Thánh Matthêu cho biết lần đầu tiên Chúa Giêsu sai mười hai Tông đồ ra đi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, thì đối tượng nhắm tới trước hết không phải khởi đi từ dân ngoại, nhưng khởi đi từ chính những “con chiên lạc” trong nhà Itrael: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en (c.5-6). Đó cũng là sứ mạng của mọi môn đệ nói chung và của người nữ tu Mến Thánh Giá nói riêng, là làm chứng cho tình yêu cứu độ của Đấng Chịu Đóng Đinh, và sứ mạng ấy cần phải được khởi đi từ “Itrael hôm nay”, là Hội dòng, là Cộng đoàn chúng ta đang sống, bằng chính đời sống như Hiến chương đã nói: “Hình thức tông đồ căn bản nhất của chị em là sống đời thánh hiến trong cộng đoàn” (Hc Đ 71§1). Điều Hiến Chương trên có làm chúng ta ngẫm nghĩ và chất vấn lương tâm: sứ mạng ấy sẽ mãi là khẩu hiệu, là kiểu nói hay, nếu chúng ta chưa có cảm thức “hiệp thông”, chưa sống ơn gọi “hiệp thông” ngay trong chính Hội dòng/cộng đoàn mà chúng ta đang là thành viên.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn “Vita consecrata” ban hành ngày 25-3-1996, số 46 đã nhấn mạnh nhiệm vụ của những người sống đời thánh hiến: “Những người tận hiến được yêu cầu trở thành thực sự những chuyên viên về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông, như "những chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa". Quả thật, đời sống hiệp thông "trở thành một dấu chỉ cho thế giới và một sức mạnh thu hút người ta tin vào Ðức Kitô. Như thế, sự hiệp thông đưa tới sứ vụ, và biến thành sứ mạng, hoặc đúng hơn "sự hiệp thông sinh ra sự hiệp thông và chủ yếu của nó là hiệp thông sứ vụ".
Đức cố giáo hoàng Biển Đức XVI trong kinh chiều ngày 4-11-2011, cũng tha thiết mời gọi các linh mục và mọi sinh viên tăng cường cuộc sống hiệp thông với Chúa để hiệp thông với nhau. Tiếp nối các vị tiền nhiệm của mình, Đức thánh cha Phanxicô trong Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến (2014) gửi cho tất cả các người Thánh hiến cũng nhắc lại mục tiêu ấy: “Anh chị em hãy trở nên "các chuyên viên của tình hiệp thông", "các chứng nhân và người làm nên "dự án hiệp thông".
Ngày nay hơn bao giờ hết trong một xã hội mà sự sống chung thật khó khăn giữa các nền văn hóa khác nhau, một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, một xã hội của các cuộc chống đối nhau, của các bất đồng đều, của các cách thế áp đặt lên người yếu thế hơn… thì chúng ta càng được kêu gọi sống lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt nam cho năm mục vụ 2023 là: “củng cố sự hiệp thông” ngay trong cộng đoàn, hội dòng của mình.
Để củng cố sự hiệp thông, Đức thánh cha Phanxicô tiếp tục nhắn nhủ những người sống đời thánh hiến rằng: “Cha mời gọi các con hãy đọc lại các bài phát biểu của Cha, trong đó Cha không mệt mỏi lặp lại rằng, các chỉ trích, các lời tâng bốc, các ghen tương, tị hiềm, các cách chống ngược lại nhau, là các thái độ không có quyền ở lại trong nhà của các con” vì các điều đó là nguyên nhân cản trở sự hiệp thông. Trái lại, hãy sống tình bác ái huynh đệ với nhau, hãy làm cho Cộng đoàn, Hội dòng nên ngôi nhà và trường học dạy sự hiệp thông (Tông thư Năm ĐSTH Phần II, số 3).
Lời nhắn nhủ của vị Cha chung giáo hội cho chúng ta thấy sự hiệp thông trong cộng đoàn là một điều quan trọng và khẩn thiết. Hội dòng/cộng đoàn chúng ta có phát triển được hay không là tùy vào mức độ hiệp thông này. Vì thế, các vị hữu trách và mỗi thành viên trong Hội dòng/cộng đoàn phải là người kiến tạo và là cầu nối của sự hiệp thông giữa các thành phần trong cộng đoàn chứ không phải là nguyên nhân để gây chia rẽ hay hiểu lầm nhau. Vì thế, trước nhất và trên hết, sự hiệp thông trong cộng đoàn phải được bén rễ sâu trong mối tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là nguồn mạch của mọi chiều kích hiệp thông, và phải liên lỉ đặt Đức Kitô Chịu Đóng Đinh làm đối tượng duy nhất của lòng trí mình ngang qua việc cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau chiêm niệm mầu nhiệm cuộc đời Ngài, để từ đó chính mỗi người đều thấy mình là một phần của Hội dòng, của cộng đoàn, thấy mình được chính cộng đoàn chăm sóc thiêng liêng cũng như vât chất, và thấy mình được mời gọi tích cực tham gia các hoạt động sứ mạng của cộng đoàn.
