Sống Đức Nghèo Khó Thánh Hiến
Lc 12, 16-21 Đức khó nghèo thánh hiến là một trong ba lời khấn mang nét đẹp riêng và độc đáo cho người thánh hiến, cách riêng trong bối cảnh toàn cầu hoá và chủ nghĩa thực dụng được đề cao như hiện nay. Khi sống đức nghèo khó thánh hiến một cách triệt để, người tu sĩ sẽ phải đối mặt với muôn vàn thách đố trong bất kể thời đại hay bối cảnh xã hội nào. Lời khấn này không hệ tại ở thái độ xa lánh của cải vật chất tiện nghi, mà là chọn theo gương Chúa Giêsu sống giản dị, siêu thoát, không bận tâm lo lắng quá mức về nhu cầu vật chất của mình để có thể tự do sử dụng mọi phương tiện cho sứ mạng. Vì thế, giờ cầu nguyện này chúng ta để cho Lời Chúa như tấm gương phản chiếu thái độ sống của chúng ta với Đức nghèo khó thánh hiến.
1.“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc12,15)
Chúng ta, những thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, và cần phải sống với một nguyên lý nền tảng: "Con người được dựng nên để tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó được cứu rỗi linh hồn mình” (thánh Inhaxio), thế nhưng ta dễ quên và để cho lòng mình quyến luyến mọi thụ tạo và cậy dựa vào chúng như thể cứu cánh đời mình.
Khi bước theo Đức Giêsu, ta được mời gọi trở nên “đồng hình đồng dạng với Ngài”, Ngài sống làm sao, ta sống vậy. Ngài đã sống nghèo, một cái nghèo rất hiện sinh chứ không chỉ trên lý thuyết. Dù là vị Thiên Chúa mà ‘cả vũ trụ không thể chứa nổi’ mà lại chấp nhận cái nghèo đến tột cùng, Đấng “Vốn giàu sang phú quý, đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em” (2Cr8,9).
Chân phước Angela Foligno đã viết những điều rất sâu sắc về sự nghèo khó của Chúa Giêsu: “Sự nghèo khó có ba cấp độ. Cấp thứ nhất, khó nghèo cách hoàn hào, là Ngài muốn sống nghèo đối vói mọi của cải trên thế giới này. Ngài không muốn có một căn nhà, một mảnh đất, một vườn nho, một tài sản nào khác. Ngài chịu đói khát, nóng bức và giá lạnh, mệt nhọc. Ngài làm việc mà thiếu thốn mọi sự. Ngài không có đồ tinh vi, đắt giá…Cấp nghèo thứ hai: Ngài chọn sống nghèo về bà con, bạn hữu…Cấp nghèo thứ ba: Ngài muốn lột bỏ chính mình. Ngài muốn nghèo về chính quyền năng thần linh, về sự khôn ngoan và vinh quang của mình. Như vậy là nghèo về của cải vật chất, nghèo về chỗ nương tựa, nghèo về uy tín” (Raniero Cantalamessa – Yêu Cách Khác)
Chúa đã cảnh báo ta qua lời của Ngài: Phải “COI CHỪNG, phải GIỮ MÌNH”. Vì không phải cứ khấn nghèo khó và ta miễn nhiễm với mọi sự trên đời. Có thể lúc mới khấn, ta hăng hái sống và giữ đức khó nghèo, sống một đời sống tự do, thanh thoát, quảng đại, chia sẻ. Nhưng dần dà ta lại để mình rơi vào tình trạng mà Chúa đã nhắc nhở trên, ta tham lam tìm kiếm, vơ vét lại tất cả những gì ta đã từ bỏ như một sự bù trừ, để rồi Chúa chẳng còn chỗ nào trong trái tim ta.
Ta cần tự vấn lại mình: Tôi đang tham lam điều gì? Tôi có đang tìm kiếm sự bảo đảm nơi Chúa hay nơi của cải vật chất ở đời này?
2. Đừng thu tích “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc12,21)
Người phú hộ chỉ biết thu tích cho bản thân mà không có lòng thương xót đến người khác. Ông tham lam chỉ biết tích trữ và hưởng thụ cho riêng mình nên ông không phải là người khôn ngoan. Ông đã bị Chúa mắng “đồ ngốc”, ông coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Tầm nhìn của ông quá hạn hẹp. Chỉ biết có vật chất. Chỉ nhìn thấy đời này mà không nghĩ đến tương lai.
