Thứ hai, 25/11/2024

ĐTC Trò Chuyện Trên Đài Truyền Hình RAI 3 Của Ý: Được Tha Thứ Là Một Quyền Của Con Người

Cập nhật lúc 15:24 08/02/2022
Tối 6/2/2022, Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên chương trình “Che tempo che fa” của đài truyền hình RAI 3 của Ý để trò chuyện với người dẫn chương trình Fabio Fazio. Khi được hỏi làm cách nào mà ngài có thể chịu đựng được sức nặng của rất nhiều câu chuyện đau khổ và những nỗi đau không thể diễn tả được, Đức Thánh Cha trả lời: “Toàn thể Giáo hội giúp đỡ tôi”.



Salvatore Cernuzio - Vatican

Từ nơi cư trú của mình ở nhà trọ thánh Marta, Đức Thánh Cha đã trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau như: chiến tranh, người di cư, bảo vệ công trình sáng tạo, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự dữ và đau khổ, cầu nguyện, tương lai của Giáo hội, nhu cầu có bạn bè. Và ngài khẳng định rằng tha thứ là “một quyền của con người”, và nói thêm, “khả năng được tha thứ là một quyền của con người. Tất cả chúng ta đều có quyền được tha thứ nếu chúng ta cầu xin sự tha thứ”.
Kể từ khi được bầu chọn làm Giáo hoàng vào tháng 3/2013, Đức Thánh Cha đã nhiều lần trả lời phỏng vấn của các báo chí và đài truyền hình Ý và các nước. Nhưng đây là lần đầu tiên ngài trả lời các câu hỏi trong một chương trình trò chuyện thường được hàng triệu người theo dõi.

Người di cư
Cuộc trò chuyện tập trung chủ yếu vào vấn đề di cư một chủ đề mà Đức Thánh Cha rất quan tâm - một chủ đề mà, thật bi thảm, vẫn còn mang tính thời sự sau tin tức mới đây về mười hai người di cư được tìm thấy đã chết vì tê cóng ở biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Đức Thánh Cha “đây là một dấu hiệu của văn hóa thờ ơ.” Và nó cũng là “vấn đề của sự phân loại”: chiến tranh đứng ở vị trí đầu tiên; con người ở vị trí thứ hai. Yemen là một ví dụ. Đức Thánh Cha nói: “Yemen đã phải hứng chịu chiến tranh bao lâu và chúng ta đã nói về những đứa trẻ của Yemen bao lâu rồi? Một ví dụ rõ ràng, và không có giải pháp cho vấn đề trong nhiều năm. Tôi không muốn phóng đại, chắc chắn là hơn bảy, nếu không muốn nói là mười năm. Có những danh mục quan trọng, và những danh mục khác nằm ở cuối, gồm: trẻ em, người di cư, người nghèo, những người không có thức ăn. Những điều này không được tính, ít nhất thì ngay từ đầu họ không được xem là quan trọng, bởi vì có những người yêu quý những người này và cố gắng giúp đỡ họ, nhưng trong trí tưởng tượng chung, điều quan trọng là chiến tranh, buôn bán vũ khí. Chỉ cần nghĩ rằng với một năm không chế tạo vũ khí, người ta có thể cung cấp thức ăn và giáo dục miễn phí cho toàn thế giới. Nhưng điều này bị xem là thứ yếu.”
Sau đó, Đức Thánh Cha chuyển suy nghĩ của ngài sang Alan Kurdi, cậu bé Syria được tìm thấy đã chết trên một bãi biển, và nghĩ đến nhiều đứa trẻ khác giống như cậu bé “những người mà chúng ta không biết” và những người “chết vì lạnh” mỗi ngày. Tuy nhiên, chiến tranh vẫn là phạm trù chính. Ngài nói: “Chúng ta thấy cách thức vận động của các nền kinh tế và điều gì là quan trọng nhất ngày nay, đó là chiến tranh: chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh tranh giành quyền lực, chiến tranh thương mại và rất nhiều nhà máy sản xuất vũ khí.”

