Ngọc Yến - Vatican News
Ngày 20/01: Một báo cáo liên quan đến Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI
Vatican bước vào năm mới với sự kiện của ngày 20/01, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI bị cáo buộc đã xử lý sai các vụ lạm dụng tính dục của bốn linh mục thuộc quyền ngài khi ngài còn là Tổng Giám Mục Munich từ năm 1977 đến năm 1982. Đức Biển Đức đã bác bỏ từng điểm những cáo buộc này trong một tài liệu dày 82 trang.
Ba tuần sau khi tài liệu được công bố, Đức nguyên Giáo hoàng đã viết một lá thư bày tỏ “sự xấu hổ và nỗi buồn sâu sắc” và gửi “lời xin lỗi chân thành” đến các nạn nhân bị lạm dụng. Tuy nhiên, ngài phủ nhận mọi điều sai trái. Ngài cũng cám ơn sự nâng đỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô và những người gần gũi ngài. Đức Biển Đức viết: “Nghĩ đến giờ phán xét, ân sủng của việc trở thành một Kitô hữu trở nên rõ ràng đối với tôi. Là một Kitô hữu cho tôi kiến thức, hơn nữa, tình bạn với vị thẩm phán của cuộc đời tôi và cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của tử thần.”
Ngày 25/02: Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Đại sứ quán Nga
Một ngày sau khi Nga xâm lược Ucraina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một cử chỉ chưa từng có. Vào ngày 25/02, ngài đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa Thánh để gặp đại sứ Nga kéo trong nửa giờ.
“Tôi đã quyết định làm điều này sau một đêm không ngủ, khi nghĩ đến Ucraina”, Đức Thánh Cha đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn sau đó, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và tin rằng phải làm một điều gì đó để không còn nạn nhân nào nữa ở Ucraina.
Cử chỉ ngoại thường này là việc làm đầu tiên của một chuỗi dài những lời kêu gọi hoà bình tiếp theo sau đó, và cho thấy mong muốn của Toà Thánh có thể trở thành một trung gian hoà giải trong cuộc khủng hoảng.
Ngày 19/3: Vatican công bố Tông hiến mới về Giáo triều
Không báo trước và trước sự ngạc nhiên của mọi người, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định công bố Tông hiến mới về Giáo triều Rôma vào ngày lễ Thánh Giuse. Kết quả của 9 năm làm việc, văn kiện dài 54 trang có tựa đề “Praedicate Evangelium - Anh em hãy rao giảng Tin Mừng” đã thay thế Tông hiến trước đó, “Pastor Bonus - Mục tử Nhân lành”, do thánh Gioan Phaolô II ban hành năm 1988. Phần lớn nội dung của Tông hiến đã được biết trước, vì Đức Thánh Cha đã tái cơ cấu các bộ của Giáo triều trong một số năm dựa trên văn kiện. Ví dụ, một số bộ đã được sáp nhập như Bộ Truyền thông vào năm 2015, hay Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống vào năm 2016 hoặc Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện vào năm 2017. Một trong những quyết định đáng chú ý của Đức Thánh Cha là chính ngài đứng đầu Bộ Loan báo Tin Mừng, được thành lập trong Tông hiến, điều này cho thấy mong muốn của Đức Thánh Cha là mang đến toàn Giáo triều và thế giới một động lực truyền giáo.
Mang lại nhiều không gian hơn cho giáo dân, Tông hiến Praedicate Evangelium cũng xác định các giáo sĩ hoặc tu sĩ phục vụ tại các cơ quan Tòa Thánh được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa, sau đó phải trở về giáo phận nguyên quán hoặc dòng tu của mình. Cuộc cách mạng này được cho là nhằm ngăn chặn sự phát triển các trung tâm quyền lực ở Vatican. Và điều này không bao giờ là điều thích hợp trong Giáo Hội. Sự thay đổi mang lại những ý tưởng mới, những khả năng mới và sự cởi mở.
Ngày 03/4: Từ Hầm thánh Phaolô ở Malta, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho di dân
Trong chuyến tông du nước ngoài đầu tiên trong năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn Malta. Theo bước chân của thánh Gioan Phaolô II và Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, vào năm 1990 và 2010, đã lần lượt đến thăm Hầm nơi Tông đồ Phaolô trú ẩn sau vụ đắm tàu, Đức Thánh Cha đã đến cầu nguyện cho những người di cư. Ngài cũng gặp gỡ 200 người di cư tại trung tâm tị nạn Kitô giáo ở Hal-Far, miền nam Malta. Sau chuyến đi đến Lampedusa chín năm trước, một lần nữa ngài cảnh báo nhân loại trước nguy cơ “nền văn minh bị đắm” khi đối diện với cuộc khủng hoảng di cư.
