TRỞ VỀ NGUỒN
(Lc 9,23-25; Lc 14,25-27; Hiến chương Điều 2)
Mục tiêu của “xã hội 5.0” hay còn gọi xã hội “siêu thông minh”, “siêu hiệu quả” hiện nay là lấy con người làm trung tâm, dùng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế, giải quyết mọi vấn đề của thế giới nhằm đem lại cho con người một cuộc sống chất lượng, đầy đủ và tiện nghi. Nhưng đồng thời cũng đặt ra cho con người những thách thức mới về vi phạm bảo mật và quyền riêng tư, về giáo dục, xã hội và cả đạo đức… đưa con người vào con đường quy ngã và chủ nghĩa cá nhân, tương đối và tạm bợ, hưởng thụ và ích kỷ, chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi. Đức Thánh cha Phanxicô gọi đó là xã hội “toàn cầu hóa sự dửng dưng”.
Là nhân tố của “xã hội 5.0”, những người sống đời thánh hiến chúng ta không tránh khỏi ảnh hưởng muốn tìm một đời sống tu “dễ dãi”, “thoải mái” và “hợp thời”, nên vẫn có đó một lối sống đời thánh hiến chung chung, hời hợt, lỏng lẻo và nửa vời; một lối sống yên thân, an vị theo Đức Giêsu Kitô không có thập giá; một lối sống Tin Mừng theo lý thuyết mà thiếu tinh thần và trách nhiệm; một lối sống nhân danh nhiệt huyết tông đồ mà thiếu cảm thức thuộc về Cộng đoàn và Hội dòng; một lối sống duy công việc mà thiếu cảm thức thuộc về Thiên Chúa; một lối sống bận rộn chạy đua với thời gian trong việc mục vụ, trong học hành, trong sứ vụ giảng dạy mầm non, trong công tác y tế, xã hội…mà thiếu nhu cầu tâm linh, làm cho đời sống thánh hiến trở nên mệt mỏi, vắng bóng niềm vui và hy vọng, hoặc biến đời thánh hiến trở thành việc đi tìm chính mình nơi Đức Giêsu Kitô, chứ không còn tìm Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh nơi chính mình nữa.
Từ những thực trạng trên, hơn bao giờ hết, trong ngày tĩnh tâm tháng đầu tiên của năm mới này, chúng ta được mời gọi thực hiện ngay một cuộc “trở về nguồn”: trở về với Thiên Chúa là nguồn cội đã hình thành nên Đặc sủng ơn gọi Mến Thánh Giá; trở về với Đấng Sáng Lập là mẫu gương đầu tiên đã sống theo Đặc sủng – Linh đạo Thập giá bằng việc bước theo Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Định. Đó cũng là chủ đề mà Hội dòng đã chọn cho Tổng Tu Nghị lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2028 sắp tới: “Tìm về nguồn Linh đạo và Đặc sủng Mến Thánh Giá để sống tận căn niềm vui Sứ mạng của người Mục Tử và nhà Truyền giáo” trong xã hội toàn cầu hóa hôm nay.
Trở về nguồn trước tiên là trở lại với chính Thiên Chúa để sống tâm tình biết ơn Ngài vì đã ban tặng Đặc sủng – Linh đạo Thập giá cho chúng ta ngang qua Đấng Sáng Lập. Cuộc gặp gỡ ân tình với Đấng Chịu Đóng Đinh cũng như hành trình ơn gọi theo Đấng Chịu Đóng Đinh của vị cha chung được bắt đầu từ rất sớm khi ngài mới 9 tuổi. Vào lúc đang suy niệm sách Gương Phước, giải thích về câu Tin Mừng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9, 23), Đức cha Lambert đã được ơn Chúa thúc đẩy để chọn con đường nên thánh bằng con đường khổ giá và lập nên một Hội dòng quy tụ những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu (Tiểu Sử- Bút Tích số 2, số 17 (Di cảo số 3 và 4).
Ngài cảm nhận chính Đấng Chịu Đóng Đinh lôi cuốn, chiếm đoạt tâm trí cũng như lối sống và hoạt động tông đồ của ngài, nên đã quyết tâm noi theo Đức Giêsu Kitô: bị bắt bớ, sỉ nhục, chế giễu, đánh đòn, vác thập giá …mà không hề thốt ra một lời kêu ca, như con chiên hiền lành bị đem đi giết (Is 53,7-8).