Chiến tranh
Và nói về chiến tranh, khi được hỏi về những căng thẳng đang diễn ra giữa Ucraina và Nga, Đức Thánh Cha nhắc lại gốc rễ của thực tế khủng khiếp này, điều mà ngài gọi là “sự mâu thuẫn của công trình sáng tạo”, có từ trong sách Sáng Thế, với “cuộc chiến” giữa Cain và Abel, và Tháp Babel. Đức Thánh Cha nói: “Các cuộc chiến giữa những anh em” xuất hiện ngay sau khi Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ.” “Có một cái gì đó giống như một sự ‘chống lại ý nghĩa ’của công trình sáng tạo; đó là lý do tại sao chiến tranh luôn là sự hủy diệt. Ví dụ, canh tác đất đai, chăm sóc con cái, nuôi nấng gia đình, làm cho xã hội phát triển: đây là xây dựng. Gây chiến tranh là tiêu diệt. Đó là một cơ chế hủy diệt.”

Cách đối xử với người di cư như tội phạm
Đức Thánh Cha đặt cách đối xử “như tội phạm” dành cho hàng ngàn người di cư trong cùng một cơ chế huỷ diệt trên. Ngài nói rằng để đến được biển, “họ đã phải đau khổ rất nhiều.” Một lần nữa, ngài tố cáo các “trại tập trung” ở Libya, và than rằng “những người muốn trốn chạy đã phải đau khổ biết bao khi rơi vào tay những kẻ buôn người”. Ngài nói, có những bộ phim cho thấy điều này, bao gồm nhiều phim có thể được tìm thấy trong Phân bộ Người di cư và Người tị nạn của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.
Đức Thánh Cha nhắc lại: “Họ đau khổ và rồi họ gặp nguy hiểm khi băng qua Địa Trung Hải. Sau đó, đôi khi, họ bị những người mà vì tinh thần trách nhiệm của địa phương từ chối và nói rằng “Không, họ không thể đến đây”; có những con tàu đi lòng vòng để tìm kiếm một bến cảng, và phải quay trở lại [nơi họ xuất phát] hoặc họ sẽ chết trên biển. Điều này đang xảy ra ngày hôm nay."
Như trong những lần khác, Đức Thánh Cha lặp lại nguyên tắc là “mỗi quốc gia phải xác định mình có thể tiếp nhận bao nhiêu người di cư”. Ngài nói, đây là “vấn đề chính trị nội bộ và nó cần phải được xem xét thấu đáo,” với các quốc gia khác nhau đưa ra những con số khác nhau. Ngài hỏi: “Và những nước khác?”, “Có Liên minh châu Âu, chúng ta phải đồng ý, để chúng ta có thể đạt được sự cân bằng, trong sự hiệp thông.” Ngược lại, theo Đức Thánh Cha, dường như chỉ thấy có “sự bất công”: “Họ đến Tây Ban Nha và Ý, hai quốc gia gần nhất, và họ không được đón nhận ở những nơi khác.”
Đức Thánh Cha lặp lại 4 từ khoá mà ngài luôn nhấn mạnh: “Người di cư phải luôn được chào đón, đồng hành, thăng tiến và hòa nhập. Họ cần được chào đón, bởi vì có những khó khăn, rồi cần sự đồng hành, thăng tiến và hòa nhập họ vào xã hội.” Trên hết, ngài nhấn mạnh, cần phải hòa nhập họ vào các nước tiếp nhận để tránh hiện tượng “các khu bị tách biệt” và chủ nghĩa cực đoan phát sinh từ các hệ tư tưởng, như đã xảy ra cho thảm kịch của Zaventem, ở Bỉ. Hơn nữa, người di cư là nguồn lực ở các quốc gia đang có sự suy giảm dân số mạnh mẽ. Vì vậy, Đức Thánh Cha nêu rõ, “chúng ta phải suy nghĩ một cách thông minh về chính sách di cư, một chính sách mang tính chất lục địa”. Và việc “Địa Trung Hải ngày nay là nghĩa trang lớn nhất Châu Âu chắc hẳn khiến chúng ta phải suy nghĩ”...

