Thứ bảy, 23/11/2024

Tĩnh Tâm Tháng 12-2023: Tỉnh Thức

Cập nhật lúc 08:34 01/12/2023
 
TỈNH THỨC!
(Mc 13,33-37)
 
Tỉnh thức có lẽ là hai từ rất quen thuộc với mỗi người chúng ta. Quả thực, trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều điều đòi ta phải cảnh giác: để bảo vệ sức khỏe, ta phải cảnh giác về đồ ăn thức uống, về đồ dùng sinh hoạt, về dược phẩm và những kỹ năng y khoa; trong lãnh vực giao thương, ta cần cảnh giác để không bị lừa đảo, hay hàng hóa giả tạo; để bảo vệ tài sản đòi ta phải cảnh giác để kẻ trộm không đào ngạch khoét vách nhà mình…Cũng thế, trong đời sống thiêng liêng luôn luôn đòi ta phải tỉnh thức. Cách đặc biệt, Lời Chúa trong Phụng vụ Mùa Vọng không ngừng mời gọi ta: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức”. Vậy, tại sao ta phải tỉnh thức?
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Máccô ghi lại: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia đi phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối, hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ông chủ đến bất thần, băt gặp anh em đang ngủ. Điều thầy nói với anh em đây, thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức”.
Chỉ một đoạn Lời Chúa khá ngắn ngủi, nhưng Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại việc “anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức”, điều đó khiến ta không khỏi suy nghĩ nhiều hơn về việc “phải tỉnh thức”. Khi đặt câu hỏi tại sao ta phải tỉnh thức? có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ liên tưởng tới nhiều điều trong cuộc sống. Trước tiên xin được nêu lên một vài sự kiện mới nhất: ngày 08/9/2023 vừa qua, một trận động đất đã cướp đi hai mươi ngàn mạng người tại quốc gia Marốc. Ngày 12/9 vừa qua tại đất nước Lybia một trận lũ lụt gây vỡ đập thủy điện khiến ba mươi ngàn người chết và mất tích. Ngày 13/9 một trận hỏa hoạn tại Thanh Xuân, Hà Nội cũng cướp đi 56 mạng người. Ngày 10/10 các chiến binh Hamas đã tấn công bất ngờ vào người Do Thái khiến 1500 người thiệt mạng…còn bao nhiêu thảm họa tai nạn, thiên tai và chiến tranh khác nữa mà thời sự đã đưa tin trong năm 2023 vừa qua. Khi ta nhìn lại những biến cố thảm khốc như vậy không phải để ta tìm cách ngăn chặn hay tìm nơi an toàn để trú ẩn nhưng để ta suy nghĩ sâu xa hơn về tỉnh thức.
Tại sao ta phải tỉnh thức?
Tỉnh thức có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa nói: “ ta phải tỉnh thức vì không biết khi nào thời ấy đến, không biết khi nào Chủ đến” ( Mc13,35)
Chúa đến rất bất ngờ. Chúa đóng vai ông chủ trẩy đi phương xa, để nhà lại, trao quyền cho đầy tớ, chỉ định cho mỗi người một việc. Chúa đến bất ngờ không phải Ngài cố ý để bắt quả tang khi ai đó chểnh mảng sao lãng bổn phận. Nhưng Chúa mời gọi ta tỉnh thức, kiên trì chờ đợi như đầy tớ trông coi nhà cửa, phải sẵn sàng để khi chủ về là mở ngay. Điều này đòi hỏi lòng trung tín và sự khôn ngoan của ta.
Chúa không chỉ đến bất ngờ, Ngài còn đến trong âm thầm, đơn giản và khiêm tốn. Vua chúa trần gian đi đến đâu là có cờ, trống, kèn đón rước ở đó. Nhưng Chúa thì khác, Người đến trong khiêm hạ, đơn sơ, nghèo hèn. Trong một bài suy niệm về tỉnh thức Đức tổng Giuse Ngô Quang kiệt viết: “Người đến trong những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người cũng đến trong những con người khốn cùng tù túng. Người còn đến qua những khuôn mặt xanh xao, hốc hác. Người đến trong những tấm thân gầy guộc, tong teo. Người lẫn vào giữa đám đông vô danh. Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra bên ngoài xã hội. Người ẩn mình trong đám người xin ăn đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi. Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở trong đám nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, và bão lũ”… Quả thực, Chúa vẫn hằng ẩn mình nơi những con người bé nhỏ nghèo hèn như thế.  Và Chúa cũng đã nói: “mỗi lần các ngươi làm cho một trong những kẻ bé nhỏ này của Ta dù chỉ một chén nước lã thôi…là đã làm cho chính Ta vậy”( Mt 25,40).
