ĐỨC GIÊSU KITÔ – KHO TÀNG ĐÍCH THỰC CỦA TRÁI TIM CON NGƯỜI (Pl 2, 6-11)
WMTGHH - Sống trong một xã hội tiêu thụ, người sống đời thánh hiến ít nhiều cũng có nguy cơ bị “cuốn vào” vòng xoáy của nó. Hằng ngày, mọi nơi và mọi lúc trong mọi khía cạnh của cuộc sống, những mời gọi hấp dẫn của trần gian là những lời mời gọi lôi cuốn khiến con tim người sống đời thánh hiến dễ bị lôi xa rời lý tưởng, sống xa tinh thần khó nghèo của Đức Kitô.
Làm thế nào để người tu sĩ sống Lời khấn Nghèo khó trong thế giới hôm nay có khả năng làm chứng cho Thiên Chúa là kho tàng đích thực của trái tim con người? (ĐSTH 90)
- Chiêm ngắm Chúa Giêsu nghèo khó
Chúa Giêsu, “vốn giàu có, lại trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8,9). Ngài tự nguyện trở nên nghèo, sống nghèo, yêu người nghèo và đã công khai tuyên bố rằng họ là người có phúc. Các thánh là những người đã say sưa yêu mến và ước ao sự nghèo khó của Chúa Giêsu, Đấng đã tự do trút bỏ vinh quang, sự giàu sang để vui sướng mặc lấy sự nghèo hèn và giới hạn của con người. Ngài tự do chọn cảnh thiếu thốn nơi Belem, Ngài hạnh phúc sống ở một làng nghèo Nazareth; âm thầm tham gia mọi sinh hoạt và chu toàn mọi qui luật, bổn phận của đời sống hàng ngày. Ngài thanh thản sống từng giây phút của cuộc sống cách hài hòa, chia sẻ và âu yếm với mọi cảnh thiếu thốn, khổ đau của nhân sinh, phó thác trong bàn tay Thiên Chúa Quan phòng mà không sợ hãi âu lo.
Là Thiên Chúa, Ngài sống một cuộc sống không bần cùng nhưng cũng chẳng có gì phú quí. Có những lúc tâm hồn Ngài nhuốm đậm nét khó nghèo trần trụi của Mầu nhiệm Giáng sinh và Mầu nhiệm Thập giá mà tâm hồn hoàn toàn thanh thản, tự do: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2,6-8).
Nơi Mầu nhiệm Thập giá Chúa bị tước hoàn toàn: danh dự, sự nghiệp, nhân phẩm, sự sống. Thập giá, nơi giải thích trọn vẹn sự khó nghèo sâu thẳm của vị Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương hết tình mà vẫn bị phản bội, bị từ chối, bị đàm tiếu, bị hắt hủi, bị nhục mạ, bị “thất bại”, bị khinh khi. Một Thiên Chúa bị loài người tố cáo, lên án bất công và giết chết. Thập giá cũng nơi tỏ lộ sự khó nghèo đích thực và thẳm sâu của Thiên Chúa khi Ngài im lặng. Im lặng trong yêu thương, trong hiền hoà, trong xót thương, trong nhẫn nại, trong khiêm cung, trong tha thứ và trong phó thác. Một sự im lặng thánh! Một sự khó nghèo thánh! Ngài tự nguyện đi đến tận cùng của cái nghèo là sự chết. Ngài tự nguyện “vét” cho đến cùng con người của mình để trở nên kho tàng đích thực của trái tim con người. Một sự khó nghèo tràn ngập tình yêu và lòng thương xót! Thánh Phaolo đã diễn tả mầu nhiệm phong phú này như sau: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).
Càng tiến sâu vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu, càng chiêm ngắm Chúa trên thập giá, người tu sĩ càng hiểu rõ hơn về đời sống Khó nghèo ấy bắt đầu từ mầu nhiệm Nhập thể, và đi đến tột đỉnh trên đồi Calvê. Như thế, người tu sĩ hiểu được thế nào là Khó nghèo đích thực và sống sự Khó nghèo ấy cho đời mình; đồng thời hiểu được thế nào là Khó nghèo bắt nguồn từ tình yêu của Đấng vô cùng cao sang nhưng lại sống vô cùng đơn giản; Đấng luôn hướng lòng về chúng ta và yêu mến chúng ta là những kẻ bé mọn và cơ bần. Do đó, người sống đời Khó nghèo thực sự thì luôn yêu thương, khiêm nhường và hiền hậu, âu yếm với sự đau khổ, vui tươi trong thiếu thốn và quảng đại trao ban mà không sợ thiệt thòi, vì luôn sống trong tâm tình phó thác của trẻ thơ phó mình trong tay Thiên Chúa là Cha.
- Người tu sĩ sống nghèo khó để:
- Mặc lấy cái nghèo và tâm tình của Đức Kitô trong Mầu nhiệm Tự hạ và để cho tâm tình ấy thấm nhập vào con người và cuộc sống của mình.
- Khiêm tốn nhận ra sự nghèo nàn của phận người để sống tâm tình biết ơn.
- Có một con tim siêu thoát để tránh khỏi mọi dính bén với vật chất, kể cả những gì mang dáng dấp của lòng tham, tìm kiếm danh vọng, tranh giành ảnh hưởng, lòng ích kỷ, chiếm hữu để hưởng thụ cá nhân.
- Minh bạch trong việc sử dụng tiền bạc.
- Cần cù làm việc, trân quý những giá trị lao động, liên đới và chia sẻ với người nghèo, dấn thân thăng tiến đời sống của họ.
- Sống tinh thần tiết kiệm, tiết chế, loại bỏ những nhu cầu giả tạo, sử dụng mọi đồ dùng trong khuôn khổ của lời khấn và chỉ bận tâm tìm vinh danh Chúa và phục vụ các linh hồn.
- Làm chứng về lòng trông cậy vào Chúa Quan phòng, không cậy dựa vào của cải thế gian mau qua.
- Tránh những cạm bẫy của cải vật chất, vì nó có nguyên cớ kéo ta ra khỏi Thiên Chúa và sứ mạng. Cần nhớ rằng của cải vật chất luôn có một sức cuốn hút rất mạnh. Chính Chúa đã cảnh báo không được “làm tôi hai chủ”.
- Mỗi khi thiếu thốn một sự gì, dù là sự vật nhỏ nhất, tập vui lòng đón nhận. ĐTC Phanxicô khuyên các tu sĩ: “Hãy tập đón nhận những thiếu thốn, dù là nhỏ nhất, dần dần sẽ đạt tới mức độ ‘yêu thích có ít hơn là có nhiều’, thiếu thốn hơn là đầy đủ tiện ghi, nghèo khó hơn sang giàu, đơn giản hơn là kiểu cách, dấn thân hy sinh hơn là an nhàn hưởng thụ và yêu thích sự phó thác hơn là đòi hỏi”. Thánh Phaolo đã chia sẻ kinh nghiệm này như sau: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả” (Pl 4,12-13).
- Tính ngôn sứ của người tu sĩ
Khi cam kết sống nghèo khó, đòi buộc người tu sĩ chúng ta dứt mình khỏi những ảnh hưởng của sức mạnh trần thế đang từng giây phút tác động trên cuộc sống, để đời dâng hiến của chúng ta thực sự minh chứng về việc sống theo gương Chúa Giêsu. Sống những giá trị Tin Mừng là những giá trị tối thượng của đời thánh hiến, vượt trội hơn, tốt đẹp hơn, đáng mơ ước hơn các giá trị trần gian. Điều này mỗi người chúng ta cần nghiệm xét nơi chính bản thân mình. Đời dâng hiến mà không đề cao được những giá trị Tin Mừng, nhưng lại bị cuốn hút vào những giá trị trần thế thì chúng ta đang làm hỏng đời dâng hiến.
“Lạy Thiên Chúa của con, con không biết liệu có ai thấy Chúa nghèo mà vẫn cố tình sống giàu được chăng? Con muốn tin rằng họ yêu mến Chúa, nhưng dù sao họ vẫn thiếu một cái gì đó. Và dầu sao, bản thân con không thể hiểu được một thứ tình yêu mà lại không đi kèm với một nhu cầu cấp bách, đó là nên đồng hình đồng dạng với người mình yêu, và nhất là chia sẻ mọi nỗi khổ đau, mọi khó khăn, mọi vất vả của cuộc sống. Sống giàu sang, thoải mái, sống vui thú bên của cải trong khi Chúa đã sống nghèo, lam lũ, vất vả. Lạy Chúa, con không thể sống như thế được, con không thể yêu Chúa như thế được (Charles de Foucauld, sống nghèo như một chứng tá tông đồ).