Tin Mừng thánh Mác-cô thuật lại rằng: Các môn đệ không mang theo đủ bánh khi đã lên thuyền với Chúa Giêsu và “các ông bàn tán với nhau về việc không có bánh” (Mc 8, 14-21). Chúa Giêsu nhận ra điều này nên đã cảnh báo họ: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em cứng lòng thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh ư?
Nơi nào thiếu lòng trắc ẩn ở đó có việc thờ ngẫu tượng và ý thức hệ
Khởi đi từ bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, Đức Thánh Cha cho thấy sự khác biệt giữa một con tim “ngu muội” như trường hợp của các môn đệ, và một “con tim trắc ẩn”, như của Chúa, con tim diễn tả ý muốn của Chúa Cha.
Ý muốn của Thiên Chúa là thương xót: Ta muốn lòng thương xót và trắc ẩn chứ không cần lễ tế. Và một con tim không biết trắc ẩn là một con tim ngu muội, con tim thờ ngẫu tượng, thờ sự tự đủ, nó bước đi nhờ sự ích kỷ của chính nó, và trở nên mạnh mẽ chỉ nhờ vào các ý thức hệ. Chúng ta thử suy nghĩ về bốn nhóm ý thức hệ thời Chúa Giêsu: Nhóm Pharisiêu, nhóm Xa-đốc, nhóm Êssênêô, và nhóm Quá Khích. Bốn nhóm có những con tim ngu muội khi thực hiện một dự án không phải của Chúa, mà cũng không có chỗ cho kế hoạch của Chúa, không có chỗ cho lòng trắc ẩn.
Chúa Giêsu là cái tát cho mọi sự chai cứng của con tim loài người
Nhưng có một "liều thuốc" chống lại sự cứng lòng và đó là ghi nhớ. Đó là lý do tại sao đoạn Tin mừng hôm nay và nhiều đoạn Kinh Thánh khác vang vọng về việc cần phải có sức mạnh mang lại ơn cứu độ của ghi nhớ, một ân sủng cần nài xin bởi nó “giữ cho con tim của chúng ta rộng mở và thành tín”.
Khi trái tim khô cứng, nó quên đi... ân sủng của ơn cứu độ và sự nhưng không. Con tim sắt đá dẫn đến cãi vã, chiến tranh, ích kỷ và hủy hoại anh chị em mình vì không có lòng trắc ẩn. Và thông điệp cao cả nhất của ơn cứu độ là Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với chúng ta. Tin Mừng thường lặp đi lặp lại rằng Chúa Giêsu đã động lòng thương khi nhìn thấy một người hay một cảnh huống nào đó đau thương. Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Chúa Cha. Chúa Giêsu là cái tát cho mọi sự chai cứng của con tim loài người.
Hãy có một con tim rộng mở
Vì thế, chúng ta cần nài xin cho mình có một con tim “phi ý thức hệ” – điều làm ta trở nên cứng lòng, để có một con tim rộng mở và từ bi khi đối diện với những điều đang xảy ra trên thế giới. Chính điều này là điều chúng ta sẽ bị phán xét trong ngày Chung Thẩm, chứ không phải bởi những “lý tưởng” hay “ý thức hệ” của chúng ta. “Khi Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta đau yếu, các ngươi đã an ủi; Ta ngồi tù, các ngươi đã thăm nom". Đó chính là lòng trắc ẩn, chứ không phải là sự chai cứng của con tim". Và sự khiêm nhường, việc ghi nhớ cội nguồn của chúng ta và ơn cứu độ của chúng ta sẽ giúp chúng ta sống điều ấy.
Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình với lời cầu nguyện:
Mỗi chúng ta đều có một thứ gì đó đã chai cứng trong lòng. Chúng ta hãy nhớ đến điều ấy và hãy để Chúa ban cho chúng ta một con tim ngay chính và chân thành, và Người sẽ ngự lại ở đó. Thiên Chúa không thể bước vào trái tim chai cứng; trái tim mang những ý thức hệ. Người chỉ đi vào những con tim giống như con tim của Người: một con tim từ bi, trắc ẩn và rộng mở. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng này.