Sự chia rẽ trên thế giới
Khi được người dẫn chương trình hỏi về sự chia rẽ trên thế giới, Đức Thánh Cha kêu gọi các khán thính giả suy tư về điều dường như là một sự chia rẽ to lớn trên thế giới - một sự phân chia coi một phần của thế giới được phát triển, nơi mọi người có “cơ hội đến trường, học đại học, làm việc”; và một phần khác, nơi “trẻ em đang chết, người di cư chết đuối, những bất công mà chúng ta cũng thấy ở đất nước của chúng ta.” Có một cám dỗ rất “xấu xí”, đó là ngoảnh mặt đi, tránh nhìn vào nhu cầu của người khác.
Đức Thánh Cha thừa nhận rằng các phương tiện truyền thông đưa tin về những gì đang xảy ra trên thế
giới - nhưng phàn nàn rằng “chúng ta giữ khoảng cách,” chúng ta tránh xa những thực tế mà chúng ta thấy. Ngài nói: “Chúng ta phàn nàn một chút, [và nói] ‘Đó là một thảm kịch!’ Nhưng sau đó thì như thể không có chuyện gì xảy ra.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Nhìn thôi thì chưa đủ, cần phải cảm nhận, cần phải chạm vào. Chúng ta thiếu ‘chạm vào’ những khốn khổ; sự đụng chạm dẫn chúng ta đến sự anh hùng. Tôi nghĩ đến các bác sĩ và y tá, những người đã hy sinh mạng sống của họ trong đại dịch này: họ đã chạm vào sự ác và chọn ở lại với người bệnh”.

Chăm sóc công trình sáng tạo
Đức Thánh Cha nói rằng nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho Trái đất. Một lần nữa, ngài nhắc lại lời kêu gọi quan tâm đến công trình sáng tạo: “Đó là một bài học mà chúng ta phải học.” Đức Thánh Cha nói đến Amazon và các vấn đề phá rừng, thiếu oxy, biến đổi khí hậu, và lưu ý rằng có nguy cơ về “cái chết của sự đa dạng sinh học”, nguy cơ “giết chết Mẹ Trái đất”.
Hướng ánh nhìn đến gần nước Ý hơn, Đức Thánh Cha chỉ ra tấm gương của ngư dân ở San Benedetto del Tronto, những người đã phát hiện ra khoảng ba triệu tấn nhựa trong một năm và đã hành động để loại bỏ tất cả rác thải ra khỏi biển. Ngài nói: “Chúng ta phải hiểu rõ điều đó: chúng ta phải chăm sóc Mẹ Trái đất. Nếu không thì mọi chuyện sẽ kết thúc như trong bài hát của Roberto Carlos, trong đó một cậu con trai hỏi cha tại sao dòng sông không còn hát nữa: "Dòng sông không hát vì nó không còn nữa.”

Thái độ quan tâm
Đức Thánh Cha kêu gọi một thái độ “quan tâm”, điều mà theo ngài, dường như cũng còn thiếu theo quan điểm xã hội. Những gì chúng ta đang thấy ngày nay trên thực tế là một vấn đề “hiếu chiến xã hội”, như đã thấy ở hiện tượng bắt nạt. Sự hiếu chiến tự bản thân nó không phải là tiêu cực vì cần phải có tính hiếu chiến để chế ngự thiên nhiên, để tiến lên, xây dựng; chúng ta đang nói đến tính hiếu chiến tích cực. Nhưng có một sự hung hãn mang tính hủy diệt bắt đầu dù chỉ bằng một việc rất nhỏ: bằng cái lưỡi, thói nhiều chuyện". Nhiều chuyện "trong gia đình, trong khu phố, gây huỷ hoại", hủy hoại "bản sắc". Vì vậy, chúng ta phải nói “không với thói nhiều chuyện”: “Nếu bạn có điều chống lại người khác hoặc bạn nuốt nó đi hoặc đến gặp họ và nói thẳng vào mặt họ, hãy dũng cảm lên, hãy can đảm lên”.

Sự "đồng lòng" của cha mẹ với con cái
Vẫn chú trọng đến người trẻ - những người, mặc dù có sự siêu kết nối, đôi khi phải chịu “cảm giác cô đơn lạ thường” - Đức Thánh Cha đã nói trực tiếp với các bậc cha mẹ của thanh thiếu niên, những người đôi khi phải vật lộn để hiểu “nỗi đau khổ của người khác”.
Đối với Giám mục của Rôma, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể được tóm gọn trong một từ: “gần gũi”. Ngài nói: “Khi các cặp vợ chồng trẻ đến xưng tội hay khi nói chuyện với họ, tôi luôn hỏi một câu: ‘Anh/chị có chơi với con cái không?’ Đó là sự quảng đại của người cha, người mẹ với đứa con. Đôi khi tôi nghe thấy những câu trả lời đầy đau khổ: ‘Nhưng thưa cha, khi con rời nhà đi làm, chúng đang ngủ và khi con trở về vào ban đêm, chúng lại đang ngủ.’” Chính xã hội tàn nhẫn đã tự tách mình ra khỏi những đứa trẻ. Nhưng hãy quảng đại với con cái của bạn: chơi với con cái của bạn và không sợ hãi lũ trẻ, những điều chúng nói, những giả thuyết, hoặc thậm chí khi một đứa trẻ lớn hơn, trở thành vị thành niên, mắc một số sai lầm, để gần gũi, nói chuyện như một người cha, như một người mẹ”. Những "cha mẹ không gần gũi con cái thì không tốt, để được yên tĩnh, họ bảo con cái 'Nhưng lấy chìa khóa xe rồi đi đi'". Thay vào đó, “thật là đẹp” khi các bậc cha mẹ “gần như đồng lòng với con cái”.