Vậy tại sao Chúa lại nhắc ta phải tỉnh thức?
Vì phải tỉnh táo lắm ta mới nhận ra Người. Phải tỉnh táo lắm ta mới gặp được Người. Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Nhưng tỉnh thức là dám bắt tay vào hành động. Chúa như ông chủ đi vắng. Người cho ta được toàn quyền khi Chủ vắng nhà. Người trao cho mỗi người một việc. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi cộng đoàn nơi ta đang sống, nơi công việc ta đảm nhiệm, nơi bản thân ta. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho cộng đoàn và bản thân ta phát triển về mọi mặt. Vì thế tỉnh thức còn là nhìn thấy những nhu cầu của tha nhân, và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu đó.
Mặt khác, tỉnh thức ta mới nhận ra Chúa nơi những con người nghèo hèn, bé nhỏ. Dù họ có thấp hèn, kém cỏi hay ít học ta vẫn yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ. Tỉnh thức ta mới nhận thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Có khi bản thân ta đang đắm chìm trong những cuộc đua tìm kiếm danh vọng, quyền lực mà ta không biết. Tỉnh thức mới nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí. Tỉnh thức mới dám dấn thân hy sinh, phục vụ quên mình.
Hơn thế nữa, ta phải tỉnh thức!
Vì quanh ta có biết bao nhiêu cám dỗ: Cám dỗ giống như tảng đá gìm ta xuống vực sâu thẳm vô tận. Cám dỗ giống như những bóng đêm, bóng đêm của tội lỗi giam cầm ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra.
Có những bóng đêm của danh vọng ru ta ngủ quên trên vinh quang chói lòa. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân.
Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào thì khó có thể thoát ra được.
Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ như một hang sâu càng đi vào càng thấy tối tăm.
Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quý. Chìm đắm trong giấc mộng ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.
Ngay đầu mùa vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc  mộng mê man. Hãy đoạn tuyệt với những thành công ảo giác, phù hoa. Hãy chấm dứt chạy theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những đồng tiền bất chính. Hãy tỉnh thức phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Đức Kitô. Đừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ thanh cao quyền quý. Đừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang. Dung mạo đích thực của Đức Kitô là nghèo hèn, khiêm cung. Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hy sinh trong phục vụ cho lợi ích của Giáo hội, của Hội dòng.
Tỉnh thức không chỉ để đón chờ Chúa sẽ đến, mà còn nhận ra Ngài đang đến, và thường đến với ta mọi nơi, mọi lúc, mọi thời khắc (Kh 3, 20). Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta khó mà thức tỉnh. Vì vậy ta phải tha thiết và kiên tâm cầu nguyện.
Lạy Chúa! Xin cho con lắng nghe được điều Chúa nói “hãy tỉnh thức”, để con đừng bao giờ ngủ mê trong danh vọng, lạc thú và những đam mê trần thế. Xin cho con “tỉnh thức” để con gặp Chúa mỗi ngày trong nguyện cầu và trong trái tim con. Xin cho con “tỉnh thức” để con gặp Chúa mỗi ngày trong mọi người, để khi nào Chúa viếng thăm con có thể sẵn sàng đón rước Chúa. Amen.
 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log