Hồng Thủy - Vatican News
Lúc 12 giờ trưa thứ Tư 8/12, lễ trọng Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, từ cửa sổ Dinh Tông toà Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Ngày 8/12 là ngày lễ nghỉ của Ý nên dù thời tiết xấu, gió lạnh, nhưng rất đông tín hữu đã đến quảng trường để đọc kinh với Đức Thánh Cha.
Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha suy tư về vẻ đẹp tâm hồn của Mẹ Maria. Khi nhận những lời khen ngợi và chúc mừng của thiên thần, Mẹ không kiêu hãnh tự phụ, nhưng kinh ngạc và bối rối, vì Mẹ ý thức về sự đơn hèn của mình. Mẹ không cho là mình có công trạng hay đòi hỏi đặc quyền gì. Với sự tự do nội tâm, Mẹ hướng lòng về Thiên Chúa và tha nhân. Đức Thánh Cha nhận định rằng Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống hàng ngày và trong cuộc sống đơn sơ của chúng ta.
Sự khiêm nhường của Mẹ Maria - tràn đầy ân phúc
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhận xét rằng bên trong những bức tường của ngôi nhà Nazareth Đức Mẹ đã đón nhận lời truyền tin của thiên thần. Và Tin Mừng trình bày cho chúng ta một chi tiết tỏ lộ vẻ đẹp trong tâm hồn của Mẹ Maria. Đức Thánh Cha giải thích: Thiên thần gọi Mẹ là “đầy ân phúc”. Nếu Mẹ tràn đầy ân phúc, điều đó có nghĩa là nơi Mẹ không có sự ác: Mẹ không có tội lỗi, Mẹ là Đấng Vô nhiễm nguyên tội. Giờ đây, trước lời chào của thiên thần - đoạn Tin Mừng cho biết - Mẹ Maria “vô cùng bối rối” (Lc 1, 29). Mẹ không chỉ ngạc nhiên, mà còn bối rối. Nhận được những lời chúc mừng long trọng, sự tôn vinh và khen ngợi đôi khi có nguy cơ gợi lên lòng kiêu hãnh và tự phụ. Chúng ta hãy nhớ lại rằng Chúa Giêsu không nhẹ nhàng với những người tìm kiếm sự chào hỏi tại các quảng trường, sự nịnh nọt hay tìm cách để được người khác nhìn thấy (x. Lc 20,46). Ngược lại, Mẹ Maria không tự đề cao mình, nhưng bối rối; thay vì cảm thấy hài lòng, Mẹ cảm thấy kinh ngạc. Lời chào của thiên thần dường như quá đỗi lớn lao đối với Mẹ. Tại sao? Bởi vì tự trong lòng, Mẹ cảm thấy mình nhỏ bé, và sự nhỏ bé này, sự khiêm nhường này thu hút sự chú ý của Thiên Chúa.
Do đó, trong những bức tường của ngôi nhà Nazareth, chúng ta thấy một đặc điểm kỳ diệu trong tâm hồn Đức Maria: sau khi nhận được những lời khen ngợi cao trọng nhất, Mẹ cảm thấy bối rối vì Mẹ nghe thiên thần nói với Mẹ những lời mà Mẹ nghĩ là mình không xứng. Trên thực tế, Mẹ Maria không dành những đặc quyền cho bản thân, Mẹ không đòi hỏi bất cứ điều gì, Mẹ không coi trọng công lao của mình. Mẹ không tự hài lòng, Mẹ không đề cao bản thân. Vì với lòng khiêm nhường, Mẹ biết mình nhận được mọi sự từ Thiên Chúa. Vì vậy, tự do với chính mình, Mẹ hoàn toàn hướng về Chúa và tha nhân. Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội không nhìn vào chính mình. Đây là sự khiêm nhường thực sự: không nhìn vào chính mình, nhưng nhìn về Thiên Chúa và những người khác.
Chúng ta hãy nhớ rằng sự hoàn hảo này của Đức Maria, đầy ân sủng, được thiên thần tuyên bố bên trong các bức tường của ngôi nhà của Mẹ - không phải ở quảng trường chính của Nazareth, nhưng ở đó, trong sự âm thầm, trong sự khiêm nhường cao cả nhất. Trong ngôi nhà nhỏ bé ở Nazareth đó đã rung lên những nhịp đập của trái tim vĩ đại nhất mà một tạo vật từng có.
Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống đơn giản hàng ngày
Đức Thánh Cha nói tiếp: Anh chị em thân mến, đây là một tin tức đặc biệt đối với chúng ta! Bởi vì Chúa đang nói với chúng ta rằng để làm những việc kỳ diệu, Người không cần những phương tiện vĩ đại và khả năng siêu phàm của chúng ta, nhưng cần sự khiêm tốn của chúng ta, cái nhìn mở ra với Thiên Chúa và tha nhân. Với lời truyền tin này, trong những bức tường đơn nghèo của một ngôi nhà nhỏ, Thiên Chúa đã thay đổi lịch sử. Ngày hôm nay Thiên Chúa cũng muốn cùng chúng ta làm những điều tuyệt vời trong cuộc sống hàng ngày: trong gia đình, nơi làm việc, trong môi trường hàng ngày. Ân sủng của Thiên Chúa thích hoạt động ở đó hơn là trong các sự kiện lịch sử trọng đại. Nhưng, tôi tự hỏi mình, chúng ta có tin điều này không? Hay chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện là một điều không tưởng, một điều gì đó dành cho những người trong cuộc, một ảo tưởng ngoan đạo không phù hợp với cuộc sống đời thường?
Chúa ban cho chúng ta những ơn để nên thánh
Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ một ơn: xin Mẹ giải thoát chúng ta khỏi ý tưởng sai lầm rằng Phúc Âm là một chuyện và cuộc sống là một chuyện khác; xin Mẹ khơi dậy trong chúng ta lòng nhiệt thành đối với lý tưởng về sự thánh thiện, điều không liên quan gì đến các tấm thiệp và hình ảnh ngày lễ, nhưng liên quan đến việc sống khiêm nhường và vui tươi với những gì xảy ra mỗi ngày, tự do nội tâm, với đôi mắt chăm chú nhìn vào Thiên Chúa và người lân cận mà chúng ta gặp gỡ. Chúng ta đừng mất can đảm: Chúa đã ban cho mọi người những thứ cần thiết để dệt nên sự thánh thiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta! Và khi bị tấn công bởi sự nghi ngờ rằng chúng ta không thể thành công, nỗi buồn vì không xứng đáng, chúng ta hãy để Mẹ nhìn chúng ta với “đôi mắt của lòng thương xót”, vì chưa từng có ai cầu xin Mẹ giúp đỡ mà lại bị bỏ rơi!
Chuyến tông du Hy Lạp
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha tạ ơn Chúa và cảm ơn mọi người đã đồng hành với ngài bằng lời cầu nguyện trong chuyến viếng thăm Sýp và Hy Lạp vừa qua. Ngài cảm ơn tình cảm và sự đón tiếp chân thành của nhân dân cũng như các lãnh đạo dân sự và chính quyền của hai nước.
Sýp là hòn ngọc của Địa Trung Hải
Nhắc lại chuyến viếng thăm Cộng hoà Sýp, Đức Thánh Cha nói: “Sýp là hòn ngọc của Địa Trung Hải, viên ngọc với vẻ đẹp hiếm có, tuy nhiên nó lại mang vết thương của hàng rào thép gai, nỗi đau của bức tường ngăn cách nó. Ở Sýp, tôi cảm thấy như ở nhà; tôi gặp thấy nơi mọi người những người anh em, những người chị em. Tôi lưu giữ trong trái tim mình những cuộc gặp gỡ, đặc biệt là Thánh lễ tại sân vận động Nicosia. Đức Chrysostomos, người anh em Chính Thống giáo thân yêu của tôi đã làm tôi xúc động khi ngài nói với tôi về Giáo hội Mẹ: các Kitô hữu chúng ta đi theo những con đường khác nhau, nhưng chúng ta là con cái của Giáo hội của Chúa Giêsu, là Mẹ và đồng hành với chúng ta, bảo vệ chúng ta, giúp chúng ta tiến bước, tất cả là anh em. Tôi cầu chúc Sýp sẽ luôn là nơi sản sinh tình huynh đệ, nơi cuộc gặp gỡ thắng vượt sự xung đột, nơi người anh em được chào đón, đặc biệt khi họ nghèo khổ, bị bỏ rơi, bị di cư. Tôi xin nhắc lại rằng trước lịch sử, trước gương mặt của những người di cư, chúng ta không thể im lặng, không thể ngoảnh mặt đi nơi khác.”
Ở Sýp cũng như ở Lesbos, tôi có thể nhìn vào trong mắt của nỗi đau này: chúng ta hãy nhìn vào mắt của những người bị bỏ rơi mà chúng ta gặp, chúng ta hãy để cho mình bị đánh động bởi khuôn mặt của các trẻ em, những đứa trẻ của những người di cư tuyệt vọng. Chúng ta hãy để cho lòng mình bị khắc sâu bởi sự đau khổ của họ để phản ứng lại sự thờ ơ của chúng ta; chúng ta hãy nhìn vào khuôn mặt của họ, để thức dậy từ sự mơ ngủ của thói quen!”
Những hạt giống hy vọng Chúa gieo vãi tại Hy Lạp
Đức Thánh Cha cũng nghĩ đến Hy Lạp với lòng biết ơn. Ngài chia sẻ: Ở đó tôi cũng nhận được sự chào đón của tình huynh đệ. Tại Athens, tôi cảm thấy mình được hoà vào trong sự vĩ đại của lịch sử, trong ký ức về Châu Âu: chủ nghĩa nhân văn, dân chủ, sự khôn ngoan và đức tin. Ở đó, tôi cũng cảm nghiệm được huyền nhiệm của việc cùng với nhau: trong cuộc gặp gỡ với các anh em Giám mục và cộng đoàn Công giáo, trong Thánh lễ trọng thể, được cử hành vào Chúa Nhật, và sau đó là với những người trẻ, những người đến từ nhiều thành phần, một số đến từ những nơi rất xa để sống và chia sẻ niềm vui của Phúc Âm. Và một lần nữa, tôi cảm nghiệm được món quà được ôm chào Tổng giám mục Jeronymos thân yêu của Chính Thống giáo: trước tiên ngài chào đón tôi đến nhà của ngài và ngày hôm sau ngài đến gặp tôi. Tôi gìn giữ tình huynh đệ này trong tim. Tôi xin phó thác cho Thánh Mẫu của Thiên Chúa rất nhiều hạt giống của các cuộc gặp gỡ và hy vọng mà Chúa đã gieo vãi trong cuộc hành hương này. Tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện để chúng có thể nảy mầm trong sự kiên nhẫn và nảy nở trong sự tin tưởng.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng “hôm nay kết thúc năm kính Thánh Giuse, vị thánh bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ. Và ngày 10/12 sẽ kết thúc Năm Thánh Loreto.” Đức Thánh Cha cầu xin ân sủng của những sự kiện này tiếp tục hoạt động trong cuộc sống của chúng ta và trong cộng đồng của chúng ta. Ngài xin Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse hướng dẫn chúng ta trên con đường nên thánh!
Cuối cùng Đức Thánh Cha chào tất cả mọi người và chúc mọi người một ngày lễ tốt lành. Ngài không quên xin các tín hữu cầu nguyện cho ngài.