Đức Thánh Cha đau lòng khi thấy rằng ngày nay nhiều anh chị em vẫn còn chịu bách hại và mời gọi các tín hữu gần gũi với họ. Ngài khuyến khích các tín hữu kiên cường làm men, làm muối cho Tin Mừng, đừng để cho hương vị Kitô hữu bị mất đi. Chúa Kitô luôn đồng hành với chúng ta trong thử thách.
Trong buổi tiếp kiến chung được truyền hình trực tiếp từ Dinh Tông tòa vào sáng thứ Tư 29/04, Đức Thánh Cha đã giải thích Mối phúc cuối cùng trong tám Mối phúc: “Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Sống theo các Mối phúc có thể khiến chúng ta bị thế giới chối từ, bách hại. Tuy nhiên, cuối cùng, bách hại lại là nguyên nhân giúp chúng ta được hưởng niềm vui trên thiên quốc. Con đường Mối phúc là hành trình phục sinh, đưa chúng ta từ sự ích kỷ đến cuộc sống theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Cuộc đời các thánh cho chúng ta thấy rằng bách hại giúp các Kitô hữu được giải thoát khỏi sự thỏa hiệp với thế gian.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Với buổi tiếp kiến hôm nay, chúng ta kết thúc cuộc hành trình các Mối phúc theo Tin Mừng. Như chúng ta đã nghe, Mối phúc cuối cùng loan báo niềm vui cánh chung của người bị bách hại vì công lý.
Mối phúc này loan báo về hạnh phúc giống như được loan báo trong Mối phúc đầu tiên: nước Trời dành cho những người bị bách hại giống như dành cho người có tinh thần nghèo khó; như thế chúng ta hiểu rằng chúng ta đã đi đến điểm cuối của một hành trình duy nhất đã được loan báo trong các Mối phúc trước đó.
Các Mối phúc là hành trình từ sự ích kỷ cá nhân đến: tinh thần nghèo khó, sự than khóc, hiền lành, khao khát sự thánh thiện, lòng thương xót, tâm hồn trong sạch và kiến tạo hòa bình có thể đưa đến sự bách hại vì Chúa Kitô, nhưng sự bách hại này cuối cùng lại là nguyên nhân của niềm vui và phần thưởng lớn lao trên thiên đàng. Con đường của các Mối phúc là một hành trình Phục sinh, đi từ một cuộc sống theo thế gian đến cuộc sống theo Thiên Chúa, từ một cuộc sống được dẫn dắt bởi xác thịt - nghĩa là bởi sự ích kỷ - đến cuộc sống được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Lối sống Tin Mừng gây khó chịu cho thế gian
Thế gian, với những thần tượng của nó, những thỏa hiệp và ưu tiên của nó, không thể chấp nhận lối sống này. "Các cấu trúc tội lỗi", những thứ thường được tạo ra bởi não trạng của con người và xa lạ với Thánh Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể chấp nhận (x. Ga 14,17), chỉ có thể chối bỏ tinh thần nghèo khó hay hiền lành hay trong sạch và tuyên bố rằng lối sống theo Tin Mừng là một sai lầm và là vấn đề, và do đó là điều gì đó cần gạt ra ngoài lề. Thế giới nghĩ rằng: đây là những người duy tâm hoặc cuồng tín... Họ nghĩ như thế.
Nếu thế gian dựa trên tiền bạc, thì bất cứ ai chứng tỏ rằng cuộc sống có thể được viên mãn trong việc trao tặng và từ bỏ, đều trở thành sự phiền toái đối với hệ thống của lòng tham lam. Từ "phiền toái" này là chìa khóa, bởi vì chứng tá Kitô giáo duy nhất, điều mang lại nhiều điều tốt đẹp cho nhiều người bởi vì họ sống theo nó, lại gây phiền toái cho những người theo não trạng thế gian. Họ thấy nó như một lời trách móc. Khi sự thánh thiện xuất hiện và cuộc sống của con cái Chúa nổi bật lên, trong vẻ đẹp đó có một điều không thoải mái, đòi hỏi phải chọn lựa: hoặc để cho chính mình bị tra vấn và mở lòng ra với điều tốt hoặc từ chối ánh sáng đó và trở nên cứng lòng, thậm chí đến mức chống đối và giận dữ (x. Kn 2,14-15).
Sự thù ghét Kitô hữu của các chế độ độc tài ở châu Âu
Thật là đáng tò mò... thu hút sự chú ý khi nhìn thấy trong các cuộc bách hại các vị tử đạo, sự thù địch gia tăng đến mức trở thành oán giận như thế nào. Chỉ cần nhìn những cuộc bách hại trong thế kỷ cuối cùng của các chế độ độc tài châu Âu: người ta đã thịnh nộ chống lại Kitô hữu, chống lại chứng tá Kitô giáo và chống lại chủ nghĩa anh hùng của Kitô hữu như thế nào.
Bách hại giúp Kitô hữu thoát khỏi thỏa hiệp với thế gian
Nhưng điều này cho thấy rằng thảm kịch bách hại cũng là nơi giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào thành công, vào vinh quang giả tạo và thỏa hiệp với thế giới. Điều gì làm cho những người bị thế giới chối bỏ vì Chúa Kitô được vui mừng? Họ vui mừng vì đã tìm được điều quý giá, giá trị hơn cả thế giới. Thực tế, "được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?" (Mc 8,36).
Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên
Thật đau lòng nhắc lại rằng, tại thời điểm này, có rất nhiều Kitô hữu phải chịu những cuộc bắt bớ ở nhiều khu vực trên thế giới, và chúng ta phải hy vọng và cầu nguyện rằng cơn hoạn nạn của họ sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên. Chúng ta hãy tỏ sự gần gũi với những anh chị em này: chúng ta là một thân thể, và những Kitô hữu này là những chi thể đang bị thương tích đổ máu trong thân thể của Chúa Kitô là Giáo hội.
Chú ý đến nguy cơ “đánh mất hương vị” của Kitô hữu
Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận để không đọc Mối phúc này theo nghĩa bi quan, tự thương hại. Thật ra, không phải sự khinh miệt của con người lúc nào cũng đồng nghĩa với sự bách hại: không lâu sau khi nói về các Mối phúc, Chúa Giêsu nói rằng các Kitô hữu là “muối của trái đất”, và ngài cảnh giác chống lại nguy cơ "đánh mất hương vị", khi đó muối "đã thành vô dụng và chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp" (Mt 5,13). Do đó, cũng có sự khinh miệt do lỗi của chúng ta, khi chúng ta đánh mất hương vị của Chúa Kitô và Tin Mừng.
Cần phải trung thành với con đường khiêm hạ của các Mối phúc, bởi vì đó là con đường để thuộc về Chúa Kitô chứ không phải thuộc về thế gian. Cần nhớ lại hành trình của thánh Phaolô: khi ngài nghĩ mình là một người công chính, thì ngài lại là một kẻ bách hại, nhưng khi khám phá ra mình là một kẻ bách hại thì ngài lại trở thành con người của tình yêu, người đối mặt cách hạnh phúc với những đau khổ của cuộc bách hại mà ngài phải chịu (x. Cl 1,24).
Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta trong các cuộc bách hại
Nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng, làm cho chúng ta giống với Chúa Kitô bị đóng đinh và, liên kết chúng ta với cuộc thương khó của Người, thì việc bị loại trừ và bách hại là biểu hiện của cuộc sống mới. Cuộc sống này giống như của Chúa Kitô, Đấng vì loài người chúng ta và vì ơn cứu độ của chúng ta đã "bị con người khinh miệt và khước từ" (x. Is 53,3; Cv 8,30-35). Được đón nhận Chúa Thánh Thần của Người có thể giúp trái tim chúng ta tràn đầy tình yêu để hiến dâng sự sống cho thế giới mà không cần thỏa hiệp với những lừa dối của nó và chấp nhận sự chối từ của nó. Thỏa hiệp với thế gian là điều nguy hiểm: Kitô hữu luôn bị cám dỗ thỏa hiệp với thế gian, với tinh thần của thế gian. Từ chối sự thỏa hiệp và đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô là cuộc sống của Nước Trời, niềm vui lớn nhất, niềm vui đích thực. Và rồi, trong những cuộc bách hại, luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đồng hành với chúng ta; sự hiện diện của Chúa Giêsu an ủi chúng ta và sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tiến bước. Chúng ta đừng nản lòng khi một cuộc sống theo Tin Mừng đưa đến những cuộc bách hại: có Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta trên con đường này. Hồng Thủy - Vatican
Nguồn: vaticannews.va/vi