Sự gần gũi
Về đề tài “sự gần gũi”, ông Fazio, người phỏng vấn, đã đưa ra một câu nói nổi tiếng của Đức Thánh Cha: “Lý do duy nhất một người nên nhìn xuống một người khác là giúp họ đứng lên.” Đức Thánh Cha nói: “Đó là sự thật. Trong xã hội, chúng ta thấy mọi người thường nhìn xuống người khác để thống trị, khuất phục họ, thay vì giúp họ đứng dậy”. Ngài nói tiếp, “Hãy suy nghĩ xem - đó là một câu chuyện buồn, nhưng là một câu chuyện thường ngày - về những nhân viên phải trả giá cho công việc ổn định bằng chính thân thể mình, bởi vì sếp của họ coi thường họ và độc đoán.” Nhưng mặt khác, hành động từ trên cao nhìn xuống người khác chỉ được cho phép để thực hiện một hành động “cao cả”, đó là chìa tay ra và nói: “Hãy đứng lên, người anh em, hãy đứng lên, người chị em”.

Sự tự do
Cuộc trò chuyện được mở rộng đến các chủ đề rộng lớn hơn, bao gồm khái niệm về tự do, điều mà theo Đức Thánh Cha, là một món quà từ Thiên Chúa, nhưng “cũng có khả năng làm nhiều điều xấu.” Ngài nói, “Vì Chúa đã cho chúng ta tự do, chúng ta là người làm chủ các quyết định của mình và cũng [có khả năng] đưa ra các quyết định sai lầm.”

Tha thứ
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến khái niệm về sự ác. Người dẫn chương trình hỏi: “Có ai không xứng đáng với sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa hoặc sự tha thứ của con người không?” Đức Thánh Cha cảnh báo rằng câu trả lời của ngài có thể “gây sốc cho một số người”. Đó là: “Khả năng được tha thứ là một quyền của con người.” Ngài nói: “Tất cả chúng ta đều có quyền được tha thứ nếu chúng ta cầu xin sự tha thứ. Đó là một quyền đến từ chính bản chất của Thiên Chúa và đã được ban cho con người như một gia sản. Chúng ta đã quên rằng người cầu xin tha thứ có quyền được tha thứ. [Một số người có thể nói]: ‘Bạn đã làm điều [sai lỗi], bạn phải trả giá cho điều đó.’ Không! Bạn có quyền được tha thứ, và nếu bạn nợ xã hội, bạn có thể tìm cách trả, nhưng bằng sự tha thứ”.

Sự ác
Nhưng có một loại sự dữ khác, Đức Thánh Cha nói. Đó là cái ác đôi khi tấn công người vô tội, và điều đó dường như không thể giải thích được, khiến người ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa không can thiệp.
Giám mục Rôma giải thích: “Quá nhiều điều xấu xảy ra, chính là vì con người đã mất khả năng tuân theo các quy tắc, đã thay đổi bản chất, đã thay đổi rất nhiều thứ, nhưng cũng vì sự yếu đuối của con người. Và Thiên Chúa cho phép điều này tiếp tục. Chắc chắn là có một số câu hỏi vẫn chưa được trả lời: ‘Tại sao trẻ em phải đau khổ?’”
Đức Thánh Cha thừa nhận, “Tôi không thể tìm thấy lời giải thích nào cho điều này. Tôi có đức tin, tôi cố gắng yêu Chúa là Cha của tôi, nhưng tôi tự hỏi, ‘Nhưng tại sao trẻ em lại đau khổ?’ Và không có câu trả lời. Người là Đấng quyền năng. Đúng, toàn năng trong tình yêu. Ngược lại, hận thù và sự hủy diệt nằm trong tay kẻ khác, những kẻ với lòng đố kỵ đã gieo rắc điều ác trên thế giới”.
Đức Thánh Cha khuyến cáo: "Chúng ta đừng đối thoại với sự Ác. Đối thoại với sự Ác thật nguy hiểm": "Và rất nhiều người đi, cố gắng đối thoại với sự Ác - tôi cũng đã nhiều lần rơi vào trong tình huống này - nhưng tôi tự hỏi tại sao, đối thoại với sự Ác, đó là điều xấu... Đối thoại với sự Ác là điều không tốt, điều này đúng với mọi cám dỗ. Và khi sự cám dỗ này đến với bạn, 'tại sao trẻ em lại đau khổ?', tôi chỉ tìm thấy một cách thế duy nhất: đau khổ cùng các em". Dostoevsky là "một bậc thầy vĩ đại" về điều này.

Tương lai của Giáo hội
Tương lai của thế giới và của Giáo hội, chiếm một phần quan trọng trong cuộc phỏng vấn. Tương lai của thế giới, như được thấy trước trong thông điệp Fratelli tutti, với nhân loại là trung tâm của các nền kinh tế và sự lựa chọn. Đây là ưu tiên mà Đức Thánh Cha nói rằng ngài chia sẻ với nhiều nguyên thủ quốc gia có lý tưởng tốt đẹp. Tuy nhiên, những điều này xung đột với “điều kiện chính trị và xã hội, ngay cả trong thế giới chính trị, điều đặt dấu chấm hết cho những ý định tốt”. Đây là những “cái bóng” gây áp lực cho xã hội, cho người dân, cho những người có vai trò trách nhiệm. Đức Thánh Cha nói: “Và rồi bạn còn rất nhiều việc phải thương lượng.”
Về tương lai của Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc lại hình ảnh Giáo hội được Đức Phaolô VI phác họa trong tông huấn Evangelii nuntiandi, nguồn cảm hứng cho tông huấn Evangelii gaudium của chính ngài: “Một Giáo hội lữ hành”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày nay, “sự ác lớn nhất mà Giáo hội phải đối mặt, sự ác lớn nhất, là tinh thần thế gian”, điều mà đến lượt nó, “làm nảy sinh một điều tồi tệ: chủ nghĩa giáo sĩ, một sự sai lạc của Giáo hội.” Ngài đặc biệt chỉ ra chủ nghĩa giáo sĩ được tìm thấy trong “sự cứng nhắc”, và nhấn mạnh rằng “bên dưới mọi loại cứng nhắc luôn có sự mục ruỗng.” Trong số “những điều xấu xí” trong Giáo hội ngày nay, Đức Thánh Cha đã lưu ý đến “những lập trường cứng nhắc, cứng nhắc về mặt ý thức hệ” và chiếm chỗ của Tin Mừng.
Ngài nói: “Liên quan đến các thái độ mục vụ, tôi sẽ chỉ đề cập đến hai điều, đã cũ: thuyết Pelagiô và thuyết Ngộ đạo.” Ngài giải thích, thuyết Pelagiô “tin rằng tôi có thể tiến lên nhờ sức mạnh của chính mình.” Ngược lại, ngài nói, “Giáo hội tiến lên với sức mạnh của Thiên Chúa, lòng thương xót của Thiên Chúa và quyền năng của Chúa Thánh Thần.” Và ngài mô tả thuyết Ngộ đạo, là một loại thuyết thần bí, “không có Thiên Chúa”, một “linh đạo trống rỗng”.
Thay vào đó, Đức Thánh Cha khẳng định, “không có xác thịt của Chúa Kitô thì không thể có sự hiểu biết; không có xác thịt của Chúa Kitô thì không thể có sự cứu chuộc”. Đức Thánh nói, “Một lần nữa chúng ta phải quay trở lại trung tâm ‘Ngôi Lời đã làm người.’” Ngài nói, tương lai của Giáo hội nằm “trong ‘xì-căng-đan’ này của Thập giá, bởi Ngôi Lời đã làm người.”

