Thứ năm, 21/11/2024

Tĩnh Tâm Tháng 10.2024 -Theo Chúa Kitô Vâng Phục

Cập nhật lúc 08:57 27/09/2024




THEO CHÚA KITÔ VÂNG PHỤC 
(Mt 26, 36-39)
 
Mỗi người chúng ta được mời gọi đi theo Đức Kitô, như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Là con đường dẫn đến Chúa Cha, Chúa Con kêu gọi tất cả những ai Chúa Cha ban cho Người hãy lấy việc đi theo Người làm mục tiêu của cuộc đời” (VC 18). Đáp lại lời mời gọi đó, những người sống đời thánh hiến “đi theo Đức Kitô bằng việc hoạ lại nếp sống tại thế của Người” (VC 1). Có thể nói, người tu sĩ “noi theo cách chính xác và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã đón nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha” (LG 44). Nếp sống ấy được tỏ lộ cách cụ thể qua các lời khuyên Phúc Âm, trong đó nổi bật và rõ nét hơn cả là đức vâng phục. Có thể nói: bước theo Đức Kitô, chúng ta cùng nhau bước theo “Đấng vâng phục tuyệt hảo “(VC 22), và cùng với Người sống đức vâng phục trong thế giới hôm nay.

1. Đức Giêsu, “Đấng vâng phục tuyệt hảo
Đức Giêsu được gọi là “Đấng vâng phục tuyệt hảo” (VC 22). Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy, suốt cuộc đời của Đức Giêsu là một lời xin vâng trọn vẹn, Người đã hoàn toàn “xin theo ý Cha” (Mt 26, 39) trong mọi giây phút của cuộc đời. Khi Nhập Thể làm người, Người đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 7. 9). Và Người đã không ngừng khẳng định điều đó khi nói: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38). Chính vì thế Người không tìm cách làm theo ý riêng mình, nhưng hoàn toàn tuân theo ý Đấng đã sai Người (x.Ga 5, 30). Đối với Đức Giêsu, việc vâng theo ý Chúa Cha, thi hành ý muốn của Cha chính là lương thực, là nguồn sống của Người (x.Ga 4,34). Người đã không ngần ngại “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Để sống vâng phục như thế chắc chắn không hề dễ dàng, như tác giả thư gửi tín hữu Do Thái cho biết: Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. … Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 7- 8). Quả thật, trong vườn Ghết-sê-ma-ni, trước sự đau đớn tột cùng của sự chết, Đức Giêsu đã phải kêu lên “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này”. Song Người vẫn một lòng tha thiết “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39; Mc 14,36; Lc 22, 42).
Kinh Thánh cũng cho thấy, Chúa Giêsu không chỉ vâng lời Chúa Cha mà thôi, nhưng Người còn vâng phục tất cả những ai đại diện cho Thiên Chúa và truyền đạt ý muốn của Thiên Chúa (x. Lc 2, 51). Như đối với thánh Giuse và Đức Maria, “Người hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,51). Như thế, Đức Giêsu còn là mẫu gương cho những người vâng phục một quyền bính nhân loại, khi nhận thấy nơi quyền bính này một dấu chỉ của ý muốn Thiên Chúa. Sự vâng phục, thực hành theo gương Đức Kitô như thế “biểu lộ vẻ đẹp giải phóng của sự lệ thuộc như con cái chứ không phải như nô lệ, một sự lệ thuộc chất chứa tinh thần trách nhiệm và được sinh động bởi sự tin tưởng lẫn nhau” (VC 21).
Bước theo Đức Kitô, “sự vâng phục vốn là nét đặc trưng của đời sống thánh hiến” (VC 91). “Nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Người cách kiên trì và chắc chắn hơn”. Noi gương Chúa Giêsu, “các tu sĩ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, lấy đức tin tùng phục các vị bề trên đại diện Thiên Chúa, và để các ngài hướng dẫn trong việc phục vụ tất cả những người anh em trong Chúa Kitô… Như thế, họ liên kết chặt chẽ hơn với sứ mệnh phục vụ của Giáo Hội, và nỗ lực vươn đến tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô” (PC 14). Là những người bước theo Chúa Kitô, giờ đây chúng ta tự hỏi mình: tôi đã sống đức Vâng Phục như thế nào? Tôi có tìm theo ý Chúa, hay tìm theo ý riêng mình?

