Xin ơn thận trọng và vâng phục
Sau những ngày cầu nguyện cho mọi thành phần trong Giáo hội và xã hội: từ nhân viên y tế đến bệnh nhân, từ người lớn tuổi đến các trẻ em, từ các chính trị gia đến các nhân viên xã hội, v.v; bắt đầu từ tuần này, Đức Thánh Cha chuyển ý chỉ cầu nguyện hướng đến tương lai, tinh thần sẵn sàng, sống tích cực sau đại dịch. Ví dụ, hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha mời các tín hữu cầu nguyện cho các nghệ sĩ, xin Chúa ban ân sủng để các nghệ sĩ hoạt động trong mọi lãnh vực luôn có tinh thần sáng tạo, làm đẹp cho cuộc sống, đem lại niềm vui cho mọi người. Và sáng thứ Ba, Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa ban sự thận trọng và vâng phục trong thời gian chuẩn bị ra khỏi những ngày tháng phải cách ly xã hội. Đức Thánh Cha mời gọi: “Trong thời gian này, chúng ta bắt đầu có những quyết định để ra khỏi sự cách ly, chúng ta cầu xin Chúa ban cho mọi người ơn thận trọng và vâng phục đối với những quy định để đại dịch không quay trở lại”.
Vu khống nhằm loại trừ người khác
“Bắt đầu từ sự đê hèn của việc làm chứng gian nhằm đạt đến công lý”. Đức Thánh Cha đã khẳng định mạnh mẽ như vậy trong bài giảng tập trung về cuộc tử đạo của Thánh Têphanô được mô tả trong Bài đọc I.
Theo Đức Thánh Cha, việc Thánh Têphanô bị ném đá, nguyên nhân cũng giống như việc Chúa Giêsu bị kết án, và hôm nay chúng ta cũng thấy điều này xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Đức Thánh Cha nêu ví dụ: “Ở một số quốc gia, khi người ta muốn làm một cuộc đảo chính hoặc muốn loại bỏ một số chính trị gia để những người này không thể tham gia bầu cử, thì họ đặt điều vu khống”.
“Có những vị thẩm phán không thể đưa ra những phán quyết, những bản án đúng, họ không có khả năng thực thi công lý; vì thế họ đành phải đưa ra những bản án bất công. Chúng ta nghĩ đến trường hợp của bà Asia Bibi, người đã phải chịu ở tù 10 năm, do bị kết án bất công, bị kết án từ những lời vu khống và muốn bà phải chết trước những tin giả từ dư luận. Chính những điều giả dối này làm cho những người thực thi công lý không thể làm gì được hơn ngoài việc kết án oan sai”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói đến vụ diệt chủng người Do Thái, đó là việc tạo ra trong dư luận tư tưởng chống lại một dân tộc, rồi sau đó trở thành bình thường… biết bao người bị giết, đây là cách người ta dùng để loại trừ những người làm phiền mình.
Nói xấu là kết án oan sai
Đức Thánh Cha nhận xét: “Chúng ta đều biết điều này là không tốt, nhưng trong thực tế hàng ngày, chúng ta cũng không ý thức là có những lần chúng ta đã kết án lỏng lẻo, kết án oan sai cho người khác qua việc đàm tiếu và nói xấu. Và chúng ta cũng thấy điều này trong các tổ chức Kitô giáo, rất nhiều vụ kết án lỏng lẻo do việc nói xấu nhau”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời cầu xin: “Xin Chúa giúp chúng ta luôn là những người công chính trong những phán đoán của chúng ta, không bắt đầu hoặc đi theo việc lên án từ những vụ nói xấu người khác”.