Trên hành trình dâng hiến, khi sống đức khó nghèo, là ta tuyên xưng rằng “Thiên Chúa là sự giàu sang duy nhất đích thực của con người” (Vita consecrata 21). Thế nhưng, ta không luôn sống với lời tuyên xưng ấy, nên ta cũng giống như người phú hộ kia, cũng xây cái kho riêng cho mình để tích trữ của cải thế gian. Của cải với ta ở đây, có thể là vật chất, tiền bạc, sử dụng những công nghệ hiện đại… hay danh tiếng, địa vị, cái tôi, khả năng, kiến thức…
Không thiếu những người sống trong đời tu, nhưng chỉ lo tính toán, tìm kiếm làm sao để thủ đắc được thật nhiều kiến thức nơi cái đầu, nhưng con tim lại nhỏ hẹp. Khi chỉ biết sống cho mình mà không biết chia sẻ khả năng, sức lực, và những tài năng mà họ có được để sinh ích lợi cho người khác, nhất là những người nghèo. Và như thế, họ cũng sẽ bị Chúa quở trách nặng nề: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc12,20)
3. Tỉnh thức để không rơi vào những cám dỗ
Sống giữa một thế giới tôn thờ vật chất này, ta cần luôn tỉnh thức để không bị rơi vào những cám dỗ, khiến ta không còn sống đức khó nghèo một cách ý nghĩa. Cha Trương Đình Hiến trong bài suy tư về đức khó nghèo mang tựa đề: Chỉ Về Đích Khi Vứt Đi Chiếc Bị, đã cho thấy những cám dỗ rất cụ thể:
Cái lý tiện ích: Sự hấp dẫn của tiền bạc, sự giàu sang và hưởng thụ, thường núp bóng dưới những lý do xem ra rất hợp lý và chính đáng (trong đó có “cái lý tiện ích”); nhưng cũng từ đó, sẽ kéo chúng ta đi xa khỏi quỹ đạo của Tin Mừng
Cái lý nhân bản: kiểu biện minh“có thực mới vực được đạo”, thi hành sứ vụ thời nay mà thiếu phương tiện thì làm sao có hiệu quả, đã tu cả đời rồi phải được thoải mái tí tẹo chứ.
Cái lý ưu tiên: Nhà tu mà, phải có chỗ ưu tiên…; quen sống ngăn nắp, đầy đủ phương tiện và thường được nâng niu, kính trọng… nên hình thành một thứ não trạng “cái lý ưu tiên” Từ cái tâm thức đó nảy sinh sự đòi hỏi: chỗ ăn, ngủ, ở, sinh hoạt… cho tốt; công việc mục vụ thích hợp; mọi người phải tạo điều kiện”.
Với danh xưng là tu sĩ, chúng ta đã tự nguyện chọn lựa một đời sống nghèo như Chúa, ta hiến dâng cho một lý tưởng cao đẹp, ta sống “nghèo cả về thực chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén của cải thế gian, lệ thuộc và bị hạn chế trong viêc sử dụng và định đoạt tài sản” (Giáo Luật, đ.600). Ta cần bám vào Chúa, vào Lời rất sống động của Chúa mỗi ngày để ta thực sự tìm kiếm Chúa. Như Chúa đã nói: “kho tàng anh em ở đâu, lòng anh em cũng ở đó” (Mt 6,19). Ngài muốn giải thoát ta khỏi cảnh nô lệ, ngài muốn cho ta được tự do, với tầm hồn giũ sạch mọi dính bén và mọi lo lắng, để có thể thực sự yêu mến Ngài “hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc chúng ta: “sự lệ thuộc vào Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và giúp chúng ta nhận ra phẩm giá cao quý của mình” (ĐGH Phanxico – Gaudete Et Exsultae)
Lạy Chúa, chúng con, những tu sĩ của Chúa, chúng con là đều là phận người như bao người khác, nhưng lại được Chúa mời gọi để bước đi trên con đường chẳng mấy ai đi này, chúng con luôn phải đối diện với biết bao thách đố khiến chúng con chưa sống trọn vẹn ý nghĩa của đời thánh hiến; nhất là với đức khó nghèo. Xin Chúa giúp chúng con luôn luôn tỉnh thức, để luôn hướng lòng về Chúa, luôn tìm kiếm Chúa, gìn giữ viên ngọc quý giá hơn tất cả mọi sự nơi trần gian này là chính Chúa. Để nhờ đó chúng con an vui sống bên Chúa trong niềm tin yêu phó thác, và nhất là “trở nên khí cụ của Thiên Chúa, để giải thoát và thăng tiến người nghèo, và để giúp người nghèo có khả năng là một phần tử của xã hội cách trọn vẹn” (ĐGH Phanxico, Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 18).