Ngày 03/5: Đức Thánh Cha phê bình Thượng phụ Kirill và bày tỏ muốn thăm Moscow
“Putin không dừng lại, tôi muốn gặp ông ấy ở Moscow” là tiêu đề của một cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha được báo Người đưa tin chiều của Ý công bố vào ngày 03/5. Cần lưu ý rằng cuộc phỏng vấn không trực tiếp trích lời Đức Thánh Cha, nhưng cung cấp một bản tóm tắt những lời của ngài từ một nhà báo. Trên các trang báo, Đức Thánh Cha than phiền rằng ông Putin vẫn chưa trả lời ngài về đề nghị gặp gỡ, và đặt câu hỏi về động cơ của tổng thống Nga khi tiến hành một cuộc chiến tàn khốc như vậy, đồng thời tự hỏi liệu sự tức giận của Moscow có phải là do thái độ đáng ngờ của NATO hay không.
Trong một số cân nhắc, Đức Thánh Cha cũng nói rằng ngài đã cảnh báo Thượng phụ Kirill, vị đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, việc trở thành “chú giúp lễ của Putin”. Sau cuộc nối lại quan hệ lịch sử giữa Moscow và Roma vào năm 2016, khi hai vị lãnh đạo tôn giáo gặp nhau ở Cuba, cuộc chiến ở Ucraina đang gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo. Hai đề xuất về cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha và Thượng phụ Kirill vào năm 2022 - tại Giêrusalem và Kazakhstan - đã không thành hiện thực.
Ngày 05/5: Lần đầu tiên Đức Thánh Cha xuất hiện ngồi xe lăn
Vào ngày 05/5, lần đầu tiên Đức Thánh Cha xuất hiện ngồi xe lăn khi vào Đại thính đường Phaolô VI trong buổi tiếp kiến một nhóm nữ tu. Bị đau ở đầu gối phải, sau này Đức Thánh Cha cho biết là bị “gãy xương nhẹ”, vị Giáo Hoàng 85 tuổi buộc phải giảm các hoạt động. Ngài đã thực hiện các liệu pháp trị liệu. Tuy nhiên, cơn đau đã buộc ngài phải hủy một số sự kiện trong năm và phải sử dụng xe lăn trong các chuyến đi đến Canada (cuối tháng 7), Kazakhstan (giữa tháng 9) và Bahrain (đầu tháng 11). Bên cạnh đó, ngài đã hủy chuyến tông du Cộng hoà Congo và Nam Sudan, và sẽ thực hiện vào đầu năm tới.
Ngày 15/5: Đức Thánh Cha phong thánh cho Charles de Foucauld và 9 Chân phước khác
Ngày 15/5, dưới cái nắng chói chang, 45.000 tín hữu từ khắp nơi trên thế giới tham dự Thánh lễ phong thánh đầu tiên kể từ năm 2019, vì những hạn chế do đại dịch Covid-19, buộc Giáo hội phải tạm dừng các lễ phong thánh này một thời gian. Đức Thánh Cha đã tuyên phong mười vị tân hiển thánh, trong đó có Charles de Foucauld, một nhân vật rất được ngài yêu quý.
Cuộc đời của cựu quân nhân Pháp này (1858-1916), được Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI phong chân phước năm 2005, thường truyền cảm hứng cho Đức Thánh Cha, đặc biệt cho thông điệp Fratelli tutti của ngài. Từ một cuộc sống phóng đãng, Charles de Foucauld đã trở lại và sống một đời sống đức tin và truyền giáo bằng gương sáng giữa những người Tuaregs ở sa mạc Algérie vào đầu thế kỷ 20.
Ngày 25/7: Tại Canada, Đức Thánh Cha xin người bản địa tha thứ
Dù bị đau đầu gối, Đức Thánh Cha đã chọn thực hiện lời hứa viếng thăm Canada vào cuối tháng 7, một cuộc hành hương “sám hối”. Chuyến viếng thăm này đã được các cộng đồng bản địa của đất nước chờ đợi, hy vọng nhận được lời xin lỗi từ Đức Thánh Cha về sự ngược đãi đã gây ra cho họ trong các trường nội trú do Giáo hội điều hành từ năm 1831 đến năm 1996. Một trong những điểm dừng chân đầu tiên của Đức Thánh Cha ở đất nước này là cầu nguyện tại nghĩa trang Ermineskin, nơi rất có thể có hài cốt của những trẻ em bản địa.
Trong chuyến tông du đến Canada, Đức Thánh Cha đã nhắc lại “với sự xấu hổ và rõ ràng” xin tha thứ “vì tội ác mà rất nhiều Kitô hữu đã phạm đối với người bản địa”.
