BƯỚC THEO ĐỨC KITÔ VÂNG PHỤC (Pl 2, 6-9)
Vâng phục là động từ mà con người, dù già hay trẻ, ít muốn nghe đến, nhất là trong thế giới đề cao tự do cá nhân hôm nay. Bởi vì bản tính tự nhiên của con người là thích ra lệnh hơn là phục quyền, thích làm theo ý riêng hơn làm theo ý người khác, ưa làm những gì mình thích chứ ít khi thích những gì mình làm. Hơn nữa, họ thường cho rằng những phán đoán của mình là đúng và nhất quyết ở lại trong đó, muốn người ta phải đồng thuận với mình chứ không mấy khi làm điều ngược lại.“Cái tôi” vốn dĩ rất bé nhỏ song lại thích được đề cao chứ chẳng muốn vâng phục ai. Thế nhưng thực tế lại cho thấy rằng: vâng phục là điều con người không thể chối bỏ, nếu muốn cuộc sống bình an, hạnh phúc và có giá trị. Chính Con Thiên Chúa cũng chọn lối sống vâng phục ý Cha trong hết mọi sự với tâm tình con thảo, để mang lại phúc lành cho thế giới.
- Vâng phục là quy luật của cuộc sống
Con người là một thực thể độc lập nhưng có tính xã hội, nên những ai muốn tồn tại và phát triển đều phải sống thành xã hội. Xã hội nhỏ nhất là gia đình, lớn hơn là lớp học, trường học, cộng đoàn, quốc gia, Giáo hội, và lớn nhất là thế giới. Trong bất cứ hình thức xã hội nào, mọi người đều được mời gọi vâng phục thẩm quyền chính đáng và hợp pháp, vâng phục lề luật vì lợi ích chung. Một xã hội mà các thành phần không vâng phục thẩm quyền hợp pháp hay lề luật, thì xã hội đó sẽ hỗn loạn, thậm chí tan rã; một bệnh nhân không vâng lời bác sỹ thì không thể được chữa lành; một học sinh bất tuân thầy cô thì làm sao tiến bộ? người tham gia giao thông không vâng lời các tín hiệu giao thông thì nguy hiểm đến tính mạng... Xã hội càng văn minh tiến bộ, càng đòi hỏi người dân phải tuân thủ những quy tắc, những mệnh lệnh xã hội.Vâng phục trở thành quy luật của cuộc sống.
- Vâng phục là lối đi của Thiên Chúa
Chủ đề vâng phục được trình bày ngay từ buổi đầu của gia đình nhân loại, gắn liền với giao ước giữa Thiên Chúa và Nguyên Tổ, được diễn tả qua ngôn ngữ biểu tượng: Ađam và E-và được ăn mọi trái cây trong vườn, ngoại trừ cây giữa vườn. Nhưng Nguyên tổ đã phản nghịch lại lệnh truyền của Thiên Chúa, tự mình “hái trái cây mà ăn”. Hậu quả của sự bất tuân phục này là “mắt họ mở ra, họ thấy mình trần truồng và trở nên xa lạ với Thiên Chúa” (x. St 3, 1-7). Từ đây tội lỗi đã đi vào thế gian, gây nên tình trạng đau thương, chết chóc cho hậu thế.
Nhưng Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn đồng hành với con người, nên đã tìm cách cứu vớt. Để sửa chữa hậu quả của sự bất tuân, Con Thiên Chúa đã chọn cách vâng phục Chúa Cha, nhập thể làm người cứu độ nhân loại, dưới tên gọi Giêsu.
Con Thiên Chúa đã vào đời và đảm nhận những trách nhiệm của con người với tâm tình“Này con đến để thực thi ý Cha” (Dt 10,7). Ngài bằng lòng sống như “phàm nhân” trong một gia đình nhân loại và thực hành đức vâng phục (x.Gl 4,4); Người làm gương cho chúng ta về việc vâng phục các quy luật tôn giáo và quy tắc văn hóa của dân tộc mình (x. Lc 2, 20- 52; Mt 18,17; Mt 26,18). Tin Mừng cho thấy rằng dường như suốt cả cuộc đời, Đức Giêsu không có tư tưởng riêng, không có ý riêng, không có chương trình- kế hoạch riêng, mà hoàn toàn để cho tư tưởng của Cha, ý muốn của Cha, kế hoạch của Cha, lời của Cha, giáo lý của Cha...chi phối cuộc đời và hướng dẫn mọi lời nói, việc làm. Ngài đã xác quyết: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).
Trong vườn Cây Dầu, trước viễn tượng của cuộc tử nạn, Đức Giêsu đã phải trải qua nỗi sợ hãi đến tột cùng: dường như điều Cha muốn và điều Con muốn không dung hợp với nhau. Nỗi lo sợ khiến Ngài run rẩy, mồ hôi máu chảy ra, Ngài khẩn thiết cầu xin: “Nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con”. Nhưng liền sau đó, dù sợ hãi, Đức Giêsu nói thêm: “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42). Và cuối cùng Ngài đã vâng theo ý Cha, ngang qua nhà cầm quyền trần thế, bằng lòng chấp nhận bản án bất công, chịu treo trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
Câu chuyện Vườn Dầu cho ta hiểu rằng: nền tảng sâu thẳm nhất trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là sự quyết tâm vâng phục Thánh ý Chúa Cha – một sự vâng phục hoàn toàn đồng nghĩa với tình yêu. Bằng tình yêu tuân phục này, Đức Giêsu đã chiến thắng và chuộc lại hậu quả của sự bất tuân do Ađam đem đến: “vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Lời xin vâng ý Cha đã thật sự hoàn trọn nơi cái chết của Đức Giêsu.
- Chị em Mến Thánh Gía bước theo Đức Kitô Vâng phục
Đời sống thánh hiến được định nghĩa là “Bước theo Đức Kitô” (ĐSTH số1). Với 3 lời khấn: Khiết tịnh- Khó nghèo- Vâng phục, người tu sỹ họa lại hình ảnh Đức Kitô giữa thời đại mình, theo Linh đạo và Đặc sủng của Dòng. Đức Kitô trở thành khuôn mẫu hoàn hảo cho những ai muốn vâng phục Thánh ý Cha.
Bước theo Đức Kitô Vâng phục, chị em Mến Thánh Gía muốn chiêm ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh để “vừa noi gương, vừa tham gia vào sự vâng phục cứu độ của Chúa Giêsu, nhằm cứu độ thế giới” (HL15b), được “hiến thân trọn vẹn cho Chúa Cha và phục vụ anh chị em đồng loại” (công thức khấn dòng MTG). Nếu việc chu toàn Thánh Ý Chúa Cha với lòng yêu mến là nét đặc trưng nhất trong sứ mạng khổ nạn của Đức Giêsu, thì đó cũng phải là yêu sách và là đặc nét làm nên căn tính người nữ tu MTG.
Chiêm ngắm Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, Chị Nữ tu Mến Thánh Gía hiểu được thế nào là Vâng phục. Thật vậy, thánh Phaolô đã giải thích sự vâng phục qua chính Người Con: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-7). Hành vi vâng phục này đưa Đức Giêsu tiến sâu, tiến xa vào trong mối tương quan tình yêu với Chúa Cha. Noi gương Đấng là đối tượng duy nhất của lòng trí – chị em Mến Thánh Gía sống đức Vâng phục bằng cách “hiến dâng ý riêng như một của lễ hy sinh”, để được “thông phần vào hiến lễ duy nhất của Đức Kitô” (HC 30), mặc dù cũng như Đức Giêsu, Chị sẽ phải “trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).
Sự vâng phục căn bản nhất được bắt đầu từ trong sâu thẳm hữu thể mình. Vâng phục như thế sẽ đưa Chị về nguồn của ơn gọi cá nhân: chính Chúa ngỏ lời với Chị và Chị vâng phục - đáp trả trong tự do. Trong mối tương quan mật thiết với Chúa, Chị được thúc đẩy chân thành tìm kiếm và tháp nhập ý mình vào ý Chúa, để có thể đón nhận chính mình với những thực tại cụ thể, biết vâng theo những hoàn cảnh của thời đại, địa lý và con người, vâng theo quy luật của tự nhiên: sinh-lão-bệnh-tử; biết miệt mài tu luyện, học tập, lao động để hoàn thiện bản thân; biết dùng tất cả năng lực, trí tuệ, ý muốn, sức khỏe...và ơn Chúa ban để gánh vác lấy cuộc đời, thân phận mình, thi hành các giới lệnh, sống kỷ luật đời tu và chu toàn sứ mệnh đã được ủy thác với tất cả tình yêu, và ý thức rằng Chị đang góp công xây dựng Thân Thể Chúa Kitô như ý muốn của Thiên Chúa. Khi mọi hành vi của Chị được đức Vâng phục soi dẫn, sẽ tạo nên công đức và mang lại nhiều lợi ích cho Chị và tha nhân.
Tự vấn: Thánh ý Thiên Chúa có phải là điều tôi đang tìm kiếm lúc này không? Tôi gặp khó khăn nào khi sống lời khấn Vâng phục?
Lạy Đấng Chịu Đóng Đinh, Vâng phục Chúa Cha là tâm tình căn bản của Ngài trong hành trình dương thế, là đường đi để Ngài đến với Chúa Cha. Khi tuyên khấn Vâng phục, con muốn được nên giống Ngài để dâng lên Chúa Cha hiến tế cao quý đời con là ý riêng. Xin cho con biết quảng đại và trung thành để đi đến cùng con đường thánh ý Chúa, hoàn tất những gì làm đẹp lòng Chúa. Xin cho con chỉ còn mối bận tâm duy nhất là luôn tìm và chu toàn thánh ý Chúa mà thôi.
Ban Huấn Luyện