Chúng ta không thể có được Chúa Thánh Thần theo ý chúng ta, chúng ta chỉ có thể để cho Thánh Thần biến đổi chúng ta. Sự ngoan ngùy của chúng ta mở ra cánh cửa cho Thánh Thần và chính Người biến đổi và tái sinh chúng ta. Chúa Thánh Thần là Vị Thầy của sự hài hòa. Tiền, tính hư danh và nói xấu làm chia rẽ cộng đoàn, phá hủy sự hài hòa trong các cộng đoàn. Sáng thứ Ba, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ với ý chỉ khác những ngày qua, nghĩa là Đức Thánh Cha không chỉ rõ cầu nguyện cho ai trong thời điểm đại dịch, nhưng xin mọi người cầu nguyện cho khả năng lắng nghe của mỗi người được phát triển trong bầu khí thinh lặng xung quanh, điều mà ai cũng cảm nhận được trong thời điểm đặc biệt này. Đức Thánh Cha nói: “Trong thời gian này, chúng ta cảm thấy môi trường xung quanh chúng ta thật sự thinh lặng. Đây là một chút mới mẻ trong những thói quen hằng ngày của chúng ta. Thinh lặng này dạy chúng ta lắng nghe và làm cho chúng ta phát triển khả năng lắng nghe. Chúng ta dâng Thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho điều này”.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội cũng như trong các cộng đoàn: Giáo xứ, hội đoàn, dòng tu, gia đình. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể có được Chúa Thánh Thần theo ý chúng ta, chúng ta chỉ có thể để cho Thánh Thần biến đổi chúng ta. Sự ngoan ngùy của chúng ta mở ra cánh cửa cho Thánh Thần và chính Người biến đổi và tái sinh chúng ta. Chúa Thánh Thần là Vị Thầy của sự hài hòa, Đấng có khả năng và phải làm điều này trong tâm hồn người tín hữu. Chúa Thánh Thần phải thay đổi nhiều điều trong chúng ta, làm cho chúng trở nên hài hòa bởi vì Thánh Thần là sự hòa hợp”.
Đức Thánh Cha cảnh báo nguy cơ sự hài hòa này có thể bị phá hủy trong các cộng đoàn vì những điều chủ yếu sau:
Thứ nhất là tiền bạc: “Lòng quyến luyến với tiền bạc gây chia rẽ cộng đoàn, chia rẽ Giáo hội. Thánh Giacôbê đưa ra một thực tế trong một cuộc hội họp của công đoàn: Người giàu bước vào, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, được kính cẩn mời ngồi chỗ danh dự. Cùng lúc đó một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn bước vào, thì lại nghe nói “Đứng đó !” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!” (Gc 2). Vì điều này tinh thần nghèo khó là mẹ của cộng đoàn. Nghèo khó là bức tường gìn giữ cộng đoàn, trong khi đó vì lợi ích cá nhân tiền gây chia rẽ. Trong các gia đình cũng vậy, nhiều gia đình vì gia tài đã dẫn đến kết cục là sự chia rẽ”.
Điều thứ hai gây chia rẽ cộng đoàn đó là tính hư danh, phù phiếm: “Đó là việc muốn cảm thấy mình hơn người khác. Tính hư danh thể hiện trong việc làm cho mọi người chú ý đến mình, trong những thói quen hàng ngày, trong trang phục, trong các cử hành Bí tích. Tính hư danh gây chia rẽ bởi vì nó làm cho anh chị em trở thành những con công”.
Điều cuối cùng gây chia rẽ cộng đoàn đó là nói xấu nhau: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi nói đến điều này, nhưng đây là thực tế. Ma quỷ làm cho chúng ta cảm thấy nhu cầu nói xấu người khác. Đó là một hòn đá để loại trừ người khác”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời mời gọi: “Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mình có được sự ngoan ngùy đối với Thánh Thần để Ngài biến đổi chúng ta và biến đổi cộng đoàn chúng ta, để chúng ta luôn tiến bước trong sự hài hòa mà Chúa Giêsu muốn cho cộng đoàn Kitô hữu”.
Ngọc Yến - Vatican
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt