Hồng Thủy - Vatican News
Trưa Chúa Nhật 27/2/2022, trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha suy tư về cách nhìn và cách nói của chúng ta.
Trước hết Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy thanh tẩy cái nhìn của mình bằng cách nhìn vào lòng mình để nhận ra những lỗi lầm của mình và sau đó hãy nhìn người khác như cách Chúa Giêsu nhìn họ, nghĩa là nhìn vào điều tốt, đừng nhìn vào điều xấu nơi họ. Sau đó Đức Thánh Cha lưu ý rằng chúng ta cũng có thể huỷ diệt người khác bằng những lời đàm tiếu và vu khống. Ngài mời gọi các tín hữu tự vấn xem mình dùng những lời nói nào: tôn trọng, cảm thông, gần gũi hay chỉ để tô vẽ cho mình? Lời nói dịu dàng hay chỉ trích phàn nàn, gieo rắc gây hấn xung đột?
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy suy tư về cách chúng ta nhìn và cách chúng ta nói.
Cách nhìn
Trước hết về cái nhìn của chúng ta. Chúa nói, rủi ro mà chúng ta gặp phải là chúng ta tập trung nhìn vào cọng rơm trong mắt người anh em mà không nhận ra cái xà trong mắt chúng ta (x. Lc 6,41). Nói cách khác, chúng ta hết sức chú ý đến khuyết điểm của người khác, ngay cả đối với những khuyết điểm nhỏ như cọng rơm, nhưng lại thanh thản bỏ qua khuyết điểm của chính mình khi xem nhẹ chúng. Điều Chúa Giêsu nói là đúng: chúng ta luôn tìm ra lý do để đổ lỗi cho người khác và biện minh cho chính mình. Và nhiều khi chúng ta phàn nàn về những điều không đúng trong xã hội, trong Giáo hội, trong thế giới, mà không tự vấn bản thân trước và không cố gắng thay đổi chính mình trước. Mỗi thay đổi có kết quả, tích cực, phải được bắt đầu từ chính chúng ta. Ngược lại thì chúng ta sẽ không có sự thay đổi nào. Chúa Giêsu giải thích, nhưng khi làm như vậy, chúng ta nhìn một cách mù quáng. Và nếu chúng ta bị mù, chúng ta không thể tự nhận mình là người hướng dẫn và giảng dạy cho người khác: thực tế là một người mù không thể hướng dẫn một người mù khác (xem câu 39).
Nhận ra lỗi của mình; tìm kiếm điều tốt của người khác
Anh chị em thân mến, Chúa mời gọi chúng ta thanh tẩy cái nhìn của mình. Trước tiên, Chúa yêu cầu chúng ta nhìn vào lòng mình để nhận ra những sai lỗi của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta không thể nhìn thấy khuyết điểm của mình, chúng ta sẽ luôn có xu hướng phóng đại những khuyết điểm của người khác. Ngược lại, nếu chúng ta nhận ra lỗi lầm và những khuyết điểm của mình, thì cánh cửa của lòng thương xót sẽ mở ra cho chúng ta. Và sau khi đã nhìn vào nội tâm của chính mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn người khác như Người, trước hết không nhìn vào điều xấu, nhưng nhìn vào điều tốt. Thiên Chúa nhìn chúng ta bằng cách này: Người không nhìn thấy những sai lầm không thể sửa chữa được trong chúng ta, nhưng nhìn thấy những người con sai lỗi. Thiên Chúa luôn luôn phân biệt con người với những lỗi lầm của họ. Người luôn tin tưởng vào con người và luôn sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm. Và Người mời gọi chúng ta cũng làm như vậy: đừng tìm kiếm điều xấu nơi người khác, nhưng hãy tìm kiếm điều tốt.
Lời nói
Sau cách nhìn, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư về lời nói của mình. Chúa giải thích rằng "lòng đầy miệng mới nói ra" (câu 45). Đúng vậy, từ cách nói của một người bạn có thể nhận ra những gì trong lòng anh ta. Những lời nói chúng ta sử dụng nói lên chúng ta là ai. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta ít chú ý đến lời nói của mình và sử dụng chúng một cách hời hợt. Nhưng lời nói có sức nặng: chúng cho phép chúng ta bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, nói lên nỗi sợ hãi mà chúng ta có và những dự án chúng ta dự định thực hiện, để chúc tụng Thiên Chúa và chúc phúc cho những người khác.
Đàm tiếu và vu khống gây tổn thương
Tuy nhiên, thật không may, bằng lời nói, chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng những định kiến, nâng cao những rào cản, làm hại và thậm chí tiêu diệt các anh chị em của chúng ta: những lời đàm tiếu gây tổn thương và vu khống có thể sắc bén hơn một con dao! Ngày nay, đặc biệt là trong thế giới kỹ thuật số, lời nói truyền tải nhanh; nhưng có quá nhiều người truyền tải sự tức giận và gây hấn, đưa tin tức sai sự thật và lợi dụng nỗi sợ hãi của tập thể để tuyên truyền những ý tưởng xuyên tạc. Một nhà ngoại giao, từng là Tổng thư ký Liên Hiệp quốc, đã nói rằng "lạm dụng từ ngữ là coi thường con người" (D. HAMMARSKJÖLD, Waymarks, Magnano BI 1992, 131).
Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình dùng những lời nói nào: những lời thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, hiểu biết, gần gũi, cảm thông hay những lời chủ yếu nhằm mục đích làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp trước mặt người khác? Và rồi, chúng ta nói nhẹ nhàng hay chúng ta làm ô nhiễm thế giới bằng cách gieo rắc nọc độc: chỉ trích, phàn nàn, khiến cho sự gây hấn lan rộng?
Xin Đức Maria, người với sự khiêm nhường đã được Thiên Chúa nhìn đến, Đức Trinh Nữ của sự thinh lặng mà chúng ta đang cầu nguyện, giúp chúng ta thanh lọc cái nhìn và lời nói của mình.