CỘNG ĐOÀN – GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI TU SĨ
Trong cuộc đời của mỗi con người, người ta có thể đi đến nhiều nơi hay có nhiều nơi để đến nhưng duy nhất chỉ có một nơi để trở về đó chính là gia đình. Gia đình là duy nhất và thiêng liêng nhất, nơi chứa đựng tình cảm thân thương, chân thành nhất của mỗi người. Gia đình là điểm tựa tinh thần tuyệt vời đối với mỗi cá nhân và nơi đó, cuộc sống của chúng ta bắt đầu và là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc.
Đối với những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi để hiến dâng cho Chúa trong môi trường của một đời sống chung. Các thành viên, có thể khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá, phong tục, quê quán, nhưng được quy tụ với nhau nhờ tiếng gọi của Thiên Chúa, làm nên một gia đình mới, đó là cộng đoàn tu trì.
Cộng đoàn là một “nét đặc thù của đời tu.” (VC, số 92), nơi đó “tất cả các thành viên được hiệp nhất với nhau trong Đức Kitô như trong một gia đình riêng” (GL 602). Đối với Dòng Mến Thánh Giá, cộng đoàn “là một gia đình đích thực, được quy tụ nhân danh Đức Kitô Khổ nạn- Phục Sinh, muốn họa lại đời sống Giáo hội sơ khai với hai nguyên mẫu tuyệt vời là gia đình Nadazet và cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa” (HC 41).
Đời sống cộng đoàn cho ta bao niềm vui tiếng cười, sự đỡ nâng khi khó khăn, cảm thông sẻ chia trong tình Chúa và tình con người. Tuy nhiên, đời sống cộng đoàn cũng là điều để lại trong mỗi chúng ta nhiều. Do đó, trong bầu khí linh thiêng của ngày tĩnh tâm, chúng ta cùng nhau trở về với cội nguồn của đời sống cộng đoàn và cùng nhìn lại những vấn đề để cùng nhau suy tư và mỗi người tìm cho mình một hướng đi để góp phần xây dựng đời sống cộng đoàn trở thành một gia đình đích thực của mỗi người.
1. Cội nguồn của đời sống cộng đoàn
Trong huấn thị Đời sống huynh đệ cộng đoàn số 8 xác định: “cộng đoàn tu trì đã là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chính là do tình yêu Thiên Chúa, được đổ tràn đầy tâm hồn chúng ta nhờ Thần Khí, cộng đoàn tu trì khởi đầu và được xây dựng thành một gia đình thực sự, trong đó mọi người quy tụ lại với nhau nhân danh Chúa. Vì thế, không thể nào hiểu được cộng đoàn tu trì nếu chúng ta không bắt đầu từ bản chất của cộng đoàn như là một ân huệ trên cao ban xuống, như một mầu nhiệm, bắt nguồn từ chính trọng tâm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chí thánh và là Đấng thánh hoá, Đấng hằng mong muốn cộng đoàn tu trì trở nên thành phần của mầu nhiệm Giáo hội nhằm phục vụ đời sống con người.”
Tông huấn Đời sống thánh hiến số 42 xác định: trong đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa phục sinh (x. Mt 18,20). Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh thể, được thanh luyện nhờ bí tích Hoà giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng với lòng vâng phục. Chính Thánh Thần là Đấng dẫn đưa tâm hồn vào trong sự hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Chúa Cha là Đức Giêsu Kitô (x. 1 Ga 1,3), sự hiệp thông này là nguồn mạch của đời sống huynh đệ.
Do đó, khi nào chúng ta không thấy được chiều kích huyền nhiệm và đối thần này, chiều kích nối kết cộng đoàn tu trì với mầu nhiệm Thiên Chúa hiệp thông, hiện diện và truyền thông cho cộng đoàn, tất nhiên chúng ta sẽ đi đến chỗ quên những lý do sâu xa ảnh hưởng đến việc “kiến tạo cộng đoàn”, đến việc kiên trì xây dựng đời sống huynh đệ.
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà những người sống trong ơn gọi thánh hiến hiện diện chung trong một cộng đoàn, nhưng đó là do ý định của Thiên Chúa. Tác giả Jean Vanier đã nhận định: “chúng ta là một cộng đoàn không phải vì chúng ta thích nhau hoặc có cùng nhiệm vụ hay dự phóng nào, nhưng bởi vì chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi”. Như thế, sống cộng đoàn chính là một chiều kích thiết yếu của đời sống thánh hiến. Chiều kích này không chỉ là một chọn lựa, nhưng còn là một ân ban được khởi nguồn từ Thiên Chúa.
