Thứ ba, 01/04/2025

Gợi Ý Tĩnh Tâm Tháng 03.2025 -Tầm Quan Trọng Của Việc Khổ Chế (HC 65,67)

Cập nhật lúc 09:31 27/02/2025

 
WMTGHH- Mùa Chay là tiếng gọi nhẹ nhàng cho sự trở về với sâu thẳm cõi lòng, nhắc nhớ con người ý thức về những yếu đuối sa ngã của phận người. Mùa Chay lời gọi mời tâm tình sám hối, sự hoán cải qua tinh thần khổ chế - hy sinh như cuộc trở về với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Lời cầu nguyện tha thiết vang lên “xin Chúa giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần” (Lời tổng nguyện Thứ Tư Lễ tro). Tinh thần sống khắc khổ qua việc ăn chay cầu nguyện cũng cùng nghĩa với khổ chế. Vậy khổ chế bắt nguồn từ đâu và được áp dụng như thế nào trong đời sống của chúng ta, cách riêng với người nữ tu Mến Thánh Giá? Dịp tĩnh tâm này như cơ hội chúng ta dừng lại để tìm hiểu sơ lược về  khái niệm “khổ chế” dựa trên nền tảng Thánh Kinh, và vài gợi ý thực hành khổ chế trong đời sống thánh hiến theo Linh Đạo Mến Thánh Giá.

1. Ý  Nghĩa Của  “Khổ Chế”
Trong tiếng Việt, từ “khổ chế” thường được dùng để chuyển dịch từ trong tiếng Anh (asceticism). Từ này có gốc từ tiếng Hy-lạp (askesis), với nghĩa là "exercise, training, practice – rèn/tập luyện, huấn luyện, và thực tập.”[1] Ban đầu ý nghĩa thông dụng của từ askesis (khổ chế) chỉ về tất cả những thao luyện về thể chất, trí tuệ, và tinh thần-luân lý, nhằm giúp con người đạt tới sự tiến bộ trong việc tự rèn luyện mình. Vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội, tinh thần khổ chế mang nghĩa đạo đức tôn giáo. Những người sống tinh thần khổ chế từ bỏ mọi của cải vật chất và những vui thú trần gian để sống dành trọn cuộc sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Tinh thần khổ chế được một số tôn giáo thực tập như đạo Hindu, Phật Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, và Kitô Giáo…[2]. Tinh thần khổ chế cũng được liên tưởng tới việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện. Mỗi cá nhân và cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần khổ chế nhờ sự trợ giúp của ân sủng nhằm đạt đến đời sống tâm linh và sự hoàn thiện siêu nhiên. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, tinh thần khổ chế nhằm biểu thị bất cứ hình thức cộng tác nào của con người với Thiên Chúa trong công cuộc thánh hoá bản thân.

