Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội nói rằng: “Khiết tịnh là tặng phẩm quý báu của ân sủng thần linh” (LG, số 42). Tặng phẩm cao quý này Thiên Chúa“dành cho những kẻ Người muốn”. Khi đón nhận quà tặng này từ Thiên Chúa, người tu sĩ quảng đại thưa “vâng” trong sự tự do bước theo Đức Kitô qua giao ước tình yêu -“khấn dòng”. Có thể nói, lời khấn sống độc thân khiết tịnh làm cho cuộc đời người tu sĩ trở nên giá trị và biểu lộ vẻ đẹp chứng tá Tin mừng cùng niềm vui dâng hiến phục vụ. Bên cạnh giá trị cao quý và niềm vui dâng hiến, lời khấn khiết tịnh đòi buộc người tu sĩ đối diện với những thách đố căn bản nhất của cuộc sống con người, bằng phương thức mà Thiên Chúa mời gọi.
1. Niềm vui được trao hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa
Thánh Phaolô tông đồ nói với tín hữu thành Corintô: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7). Tuy nhiên, để cảm được tình thương yêu của Chúa qua việc dâng hiến, ta cần ý thức trao hiến một cách trọn vẹn cả tâm hồn và thân xác, với một thái độ vui tươi. Vì đức khiết tịnh thánh hiến đòi ta phải tiết dục hoàn toàn, phải khước từ hết mọi khoái lạc, khước từ nhu cầu yêu và được yêu vốn là bản năng tự nhiên mà Thiên Chúa đã phú ban, để không giới hạn hay dừng lại ở bất cứ một cá nhân, một thụ tạo nào, mà dành riêng cho một mình Thiên Chúa với một trái tim “không san sẻ”.
Ta cũng cần biết rằng, sống đức khiết tịnh thánh hiến “tiên vàn là một đời sống yêu mến và chiếm hữu Thiên Chúa, chứ không phải là phương tiện để yêu thương tha nhân hay thực thi sứ vụ”. Và một điều quan trọng mà ta cần phải hiểu: “đức khiết tịnh không phải chỉ là một điều kiện đi kèm với ơn gọi mà là cách thức chúng ta yêu và triển nở tình yêu với Chúa và tha nhân”. (John Mark Falkenhain – Ơn Gọi Yêu Thương) Nhưng tình yêu ta dành cho Chúa phải đạt đến độ say mê, sức cuốn hút của Chúa mãnh liệt đến độ có thể nói như Felixpodi Mattam: “chỉ khi nào ta tiến gần đến kinh nghiệm phải lòng Thiên Chúa”, thì đời sống khiết tịnh của chúng ta mới có ý nghĩa và đem lại cho ta một niềm vui trọn vẹn.
Nhưng làm sao ta có thể đạt tới kinh nghiệm này? Người tu sĩ cần “dán mắt vào Đấng chúng ta yêu mến một cách độc đáo vô song”( Felixpodi Mattam – Khiết Tịnh Đời Sống Thánh Hiến). Hay nói cách khác, người tu sĩ sống niềm vui đời thánh hiến trong sự độc thân khiết tịnh nhờ đời sống liên lỉ cầu nguyện, biết dìm mình trong sự chiêm ngắm Thiên Chúa, và “Thần nghiệm trong Thánh Thần”. Khi chúng ta sống “thần nghiệm trong Thánh Thần”, chúng ta sẽ nhạy bén nhận ra sự sống động của Chúa Thánh Thần đi bên cuộc đời chúng ta, thúc đẩy tình yêu chúng ta với Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta biết “neo trái tim lại trong tình yêu có thể làm cho chúng ta hạnh phúc” (Thánh Gioan Kim Khẩu) 2. Niềm vui được trở nên giống Chúa
Bởi chính Đức Giêsu đã hiến trọn cuộc đời cho Cha, Ngài đã trải qua tuổi trẻ của mình, dành cả một đời và hết tâm lực cho việc phục vụ Nước Thiên Chúa, làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”. Ngài khát khao cho những ai muốn phục vụ “Danh Cha” và “Nước Cha” như Ngài, có một sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa, bằng một trái tim không chia sẻ, một tâm hồn trong sạch, “không mảy may dính bén chút tỳ ố nào”. Chúng ta, những người sống đời thánh hiến được dành riêng, tách riêng để thuộc về Chúa, khi ta sống đức khiết tịnh là ta trở nên giống Chúa Giêsu một cách triệt để hơn. Như thế, còn niềm vui, niềm hạnh phúc nào cho bằng việc ta nguyện bước theo Ngài, được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, cùng với Ngài hân hoan phục vụ Nước Trời, làm cho Nước Trời hiện diện ngay nơi trần thế này.
3. Niềm vui vì ta đang tiến gần vào chân trời của ơn gọi nên thánh
Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã từng nói:“Thành công nhất của đời người là nên thánh”. Bởi thế việc nên thánh luôn là mối bận tâm, là khát khao của những người sống đời thánh hiến. Cả ba lời khấn đều là phương cách giúp ta nên thánh, nhưng với lời khấn khấn khiết tịnh, làm cho tâm hồn ta trong sáng, để ta có thể hưởng trọn mối phúc mà Chúa Giêsu đã nói:“Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa" (Mt 5,8). Qua Lời chúc phúc của Chúa Giêsu, làm cho người trung thành sống Khiết tịnh đạt tới sự thánh thiện như Thiên Chúa mong muốn. Giáo Lý Công Giáo khẳng định: "Những người có lòng trong sạch ngay thẳng là những người biết dùng trí khôn và ý chí để sống thánh thiện như Thiên Chúa đòi hỏi (Sách Giáo Lý Công Giáo,
Đức Cha Lambert có lẽ hơn ai hết đã cảm được giá trị lớn lao của điều này. Vì thế, Linh đạo ngài để lại cho con cái ngài là: “Hướng trọn lòng trí và cuộc sống về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là Đối Tượng Duy Nhất”. Như thế, làm sao ta có thể thực hiện được điều này, nếu như không có một trái tim tinh ròng, trong suốt. Và nhờ việc luôn hướng trọn lòng trí và cuộc sống về Chúa, thì việc nên thánh của chúng ta không còn phải là một điều xa xôi.
