Thứ bảy, 07/09/2024
Mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa 1943- 2023

Gợi Ý Tĩnh Tâm Tháng 7

Cập nhật lúc 09:16 30/06/2024
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN


Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học kĩ thuật, công nghệ số.., con người mải miết chạy theo vật chất đời này, mà quên mất mình có một cuộc sống vĩnh cửu ở đời sau. Họ đang dần đánh mất đi cảm thức thần thiêng. Người sống đời thánh hiến đang phải đối diện với nguy cơ “rối loạn căn tính” đời tu với đủ triệu chứng khác nhau: lối sống thích dễ dãi thoải mái và hợp thời, sự ù lì trong đời sống cộng đoàn, lối sống yên thân an vị thiếu dấn thân trong sứ vụ hay lối sống duy công việc, chạy đua với thời gian trong các công tác mục vụ, thỏa mãn với thành tựu trong công việc, thu tích thịnh vượng, chạy theo những giá trị trần thế,và nhất là sự yếu kém trong đời sống cầu nguyện và trong kinh nghiệm thiêng liêng. Từ những chuyện rất nhỏ trong đời sống, nhưng do thiếu đời sống nội tâm, chểnh mảng với đời sống cầu nguyện, không gắn bó mật thiết với Đức Kitô, người tu sĩ dễ dàng buông xuôi, lạc mất phương hướng, mất bình an, gây đau khổ cho mình và cho người khác, thậm trí dễ dàng bỏ ơn gọi để ra đi tìm kiếm “chân trời mới”.  Trước những thách đố của cá nhân hay bối cảnh xã hội tác động, chúng ta được mời gọi cùng nhau nhìn lại đời sống cầu nguyện, để từ đó chúng ta ý thức vị trí ưu việt của việc gắn kết liên lỉ với Chúa trong đời thánh hiến.
  1. Vị trí ưu việt của đời sống cầu nguyện
Trong truyền thống Kitô giáo, chiêm niệm luôn được dành cho một vị trí nổi bật như cách diễn tả cao nhất trong đời sống tâm linh và là chóp đỉnh của đời sống cầu nguyện. Việc cầu nguyện mang lại ý nghĩa tròn đầy cho đời tu, dưới bất kỳ hình thức nào. “Tu sĩ của bất cứ dòng nào, trong lúc chỉ tìm một Thiên Chúa trên hết mọi sự, đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm tông đồ: vì nhờ chiêm niệm họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa, và nhiệt tâm tông đồ, họ tham gia công cuộc cứu chuộc và mở rộng Nước Chúa” (DT 5). Như thế, Cầu nguyện chính là nhiệm vụ cốt yếu của đời sống thánh hiến[1].
Nhiệm vụ đầu tiên và chính yếu của người tu sĩ là chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và liên lỉ kết hợp với Người bằng kinh nguyện (GL 633§1). Như thế đời sống cầu nguyện luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình sống của người sống đời thánh hiến. Con người không thể sống nếu không được hít thở, không thể khỏe mạnh nếu không hít thở đều, thì người sống đời thánh hiến cũng không thể sống triển nở nếu không được nuôi dưỡng và bổ sức từ đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện chính là nguồn mạch sự sống cho người sống đời thánh hiến. Trong cuốn Đường Hy Vọng Đức cố Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã viết: Cầu nguyện chính là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Cầu nguyện là ta nối bóng đèn của ta với nguồn điện là chính Thiên Chúa” (ĐHV 120). Bởi vậy, sống đời thánh hiến mà không có đời sống cầu nguyện thì đời tu chẳng có ý nghĩa gì và cũng không thể đạt được mục đích.
Bản chất đời sống thánh hiến bước theo sát Đức Kitô là để được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Người. Nhờ đó chúng ta diễn tả lại nơi chính mình trong mức độ có thể nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi xuống thế và chứng tỏ cho thế giới thấy dấu vết hữu hình mà Thiên Chúa Ba Ngôi để lại trong lịch sử, để cho loài người nhận ra sức hấp dẫn của vẻ đẹp thần linh và lưu luyến nó (x. TH 16.20). Chính những phẩm chất thiêng liêng của đời sống thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại đang khao khát những giá trị tuyệt đối và trở thành lời chứng hấp dẫn cho con người thời đại hôm nay (TH 93).
