Hôm thứ Ba 09/02/2021, Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự sống cho công bố Tài liệu “Tuổi già: tương lai của chúng ta. Tình cảnh của người già sau đại dịch”. Tài liệu đề xuất một suy tư về các bài đọc được rút ra từ đại dịch, về hậu quả của nó đối với hiện tại và tương lai của xã hội. Suy nghĩ lại mô hình phát triển Các bài học là: Một mặt, đại dịch tỏ cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả mọi người, và mặt khác sự hiện diện mạnh mẽ của sự bất bình đẳng. Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng cùng một cơn bão, nhưng ở một khía cạnh nào đó có thể nói chúng ta đang chèo trên những con thuyền khác nhau. Vì vậy, điều cần thiết là phải suy nghĩ về mô hình của sự phát triển của toàn hành tinh. Covid-19 và người già Tài liệu chỉ ra, trong làn sóng đầu tiên của đại dịch, một phần lớn các trường hợp tử vong là người già ở trong các viện dưỡng lão, là nơi được cho là phải bảo vệ “thành phần yếu đuối của xã hội”. Chúng ta cần có một cái nhìn mới, một kiểu mẫu mới cho phép xã hội chăm sóc người già. Vào năm 2050, thế giới có hai tỷ người trên 60 tuổi Tài liệu của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự sống nhấn mạnh rằng, ngày nay con người có tuổi thọ cao hơn. Sự biến đổi nhân khẩu học lớn này tỏ rõ một thách đố về văn hóa, nhân chủng học và kinh tế. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, vào năm 2050 trên thế giới sẽ có hai tỷ người trên 60 tuổi: do đó, cứ năm người thì có một người cao tuổi. Do đó, điều cần thiết là phải làm cho các thành phố của chúng ta trở thành những nơi hòa nhập và chào đón người già và nói chung, cho tất cả những người yếu đuối. Người già là một hồng ân của Thiên Chúa Trong xã hội của chúng ta, quan niệm phổ biến về tuổi già thường là tuổi không hạnh phúc, luôn được hiểu là tuổi cần được trợ giúp, cần chi phí cho chăm sóc y tế. Hàn Lâm viện Tòa Thánh khẳng định: “Tuổi già là một hồng ân của Thiên Chúa và một nguồn lực to lớn, một thành tựu cần được bảo vệ cách cẩn thận, ngay cả khi căn bệnh trở nên không thể chữa trị và cần phải được chăm sóc cách đặc biệt. Và không thể phủ nhận rằng đại dịch đã củng cố trong tất cả chúng ta nhận thức rằng sự phong phú của tuổi già là một kho báu cần được trân trọng và bảo vệ”. Một mô hình mới cho các nhóm yếu đuối Liên quan đến việc hỗ trợ, Hàn Lâm Viện chỉ ra một mô hình mới, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương, đó là việc hỗ trợ liên tục giữa việc chăm sóc tại nhà và một số dịch vụ bên ngoài. Về bản chất, chúng ta hy vọng sẽ tái tạo một mạng lưới liên đới rộng lớn hơn “không nhất thiết dựa trên quan hệ huyết thống, nhưng được gắn kết dựa trên các mối quan hệ liên kết, tình bạn, tình cảm chung, lòng quảng đại hỗ tương trong việc đáp ứng nhu cầu của người khác”. Cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ Đối với người trẻ, tài liệu gợi lên một “cuộc gặp gỡ” có thể đưa vào cấu trúc xã hội “nhựa sống mới mang tính nhân văn sẽ làm cho xã hội đoàn kết hơn. Nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích những người trẻ gần gũi với ông bà và nói thêm rằng khi con người già không phải là gần tới điểm kết thúc, nhưng là mầu nhiệm của vĩnh cửu; để hiểu điều này, chúng ta cần đến gần Thiên Chúa hơn và sống trong mối tương quan mật thiết với Người. Chăm sóc tinh thần cho người già, nhu cầu thân mật với Chúa Kitô và chia sẻ đức tin là một nhiệm vụ bác ái trong Giáo hội”. Văn kiện nêu rõ “Chỉ nhờ có người già mà người trẻ mới tìm lại được cội nguồn của mình và cũng chỉ nhờ có người trẻ mà người già mới khôi phục được khả năng mơ ước”. Tính mong manh như là huấn quyền Sự mong manh yếu đuối của người già cũng thật đáng quý. “Nó có thể được đọc như một huấn quyền, một lời dạy về cuộc sống. Tuổi già cũng phải được hiểu trong chân trời linh đạo này: đó là tuổi phó thác nơi Thiên Chúa. Trong khi cơ thể suy yếu, sức sống tinh thần, trí nhớ và tâm trí giảm sút, sự lệ thuộc của con người vào Chúa ngày càng rõ nét”. Khúc rẽ văn hóa Cuối cùng, Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự sống kêu gọi: “Toàn xã hội dân sự, Giáo hội và các truyền thống tôn giáo, thế giới văn hóa, trường học, hoạt động tình nguyện, giải trí, kinh tế và truyền thông xã hội phải cảm thấy có trách nhiệm đề xuất và hỗ trợ các biện pháp mới cách quyết liệt, để người già có thể được đồng hành và hỗ trợ trong các bối cảnh gia đình, trong nhà của họ và trong bất kỳ trường hợp nào trong môi trường gia đình giống như nhà hơn là bệnh viện. Đây là một bước ngoặt văn hóa cần được thực hiện”. Ngọc Yến - Vatican News
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt