Trong một cuộc khai quật bắt đầu vào năm 2017, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra khoảng 80 mảnh giấy da của các văn bản Cựu Ước. Trên các mảnh này có những câu Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp của các sách ngôn sứ Da-ca-ri-a và Na-khum nhưng tên của Thiên Chúa được viết bằng tiếng Do Thái.
Các mảnh giấy da này thuộc cuộn sách mà các chuyên gia tin rằng của quân nổi dậy Do Thái, dẫn đầu bởi Simon Bar Kokhba, người đã ẩn náu trong các hang động sau cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của đế quốc Roma từ năm 132 đến 136 sau Công nguyên nhưng bị thất bại.
Các nhà khảo cổ của Israel đã bắt đầu hoạt động ở sa mạc Giuđêa để ngăn chặn các hang động bị cướp phá. Họ cũng khai quật được một bộ sưu tập các đồng xu quý hiếm cùng thời được cất giấu, một bộ xương trẻ em 6.000 năm tuổi và một chiếc giỏ lớn được đan có niên đại khoảng 10.500 năm trước, vật lâu đời nhất trên thế giới còn nguyên vẹn.
“Hang động Kinh hoàng”
Khám phá được thực hiện trong một vùng núi khó tiếp cận, được gọi là “Hang động Kinh hoàng”, nằm cách Giêrusalem khoảng 40 km về phía nam. Nó có tên này sau khi 40 bộ xương người được tìm thấy ở đó trong các cuộc khai quật vào những năm 1960. Các chuyên gia cho rằng họ là hài cốt của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em chạy vào hang động để trốn tránh quân Roma nhưng đã chết vì đói khát. Họ mang theo những thứ giờ đây là những đồ vật quý giá, bao gồm dụng cụ nấu ăn, đồ dùng cá nhân, tài liệu và bản văn Kinh thánh.
Trang mới trong việc khám phá Kinh Thánh
Ông Marcello Fidanzio, Giám đốc Viện Khảo cổ và Văn hóa về các vùng đất Kinh Thánh ở Lugano, mô tả phát hiện này là “một trang mới trong lịch sử khai quật khảo cổ học.” Ông cho biết đây là phát hiện quan trọng đầu tiên kể từ những cuộc khai quật lớn vào những năm 1940 và 1950, khi các Cuộn tài liệu cổ ở Qumran và sa mạc Giuđêa được thế giới biết đến.
Theo giáo sư Fidanzio, khám phá này là điều các học giả Kinh Thánh say mê, “nhưng khám phá này cũng có tầm quan trọng lớn đối với người Israel, những người nhấn mạnh nghiên cứu này có liên quan đến căn tính và lịch sử hiện diện của họ trên đất Israel.”
Giáo sư cũng lưu ý rằng những mảnh giấy da này cho thấy sự “thay đổi” của bản văn Kinh Thánh khi chưa được xác định hoặc chưa được sửa chữa. “Mãi về sau, quy điển Kinh Thánh mới được xác định và sau đó các bản văn Kinh Thánh được lưu truyền với độ trung thực cao cho đến ngày nay.” Ông nói rằng cuộn Kinh Thánh ở “Hang động Kinh hoàng” có thể giúp các học giả hiểu tiến trình dẫn đến bản văn Kinh Thánh cuối cùng.
Kính trọng Danh Thiên Chúa
Về các mảnh giấy da được viết bằng tiếng Hy Lạp và chỉ riêng tên Thiên Chúa được viết bằng một loại chữ Do Thái được dùng vào thời Đền thờ thứ nhất, cho đến năm 586 trước Công nguyên, giáo sư Fidanzio nhận định điều này thể hiện sự rất tôn trọng đối với Danh Thiên Chúa mà người Do Thái tin rằng không thể gọi trực tiếp. Ông giải thích: “Viết nó bằng mẫu tự chữ cái khác là cách các ký lục muốn thu hút sự chú ý của người đọc vào những chữ cái đó. Nó chỉ rằng tên của Thiên Chúa là một điều gì đó đòi sự tôn trọng và thánh thiêng cao cả.” (CSR_1938_2021)