Vậy làm sao chúng ta có thể làm được điều đó? Chúng ta chỉ có thể hoàn trọn ơn gọi của mình giữa lòng thế giới khi chúng ta có một đời sống cầu nguyện và gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa. Tông huấn đời sống thánh hiến ghi rõ: “Mỗi người sống đời thánh hiến phải hình thành con đường nội tâm…Khi chăm chú lắng nghe và tuân hành Lời Chúa được Giáo Hội bảo vệ và giải thích, người tận hiến cho thấy Đức Kitô mà họ yêu mến trên hết mọi sự và nơi mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, điều mà lòng người mong muốn sâu xa nhất được đáp ứng và mong mọi cuộc hành trình hướng về cõi siêu việt đã tìm được đích điểm” (TH 103). Mỗi người phải tự hình thành cho mình một con đường nội tâm, một đời sống cầu nguyện thâm sâu với Thiên Chúa. Qua đó, ta kín múc được nguồn trợ lực từ chính nơi Thiên Chúa, đặt Chúa làm trọng tâm và khởi điểm cho đời sống của mình.
Cầu nguyện không chỉ giúp chúng ta sống đúng căn tính đời tu nhưng còn mở lối cho những hoạt động của ta. Chúng ta không thể hiến phân phục vụ nếu không cầu nguyện. Nếu trong tâm hồn chúng ta không có hơi ấm của Thiên Chúa, không có tình yêu và sự dịu dàng của Ngài, làm sao chúng ta, là những tội nhân nghèo hèn, lại có thể sưởi ấm tâm hồn những người khác được? Ý nghĩa đời tu là gì nếu không phải là để đáp lại tình yêu? Nếu không phải là để hiến thân phục vụ vì danh Chúa Kitô? Đức cố Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận trong cuốn Đường Hy Vọng có viết: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Cầu nguyện phải ưu tiên hàng đầu: thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động”. Điều đó cho ta thấy, cầu nguyện vẫn luôn là trọng tâm, phải được ưu tiên và quan tâm hàng đầu. Tiếp đến mới là hy sinh và sau cùng là hoạt động tông đồ. Muốn hy sinh được, phải cầu nguyện; muốn phục vụ được phải hy sinh. Đó cũng chính là ba chiều kích trong linh đạo Mến Thánh Giá: chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Ba chiều kích này liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành nên tính thống nhất và duy nhất của Linh đạo Mến Thánh Giá trong việc trở nên cánh tay nối dài của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh nơi người nữ tu Mến Thánh Giá. Cầu nguyện đóng vai trò trọng tâm của đời sống người nữ tu Mến Thánh Giá và cũng là mục đích của Dòng. Trong Bức Tâm Thư gửi cho hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula, Đức Cha Lambert đã khẳng định: “Mục đích chính của Tu Hội các con là tiếp nói nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô và hằng ngày dâng việc suy gẫm cầu nguyện của các con, để cầu xin Người ban cho lương dân và những tín hữu bất hảo được ơn ăn năn trở lại” (Btt 8). Vì thế, cầu nguyện phải là điều phải làm đầu tiên, trước hết và xuyên suốt trong mọi hoạt động. Ngài từng nhắn nhủ con cái của mình rằng: “Trước khi gieo vãi hạt giống phúc âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên những cánh đồng” (Ts 31).
  1. Thách đố trong đời sống cầu nguyện
Thế giới đang thay đổi từng ngày, mang đến một luồng gió mới nhưng đồng thời cũng là một thách đố cho những người sống đời thánh hiến, nhất là trong lãnh vực đời sống thiêng liêng.
Thách đố về hiệu năng công việc. Nhìn vào thực tế, đời sống thiêng liêng của người thánh hiến đang dần nhường chỗ cho các hoạt động tông đồ, các công tác mục vụ, dạy học, công tác xã hội,…Với tất cả lòng nhiệt huyết vì lý tưởng cao đẹp, ta hăng say dấn thân vì Nước Trời, bận rộn với biết bao công việc với mục đích Vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Hầu như cả ngày không có thời giờ để nghỉ ngơi vì công việc mưu sinh và cả những công việc không tên của cộng đoàn. Thế nên, ngày qua ngày, ta bị cuốn vào vòng xoáy của công việc. Cám dỗ hiệu năng công việc khiến ta viện mọi lý do để tự chuẩn chước cho mình những bổn phận thiêng liêng; hoặc ta cầu nguyện một cách nhanh gọn; hoặc dồn tất cả việc thiêng liêng vào giây phút cuối ngày sau khi sự mệt nhọc, uể oải phủ kín thân xác. Đâu đó vẫn có những tu sĩ ham thành công nên sẵn sàng bỏ bê đời sống thiêng liêng, tham dự Thánh Lễ và giờ kinh, giờ cầu nguyện cách hờt hợt, chiếu lệ, máy móc như thể chỉ để trình diện chị Phụ Trách “Em đã có mặt”; không còn thiết tha yêu mến việc đạo đức: lần Chuỗi Mân Côi, đọc sách thiêng liêng, lãnh nhận các bí tích, viếng Thánh Thể, xét mình hằng ngày…Dần dần đời sống thiêng liêng trở nên hời hợt, không có chiều sâu trong tâm hồn. Những xác tín thiêng liêng trở nên mờ nhạt, người tu sĩ dễ dàng quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa, chủ nghĩa dửng dưng thắng thế, sự lạnh nhạt, hờ hững lên ngôi.
Thách đố khuynh hướng hưởng thụ. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ số, sự bùng bổ của phương tiện truyền thông có thể giúp ta hoặc mở rộng kiến thức hoặc đánh mất ý nghĩa đời mình[2]. Một mặt, nó giúp người tu sĩ mở rộng tầm nhìn vươn mình ra thế giới để tiếp cận với những đa dạng về thông tin, văn hóa, hàng hóa với đủ loại mẫu mã,...và với đầy đủ các chức năng để học tập, giải trí và làm việc. Mặt khác, nó làm cho chúng ta dễ dàng rơi vào cơn cám dỗ về lối sống hưởng thụ vật chất, đẩy đưa chúng ta tới nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần đánh mất đi sự giao tiếp với thực tại cụ thể. Điều đó khiến chúng ta không còn thiết tha với đời sống cầu nguyện, không tìm thấy niềm vui khi gặp gỡ Thiên Chúa.
Thách đố của thế giới ồn ào. Trong thế giới bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, sự tĩnh lặng và trầm lắng xem ra là vô bổ với nhiều người, thâm trí người ta còn sợ hãi khi phải sống trong thinh lặng. Bởi đó, họ luôn tìm cách giải khuây trong nhịp sống sôi động của âm nhạc, quảng cáo, youtobe, tik tok, truyền thanh, truyền hình và phim ảnh. Cơn lốc mãnh liệt của sự ồn ào đang dần xé tan bầu khí thinh lặng của đời sống thánh hiến. Chúng ta thích nói nhiều, thích hàn huyên tâm sự, tán gẫu, trao đổi thông tin với nhau nhiều hơn là đi vào sa mạc nội tâm để gặp gỡ và trò chuyện Thiên Chúa. Chúng ta thích tìm kiếm những niềm vui chóng qua bên ngoài để giải tỏa sau những giờ học và làm việc căng thẳng hơn là đến bên Chúa để được nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Vì thế, thật khó để bước vào đời sống cầu nguyện khi tâm hồn chúng ta không có một khoảng lặng nào cho Thiên Chúa.