Ngài kinh nghiệm chính Đấng Chịu Đóng Đinh là lẽ sống và là nguồn sống thần linh của ngài, nên đã xác tín: “Mọi ân sủng và thánh đức nơi hết thảy mọi người đã qua đời trong các thế kỷ trước đây, hoặc đang sống trong hiện tại, hoặc sẽ sinh ra cho đến tận thế, là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu Kitô mà thôi. Ngài còn nhấn mạnh đây là con đường nên thánh đúng nhất mà tại sao “nhiều người đi tìm ở đâu đâu những phương thế dẫn tới sự công chính, chứ không tìm nơi thánh giá.” (Di cảo số 4 chương II và số 6).
Cảm nghiệm và kinh nghiệm được tình yêu nhưng không của Đấng Chịu Đóng Đinh, ngài đã đáp lại bằng việc muốn chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu, đó là thông dự vào cuộc thương khó của Chúa bằng việc đánh tội hằng ngày, “để long trọng suy tôn hy lễ Thánh Giá cao cả của Chúa và cũng để hoàn tất điều duy nhất còn thiếu nơi hy lễ bàn thờ, đó là phải có sự đau khổ (Di cảo số 4 chương I). Đây là bí quyết mới mẻ làm hài lòng Đức Giêsu Kitô.” Và suốt cuộc đời, ngài luôn sống khiêm nhường, cầu nguyện, chiêm niệm về con đường khổ giá Chúa Giêsu; thường xuyên đánh tội, chế ngự thân xác, ăn chay, kiêng thịt và rượu để đền tội và đồng lao cộng khổ với Chúa trong công cuộc cứu độ.
Ngài không hề cải chính hay biện minh khi bị hiểu lầm, trái lại càng vui vẻ đón nhận mọi đau khổ Chúa gửi đến và không ngừng tạ ơn Chúa khi gặp đau khổ cùng hăm hở bước theo Chúa trên con đường khổ giá để làm sáng danh Chúa và cầu nguyện cho lương dân được ơn trở lại (Tiểu sử số 9).
Ngài khát khao nên một với Đấng Chịu Đóng Đinh, mong muốn được chết một cách đau đớn vì Đấng Chịu Đóng Đinh đến độ cả trong cơn đau khủng khiếp lúc hấp hối, ngài vẫn không ngớt lập lại lời nguyện: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con” (Tiểu sử số 23).
Ngài đã cộng tác hết mình với Thiên Chúa trong ơn gọi, hoàn toàn để cho Thiên Chúa tôi luyện, để cho Thiên Chúa dẫn dắt qua bao thăng trầm, bao cay đắng của cuộc đời trong Đặc sủng - Linh đạo thập giá để trở thành người đầu tiên bước theo Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, trở thành vị cha chung mẫu mực cho tất cả chúng ta trong việc bước theo Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.
Trở về nguồn là trở lại với mẫu gương của Đấng Sáng Lập để đón nhận những Di sản thiêng liêng ngài để lại như một Ân Sủng đặc biệt Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta, để “yêu mến Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người” (HC: Điều 2) như Đấng Sáng Lập đã sống. Trở về nguồn là để cho Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là lý do duy nhất biện minh cho đời sống thánh hiến của chúng ta; là để cho lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” được vang lên trong ơn gọi và cuộc đời chúng ta mỗi ngày; là không ngừng tìm kiếm và chiêm ngắm Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, để thấy Chúa đã sống, đã yêu, đã tìm, đã bỏ, đã chọn, đã chịu những gì vì chúng ta, thì chúng ta cũng sống, cũng yêu, cũng tìm như vậy, cũng bỏ, cũng chọn, cũng chịu như thế vì Chúa; là xây cuộc đời và ơn gọi của chúng ta trên nền tảng Đấng Chịu Đóng Đinh và hướng lòng trí, con người cùng cả cuộc đời về Đấng Chịu Đóng Đinh như thánh Phaolô tông đồ: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr, 2,2).
Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, xin cho chúng con được thấm nhuần cuộc Khổ Nạn của Chúa nhờ biết luôn trở về tìm gặp, ở lại, chiêm ngắm Chúa là nguồn sống, là con đường của cuộc đời chúng con, để chúng con yêu thánh giá của Chúa, mến thánh giá của chính mình, kính trọng thánh giá của tha nhân, và để bất cứ ai gặp chúng con đều nhìn thấy nơi đời sống chúng con một người đã gặp, đã kinh nghiệm, đã đụng chạm, đã cảm nhận được tình yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh, chứ không phải chỉ là một nữ tu Mến Thánh Giá mang nhãn hiệu mà thôi. Amen.
Ban Huấn Luyện