Thứ năm, 21/11/2024

Tĩnh Tâm Tháng 11.2022: Đời Sống Cộng Đoàn -  Sự Hiệp Thông Trong Chúa Ba Ngôi

Cập nhật lúc 10:02 29/10/2022

 
 
 
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - SỰ HIỆP THÔNG TRONG CHÚA BA NGÔI
Ga 21,1-19
 


WMTGHH - Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến, số 41 khẳng định: “Bằng việc liên tục thúc đẩy tình yêu huynh đệ, dưới hình thức đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy sự tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi các tương quan con người và tạo ra những kiểu liên đới mới. Bằng cách đó, đời thánh hiến nói cho con người về vẻ đẹp của hiệp thông huynh đệ cũng như về những con đường dẫn tới sự hiệp thông ấy”. Và Hiến chương điều 41 cũng cho thấy rõ: “Cộng đoàn MTG là một gia đình thực sự, được quy tụ nhân danh Đức Kitô Khổ Nạn – Phục Sinh, muốn hoạ lại đời sống Giáo hội sơ khai, với hai nguyên mẫu tuyệt vời là gia đình Nadaret và cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa”. Như thế, đời sống cộng đoàn tu trì diễn tả tương quan Ba Ngôi và thông dự vào đời sống của Ba Ngôi. Chính chiều kích tương quan thần linh này làm cho cộng đoàn tu trì có được vị trí ưu tiên so với cá nhân trong suốt truyền thống lịch sử của đời thánh hiến, biểu lộ vẻ đẹp của nếp sống cộng đoàn tu trì.
  1. Nét đẹp của đời sống cộng đoàn
Vì phát xuất từ chính tình yêu viên mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa, nên đời sống cộng đoàn thực sự mang những nét đẹp phong phú như:
  • Sự hiệp nhất
Hình ảnh các môn đệ trong đoạn Tin Mừng (Ga 21,1-19) kể về việc các tông đồ trở về quê với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm vui buồn của tình Thầy trò. Phêrô dù đã ba lần trối Thầy, nhưng ông vẫn được anh em coi là thủ lãnh. Phêrô không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các anh em khác hiểu ý và mau mắn đáp lại: “chúng tôi cùng đi với anh”. Một bầu khí đầm ấm, nhẹ nhàng trong nhóm. Họ đã cùng nhau ra đi tung lưới, ở bên nhau cả đêm, lặng lẽ cùng nhau sẻ chia thất bại. Đây quả là một nhóm bạn lý tưởng, một cộng đoàn mẫu mực.
Chúng ta hôm nay là những người được mời gọi để hiến dâng cho Thiên Chúa qua đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn gồm những người khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, quê quán, nhưng được quy tụ lại qua tiếng gọi của Giêsu, để sống cùng, sống với trong một lý tưởng hiến thân phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn. 
Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, nhất là trong những lúc khó khăn, chị em cũng đã hiệp nhất với nhau.“Cùng” với nhau như các môn đệ xưa: cùng chung sức, cùng chung lòng vun đắp, gìn giữ cộng đoàn, cùng nhau chia sẻ thành công thất bại. Có những lúc cảm tưởng như con thuyền cộng đoàn chòng chành, chới với giữa những thách đố, nhưng chị em vẫn “ở với nhau”, cùng nhau trong suy nghĩ, trong ý hướng; cùng nhau trong Chúa vượt qua mọi gian nan.
  • Đức Ái
Thánh Phaolô đã nói: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, đó là mối dây tuyệt hảo liên kết anh em” ( Cl 3,12 ). Sống đức ái huynh đệ, giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và  với chị em. Từ sự triển nở đó mới thấy được sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặt trong mối tương giao với cộng đoàn. Biết tôn trọng, đón nhận và xây dựng, đó là cơ hội tốt cho mỗi người thấy được giá trị của mình với cộng đoàn; là dịp tốt để mỗi người dám dấn thân, tạo nên những điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên được triển nở. 
Nét đẹp của đức ái này thể hiện qua việc chị em tôn trọng nhau, nâng đỡ nhau, kiên nhẫn đợi chờ cuộc hành trình chậm chạp của những chị em yếu đuối hơn: “Đồng đồng thời không bóp nghẹt sự phát triển những anh chị em phong phú hơn; một sự tôn trọng nuôi dưỡng óc sáng tạo, nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm với người khác và với sự liên đới” (Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn số 40). 
Lời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm xưa vẫn vang lên nhắc nhở chúng ta trong tông huấn  Redemptionis Donum (Hồng Ân Cứu Chuộc), để ta sống làm sao cho Đức Ái nơi cộng đoàn trở thành một nét đẹp thật sự: Bản chất cộng đoàn của đời sống tu trì của các con, được nuôi dưỡng bằng giáo lý Phúc Âm, bằng phụng vụ thánh và nhất là bằng Thánh Thể, diễn tả một phương thức ưu việt để thực hiện chiều kích liên vị và xã hội ấy: đầy lòng săn sóc ân cần và chú ý đến nhau, trong khi người này mang gánh nặng cho người kia, các con chứng tỏ qua sự hiệp nhất của các con rằng: Đức Kitô sống giữa các con. Đối với việc tông đồ của các con trong Hội Thánh, điều quan trọng là: các con phải hết sức bén nhạy trước những nhu cầu và những đau khổ của con người, hiện đang biểu lộ một cách thật rõ ràng và hiển nhiên trong thế giới ngày nay. Quả vậy, thánh Phaolô còn dạy: “Hãy mang gánh nặng cho nhau, và như thế anh em sẽ làm trọn luật của Đức Kitô” (Gl 6,2); người còn nói thêm: “Yêu mến là chu toàn cả lề luật” (Rm 13,10b).
  • Chứng tá
Nét đẹp chứng tá vô cùng quan trọng nơi đời sống cộng đoàn. Nhờ nét đẹp này, mỗi chị em sẽ trở nên ánh sáng “chói lọi trước mặt thiên hạ, ngõ hầu họ thấy việc lành anh em làm mà ngợi khen Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Để có thể “chói lọi trước mặt thiên hạ” bằng ánh sáng ấy, mỗi người trong chúng ta phải làm chứng cho đức ái giữa chúng ta với nhau trước, làm chứng cho tinh thần huynh đệ nơi mỗi cộng đoàn như lời Chúa nói: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: đó là anh em yêu mến nhau” (Ga 13,35). Cũng nhờ nét đẹp chứng tá này mà hoa trái của Chúa Thánh Thần được phát sinh qua những ơn gọi mới, khích lệ sự bền đỗ nơi các tâm hồn trẻ; nhất là chứng từ của một đời sống vui tươi thuộc về Chúa, thuộc về chị em.
  1. Nguy cơ phá vỡ những nét đẹp của đời sống cộng đoàn
Đứng trước một thế giới thúc đẩy đời sống hưởng thụ, một thế giới cổ võ cho chủ nghĩa cá nhân một cách quá đáng, khiến cho đời sống cộng đoàn ít nhiều bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ phá vỡ những nét đẹp. Có thể kể ra đây một vài điểm để ta cùng xét lại:
  • Không tin vào Thiên Chúa
Điều này có vẻ như không đúng với chúng ta, những nữ tu ngày ngày sống cận kề với Chúa, nhưng thực sự ta đã có được mối tương quan thân tình với Chúa, hay chỉ là thái độ hời hợt bên ngoài? Bởi nhiều khi “đến với Chúa mà như người viếng xác, đọc cho Chúa vài câu kinh, hát cho Chúa vài câu hát…” (Lm Giuse Nguyễn Đức Thông- Đời Sống Huynh Đệ )
  • Không tha thiết với sự sống đời đời, quên đi lòng khát khao nên thánh
Với thái độ sống trên sẽ làm ta cảm thấy vô cùng nặng nề, kéo lê đời tu khi phải đối diện với những khó khăn từ đời sống cộng đoàn.
  • Thiếu cởi mở, thiếu lắng nghe, thiếu đối thoại
Việc lắng nghe nhau đòi ta lắng nghe với trọn cả con người, chứ không phải chỉ nghe ảo bằng điện thoại, nghe người ngoài, không nghe trực tiếp từ người chị em mình.
  • Sống dửng dưng, vô ơn với Thiên Chúa và vô ơn với nhau
Ta không còn thấy ngạc nhiên về những ơn thường hằng mỗi ngày, và những điều bất ngờ Chúa ban ngang qua cộng đoàn; không còn thấy chị em là ân ban của Chúa. Như thế, ta dễ rơi vào thái độ sống tiêu cực, luôn kêu ca phàn nàn về cộng đoàn của mình, tự tách mình ra khỏi cộng đoàn và thậm chí dẫn đến suy nghĩ “Nhà dòng thì có mà cộng đoàn thì không”, hay còn theo kiểu “chung cư mà không chung sống”. ( Lm Nguyễn Quang Thanh – Thần Học Đời Tu)
Lạy Chúa! Đời sống cộng đoàn là một phần  thiết yếu của đời tu, dù biết rằng nơi đời sống này mang những nét đẹp phong phú, mang lại hoa trái cho chính chúng con, nhưng để sống được trọn vẹn thật không phải là điều dễ dàng, nhất là chúng con đang phải đứng trước bao thách đố của thực tại. Xin cho chúng con biết luôn trân quý ơn gọi mà Chúa đã trao cho chúng con - những con người bất xứng, hầu mỗi ngày chúng con yêu mến gắn bó hơn với Chúa; từ đó chúng con sẽ yêu mến và gắn bó với chị em, để hình ảnh của  tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi thực sự được tỏ hiện qua đời sống cộng đoàn của chúng con. Amen.
 

 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log