2. Cộng đoàn - những vấn đề và một vài suy tư
Nơi cộng đoàn, có lẽ ai cũng hướng về những điều tốt đẹp trong mục đích sống của mình và mong muốn cộng đoàn của mình là một cộng đoàn lý tưởng, nhưng không thể vì thế mà người ta loại trừ những khác biệt hay bỏ qua những cản trở trong quá trình chung sống. Vì vậy, vấn đề vẫn là một thực tế luôn có đó như là mặt trái của đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn có thể là nơi ta tìm thấy nguồn an ủi, nhưng cũng có thể là nơi ta chẳng muốn về… Đời sống cộng đoàn huyền nhiệm như thế đấy.
- Đón nhận thực tế và tìm hướng đi
Chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta nhìn thấy trong cộng đoàn ít nhiều cũng xảy ra những mâu thuẫn hay bất hòa trong công tác, giận dỗi hay ghen tuông trong tình cảm, chia rẽ, đố kỵ … Thế nhưng, cộng đoàn vẫn được coi là nơi gặp gỡ của con người và nơi đó, chúng ta có thể chia sẻ, học hỏi và đặc biệt là thể hiện sự yêu thương, quan tâm và dấn thân vì người khác. Do đó, chúng ta cũng sẽ rất mau chóng tìm ra những hướng giải quyết cho vấn đề rất “con người” của mình, nếu mỗi người hiểu được rằng đó chỉ là những bài toán cuộc đời của con người và là điều khó có thể tránh được trong đời sống chung.
Thật vậy, nơi đời sống cộng đoàn, chúng ta thường bắt gặp những trục trặc trong những tương quan giữa các cá nhân với nhau, bởi vì đây là nơi quy tụ của nhiều loại tính khí khác nhau. Ngoài ra, cũng phải nói đến những “va chạm” không thể tránh được của những tranh luận vì bất đồng quan điểm sống, không cùng ý kiến hay thậm chí là hiểu lầm nhau…. Tất cả những điều này nói lên tính chất giới hạn và yếu đuối, rất “con người” của chúng ta, xem ra chúng rất bình thường nhưng trong đời sống chung, chúng lại trở thành những “vấn đề cộng đoàn” và mỗi thành viên phải đối diện cũng như tìm cách giải quyết để có thể chung sống hòa hợp với nhau trong một sợi dây hiệp nhất.
Hiểu và đón nhận thực tế của đời sống cộng đoàn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu xa và đúng đắn để từ đó giúp chúng ta tìm hướng đi và giải quyết tốt đẹp những vấn đề chúng ta gặp phải trong cộng đoàn.
- Biết mình để cảm thông, vác đỡ ghánh nặng cho nhau và xoa dịu nỗi khổ đau của đồng loại
Khi chúng ta bắt đầu sống trọn vẹn với người khác, chúng ta khám phá ra sự nghèo nàn, yếu đuối và bất tài của mình khi xử sự với người chung quanh. Chúng ta gặp những trở ngại về mặt tình cảm và tinh thần, những lo âu về giới tính, những ham muốn dường như vô độ, những tham vọng và ghen tị, kể cả những ước muốn phá đổ cộng đoàn. Khi sống một mình, chúng ta tin là mình có thể yêu được mọi người. Nhưng khi sống với người khác, chúng ta mới nhận ra việc yêu người không dễ chút nào, và thậm chí chúng ta còn muốn phủ nhận đời sống cộng đoàn chừng nào hay chừng ấy. Nếu chúng ta không thể yêu người khác được, điều gì sẽ còn lại? Sẽ chẳng còn gì ngoài sự tăm tối, thất vọng và nỗi thống khổ.
Thật ra, khi sống trong một cộng đoàn đầy phức tạp, ta mới nhìn thấy con người thật của mình. Chính điều này giúp ta “cởi bỏ” con người cũ, để đạt tới con người mới trong yêu thương. Là một môi trường huấn luyện tốt, đời sống cộng đoàn giúp ta sống kiên nhẫn với mọi người, luyện tập cách ứng xử sao cho phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Từ đó, con người được tôi luyện của ta, sẽ trở nên vững vàng hơn và nhân đức của ta cũng được cải thiện. Thật vậy, đời sống cộng đoàn tuy có nhiều chấm đen, nhưng chính nó lại giúp người tu sĩ đánh giá được sự trưởng thành của bản thân, bởi bản lĩnh và sự thánh thiện của một tu sĩ được thể hiện nơi đời sống cộng đoàn. Do đó, phương cách giúp ta sống tốt trong đời sống cộng đoàn, là phải luôn điều chỉnh con người mình, nghĩa là không ngừng huấn luyện bản thân.
