản của riêng cho công cuộc truyền giáo ở miền Viễn Đông xa xôi? (Di cảo số 20 phần III – Di chúc của Đức Cha lambert ngày 22/7/1675).
Câu trả lời cho tất cả những điều trên là: Đấng Sáng Lập, cũng là người cha chung của chúng ta luôn xác tín mình được chính Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh chiếm lấy và vì thế ngài cũng thuộc trọn về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh bằng một tình yêu thực nghiệm (Di cảo số 1 – Phần III). Quả thật, cả cuộc đời ngài đã sống điều mà thánh Phaolô tông đồ nói:“ Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cor, 2,2). “tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người… chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt” (Pl 3,7-12).
Cả cuộc đời của Đấng Sáng lập đã thấm nhuần Thập giá Đấng Chịu Đóng Đinh, vì ngài chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh và thuộc về một mình Đấng Chịu Đóng Đinh, đúng như châm ngôn ngài chọn sống và trở thành mẫu mực cho con cái ngài là các Nữ tu Mến Thánh Giá chúng ta hôm nay: Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con.
Là con cái của ngài, tôi đã đón nhận và sống tình yêu với Đấng Chịu Đóng Đinh trong đời sống ơn gọi như thế nào?
- Người Nữ tu Mến Thánh Giá sống thuộc về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh
Một trong những thách đố của người tu sĩ hôm nay đó là sự thiếu vắng cảm thức thuộc về. Họ không đủ xác tín sự thuộc về căn bản của ơn gọi, của cùng đích cuộc đời họ là thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã trao ban cho họ tất cả những gì họ là và họ có. Đấng đã tuyển chọn, yêu thương và hiến mạng vì họ qua Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh (Gl 2,20). Họ không đủ xác tín căn tính của mình là thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giáo Hội, thuộc về Hội Dòng và Cộng đoàn mình đang sống trong Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Vì thế, cuộc sống của họ bị phân mảnh, không có định hướng và sự thống nhất, họ cảm thấy cô đơn lạc lõng và co cụm trong những cái tư riêng của mình, họ khó cộng tác với những người khác, họ vẫn sống, vẫn yêu, vẫn dấn thân phục vụ đấy, nhưng đều là nửa vời.
Vậy còn mỗi người chúng ta thì sao? chúng ta đang thuộc về ai?
Có thể chúng ta có nhiều sự thuộc về như: thuộc về một Đất nước; một Giáo phận, một Hội dòng, một Cộng đoàn, một Bề trên… nhưng tất cả mọi thuộc về đó có thực sự thuộc về Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh không? hay chỉ là một sự thuộc về theo danh sách và con số?
Khi thành lập Dòng Mến Thánh Giá, Đức Cha Lambert de la Motte đã chọn châm ngôn linh đạo cho Hội dòng: “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con” (Tiểu sử số 27). Từ câu châm ngôn này, mỗi người chúng ta có thể bắt chước Mẹ Têrêsa thành Calcutta để nói về bản thân mình: về dòng máu, tôi là người Lào cai, người Yên bái, người Phú thọ, người Hà Nội… Về tư cách công dân, tôi là người Việt Nam. Về đức tin, tôi là một tín hữu Công giáo. Về ơn gọi, tôi thuộc về hết mọi người. Về trái tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Vì thế, tôi chỉ sống đúng căn tính đời tu khi tôi thuộc về một Cộng đoàn, một Hội Dòng, và rộng lớn hơn, tôi thuộc về Giáo Hội, thuộc về Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.
Dấu chỉ tôi thuộc về Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là sống yêu như cách Chúa Giêsu đã yêu (Ga 13,34-35). Là sống hiệp thông, chia sẻ và không ngừng cầu nguyện như Cộng đoàn các tín hữu đầu tiên (Cv 2,42-47). Là luôn luôn gặp gỡ, lắng nghe và phân định theo lời mời gọi của Hội Thánh Hiệp hành. (chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2023 của Đức Thánh Cha Phanxicô).
Dấu chỉ ấy còn là dám đón nhận thập giá có đầy đủ màu, mùi, vị: màu đỏ của máu, màu vàng của mão gai, mùi thơm của các nhân đức, vị ngọt của tình yêu, vị mặn của mồ hôi, vị đắng của giấm chua trong chính đời sống ơn gọi dâng hiến vì Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh (Pl 3,7-11).
Nhạc sĩ Giang Ân đã có kinh nghiệm thuộc về Chúa qua bài hát: Thuộc về: “Con thuộc về Chúa, ngay lúc con còn trong lòng mẹ. Con thuộc về Chúa, ngay khi con vừa mới hạ sinh. Con thuộc về Chúa, khi sớm mai và khi chiều tàn. Con thuộc về Chúa, khi dương gian dù nắng dù mưa. Con thuộc về Chúa, khi đời con lắng lo hay muộn phiền, khi tàn hơi lúc con ngã quỵ, con vẫn thuộc về Ngài, thuộc về Ngài mà thôi…”
Vậy còn tôi, tôi đã sống kinh nghiệm thuộc về Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh như thế nào?
Ơn xin: Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Xin cho trái tim con, suy nghĩ của con và cả tâm hồn con nữa, tất cả đều thuộc về Chúa, vì ơn gọi của con là thuộc về một mình Ngài. Amen.