2. Thách đố của đức Vâng Phục trong thế giới hôm nay
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân thống trị, con người quá đề cao cái tôi của mình, từ đó quy tất cả về mình, chỉ biết sống cho bản thân, thỏa mãn mình, lấy mình làm trung tâm mà quên đi những mối tương quan với người khác. Bên cạnh đó là tính kiêu căng, ngạo mạn, coi mình là “số một”, coi thường người khác, và không chấp nhận phải phục tùng người khác. Thêm vào đó là việc đề cao tự do: tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do làm chủ vận mệnh đời mình… Hơn nữa là quan niệm sai lầm về “tự do”, coi tự do là muốn làm gì thì làm không phải gò ép theo ý người khác. Từ đó sự vâng lời được xem như là nguy cơ làm mất tự do, làm giảm uy thế và hạ giá bản thân…Dẫn đến vâng lời một cách miễn cưỡng, hời hợt bề ngoài, bằng mặt chứ không bằng lòng, vâng lời cách thụ động, thiếu trách nhiệm, thiếu tình hiệp thông, chia sẻ…
Chúng ta biết rằng: “khởi đi từ mầu nhiệm Đức Kitô, đức vâng phục tu trì minh chứng rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau. Thật vậy, thái độ của Chúa Con biểu lộ cho thấy mầu nhiệm tự do của con người là một con đường vâng phục ý Chúa Cha, và mầu nhiệm vâng phục là một con đường để dần dần chinh phục sự tự do chân chính” (VC 91). Hơn nữa, “Đức vâng phục trong đời tu chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa” (PC 14). Tuy nhiên ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ và cách sống trong thế giới hôm nay, đức vâng phục thánh hiến đứng trước không ít những thách đố, đòi hỏi người tu sĩ cần thẳng thắn nhìn nhận: đâu là thách đố của tôi trong đời sống vâng phục?

3. Phương thế để sống đức Vâng Phục thánh hiến
Theo Hiến Chương dạy: “Sống đức vâng phục thánh hiến, người nữ tu Mến Thánh Giá tự nguyện đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu Kitô và liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần để thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha” (HC 30). Những lời đó cũng chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng phương thế giúp sống đức Vâng Phục theo gương Chúa Giêsu.
Bằng việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ “hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa” (LG 44), như thế người tu sĩ không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về Thiên Chúa, và do đó không còn tùy thuộc vào chính mình nữa, nhưng tùy thuộc vào Thiên Chúa; không còn tìm sống cho chính mình nữa, nhưng là để Chúa sống trong mình, để cho Chúa hoạt động nơi mình, để cho Chúa toàn quyền định đoạt đời sống của mình với tất cả niềm tin yêu phó thác, phó thác cho sự quan phòng của Chúa. Khi sống đức Vâng Phục thánh hiến là chúng ta tự nguyện đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu Kitô. Và cũng chính nhờ việc đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa như thế, chúng ta mới có thể dễ dàng từ bỏ ý riêng của mình để vâng theo thánh ý Chúa, thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa. Và như thế, chúng ta sẽ có thể sống vâng phục cách vui tươi, vâng phục trong yêu thương và trách nhiệm, hướng đến ích chung.
Bên cạnh đó, với việc “liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần”, đồng nghĩa với việc sẵn sàng mở lòng nghe theo tiếng Chúa, chuyên cần lắng nghe với thái độ khiêm tốn, ngoan ngùy trước tác động của Thánh Thần, nhờ đó mới có thể nhận biết và thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Vậy chúng ta tự hỏi mình: Tôi đã đặt mình trong sự lệ thuộc vào Chúa như thế nào? Tôi có để Thánh Thần Chúa hướng dẫn không?
Lạy Chúa Chúa Giêsu, Chúa đã mời gọi chúng con bước đi theo Chúa, noi theo lối sống của Người. Nhưng càng chiêm ngắm Chúa, chúng con càng thấy lối sống của mình cách xa với lối sống của Chúa. Người đã hoàn toàn “xin theo ý Cha” (Mt 26, 39), cho chúng con một mẫu gương Vâng Phục trọn hảo. Còn chúng con, nhiều khi chúng con muốn tự hoạch định cuộc sống của mình, muốn sống theo cách của mình, mà không muốn tìm ý Chúa. Không muốn từ bỏ ý riêng, không muốn theo ý người khác…Lạy Chúa! Xin uốn nắn lòng chúng con nên giống Chúa. Để mỗi ngày có thể vui mừng hát lên:
Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng, hơn là được tiền rừng bạc bể.  
Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng.
Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.
Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi, vì con ưa thích đường lối đó.
Xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý Chúa.
Thánh ý Ngài là gia nghiệp con con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con.
Con hướng lòng quyết thực thi thánh chỉ, mãi mãi cho đến cùng. (Tv 119, 14,33-36. 111-112).

 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log