Thứ bảy, 23/11/2024

Diễn Từ Mừng Lễ Giáng Sinh Của Đức Thánh Cha Dành Cho Giáo Triều Roma

Cập nhật lúc 07:31 24/12/2022



 Sáng ngày 22. 12. 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các Hồng y và các thành viên khác của Giáo triều Roma, đến chúc mừng ngài nhân dịp Giáng sinh và Năm mới. Sau lời chúc mừng của Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, Đức Thánh cha đã dành cho cử toạ bài diễn văn chứa đựng nhiều chia sