Thứ ba, 26/11/2024

Ý Cầu Nguyện Tháng 2. 2021 - Bí Tích Hòa Giải

Cập nhật lúc 20:07 03/03/2021
Bí tích hòa giải có ý nghĩa gì đối với bạn? Bạn đã có kinh nghiệm về bí tích này chưa? Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta: “Khi tôi đi xưng tội, là để được chữa lành, chữa lành tâm hồn tôi. Để ra về với sức khỏe thiêng liêng mạnh mẽ hơn."

THE POPE’S INTENTION FOR MARCH 2021
 
Intention for evangelization - Sacrament of reconciliation
Let us pray that we may experience the sacrament of reconciliation with renewed depth, to taste the infinite mercy of God.
 
Ý Truyền Giáo – Bí Tích Hòa Giải
Xin cho các tín hữu biết siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải với tinh thần đổi mới sâu xa, nhờ đó cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
— ∞  +  ∞ —
 
Xưng Tội Tiến Đức (Lm. An-tôn Ngô Văn Vững, S.J.)
Làm sao nhận lãnh bí tích Giao Hòa theo ý nghĩa đích thực của một bí tích, vốn là việc gặp gỡ Chúa Giêsu ban ơn xá giải và tha thứ? Làm sao việc xưng tội giúp phát triển đời sống thiêng liêng, giúp lớn lên trong ân sủng? Nhiều khi nó được thực hành như một bổn phận nặng nề, buồn nản. Lắm khi người ta đi xưng tội cách chiếu lệ và máy móc, như một đòi buộc có tính hình thức.
Kết quả bên trong của việc tĩnh tâm, cầu nguyện thể hiện qua phẩm chất của việc xưng tội. 
Không phải là người ta xưng những tội phi thường, cho bằng cách xưng tội đơn sơ, trong sáng của một linh hồn được ân sủng chiếu soi. Khi một linh hồn đã “gặp Chúa” thì lòng dạ trở nên mềm mại, biết nhận ra tội của mình và hối lỗi trước mặt Thiên Chúa cách chân thành và khiêm hạ. Họ không còn cứng lòng, kiêu căng, vị kỷ, quay về mình, bảo vệ chính mình. Họ không còn “lòng chai dạ đá” trước mọi hình thức ân sủng; không còn muốn muốn lên án và tố giác kẻ khác, nhưng nhận ra mình là tội nhân đích thực.
Xưng tội tiến đức
Theo một nghĩa nào đó, sự phát triển đời sống thiêng liêng của một người được bộc lộ qua thái độ của ngừơi ấy đối với tội. Người không có đời sống thiêng liêng thì không ý thức về tội, không nghĩ đến tội. Họ sống với tội mà không quá bận tâm về điều đó - vì không có đức tin. Một phần của đức tin là nhận thấy mình là tội nhân. Càng tiến lên trên đời sống thiêng liêng, thì càng gia tăng ý thức về sự sợ tội, như sợ mất lòng Thiên Chúa.   
Vấn đề “xưng tội tiến đức” sẽ được sáng tỏ khi mọi người biết xưng tội là gì và đáp ứng những đòi hỏi để việc lãnh nhận bí tích hòa giải thêm ý nghĩa, gia tăng ân sủng nơi hối nhân, gia tăng đức tin, cậy, mến và luôn sống theo ý muốn Thiên Chúa, qua mỗi lần xưng tội.
Một trong những nguyên nhân khiến cho sự trưởng thành thiêng liêng không được phát triển đó là sự khiếm khuyết lơ là trong cách xưng tội.
Xưng tội mà lại không cho cha giải tội biết điều gì đó về linh hồn, về đời sống, về tội lỗi của mình. Bí tích giải tội là bí tích thâm sâu nhất về phương diện diễn tả chính mình.” (ĐGM Renard, giám mục Versailles, Vie spirituelle de la religieuse aujourd’hui, DDB,1960, p.70).
Người ta không bày tỏ tình trạng thực sự của linh hồn mình. Có thể vì người ta không biết rõ về mình. Nhưng cũng lắm khi, vì sĩ diện, người ta còn tô vẽ tội của mình cho thêm thẩm mỹ, cho dễ coi; hay vì tự ái, người ta che đậy lỗi phạm của mình bằng những phương thế không thích hợp. Nhưng tốt hơn, nếu muốn “tiến đức”, hối nhân cố gắng xuất hiện dưới diện mạo thực sự của mình. Trình bày nội tâm mình cách trung thực sau khi đã xét mình cẩn thận dưới ánh sáng Lời Chúa, và được soi dẫn bởi Chúa Thánh Thần, phải chăng đó là đòi hỏi tối thiểu của việc xưng tội tiến đức? Nhờ bí tích thống hối, người tội lỗi được ơn hòa giải với Chúa và Hội thánh, được làm con Chúa và hiệp thông với Hội thánh trong cộng đồng Thánh Thể. Nhờ bí tích thống hối, người công chính càng trở nên lành thánh, được tăng trưởng trong đức ái, trở nên con dấu ái của Thiên Chúa trong Đức Kitô, làm sáng danh Chúa bằng đời sống thánh thiện và xây dựng Hội Thánh Chúa trên trần gian.
Bí tích thống hối: nơi gặp gỡ Chúa Kitô hay nơi dối gạt lương tâm?
"Phạm tội để xưng tội và phạm tội mà không ăn năn thống hối là một sự lừa dối lương tâm, trong yếu tính là một sự phạm thánh.” (Cha thánh Piô Pietrelcina).
Giữ lương tâm trong sáng, bằng cách nhờ bí tích thống hối tẩy luyện linh hồn khỏi mọi vết nhơ cố tình hay vô ý, là một phương thế tuyệt hảo để bảo vệ ân sủng và sống đẹp lòng Chúa trên trần gian. Đó là phương thế Chúa ban để con cái loài người luôn sống trong tình trạng ân sủng.
Có tư tưởng của Đấng đáng kính Anne Catherine Emmerich, một tư tưởng có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề xưng tội cách thích hợp và hữu ích nhất: “Ma quỉ đánh cắp sự hổ thẹn khỏi tôi khi nó thuyết phục tôi rằng tội của tôi là đáng vui thích. Bây giờ, tôi không cho phép nó trả lại sự hổ thẹn cho tôi khi tôi chuẩn bị gặp Đấng Cứu Độ tôi trong bí tích giải tội.” Tức là tôi không hổ thẹn khi phạm tội nhưng lại hổ thẹn khi xưng tội. Hay nói cách khác, có một số tội (nhất là tội điều răn thứ sáu) rất dễ phạm nhưng rất khó xưng. Khi nói đến việc xưng tội như công việc của ân sủng, thì cũng phải nhắc đến sự quấy phá của ma quỷ, vốn thù ghét những người đi theo Chúa, nên tìm đủ mọi cách để ngăn cản và phá hoại tương quan tốt đẹp giữa Thiên Chúa và con người. Quỷ đặc biệt oán ghét một việc xưng tội với phẩm chất trong sáng, nhờ đó một linh hồn tiếp tục sống hay lớn lên trong ơn nghĩa Chúa.
“Các Tổ phụ trong đời tu khẳng định rằng đó là một dấu chỉ phổ cập và rõ ràng của một tư tưởng do ma quỷ, khi ta hổ thẹn bày tỏ cho vị trưởng lão.” (CASSIEN, Institutions cénobitiques, livre IV, n. 9).
Nghĩa là khi ta ngại ngùng, hổ thẹn, không dám tiết lộ điều gì cho người trưởng lão (linh sư) thì phải coi đó là mưu chước rõ ràng và phổ cập của ma qủy. Ma quỷ luôn lừa dối và phỉnh phờ. Nếu chúng ta xác tín về điều này và theo nguyên tắc hành động của thánh Inhaxiô trong Linh Thao: “hành động ngược lại” (agere contra), thì phải lấy hết can đảm bày tỏ trước tiên điều làm ta xấu hổ nhất, và kế đến trình bày tâm hồn cách đơn sơ, không giấu diếm -cho cha giải tội- mỗi lần đi xưng tội. Như vậy, mọi sự sẽ dễ dàng (đầu xuôi đuôi lọt) và ta sẽ có lương tâm trong sáng. Chỉ có bước đầu tiên là khó khăn. Nếu lấy đức tin và lòng khiêm tốn mà thú tội với thừa tác viên Hội thánh, như với Chúa Giêsu, thì bí tích sẽ đem lại cho ta ơn bình an, thanh thoát và nơi tâm hồn được thanh luyện sẽ có Chúa Thánh Thần cư ngụ (Gl 5,22-25). Và đó là cốt yếu của việc xưng tội tiến đức, bất cứ dưới hình thức nào và xưng tội gì.
Đây cũng phải là thái độ của chúng ta, khi với lòng tin, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu trong thừa tác viên. Trước Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc và tha tội chúng ta, chúng ta phải thành thực và khiêm tốn. “Xưng tội tiến đức” là cách chúng ta thực hành đức tin:  thấy Chúa trong thừa tác viên, nhưng chúng ta còn phải khiêm tốn đến thú nhận tội lỗi, - tội trọng và cả tội nhẹ, - trước thừa tác viên nhân loại, để nhờ lời xá giải của thừa tác viên, Chúa Giêsu “công chính hóa” chúng ta. “Xưng tội tiến đức” là cách mà chúng ta xin Chúa Giêsu luôn ở trong ta, để thăng tiến đức ái trong ta.
Xưng tội thường xuyên là một dấu của lòng đạo đức. Việc xưng tội thường xuyên “giúp đào luyện lương tâm chúng ta, chiến đấu chống lại các xu hướng xấu, để cho Chúa Kitô chữa lành chúng ta, để được tiến bộ trong đời sống Thánh Linh.” (GLHTCG, 1456).
Hai việc chính là:  Xét mình sáng suốt, thấy rõ chính mình. Việc xưng tội: đừng nói hết những điều xảy ra trong trí, đừng nói quá cộc lốc, đơn giản; Đừng cố ý dấu diếm, quanh co, bào chữa/ Cần chọn lựa những điểm và trình bày chính xác; Đừng xưng tội kẻ khác, nhưng nói đơn sơ, gọn gàng; Đừng nói quá nhỏ tiếng. Tiếng nói và cách nói rất quan trọng.
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log