TRỞ VỀ
“Thôi ta đứng lên, đi về cùng Cha” (Lc15, 11- 32)
Hai tiếng “trở về” gợi lên trong ta một cảm giác thân thương, quen thuộc về nơi ta đã từng sống, từng gắn bó sau chuỗi ngày tháng dài xa cách. Nói đến trở về với Thiên Chúa là nói đến hiện trạng ta đang xa cách Ngài. Có thể xa trong khoảng không gian, thời gian, xa Ngài trong một khoảng vô hình nào đó, hay ta đang xa Ngài trong khoảng cách tình yêu. Nhưng khi nói trở về với Chúa nơi những người sống đời thánh hiến liệu có “hơi thừa” chăng? Hình ảnh hai người con trong dụ ngôn theo Tin mừng Lc 15,11-32, một người bỏ nhà ra đi, một người ở lại nhà với Cha, nhưng tương quan với Cha lại xa cách, coi mình như người ở, người làm thuê cho chính cha mình. Hình ảnh này có làm lay động tâm trí chúng ta, chất vấn thúc đẩy chúng ta phải thực hiện một cuộc “trở về”!
- Trở về với chính mình để trở về với Chúa
Người con thứ trước tiếng mời gọi đầy ngọt ngào êm dịu đã ra đi, rời xa vòng tay cha. Anh xa rời chính bản thân mình, khi anh tự biến mình thành một kẻ ăn xin mạt rệp thê thảm. Anh chẳng còn biết mình là ai, mình cao quý như thế nào. Anh cả tuy không“phung phí” tài sản vật chất như người em. Nhưng cả hai anh em đã đánh mất một tài sản vô giá, không phải là tiền bạc vật chất, mà cả hai anh em nhà họ đã “phung phí đi tư cách làm con”. Người em trở về với bộ dạng thê thảm xin được cha coi như“kẻ làm công”. Người anh cả luôn ở bên cha, nhưng anh lại tự mặc cho mình một tâm thế của kẻ nô lệ, một “ôsin” hầu hạ của cha. (Đức Cha Khang- Chú Giải Tin Mừng).
Trở về chính mình trong thâm sâu cõi lòng cho chúng ta thấy rằng: có thể không ít lần ta cũng rơi vào tình trạng của một trong hai người. Hoặc có thể ngay lúc này, mình đang ở trong tình trạng bi thương đó. Chúng ta để đánh mất đi tài sản vô cùng cao cả là được làm con Chúa, là người thừa kế sản nghiệp. Hơn thế, tương quan của chúng ta, người sống đời thánh hiến, với Chúa là một tương quan “vừa độc vừa lạ”, vì vừa là con, vừa là “bạn rất thân”của Chúa. Nhưng có thể chúng ta đã và đang bị một thế lực của sự dữ đánh cắp, hay ta cố tình phung phí đi tư cách cao quý mà chúng ta đã được lãnh nhận, chúng ta cũng biến mình thành một kẻ “nô lệ” của những đam mê thế trần?
Trở về sa mạc thinh lặng của cõi lòng; chúng ta can đảm đối diện trả lời cho một câu hỏi: với Chúa tôi là ai? Tôi có thuộc về Chúa với căn tính của một tu sĩ?
- Trở về để thấy mình “bỏ nhà ra đi” - “đi hoang” như thế nào?
Chúng ta có thể nói, không phải cứ ở trong “nhà của Cha”, ở trong Hội dòng (cộng đoàn) mà ta không “đi hoang”. Ta không như người con thứ “thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa”, nhưng chúng ta “bỏ nhà” “đi hoang” ngay khi ta còn đang ở trong nhà với Chúa, với chị em.
Một ngày khép lại hồi tâm trước Chúa, có lẽ không một ngày nào mà ta không “đi hoang”. Ta đi hoang trong lời nói, trong hành động, trong suy nghĩ, trong thái độ sống với Chúa. Cụ thể trong những giờ phút linh thiêng nhất là thánh lễ, giờ nguyện ngắm, là những giờ phút ta đến để được kết hiệp với Đấng mà ta đã nguyện chọn làm “Đấng Tôn Thờ Duy Nhất” để nối nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh của Đấng là tình yêu trao ban. Nhưng ta đã để cho lòng trí ngao du khắp đó đây, trong khi Chúa vẫn chờ, vẫn ngóng đợi LÒNG chúng ta trở về, chứ không chỉ là thân xác!
Không dừng lại ở đó, ta tiếp tục “đi hoang” trong cách sống của ta với chị em. Như người anh cả nói:“thằng con của Cha đó”, chứ đâu phải em tôi. Thái độ ghen tỵ hiềm khích, hờn oán của người anh cả có làm chúng ta chất vấn lương tâm về thái độ của ta với tha nhân.
Ta “đi hoang” trong việc lơ là sống Ba Lời Khuyên Tin Mừng. Ta coi nhẹ, hay vô tâm, thờ ơ với những điều mình đã tự nguyện kết ước với Chúa. Ta sống giao ước tình yêu với Chúa một cách nặng nề, èo uột, thiếu sức sống, như người con thứ lâm cảnh thiếu ăn thiếu mặc. Một lối sống “nhếch nhác” không đúng phẩm giá của người con - người bạn của Chúa!
Ta “đi hoang” trong những khi lòng mình rơi vào thử thách của những cơn cám dỗ. Ta đã không cưỡng lại, nhưng đã ra đi và tìm đến với những đối tượng, các mối tương quan, các thụ tạo khác để tiêu khiển, để khoả lấp sự cô đơn trống trải trong con tim mình!
- Trở về để đón nhận lòng thương xót không cùng của Chúa, để được phục hồi phẩm giá, để biết sống lòng thương xót ấy với chính mình và với tha nhân
Cả hai người con trong dụ ngôn đều đi hoang. Cả hai cần phải trở về. Cha luôn dang rộng vòng tay sẵn sàng tha thứ. Cha không hề đặt bất cứ một điều kiện nào cho con. Cha luôn đi bước trước: “chạy ra ôm cổ”người con thứ, “ ra năn nỉ người anh cả”.
Trở về để thấy dù ta có lạc xa Ngài, bội ước với Ngài, thì Ngài vẫn đón nhận và tha thứ, không đòi ta bất cứ điều kiện nào. Ta có thể thấy rõ điều này, nếu như Chúa trách phạt ta, thì chẳng ai có thể tồn tại. Chúa bao dung nhẫn nại và thương xót, Ngài cho chúng ta nhiều cơ hội để hoán cải trở về. Chúng ta hãy lắng nghe cái bản chất lương thiện của phần người trong ta đang gào thét và đòi ta trả lại phẩm giá cao quý cho nó. Và khi thấy mình được Chúa quặn lòng xót thương, kiên nhẫn đợi chờ, thì ta cũng phải biết xót thương, biết kiên nhẫn với những lầm lỗi, với những lúc “đi hoang” của tha nhân. Ta phải biết chạnh lòng với những người “đi hoang” mà không biết mình đi hoang, hoặc không có cơ hội mà trở về. Họ đang cần sự đỡ nâng của ta, để đưa họ về lại với Chúa.
- Đón nhận lòng thương xót, nhưng không lạm dụng lòng thương xót, mà hoán cải tận căn để trở thành con người mới trong Đức Kitô
“Lòng thương xót của Thiên Chúa là vô hạn, nhưng chúng ta không được “lạm dụng” điều ấy với “sự lười biếng tâm linh’” và cũng cần nhớ rằng: “hoán cải không bao giờ là quá trễ”. “Thời gian cho việc hoán cải không phải là vô thời hạn, vì thế, không được trì hoãn, phải thực hiện ngay. Chúng ta hãy bắt đầu ngay ngày hôm nay, ngay khoảnh khắc này” (trích bài giảng của ĐTC Phanxicô). Ta cần biết nắm bắt cơ hội Chúa dành cho ngay lập tức, nếu không nó sẽ bị vụt đi mãi mãi. Ta cần để cho lời Chúa vang lên: “ngươi hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu” (Kh 2,5).
Nhiều lúc chúng ta rơi vào tình trạng mặc cảm, tự ti, vì cứ sa đi ngã lại trong sự yếu đuối của mình, nghĩ mình không còn được Chúa thương. Không! Dù ta có thế nào, thì ta vẫn là con, là đứa con mà Chúa đã yêu thương tác tạo và ta luôn có một vị trí tuyệt với trong trái tim rộng mở của Ngài.
Mùa Chay, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hoán cải. Mỗi người trong chúng ta phải cảm thấy bị chất vấn, bị đòi hỏi bởi lời kêu gọi này. Điều chỉnh một điều gì đó trong cuộc sống của mình, trong cách nghĩ, cách làm, và trong tương quan với Chúa, với người thân cận.
Ta đừng sợ quay lại để đón nhận cái ôm trong vòng tay tha thứ. Vì“sự tha thứ không do nỗ lực con người, mà là món quà của Chúa Thánh Thần ban lòng thương xót và ân sủng tuôn đổ không ngừng từ trái tim mở toang của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại cho chúng ta” (ĐTC Phanxicô - buổi tiếp kiến ngày 19/2/2014). Đừng lẩn trốn tấm lòng hiền phụ, vì Ngài luôn tin tưởng vào khả năng có thể “đứng dậy” và tiếp tục cuộc hành trình của tất cả chúng ta. Ngài sẽ “không nỡ dập tắt tim đèn còn khói”, nhưng sẽ tiếp sức cho ta, đồng hành với ta, ban ân sủng để ta thực sự tự do trong tư cách là môn đệ Ngài.
Lạy Chúa! Chúa biết con yếu đuối như thế nào, nhưng Ngài vẫn không ngừng mời gọi con đừng ngại trở về. Đã bao lần con ngã gục dưới sức nặng của tội lỗi, của cám dỗ khiến con hổ thẹn với Chúa, hổ thẹn với chính mình, với tha nhân. Bởi lẽ ra, là những người được thánh hiến cho Chúa, con phải trở nên thánh thiện hơn mỗi ngày, yêu mến và gắn bó với Chúa hơn. Nhưng con đã không nỗ lực, không cố gắng để rồi con cứ mãi đi hoang khiến cho Chúa buồn lòng..
Mùa chay, mùa ân thánh. Chúa không ngừng nhắc nhở con trở về. Con tha thiết khẩn nguyện xin Chúa giúp sức. Xin Chúa lấy tình yêu Ngài mà biến đổi con, giúp con có được sự biến đổi căn bản và lâu dài để con thực sự sống với Chúa bằng một niềm tin yêu của người con thảo. Xin thêm sức mạnh để từ nay con quyết dám sống thật mạnh mẽ với ba chữ “Đ”: Đứng lên, Đi theo và Đổi mới luôn luôn trên hành trình theo Chúa” Amen. (Trích bài giảng của Đc. Phêrô Nguyễn văn Viên).
Ban Huấn Luyện