Hồng Thủy - Vatican News
Vào năm 1992, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố cử hành Ngày Quốc tế người khuyết tật hàng năm, nhằm cổ võ quyền và hạnh phúc của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội và sự phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức về tình trạng của người khuyết tật trong mọi khía cạnh chính trị, xã hội, đời sống kinh tế và văn hóa.
Chúa Giêsu là bạn của chúng ta
Sứ điệp của Đức Thánh Cha có chủ đề "Anh em là bạn hữu của Thầy" (Ga 15,14). Trong Sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng Chúa Giêsu là bạn của chúng ta. Người không bao giờ rời xa chúng ta, ngay cả những khi dường như Người đang im lặng... Người ở bên cạnh chúng ta dù chúng ta đi bất cứ nơi đâu (Christus Vivit, 154). Chúng ta được mời gọi trở thành bạn của Chúa Giêsu!
Đức Thánh Cha nói thêm: "Có Chúa Giêsu làm bạn là một niềm an ủi vô biên. Nó có thể biến chúng ta trở thành môn đệ biết ơn và vui tươi, người có thể chứng tỏ rằng sự yếu đuối mỏng manh của chúng ta không phải là trở ngại cho việc sống và loan báo Tin Mừng". Tình bạn với Chúa Giêsu là điều then chốt giúp chấp nhận những giới hạn của chúng ta và sống an hoà với chúng.
Giáo hội thật sự là nhà của anh chị em!
Nhờ bí tích rửa tội mỗi người trở thành thành viên trọn vẹn của Giáo hội. Đức Thánh Cha khẳng định rằng "Giáo hội thật sự là nhà của anh chị em! Chúng ta, tất cả chúng ta là Giáo hội, bởi vì Chúa Giêsu đã chọn làm bạn của chúng ta".
Kỳ thị trong Giáo hội
Đức Thánh Cha cũng than phiền rằng ngày nay vẫn còn nhiều người khuyết tật bị đối xử như những cơ thể ngoại lai của xã hội. Sự kỳ thị tiếp tục ở mọi cấp độ xã hội và dẫn đến thành kiến, sự thiếu hiểu biết và một nền văn hóa khó đánh giá đúng giá trị không thể đo lường được của mỗi người. Ngài lưu ý đặc biệt đến xu hướng xem khuyết tật là một loại bệnh và điều này khiến cho đời sống của người khuyết tật bị tách biệt và kỳ thị.
"Hình thức kỳ thị tồi tệ nhất là thiếu chăm sóc phần thiêng liêng", đôi khi thể hiện qua việc từ chối cho lãnh nhận các bí tích. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng "không ai có thể từ chối cho người khuyết tật nhận các bí tích”.
Giáo hội gần gũi với người khuyết tật
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng Chúa Giêsu gần gũi và bảo vệ chúng ta trong những lúc khó khăn, như trong đại dịch. Nghĩ đến những người khuyết tật đang sống trong các khu dân cư và nỗi đau phải xa cách những người thân yêu, Đức Thánh Cha nói với họ: "Hãy biết rằng Đức Giáo hoàng và Giáo hội đặc biệt gần gũi với anh chị em, với tình yêu và sự trìu mến! Giáo hội ở bên những người đang còn chiến đấu với virus corona. Giáo hội luôn yêu cầu rằng mọi người được chăm sóc và khuyết tật không ngăn cản họ được chăm sóc tốt nhất.
Ơn gọi nên thánh
Đức Thánh Cha nói thêm với những người khuyết tật rằng Chúa Giêsu muốn mọi người được hạnh phúc. Người muốn chúng ta trở thành những vị thánh và không được định sẵn cho một cuộc sống nhạt nhẽo và tầm thường. Công đồng Vatican II nói rằng "mọi tín hữu của Chúa Kitô dù ở cấp bậc hay địa vị nào, đều được mời gọi đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự hoàn hảo của lòng bác ái”. "Họ phải tận hiến chính mình cho vinh quang của Thiên Chúa và phục vụ tha nhân".
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha lưu ý rằng bất cứ khi nào những người khuyết tật gặp Chúa Giêsu, cuộc sống của họ đã thay đổi sâu sắc, và họ trở thành nhân chứng của Người, như người mù từ lúc mới sinh trong Phúc âm thánh Gioan.
Không có ai yếu đến mức không thể cầu nguyện
Ngỏ lời với từng người khuyết tật, Đức Thánh Cha kêu gọi họ cầu nguyện và bảo đảm rằng Chúa chăm chú lắng nghe lời cầu nguyện của những ai tin cậy nơi Người. Ngài nói: “Cầu nguyện là một sứ mạng, một sứ mạng mà tất cả mọi người có thể làm được, và tôi muốn giao sứ mạng đó cách cụ thể cho anh chị em. Không có ai yếu đến mức không thể cầu nguyện, thờ phượng Chúa, tôn vinh Danh thánh của Người và khẩn cầu cho ơn cứu độ của thế giới”.
Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng đại dịch đã cho chúng ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta đều yếu đuối và dễ bị tổn thương; tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời cũng quan trọng và cần thiết; tất cả chúng ta được kêu gọi cùng chèo thuyền. Và “cách chính để làm điều đó chính là cầu nguyện”.