Khủng hoảng sinh thái: vết thương từ sự bóc lột thiên nhiên của con người
Ngày nay, những vết thương này biểu hiện nghiêm trọng trong một cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có, ảnh hưởng đến đất đai, không khí, nước và nói chung là hệ sinh thái nơi con người sinh sống. Bên cạnh đó, đại dịch càng làm tăng sự đau khổ của thiên nhiên và người nghèo. Do đó, Đức Thánh Cha nói, “chúng ta cần một lối tiếp cận sinh thái mới có thể thay đổi cách chúng ta cư ngụ trên thế giới, cách sống của chúng ta, tương quan của chúng ta với các nguồn tài nguyên của Trái đất và, cách chung, cách chúng ta nhìn vào nhân loại và cách sống.”
Trách nhiệm với các thế hệ tương lai
Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng chúng ta có trách nhiệm lớn với các thế hệ tương lai và cảnh giác rằng “cách sống ích kỷ, dửng dưng và vô trách nhiệm của chúng ta đang đe dọa tương lai của con em chúng ta”. Ngài kêu gọi “hãy chăm sóc mẹ Đất của chúng ta; hãy thắng vượt cám dỗ ích kỷ khiến chúng ta bóc lột các nguồn tài nguyên; hãy vun trồng sự tôn trọng đối với các món quà của Trái đất và công trình sáng tạo; hãy bắt đầu lối sống và một xã hội bền vững về sinh thái.” “Chúng ta nhận từ tay Thiên Chúa một ngôi vườn, chúng ta không thể để cho con em mình một sa mạc.”
“Chương trình Hành động Laudato si’”
Và Đức Thánh Cha thông báo về việc khởi động dự án “Chương trình Hành động Laudato si’”, một hành trình 7 năm, trong đó các cộng đoàn dấn thân bằng những cách thức khác nhau để trở nên hoàn toàn bền vững, theo tinh thần sinh thái toàn diện.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng tham gia vào hành trình này, đặc biệt là 7 môi trường: gia đình; giáo xứ và giáo phận; trường học và đại học; bệnh viện; doanh nghiệp và nông trại; các tổ chức, nhóm và phong trào; và các dòng tu. Ngài nói: “Hãy cùng nhau hành động. Chỉ bằng cách này chúng ta sẽ có thể tạo dựng tương lai mà chúng ta muốn: một thế giới bao gồm, huynh đệ, hòa bình và bền vững hơn.”
Trong hành trình 7 năm này, chúng ta sẽ được hướng dẫn bởi 7 mục tiêu của Laudato si’; chúng định hướng cho chúng ta khi theo đuổi tầm nhìn sinh thái học toàn diện: đáp lại tiếng kêu của Trái đất, đáp lại tiếng kêu của người nghèo, kinh tế sinh thái, thực hiện cách sống đơn giản, giáo dục sinh thái, tu đức sinh thái và sự tham gia của cộng đồng.
Cuối cùng Đức Thánh Cha hy vọng rằng “tất cả chúng ta có thể cộng tác, mỗi người với văn hóa và kinh nghiệm của mình, với sáng kiến và khả năng của mình, để mẹ Đất có thể được khôi phục lại vẻ đẹp ban đầu và công trình sáng tạo có thể một lần nữa tỏa sáng theo kế hoạch của Thiên Chúa.” (CSR_3833_2021)