SỐNG VÂNG PHỤC - MỘT LỐI ĐI TRÊN ĐƯỜNG HIỆP HÀNH
“Sống đức vâng phục thánh hiến là thao thức tìm kiếm ý Chúa, đem hết sức lực và ý chí, năng khiếu tự nhiên và ân huệ siêu nhiên thi hành thánh ý Người” (HC.30)
Chúng ta đang cùng chung nhịp bước với Giáo hội trên đường Hiệp Hành. Hiệp hành là cùng chung một tâm tình, chung một nhịp bước trên cùng một con đường - con đường Giêsu - để đến với Chúa Cha, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tiến trình này gồm 3 chiều kích hỗ tương nhau: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ. Với lời khấn Vâng phục, người tu sĩ cùng Hiệp hành với Giáo hội, với Hội dòng không chỉ bằng đôi chân cùng đi mà là trọn vẹn cả con người, và qua đó, họ hoàn tất ơn gọi của mình.
- Vâng phục để hiệp thông
Đức vâng phục đầu tiên là sự vâng phục của mọi thụ tạo được Tạo Hóa yêu thương kêu gọi đi vào hiện hữu. Khi tôi đón nhận sự sống của mình với lòng tri ân vì đã được làm người, được sống trong thế giới này; khi tôi đảm nhận lấy chính mình, nguồn cội mình, thân xác mình, những đặc thù của con người mình, điểm mạnh và điểm yếu của mình về thể lý cũng như tâm lý... khi ấy tôi đang sống sự vâng phục Thiên Chúa cách căn bản nhất.
Đức Giêsu Kitô là mẫu gương sống đức vâng phục. Từ lúc Nhập thế cho đến khi Tử nạn, Người hằng vâng theo ý Cha mọi đàng. Đây là sự vâng phục bởi tình yêu, vì tình yêu và do điều đó đã đưa Đức Giêsu vào mối hiệp thông với Thiên Chúa và tất cả nhân loại.
Khi ký kết với Thiên Chúa lời khấn Vâng phục, Chị nữ tu MTG nối dài trong lịch sử sự vâng phục của Đức Kitô với Thánh ý Chúa Cha. Chị “tự nguyện đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Giêsu Kitô và liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, để thi hành trọn vẹn Thánh ý Chúa Cha với tâm tình Xin Vâng của Mẹ Maria và Thánh Giuse, như Đấng Sáng lập đã nêu gương” (HC.30). Chị vâng theo phận thụ tạo của mình để trở thành con cái Thiên Chúa trong ý thức, gắn bó và phó thác mình cho sự quan phòng yêu thương của Chúa, để cho Chúa được tự do sắp xếp đời mình theo ý Ngài. Chị “hiến dâng ý riêng như một của lễ hy sinh, sẵn sàng vâng lời các Bề trên trong Giáo hội và Hội dòng” (HC.30), trở nên những kẻ đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh; chị đón nhận chị em, mang lấy những thương tật, những yếu đuối của nhau cả thể xác lẫn tâm hồn, yêu thương và trở thành chị em của nhau trong một Thân Thể duy nhất.
Khi cùng nhau vâng phục Thánh ý, vâng lời Bề trên và tùng phục lẫn nhau như thế, chị làm phản chiếu tâm tình của Đức Kitô - Đấng luôn vâng phục ý Cha, và diễn tả được tình huynh đệ nơi những người có cùng một ơn gọi trong Hội dòng. Đó là yếu tố căn bản để xây dựng cộng đoàn nên hiệp nhất và hiệp thông, nên “một lòng một ý”, “đặt mọi sự làm của chung”, và cùng đi với nhau trên một lộ trình, đồng trách nhiệm trong sự liên đới huynh đệ.
Như thế, sự vâng phục mở lối đi vào con đường Hiệp hành với Thiên Chúa và với tha nhân, giúp chúng ta gặp gỡ nhau trong Đức Kitô, nên hiệp nhất yêu thương nhờ Đức Kitô, và Đức Kitô trở thành điểm quy chiếu, thành tâm điểm của đời sống.
- Vâng phục để cùng tham gia
Thánh Phaolô dạy: “Ơn riêng Thiên Chúa ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10). Điều này cho thấy, những ân huệ ta lãnh nhận từ nơi Chúa, trước hết và trên hết là vì lợi ích chung chứ không chỉ vì lợi ích cá nhân. Để những “ơn riêng” của mình đem lại lợi ích cho anh chị em, chúng ta được mời gọi tham gia cách tích cực và trách nhiệm vào mọi sinh hoạt, nếp sống, mọi dự phóng, kế hoạch, thời gian biểu của cộng đoàn, với tất cả tài năng, sức lực, lòng nhiệt tâm và thiện chí.
Trong cộng đoàn, mỗi thành viên đều có một sứ vụ cụ thể đó chính là những công việc bổn phận được trao. Mỗi người có một vai trò, một vị trí, một trách nhiệm, một cảm thức về sự tham gia của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa; mỗi người có ơn gọi riêng trong ơn gọi chung của Hội dòng. Khi tham gia vào các sinh hoạt của cộng đoàn với những công việc cụ thể một cách năng động, chúng ta đang biểu lộ sự Vâng phục Thiên Chúa trong kế hoạch của Ngài – đối với cá nhân và đối với Hội dòng. Việc tham gia này cũng đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân đang góp phần mình để tìm kiếm điều đẹp lòng Chúa, tìm kiếm các đường lối dẫn đến Thiên Chúa và vâng phục Ngài, và làm cho vẻ đẹp của sự Vâng phục được tỏ hiện, triển nở trong đời sống chung.
- Vâng phục để thi hành sứ vụ
Thánh hiến và sứ vụ là hai chiều kích làm nên đời tu, vì cộng đoàn Dòng tu được quy tụ là vì sứ vụ. Thánh hiến hệ tại việc bước theo Chúa Kitô và họa lại nếp sống của Ngài. Sứ vụ hệ tại việc biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại qua lối sống của người tu sĩ. Hai chiều kích này không thể tách rời, xong bổ túc cho nhau và trở nên một trong sự hiệp thông. Nói cách khác: đời thánh hiến phải diễn tả được tình yêu Chúa qua đời sống và sự dấn thân phục vụ của mình.
Đối với nữ tu Mến Thánh Giá, sứ vụ của chị em là “mọi sinh hoạt bên trong và bên ngoài cộng đoàn, kể cả tình trạng bệnh tật đau yếu”, trong đó “căn bản nhất là sự hiện diện, sống đời thánh hiến trong cộng đoàn” (HC.71). Mỗi người sẽ “dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như các năng khiếu tự nhiên và siêu nhiên” (HC.30) để chu toàn những phận sự đã được ủy thác cho mình.
Lời khấn Vâng phục chính là một phương thế để thi hành sứ vụ. Chị em không nhân danh mình hay tự ý lựa chọn để thực hiện một việc tông đồ, nhưng là nhân danh cộng đoàn và được cộng đoàn sai đi, nghĩa là chỉ thực thi tác vụ trong sự Vâng lời với một con tim tự do. Chính Đức Giêsu cũng không tự mình nhập thể làm người và chịu chết để cứu chuộc nhân loại, Ngài chỉ thực hiện điều này khi vâng lệnh Chúa Cha. Khi sứ vụ được đặt dưới sự vâng phục, nó trở nên ý nghĩa và mang lại giá trị cứu độ cho mình và cho nhân loại, bởi “nhờ vâng phục tôi biết chắc rằng tôi phục vụ Chúa” (Huấn thị Quyền bính -Vâng phục, số 24).
Tự vấn: Đối với tôi, việc sống lời khấn Vâng phục có là lối dẫn đưa tôi đến Hiệp hành với cộng đoàn không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi tuyên lời khấn Vâng phục, chúng con đã tự nguyện trao quyền sử dụng đời mình cho Chúa với tất cả sự tự do, trí nhớ, trí hiểu và ý chí. Qua sự Vâng phục, chúng con được đi vào mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, với Giáo hội, với anh chị em và liên kết với sứ mạng phục vụ của Hội thánh, của Hội dòng. Xin dạy chúng con sống đức Vâng phục với sự tự do của con tim, và ý thức rằng: “Mọi công việc chúng con thực hiện chỉ có giá trị cứu rỗi khi được làm trong đức vâng phục” (Tông huấn Hồng ân cứu chuộc, số 13).