  1. Người nữ tu Mến Thánh Giá với đời sống cầu nguyện
Cành nho không thể sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, đời sống thánh hiến cũng không thể sinh hoa trái nếu không gắn liền với Đức Kitô. Vì vậy, chúng ta được mời gọi hãy “ở lại” với Đức Kitô và “ở lại” trong Lời của Người. Đời sống cầu nguyện của ta phải được xây dựng trên nền tảng Lời Thiên Chúa và việc cử hành phụng vụ thánh, đặc biệt Thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ. Nhờ việc chăm chú lắng nghe, suy gẫm và thực hành lời Chúa giúp chúng ta nuôi dưỡng tương quan thân tình với Thiên Chúa hằng sống. Nhờ năng tiếp xúc với Lời Chúa, chúng ta được soi sáng để biện phân cho chính bản thân và cộng đoàn, để tìm ra đường lối của Thiên Chúa trong các dấu chỉ của thời đại (TH 94).
Đức Cha Lambert đã để lại cho chúng ta kinh nghiệm quý báu để gia tăng đời sống thiêng liêng, đó là sự “đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa và lòng trung thành với tác động ân sủng Người”. Đời sống thiêng liêng của ta phải được cụ thể hóa bằng việc tập trung vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh với một tình yêu phi thường; vun trồng đời sống kinh nguyện nội tâm phong phú như suy niệm, nguyện ngắm cảm ái, và chiêm ngưỡng bằng cái nhìn thuần khiết; cử hành phụng vụ và cung chiêm Thánh Thể với thái độ tôn thờ thẳm sâu; đặt mình thường xuyên dưới tác động của Chúa Thánh Thần để trở nên người con thảo của Chúa Cha và được ơn soi sáng cho từng sinh hoạt tông đồ (Hc 54).
Chúng ta được mời gọi dành vị trí ưu tiên cho đời sống cầu nguyện. Trung thành với việc đọc, suy gẫm, lắng nghe và đem lời Chúa áp dụng vào đời sống thường ngày, chia sẻ Lời Chúa để trao ban cho nhau những ân huệ thiêng liêng của Thánh Thần. Trung thành với các giờ thiêng liêng chung của cộng đoàn: tích cực tham dự các cử hành phụng vụ và các giờ kinh phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh lễ. Trong Bí tích Thánh Thể, sự thân tình trọn vẹn với Đức Kitô được thực hiên, cho ta được nên đồng hình đồng dạng với Người. Cũng chính nơi đó, mọi hình thức cầu nguyện được quy tụ lại: Lời Thiên Chúa được loan báo và đón nhận, mọi mối tương quan của ta với Thiên chúa, với anh chị em được chất vấn. Bí tích Thánh thể bí tích của sự hiệp nhất với Đức Kitô, hiệp nhất với Giáo Hội, hiệp nhất với cộng đoàn những người thánh hiến (TH 95). Điều này đỏi hỏi chúng ta phải thực hiện với tất cả lòng yêu mến, tự do và trung thành với cầu nguyện phụng vụ và cầu nguyện cá nhân, trung thành với thời gian dành cho tâm nguyện và chiêm niệm, thờ phượng thánh thể, tĩnh tâm và linh thao ” (TH 38). Vì nhờ đó, ta có thêm sức mạnh và tình yêu để vững bước trên hành trình dâng hiến đầy thử thách và cam go.
Đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng hãy trung thực tự hỏi: việc ưu tiên dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện có tầm quan trọng như thế nào đối với tôi? Ý nghĩa của việc cầu nguyện trong đời sống của tôi là gì? Và tôi có thể sống đời sống cầu nguyện như thế nào giữa những bận rộn của công tác tông đồ?
 
[1] Thánh giáo hoàng gioan phaolo II, Bài Giảng Số 12: Sống Cầu Nguyện Trong Đời Thánh Hiến, 4/01/1995
[2] Thánh bộ các tu hội đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ, chuyển ngữ Lm. Đa minh nguyễn đức thông, Ơn Trung Thành Và Niềm Vui Bền Đỗ, số 21
Vp Hội Dòng MTG Hưng Hoá
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log