Cầu nguyện
Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Ngài nói: “Cầu nguyện là điều một đứa trẻ làm khi cảm thấy mình bị giới hạn, bất lực,” giống như một đứa trẻ đang gọi “bố ơi, mẹ ơi”. Đức Thánh Cha nói, cầu nguyện có nghĩa là nhận ra “giới hạn của chúng ta, nhu cầu của chúng ta, tội lỗi của chúng ta…”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “Đứa trẻ không đợi câu trả lời của cha; khi người bố bắt đầu trả lời, nó chuyển sang câu hỏi khác. Những gì đứa trẻ muốn là ánh mắt của cha nó hướng về nó. Không quan trọng lời giải thích là gì, chỉ quan trọng là người bố đang nhìn nó và điều đó mang lại cho nó sự an toàn. Cầu nguyện là một phần của tất cả những điều này.”

Những người bạn
Các câu hỏi dành cho Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những vấn đề cá nhân hơn. Ông Fazio hỏi: “Ngài có bao giờ cảm thấy cô đơn không?” “Ngài có bạn bè thực sự không?”
Đức Thánh Cha đã trả lời một cách khẳng định: “Có, tôi có những người bạn giúp đỡ tôi; họ biết cuộc sống của tôi như một người bình thường - không phải vì tôi bình thường, không. Tôi có những bất thường của riêng mình và họ biết rõ về tôi. Tôi có những bất thường của riêng mình, nhưng giống như một người đàn ông bình thường có bạn bè; và tôi thích ở với bạn bè của mình, đôi khi để nói với họ những mối quan tâm của tôi, [đôi khi] để lắng nghe họ, nhưng thực sự, tôi cần bạn bè. Đó là một trong những lý do tại sao tôi không đến sống trong căn hộ của giáo hoàng, bởi vì các giáo hoàng ở đó trước đây đều là những vị thánh, nhưng tôi thì không, tôi không quá thánh thiện. Tôi cần những mối tương quan của con người, đó là lý do tại sao tôi sống trong nhà thánh Marta này, nơi bạn có thể tìm thấy những người nói chuyện với mọi người, bạn tìm thấy bạn bè. Đó là một cuộc sống dễ dàng hơn cho tôi; sống cách khác thì tôi không chịu được; tôi không có sức mạnh, và tình bạn cho tôi sức mạnh. Tôi thực sự cần bạn bè, họ không nhiều, nhưng họ là những người bạn thực sự.”
Trong cuộc trò chuyện, không thiếu những đề cập đến quá khứ, về thời thơ ấu của Đức Thánh Cha ở Buenos Aires, sự ủng hộ của ngài đối với đội bóng đá San Lorenzo, ‘ơn gọi’ từ một người bán thịt, nguồn gốc của ngài ở vùng Piemonte của Ý, và kinh nghiệm của ngài ở phòng thí nghiệm hóa học – là một nghiên cứu, theo ngài, đã “quyến rũ” ngài rất nhiều, nhưng tiếng gọi của Chúa đã vượt thắng.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời thề hứa của ngài với Đức Mẹ Carmelo, vào ngày 16 tháng 7 năm 1990, là không xem TV. Ngài nói: “Tôi không xem tivi nhưng không phải vì tôi lên án nó.” Ngài cũng nói về tình yêu âm nhạc của mình, đặc biệt là nhạc cổ điển và tango. Ngài nói: "Một người Buenos Aires không nhảy tango thì không phải là người Buenos Aires." Về khiếu hài hước, ngài nói: "Đó là một liều thuốc" giúp "tương đối hóa mọi thứ và khiến bạn cảm thấy dễ chịu".

100 lời cầu nguyện
Tương tự ở tất cả các bài nói chuyện của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô chào kết bằng việc xin cầu nguyện cho ngài. Ngài nói: “Tôi cần nó, và nếu ai trong các bạn không cầu nguyện vì không tin, không biết hoặc không thể, thì ít nhất gởi cho tôi những ý nghĩ tốt đẹp, những tình cảm tốt. Tôi cần sự gần gũi của người khác”. Cuộc phỏng vấn kết thúc bằng hình ảnh từ một bộ phim thời hậu chiến, ngài nói: “Để kết thúc cuộc đối thoại, tôi nghĩ chính Vittorio De Sica có thể đoán được, anh ấy chắp tay đọc ‘cảm ơn 100 lire’, tôi xin các bạn ‘100 lời cầu nguyện’, ‘100 lire, 100 lời cầu nguyện’. Xin cảm ơn!”.

 

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt
 

Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log