Thứ bảy, 23/11/2024

Tĩnh Tâm Tháng 04.2023: Thập Giá – Mầu Nhiệm Tình Yêu Cứu Độ (Ga 3, 14-17)

Cập nhật lúc 05:45 28/03/2023
 
Thập Giá – Mầu Nhiệm Tình Yêu Cứu Độ
(Ga 3, 14-17)
 
Thánh Gioan Tông đồ cho chúng ta một mạc khải: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. (1Ga 4, 8b-9). Thánh sử còn nhấn nhấn mạnh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Nhà thần học Karl Rahner nói: “muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa mà Phục Sinh mở ra”. Chúng ta đang cùng với Giáo Hội hoàn vũ sống những ngày cuối của Mùa Chay, chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Khi chiêm ngắm con đường huyền nhiệm tình yêu mà Đức Giêsu đã đi, cách thế mà Đức Giêsu đã chọn để cứu độ nhân loại, giúp chúng ta mỗi ngày cảm nghiệm sâu xa hơn tình yêu Thiên Chúa dành con người nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng.
1. Thập Giá – mầu nhiệm tình yêu
Mỗi Mùa Chay, chúng ta vẫn suy niệm về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Chúng ta chiêm ngắm những đau khổ, những tủi nhục mà Ngài đã chịu. Chúa Giêsu như con chiên hiền lành bị đem đi giết: Ngài bị bắt và giải đi như một tên cướp; Ngài bị người ta tố cáo gian; Ngài bị người ta nhục mạ; Ngài chịu đội mão gai, chịu đánh đòn, chịu vác thập giá; Ngài chịu đóng đinh và chết tức tưởi trên cây thập giá... Tuy nhiên, cái đau đớn thể xác không thấm gì so với những đau khổ trong tâm hồn khi Chúa nhận ra những gương mặt thân quen vừa hôm qua còn chăm chú nghe Chúa giảng dạy; những gương mặt đau khổ do bệnh tật mới được Chúa chữa lành... giờ đây tất cả đang gào thét kêu đóng đinh Ngài vào thập giá. Và ngay cả những môn đệ thân tín nhất, những người được Chúa gọi là “bạn hữu”, bạn tâm giao chia ngọt sẻ buồn, được Chúa dạy dỗ bảo ban… vậy mà bây giờ đây, người thì phản bội bán đứng Thầy, người thì phủi tay chối bỏ không biết Thầy vì sợ liên lụy…Chúa Giêsu đã âu yếm nhìn họ và sẵn lòng đón nhận tất cả. Ngài không oán hận những người mình đã làm làm phúc nay quay đầu giơ tay đả đảo chống đối, không hờn trách những người bạn mà Ngài đã hết lòng tin tưởng - yêu thương mà nay phản bội. Ngài có đủ năng quyền nhưng lại không phản kháng kẻ đánh đập lăng nhục và đóng đinh Ngài trên thập giá.  Chúng ta chiêm ngắm thái độ của Chúa Giêsu trước mầu nhiệm thập giá, để có thể cảm nghiệm trái tim hiền hòa bao dung tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại và tình yêu hiếu thảo vâng phục đối với Thiên Chúa Cha.
 Phần chúng ta, đứng trước mầu nhiệm Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta thấy gì, chúng ta có suy nghĩ gì và có cảm xúc thế nào? Thập giá là biểu hiện của sự đau khổ, của thử thách. Hình khổ thập giá không chỉ là cái chết thương đau thể xác mà còn là sự nhục nhã thê thảm về tinh thần. Sự chấp nhận Thập giá của Đức Kitô là một lựa chọn hoàn toàn tự do của một Ngôi Vị Thiên Chúa làm người. Thập giá tuy là khí cụ độc ác và ô nhục mà con người nghĩ ra để hành hạ nhau, nhưng Đức Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của tình yêu tự hiến thảo hiếu của người Con vâng phục ý Cha và tình yêu dâng hiến cho nhân loại.