Ngày 27/8: Đức Thánh Cha tấn phong 20 tân hồng y và triệu tập Hồng y đoàn
Ở Vatican, tháng 8 là thời gian nghỉ, nhưng cuối tháng 8 Đức Thánh Cha quyết định tấn phong 20 tân Hồng y. Trong số đó, 16 vị dưới 80 tuổi có quyền bỏ phiếu trong Mật nghị hồng y - một trong số đó Đức Hồng Y Baawobr người Ghana, qua đời vài tháng sau đó tại Roma. Công nghị này đã củng cố sự gia tăng của các Hồng y châu Á, với sáu vị mới, lên 16% từ 9% vào năm 2013. Trong khi châu Âu đã giảm 10 vị kể từ cuộc bầu chọn Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hai ngày sau công nghị tấn phong Hồng y, Đức Thánh Cha cũng triệu tập tất cả các Hồng y trong hai ngày họp kín để suy tư về việc thực hiện Tông hiến mới của Giáo triều.
Ngày 27/10: Công bố tổng hợp giai đoạn cấp giáo phận của Thượng hội đồng về hiệp hành
Một năm sau khi Thượng Hội đồng về hiệp hành được khai mạc, Vatican đã công bố Tài liệu Làm việc cho giai đoạn châu lục. Tài liệu dài 46 trang, được soạn thảo dựa trên 112 bản tóm tắt – trong số 114 Hội đồng Giám mục – có ý định phục vụ như một khuôn khổ cho giai đoạn châu lục. Quá trình chưa từng có này được cho là làm cho Giáo hội trở nên truyền giáo hơn, có sự tham gia và chào đón hơn, đồng thời ít tập trung và giáo sĩ hơn.
Vị trí của phụ nữ và người trẻ trong Giáo hội, nỗi đau khổ của các linh mục, những tranh luận về phụng vụ hoặc những tình huống nhạy cảm trong đời sống của các Giáo hội địa phương, những cuộc ly hôn tái hôn, chế độ đa thê, LGBT, lạm dụng, v.v. – bản văn không né tránh những vấn đề khó, nhưng cũng chưa đưa ra câu trả lời. Các cuộc họp châu lục phải xem xét tài liệu này trước khi gửi bản tổng kết để giai đoạn cuối cùng của Thượng hội đồng ở Roma có thể bắt đầu vào tháng 10/2023.
Ngoài các cuộc họp vào tháng 10/2022, Thượng hội đồng cũng sẽ diễn ra vào tháng 10/2024, như một phần của cùng Thượng hội đồng nhưng được tổ chức thành 2 phiên, điều đã được Đức Thánh Cha thông báo vào tháng 10.
Ngày 4/11: Tại Bahrain, Đức Thánh Cha ca ngợi lòng can đảm của Đại Imam của Al-Azhar
Trong chuyến tông du nước ngoài lần thứ tư trong năm, Đức Thánh Cha đã đến Bahrain để tham dự “Diễn đàn về Đối thoại: Đông và Tây vì sự Chung sống của Con người”. Chuyến tông du này cũng là một cơ hội để gặp lại “người anh em” al-Tayyeb của ngài. Năm 2019 tại Abu Dhabi, Đức Thánh Cha đã cùng với Đại Imam ký một Tuyên bố lịch sử về Tình Huynh đệ con người vì hoà bình thế giới và sự chung sống. Trong thời gian ở vương quốc Hồi giáo Sunni nhỏ bé, Đức Thánh Cha cũng cám ơn Đại Imam của al-Azhar vì lời kêu gọi đối thoại với “những người anh em Shiite”. “Hôm nay ngài đã rất can đảm khi nói về cuộc đối thoại giữa những người Hồi giáo”, Đức Thánh Cha nói, vui mừng khi nhìn thấy thành quả của cuộc đối thoại trong thế giới Hồi giáo.
Ngày 18/11: Bất đồng giữa Giáo triều và các Giám mục Đức
Vatican là nơi diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các Giám mục Đức và các vị lãnh đạo của Giáo triều Roma về vấn đề “những thôi thúc cải cách của Giáo hội Công giáo ở Đức”. Trong một cuộc họp, Tổng trưởng Bộ Giám mục, Đức Hồng Y Marc Ouellet đã đưa ra nguy cơ “ly giáo” được nêu ra bởi một số đề xuất của Đường lối Công nghị Đức, được khởi xướng vào năm 2019 để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng. Mối quan tâm của Đức Hồng Y liên quan đến các đề xuất bãi bỏ luật độc thân bắt buộc đối với các linh mục, việc phong chức cho phụ nữ hoặc các đề xuất thay đổi quan điểm của Giáo hội về luân lý tính dục hoặc về đồng tính luyến ái.
Chưa từng có tiền lệ, Vatican đã công bố tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức Tổng Giám mục Georg Bätzing.