2. “Khổ Chế” Trong Kinh Thánh
Tinh thần khổ chế không được nhắc tới trực tiếp trong từ vựng Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh người ta lại gặp thấy những cách diễn tả na ná với tinh thần khổ chế, nhất là những hình thức thực hành khổ chế thông dụng.
Trong Cựu ước, dân Israel đã có những cách thực hành tiêu biểu để tỏ lòng thống hối tội lỗi nhằm xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa và cầu xin ơn tha thứ, chẳng hạn ăn chay, rắc tro trên đầu hoặc ngồi trên đống tro, mặc áo vải bao bố, cầu nguyện khẩn thiết… Ví dụ, ông Môsê không ăn bánh, không uống nước suốt bốn mươi ngày đêm để đền tội dân Do Thái không nghe lời Thiên Chúa (Đnl 9, 18). Ngôn sứ Đa-ni-en đã ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu để cầu xin Đức Chúa tha thứ những lỗi lầm dân Ít-ra-en phản nghịch và lìa xa mệnh lệnh của Thiên Chúa (Dn 9, 3-5). Trong sách Nơ-khe-mi-a 9,1-2 có ghi lại nghi thức sám hối của dân Ít-ra-en: “con cháu Ít-ra-en họp nhau lại ăn chay, mình mang bao bị, đầu rắc bụi đất.” Những hình thức thể hiện bên ngoài này diễn tả tâm tình thống hối trong tâm hồn và quyết tâm quay về với Thiên Chúa.
Trong Tân ước, ý tưởng cốt lõi của khổ chế được thực hiện qua con đường khổ giá. Tinh thần khổ chế có thể được cô đọng trong lời kêu gọi của Đức Giêsu: Nếu ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình và theo tôi” (Mt 16, 24; Mc 8, 34; Lc 9, 23). Điều quan trọng là Đức Giêsu không chỉ đưa ra lệnh truyền, nhưng chính Ngài đã nêu gương trước trong việc thực hành khổ chế.
Trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, Ngài đã trải qua 40 đêm ngày trong sa mạc, trầm mình trong chay tịnh và cầu nguyện (Mc 1,12-13; Mt 4:1-11; Lc 4:1-13). Trong thời gian thi hành sứ vụ, Ngài thường có thói quen dậy sớm để cầu nguyện với Chúa Cha (Mc 1:35); Ngài miệt mài thi hành sứ vụ đến độ hy sinh cả những nhu cầu thiết yếu của bản thân (Mc 3,20); và nhất là hành động từ bỏ chính mình khi mà tình yêu đã lên đến cao điểm trong hy tế thập giá. Ngài nói rằng không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
Trong thư của thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy những lối diễn tả rất gần với khái niệm khổ chế cả trong ý nghĩa nguyên thuỷ nhằm diễn tả một sự khổ luyện để giành chiến thắng. Trong đoạn thư 1Cr 9, 24-26, thánh Phaolô viết như sau: “Anh em không biết rằng, trong cuộc chạy đua trên sân vận động, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải sao? Anh em phải chạy thế nào để đoạt cho được. Phàm là tay thi đấu thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt giải thưởng chóng hư; trái lại, chúng ta nhằm giải thưởng không bao giờ hư nát. Vậy, tôi đây cũng chạy như thế, chứ không phải chạy mà không có mục đích; tôi đấu quyền như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại”.

3. Thực Hành “Khổ Chế”
Qua việc tìm hiểu khái niệm sơ lược về ý nghĩa “khổ chế” và tinh thần khổ chế trong Thánh Kinh. Giờ đây chúng ta tự đặt ra câu hỏi là làm thế nào chúng ta có thể thực hành khổ chế trong đời sống thường ngày? 
Trên bình diện tu trì: “chị em chấp nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn các đòi hỏi của ba lời khấn Khiết Tịnh, Nghèo Khó, Vâng Phục và đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, đời sống tông đồ” (HC 67). Hơn nữa, ngoài việc ăn chay và cầu nguyện trong Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi sống tinh thần khổ chế ngang qua đời sống cộng đoàn. Tinh thần khổ chế thúc đẩy chúng ta kiến tạo sự bình an hòa thuận, cùng nhau xây dựng cộng đoàn theo tinh thần bác ái Chúa Kitô. Ước mong Mùa Chay và Năm thánh này chúng ta sống tinh thần khổ chế qua việc tu luyện từ lời nói đến việc làm; nói những lời yêu thương, bớt những lời nói cay nghiệt. Thánh Giacôbê Tông đồ: “Ai không sa ngã trong lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế toàn thân... (Gc 3,2).
Kiềm chế ở đây có thể được hiểu theo tinh thần tập luyện khổ chế, như việc chúng ta nhẫn nhịn chịu đựng lẫn nhau trong đời sống thường ngày, thái độ ứng xử hòa nhã thay vì thái độ giận dữ với những lời nói thiếu bác ái. Sống vui vẻ trong tâm tình tạ ơn, kiềm chế sự nóng giận và tập tính kiên nhẫn với người khác, bớt những lời than vãn và sống đơn giản hơn, tập cho mình có một trái tim tươi trẻ với lời nói tích cực, bớt sự ích kỷ chỉ lo cho cho bản thân, thêm vào đó là sự quảng đại dấn thân cho cộng đoàn với tấm lòng bao dung tha thứ. Ước chi việc chúng ta tu luyện, “khổ chế” qua những hy sinh rất nhỏ hàng ngày, sẽ trở thành “hy lễ ban chiều” giúp chúng ta liên lỉ kết hợp với hy lễ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, biến chúng ta trở thành “cánh tay hữu hình của Chúa”, gieo vãi hạt giống  yêu thương, biểu lộ sự hiện diện của Chúa nơi những người chúng ta sống chung và nơi những con người chúng ta làm việc cùng.
 
 

Thông tin khác:
Thập Giá - Niềm Vinh Dự Đời Con
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log