Nhìn lên Thập giá, chúng ta thấy được sự nặng nề của tội lỗi. Chúa Giêsu đã mang trên vai tội lỗi của cả nhân loại, tội lỗi của mỗi chúng ta (x.1Pr 2, 24), Ngài đã lãnh lấy hình phạt để chúng ta được bình an, và bởi thương tích Ngài mà chúng ta được chữa lành. Như thế, Thập giá không phải tượng trưng cho sự thất bại mà là nơi khơi nguồn ân sủng. Chính nhờ Đức Kitô mà Thập giá từ chỗ là biểu tượng của oán thù đã trở nên nơi thi thố tình yêu, sự hòa giải giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau.
Bằng chứng thuyết phục nhất cho một tình yêu vĩ đại không phải là những lời hứa, nhưng là những hành động cụ thể. Thiên Chúa yêu thế gian, Người đã không tiếc ban Con Một mình cho thế gian. Và khi đi vào trong lòng thế giới, Con Thiên Chúa đã chấp nhận mọi nỗi thống khổ, sẵn sàng chịu chết trên thập giá để trở nên hy lễ đền tội thay cho nhân loại. Nhờ đó, hễ ai tin vào Người thì sẽ không phải chết trong tội nữa, nhưng sẽ được thông phần sự sống vĩnh cửu của Người (x. Ga 3,14-15). Bởi vì nơi Thập giá, Đấng Công Chính đã chết thay cho tội nhân. Qua cái chết của Đức Kitô trên Thập giá mà Thập giá đã trở nên căn nguyên của ơn cứu độ và là dấu chỉ tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại (x. Ga 13,15). Người ta có thể đặt vấn đề rằng Thiên Chúa - Đấng quyền năng vô cùng, tại sao Ngài không dùng cách khác để cứu độ con người ? Ngài có thể cứu độ con người bằng nhiều phương thế khác ngoài con đường Thập giá. Nhưng thử hỏi, nếu Thiên Chúa dùng cách khác thì liệu con người có cảm nhận được tình yêu của Ngài, có nhận biết Ngài, có tin phục Ngài hay không? Vì vậy, “Thiên Chúa đã không chọn con đường nào khác để biểu lộ tình yêu của Ngài cho con người ngoài con đường đau khổ và tử nạn trên thập giá”. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II trong tông huấn Đời Sống Thánh Hiến đã khẳng định: “Thập giá là sự sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế giới” (VC số 24). Đức Kitô khi bị treo trên Thập giá, đã mang lại cho con người ý nghĩa đích thật của mầu nhiệm đau khổ. Cũng từ đó, đau khổ không còn phải là một hình phạt cho con người nữa mà là một phương tiện để tôi luyện con người, để giúp con người trưởng thành hơn trong cuộc sống, cũng như để nhắc nhớ con người luôn biết hướng về quê hương đích thật của chúng ta là Nước Trời, nơi đó sẽ không còn khổ đau và nước mắt nữa. Thật vậy, đã có biết bao con người tìm được sức mạnh để chịu đựng được những đau khổ lớn lao ngay cả khi cái chết gần kề, chính là nhờ sức mạnh cao cả của Tình Yêu Thập Giá. Như thế, Thập Giá đã trở thành dấu chỉ của hy vọng và sự sống, là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh Phaolô Tông đồ đã thốt lên: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14). Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, minh chứng rằng, Người yêu thế gian hơn yêu chính mình.
2. Mầu nhiệm Thập Giá và người môn đệ
Như Đức Kitô, cuộc đời người môn đệ gắn liền với Thập Giá, với mầu nhiệm tình yêu cứu độ. Thập giá Đức Kitô đem ơn cứu độ cho con người, còn Thập giá của mỗi chúng ta là điều kiện để đón nhận ơn cứu độ ấy và trở thành môn đệ của Đức Giêsu (x. Lc 9, 23). Trong cuộc sống, mỗi người đều có thập giá của riêng mình. Thập giá hàng ngày của con người là những đau khổ, những thử thách, gian truân gắn liền với sứ mạng. Nếu ta mang vác những gánh nặng, những trách nhiệm, những lo toan hàng ngày một mình thì sức nặng của cây thập giá đời mình sẽ càng nặng, càng đau…Nhưng nếu ta kết hợp với Thập Giá Chúa Giêsu, xin Người đồng hành với ta thì thập giá đời ta, vẫn là thập giá ấy thôi, vẫn nặng nề, vẫn khổ đau, nhưng sẽ được biến đổi thành những cây Thánh giá phúc, có tình yêu của Chúa, có ơn cứu độ của Chúa, có sức mạnh của Chúa, có sức sống phục sinh của Chúa. Là nữ tu Mến Thánh Giá, không phải chúng ta là những người ái khổ, cũng không phải ta tìm kiếm đau khổ. Nhưng hơn hết, chúng ta được mời gọi tháp nhập đời mình vào mầu nhiệm Thập Giá Chúa, để ta biết thánh hóa những đau khổ, những trái ý, những thử thách của ta trong hy lễ của Đức Kitô trên Thập giá. Chúng ta cũng được mời gọi “chấp nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn các đòi hỏi của ba lời khấn Khiết Tịnh, Nghèo khó, Vâng phục và đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, đời sống tông đồ” (HC 67, 2). Nếu chúng ta “cố tìm một Đức Giêsu không thập giá, ta sẽ gặp thập giá mà không có Đức Giêsu”. Và vì Thập giá là biểu lộ tình yêu lớn nhất của Đức Ki-tô đối với Chúa Cha và nhân loại. Chúng ta cũng hãy“sẵn lòng đón nhận Thập giá mỗi ngày để làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Đức Ki-tô Chịu - Đóng - Đinh và anh chị em đồng loại”  (HC 65).
Mỗi ngày chúng ta đọc nhiều lần câu châm ngôn: “Đức Giêsu Ki-tô Chịu - Đóng - Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc trần gian”. Dọi vào thẳm sâu cõi lòng, chúng ta tự hỏi mình đã thực sự đặt Đức Giêsu Ki-tô Chịu - Đóng - Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mình hay đã đặt đối tượng nào khác? Đã bao giờ chúng ta chiêm ngắm Thập giá Chúa một cách say mê, hoặc một lần được chạm vào trái tim bao dung tha thứ Chúa Giêsu, để cảm nhận tình yêu nồng nàn dịu dàng của Đấng Chịu Đóng Đinh đã  Phục Sinh trái tim lạnh lẽo ích kỷ của chúng ta?
Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi suy niệm về mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa, đã nhiều lần con thấy mình đứng bên vệ đường dùng cặp mắt lạnh lùng nhìn Chúa vác thập giá. Đó là mỗi khi con lạnh lùng trước những đau khổ của tha nhân. Chúa đã sẵn lòng chịu mọi đau khổ, cực hình thay cho con, mặc dù ngàn lần con bất xứng. Tại sao con lại từ chối hy sinh cho chị em mình đang khi họ cần giúp đỡ? Con thấy mình đã không vác đỡ thập giá cho Chúa như Simon người Kyrênê, nhưng còn chất thêm gánh nặng cho Chúa. Đó là khi con không chia sẻ gánh nặng với chị em mình, thậm chí con còn chất thêm gánh nặng lên vai họ do sự ích kỷ của mình. Con đã đóng đinh Chúa vào thập giá khi con làm cho chị em con phải đau khổ cách này cách khác. Xin Chúa giúp con nhận ra rằng, Thập giá của Chúa chính là dấu chỉ tình yêu vĩ đại mà Chúa dành cho con. Để mỗi ngày con can đảm từ bỏ đi cái tôi ích kỷ của mình, từ bỏ những đam mê tội lỗi để bước đi theo Chúa trên con đường Thập giá. Amen.  
 
Ban Huấn Luyện
 
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log