Thật vậy, đời sống cộng đoàn cho chúng ta một kinh nghiệm đau thương về những giới hạn, yếu đuối và sự tăm tối. Nếu cộng đoàn như là một gia đình có thể chấp nhận chúng ta với tất cả những khả năng và giới hạn, thì cộng đoàn dần dần trở nên một nơi đầy tự do. Một khi cảm nhận mình được người khác chấp nhận và yêu thương thì cộng đoàn mới trở thành nơi chúng ta có thể sống mà không cảm thấy sợ hãi hay bị ép buộc. Đời sống cộng đoàn sẽ trở nên sâu sắc và thắm thiết hơn qua sự tin tưởng lẫn nhau của các thành viên. Như vậy, nơi khủng khiếp này có thể trở thành một nơi để sống và phát triển. Không gì tốt đẹp hơn một cộng đoàn trong đó con người thực sự bắt đầu yêu thương và tin tưởng lẫn nhau, vác đỡ ghánh nặng cho nhau (x. Gl 6,2), từ đó chúng ta sẽ biết làm thế nào để xoa dịu nỗi khổ đau của đồng loại.
- Đời sống cầu nguyện và bầu khí chung
Phần lớn những khó khăn chúng ta gặp phải thường là do thiếu đời sống cầu nguyện, tương quan với Chúa thiếu sâu sắc. Thật vậy, cầu nguyện chính là mạch nguồn và cầu nối mọi người gặp gỡ nhau tại tâm điểm là Đức Kitô – Đấng đã quy tụ mọi thành viên trong cộng đoàn trở thành một gia đình linh thiêng. Từ kinh nghiệm sống niềm hạnh phúc viên mãn với Chúa, người tu sĩ chúng ta mới có thể mở ra niềm vui cho nhau như lời thánh Augustinô đã nói: “Để sống hạnh phúc với nhau, chính Chúa là Đấng chúng ta phải chiếm hữu”. Vì thế, giữa trăm ngàn thách đố nội tại cũng như ngoại tại phát xuất từ đời sống chung, cầu nguyện vẫn luôn có thể xoa dịu một trái tim đau khổ, góp nhặt niềm vui từ những điều nhỏ nhặt và kiến tạo một bầu khí yêu thương.
Mặt khác, lý tưởng đời sống cộng đoàn thật tuyệt diệu, cao vời. Tuy nhiên, ghé vai sống đời sống đó thì lại khác. Trong thực tế, không thiếu những giây phút thử thách, chán nản, vì những thái độ thờ ơ, những va chạm và những hiểu lầm. Trong những lúc đó, đời sống cộng đoàn thay vì gây cảm hứng và khích lệ như “sương mai”, thì lại trở nên gánh nặng và chướng ngại vật, gây nhiều đau khổ, làm vơi lòng nhiệt huyết và cản trở công việc tông đồ. Tuy nhiên, nếu nhìn cộng đoàn ở góc độ siêu nhiên thì chắc chắn không ai có thể phủ nhận những giá trị huyền nhiệm mà đời sống cộng đoàn mang đến cho mỗi cá nhân với tư cách là thành viên thuộc về nó. Quả vậy, bên cạnh những cái gọi là vấn đề của đời sống chung luôn là một sự bí ẩn linh thiêng mà con người hằng khát vọng. Thực tại linh thiêng này chính là huyền nhiệm, sẽ được sáng dần lên trong chính khát vọng tuyệt đối và trong chính kinh nghiệm sống của mỗi người được thể hiện trong đời sống cộng đoàn.
Do đó, mỗi ngày, người tu sĩ sống đời thánh hiến cần phải dành nhiều thời gian để “online” và “chat” với Chúa. Như thế tình yêu của chúng ta dành cho Chúa mới bền chặt và liên lỉ bởi sự quan tâm tương thông với Ngài. Thực vậy, tình yêu cần sự đối thoại, chia sẻ và hiểu nhau. Đặc biệt khi sống cộng đoàn, người tu sĩ chúng ta cần phải gắn kết với Thiên Chúa cách mật thiết bằng đời sống cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày. Để từ đó, đời sống nội tâm của chúng ta ngày càng sâu sắc mà xác tín hơn trong ơn gọi và sẵn sàng hy sinh phục vụ người khác; đồng thời, nếu chúng ta không quản ngại những công việc khó, khổ hay phải đối diện với những thách đố trong cuộc sống hàng ngày thì đời sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát. Một trong những điều cốt thiết về đời sống chung trong tương quan với Thiên Chúa là cùng nhau cầu nguyện chung, đọc kinh chung, cùng tham gia và hiệp thông trong thánh lễ đó là sức mạnh tinh thần, lương thực nuôi dưỡng cái hồn của cộng đoàn nhờ vào sức mạnh của Đấng Siêu Việt.
Như thế, cộng đoàn chắc chắn là nơi chúng ta có cơ hội sống cảm thức thuộc về cách trọn vẹn: ta thuộc về cộng đoàn và cộng đoàn thuộc về ta. Sự thuộc về này mang tính thuộc linh, được đặt trên nền tảng đức tin, tin rằng chính Chúa Giêsu đã gọi đích danh từng người để chúng ta sống hiệp thông với Chúa và với nhau. Tính thuộc về nhắc nhở mỗi thành viên phải tâm đầu ý hợp trong từng nhịp sống của cộng đoàn. Chẳng hạn như: chiều kích cộng đoàn trong việc cầu nguyện, chiều kích cộng đoàn trong việc giữ kỷ luật, chiều kích cộng đoàn trong việc sống 3 lời khuyên Phúc âm, chiều kích cộng đoàn trong việc thực thi sứ vụ, chiều kích cộng đoàn trong tương quan với từng thành viên… và thậm chí, có cả chiều kích cộng đoàn trong việc vui chơi giải trí. Tất cả đều nhắm đến một mục đích là giúp ta nên thánh trong ơn gọi tận hiến.
- Tính ngôn sứ của đời sống cộng đoàn
Khi ta trọn vẹn thuộc về cộng đoàn và cộng đoàn thuộc về ta chính là lúc chúng ta loan báo Tin Mừng cách hiệu quả như Hiến Chương điều 71 đã xác định: Hình thức tông đồ căn bản nhất của chị em là sống đời thánh hiến trong cộng đoàn (x. GL 607; 673). Bởi, “trong thế giới ngày nay, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người thánh hiến. Tiên vàn chứng tá đó công bố vị thế tối thượng của Thiên Chúa và của những điều thiện hảo sắp tới, biểu lộ qua việc bước theo Đức Kitô và trở nên giống Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, hoàn toàn tận hiến cho vinh quang Chúa Cha và yêu thương anh chị em mình. Chính đời sống cộng đoàn là một lời chứng sống động trong một xã hội khao khát sâu xa tình huynh đệ không biên giới” (VC, số 85). Như vậy, cộng đoàn sẽ là dấu chỉ Thiên Đàng, nơi tất cả mọi sinh linh quy tụ với nhau để ca ngợi Thiên Chúa.
Đứng trước những thách đố này, mỗi cá nhân và cộng đoàn phải “xuất phát lại từ Đức Kitô”, bằng cách chiêm ngưỡng khuôn mặt Người.” Nói cách khác, để cho nhân loại thấy được lời chứng của cộng đoàn, mỗi tu sĩ và cả cộng đoàn phải mật thiết gắn bó với Đức Kitô, trung tâm của cộng đoàn. Cộng đoàn cần được xây dựng, được vun đắp mà mỗi người phải góp một tay bằng tất cả tình yêu. Trong Tông huấn hãy vui mừng và hân hoan Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Một cộng đoàn biết yêu mến những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó mọi người biết chăm sóc lẫn nhau, tạo ra một môi trường cởi mở và có sức loan báo Tin Mừng, đó là nơi mà Chúa Phục sinh hiện diện, thánh hóa nó theo kế hoạch của Chúa Cha” (Đức GH Phanxicô, Tông huấn “Hãy vui mừng và hân hoan). Vì chỉ trên nền tảng của tình yêu, chúng ta mới có thể xây dựng, duy trì sự hiệp nhất huynh đệ trong cộng đoàn và sống trọn vẹn ý nghĩa của cộng đoàn thánh hiến.
Lạy Chúa, xin đến hiện diện giữa chúng con, liên kết chúng con vào Chúa, để chúng con ý thức và nhận ra sự hiện diện của mọi thành viên đều là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa và xin Chúa ban cho chúng con có cái nhìn mới hơn, sâu sắc hơn về đời sống cộng đoàn và ngày càng nỗ lực hơn trong việc kiến tạo bầu khí hạnh phúc, bình an và thánh thiêng trong đời sống cộng đoàn của chúng con để chúng con có sức mạnh làm chứng cho tình yêu Chúa cho đến cùng. Amen.