Chiến tranh do thiếu đối thoại
Trước hết, nói về các cuộc khủng hoảng, Đức Thánh Cha khẳng định rằng chiến tranh là một khủng hoảng bi thảm nhất trong các cuộc khủng hoảng. Theo ngài, trong chiến tranh, người ta không nhảy múa, nhưng giết người. Ngày nay, khái niệm “chiến tranh chính nghĩa” cần phải được suy nghĩ lại. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chiến tranh xảy ra là do thiếu đối thoại, vì thế cần phải chú ý đến việc lắng nghe nhau, điều này cũng phải thực hiện ngay cả trong đời sống thường ngày, để nhờ đó mọi người có thể đối thoại và xua tan những gì có thể dẫn đến xung đột.
Sự bất lực của Liên Hiệp Quốc trong việc ngăn chặn chiến tranh
Cũng liên quan đến chiến tranh, Đức Thánh Cha nhắc đến Liên Hiệp Quốc và bày tỏ thất vọng trước sự bất lực của tổ chức quốc tế này trong việc ngăn chặn chiến tranh. Bên cạnh đó, theo câu hỏi của phóng viên, Đức Thánh Cha còn cho biết có một số tổ chức quốc tế đang gặp khủng hoảng và một số khác đang giải quyết vấn đề nội bộ. Về điều này, Đức Thánh Cha mong các tổ chức này sử dụng sự can đảm và sáng tạo để vượt qua nhưng gì mà ngài gọi là “những hoàn cảnh gây chết người”.
Tin tưởng người trẻ, ngay cả khi họ nản lòng.
Thế giới người trẻ chiếm một phần quan trọng trong cuộc phỏng vấn. Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhận xét rằng "người trẻ không được khuyến khích" từ phía giới chính trị, trong đó có cả các thoả thuận mafia và tham nhũng, làm cho người trẻ ngày càng thất vọng. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi học hỏi không chỉ về "khoa học chính trị, về sự chung sống nhưng cũng học hỏi về cuộc đấu tranh chính trị thanh lọc chúng ta khỏi sự ích kỷ và giúp chúng ta tiến bộ". Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cho thấy rằng ngài đặt niềm tin vào người trẻ, ngay cả khi họ không thường tham dự Thánh lễ. Điều quan trọng là giúp họ trưởng thành và đồng hành với họ. Trích lời nhà soạn nhạc Mahler, Đức Thánh Cha nhắc lại: “Truyền thống là sự đảm bảo cho tương lai. Nó không phải là một mảnh của viện bảo tàng. Truyền thống mang lại cho bạn sự sống, miễn là nó giúp bạn phát triển. Điều đi ngược lại, đó là sự bảo thủ không lành mạnh”.
Châu Mỹ cần phải có sự gặp gỡ giữa dân chúng với giới cầm quyền
Về câu hỏi liên quan đến châu Mỹ, Đức Thánh Cha nói: “Trong một số trường hợp Giáo hội châu Mỹ Latinh thể hiện sự quy phục ý thức hệ, và điều này sẽ tiếp tục tồn tại, vì đây là giới hạn của con người. Nhưng đó là một Giáo hội đã biết và hơn bao giờ hết đã biết cách thể hiện lòng đạo đức bình dân của mình”. Ở điểm này, ngài mời gọi Giáo hội làm việc để cuộc gặp gỡ của tất cả dân châu Mỹ Latinh với những giới cầm quyền có thể thực hiện, để người dân cảm nhận được mình có căn tính riêng, và đồng thời nhìn nhận căn tính của người khác.
Cuộc sống tươi đẹp nếu chúng ta biết chờ đợi nó theo cách của Chúa
Cuối cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nhớ đến thời gian của mật nghị hồng y bầu giáo hoàng của ngài, rồi cuộc sống phải thay đổi sau khi ngài được tuyển chọn, nhưng ngài cũng nhắc đến cuộc sống của ngài trước khi làm Giáo hoàng. Ngài thú nhận rằng đó là một câu chuyện của một cuộc đời đã trải qua với biết bao ân ban của Chúa, nhiều thiếu sót về phía ngài. Ở điểm này, Đức Thánh Cha cho rằng, trong cuộc sống, hãy học sống nhân ái và bớt xấu xa. Đức Thánh Cha nói: “Trong cuộc sống của tôi, tôi đã có những giai đoạn cứng nhắc, đòi hỏi quá nhiều. Rồi tôi hiểu rằng tôi không thể theo con đường này, cần phải biết hướng dẫn. Đây là tình phụ tử mà Chúa có”. Và ngài kết luận rằng cuộc sống tươi đẹp nếu chúng ta biết chờ đợi, như Chúa đã làm như thế với chúng ta, đây là cách của Chúa và với thời gian điều này sẽ trưởng thành trong chúng ta.