4. Thách đố
Hơn bao giờ hết, đức khiết tịnh thánh hiến hôm nay đang bị đe doạ một cách nghiêm trọng bởi bối cảnh xã hội và chính nội tại của những người sống đời thánh hiến. Chúng ta vốn mang trong mình sự yếu đuối, mỏng giòn, lại sống giữa một thế giới tự do, hưởng thụ, nền luân lý suy đồi, tôn thờ bản năng, biến tình dục thành phương tiện thoả mãn. Bên cạnh đó những gương sống thiếu lòng trung tín, vi phạm lời khấn của một số người sống đời thánh hiến đã khiến cho “vẻ đẹp của khiết tịnh bị lu mờ”,(Nguyễn Quang Thanh – Thần Học Đời Tu) khiến cho người đời có quyền nghi ngờ về giá trị của nó. Như thế sống giữa môi trường này, đời sống khiết tịnh của chúng ta không thể tránh khỏi những cám dỗ của xu hướng dễ dãi, thoả hiệp, sống theo “chủ nghĩa tương đối” với khiết tịnh, khiến ta dễ dàng đi ngược với lời khấn.
Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến số 88 cũng xác nhận:“Khó khăn của người sống đời độc thân thánh hiến đến từ một nền văn hóa hưởng thụ đang tháo gỡ mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục, thường giản lược tính dục thành một thứ trò chơi và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng lõa của các phương tiện truyền thông xã hội. Ai cũng thấy những hậu quả của tình trạng này xảy ra trong xã hội hiện nay: đủ mọi thứ vi phạm luân lý, kèm theo vô vàn đau khổ về mặt tâm lý và suy đồi đạo đức trong đời sống cá nhân cũng như tập thể”
5. Tỉnh thức để đối phó với những thách đố
Đứng trước những thách đố gắt gao của thời đại, ta cần tỉnh thức để nhận ra tình trạng sống “hâm hẩm” của ta trong giao ước tình yêu với Chúa. Ta cần nhớ rằng: điều Chúa đòi hỏi ta là phải có một thái độ từ bỏ dứt khoát. Chúa không bao giờ chấp nhận bất cứ một sự mập mờ hay một sự thỏa hiệp nào. Nếu không thức tỉnh ta có thể “bắt cá hai tay”, duy trì những tình cảm không phù hợp với đời thánh hiến, những mối liên hệ thiếu trong sáng, lỗi kỷ luật, lỗi đức ái, và có nguy cơ khiến ta bất trung với Chúa.
Tỉnh thức để nhận ra nguy cơ làm ta dễ biến đời sống cô tịch thành cô đơn- cô độc. Bước vào đời sống tu trì là bước vào đời sống cô tịch, có nghĩa là bước vào “không gian giúp chúng ta gặp Chúa một mình và nhận ra chúng ta đang được Ngài nhận biết cách sâu sắc đến mức nào và Ngài yêu chúng ta trọn vẹn ra sao” (John Mark – Ơn Gọi Yêu Thương). Hay Anthony trong cuốn A Return to the self cho thấy: “bước vào tương quan với Chúa một cách thân mật sâu xa qua đức khiết tịnh, chúng ta thấy như chính Chúa Giêsu là Đấng chúng ta tìm thấy sâu thẳm tâm hồn mình”. Chúng ta nhận ra điều này khi ta dành thời gian và không gian, nhất là sự cô tịch để đi vào bên trong chiêm ngắm vị Thiên Chúa. Nhưng thời gian trôi đi ta đã làm phai nhạt, đã “mất đi tình yêu thuở ban đầu”, để rồi biến cuộc sống cô tịch thiêng thánh của ta biến thành sự cô đơn tẻ nhạt.
Chúng ta cần tỉnh thức, đừng để cho các thiết bị truyền thông hiện đại của các loại smartphone với internet, facebook, zalo, viber…, cứ xuyên qua bốn bức tường của tu viện….đã phá tan sự cô tịch, phá tan nội vi của chúng ta, khiến ta dễ dàng vi phạm lời khấn khiết tịnh, khiến chúng ta không còn cảm được sự thiêng thánh của cuộc đời dâng hiến.
Chúng ta mượn lời nguyện của linh mục Nguyễn Cao Siêu để thưa với Chúa: “Lạy Chúa, như đoá sen trong bùn lầy, xin giữ tâm hồn con thanh khiết. Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, xin gìn giữ mắt con. Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc, xin dạy con biết tôn trọng thân xác. Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục, xin thanh lọc trí tưởng tượng của con. Xin nâng con lên cao vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt, để con biết tự hiến trong yêu thương. Xin đừng để con phung phí sức lực vào những chuyện tình cảm chóng qua, nhưng giúp con tự rèn luyện mình để gánh vác cuộc sống mà Chúa mời gọi con. Như đoá sen trong đầm lầy, xin giữ thân xác con thanh khiết”.
Ban Huấn Luyện