Sau đó, sự hiệp thông ấy phải được lan tỏa tới chị em trong cộng đoàn ngang qua tình tương thân tương ái, qua việc thành tâm lắng nghe, tôn trọng, đón nhận nhau để không còn ai phải ở bên lề của cộng đoàn. Tuy nhiên, để sống được chiều kích hiệp thông này, đòi hỏi mỗi người phải tự hoán cải chính mình. Một sự hoán cải mang tính Vượt qua từ «vị kỷ» sang «yêu thương», từ cái «tôi» sang cái «chúng ta», từ «cá nhân» sang cái «chung», từ «cộng đoàn cho tôi» sang «tôi cho cộng đoàn»…
Lạy Chúa, khi chúng con nhìn lại mình, thay vì thấu hiểu, cảm thông và đón nhận nhau để xây dựng Hội dòng, cộng đoàn hiệp thông yêu thương, thì chúng con lại là nguyên nhân cản trở sự hiệp thông: chúng con chưa sống hiệp thông với Chúa liên lỉ trong mỗi ngày sống; chúng con vẫn đóng vai «Pharisêu thời đại mới»: xét đoán nhau, nóng nảy, chưa kiên nhẫn với nhau cho đủ, chưa tha thứ cho nhau như Chúa tha thứ cho chúng con. Chúng con chưa thẳng thắn góp ý cho nhau để cùng giúp nhau nên hoàn thiện. Chúng con chưa quý trọng nhau và xem người khác quan trọng hơn bản thân mình. Chúng con vẫn thích cái gì đem lại tiện nghi, thuận lợi cho mình còn những phần kém, phần thiệt thòi thuộc về chị em; Và chúng con còn gây ra biết bao gương mù, gương xấu cho nhau bởi sự dửng dưng, thói ích kỷ, kiêu ngạo, ghanh tỵ, đề cao bản thân mình… Chúng con chưa ‘một lòng một ý’, chưa ‘đồng tâm nhất trí.’ với nhau cách nghiêm túc đi vào sự hiệp thông trong các chương trình, kế hoạch chung của Hội dòng, của cộng đoàn.
Xin cho mỗi người chúng con luôn hiệp thông hoàn toàn đời mình vào tình yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh, để chúng con luôn biết xuất phát lại từ nguồn mạch là Đức Kitô Chịu đóng đinh, xoay quanh trọng tâm Đức Kitô chịu đóng đinh, rập theo khuôn mẫu Đức Kitô chịu đóng đinh và được thúc đẩy bởi động lực là Đức Kitô chịu đóng đinh, hướng về cùng đích cũng là Đức Kitô chịu đóng đinh như gương sống của Đấng sáng lập. Để nhờ chính Đấng Chịu Đóng Đinh thì dù chúng con đang hăng say phục vụ truyền giáo với những hoạt động tông đồ, hay đang làm những việc âm thầm bé nhỏ, hoặc đang chịu những căn bệnh hiểm nghèo hay sự cô đơn của tuổi già…hoặc đang trong nơi thanh vắng thầm thĩ cầu nguyện, hay đang phải đối diện với những khó khăn của chính đời sống cộng đoàn… chúng con đều có thể trở thành lời kinh chuyển cầu cho lương dân được ơn biết Chúa; cho các tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải; cho các nhu cầu của Giáo hội phổ quát, Giáo hội địa phương và các linh hồn nơi luyện ngục (Hc, Đ 4; Đ 63 §1).
1.Tôi có dự phóng gì để “sống hiệp thông” theo căn tính và đặc sủng riêng của Hội dòng trong chính cộng đoàn của mình?
2.Với tư cách là một người môn đệ theo sau Đức Kitô, tôi được mời gọi để thi hành sứ mạng Chúa trao cho trong bổn phận của mình, tôi có sẵn sàng bỏ lại sau lưng tất cả, khoác lên mình tâm tư và thao thức hiệp thông mà Đức Kitô đã mang?
Ban Huấn Luyện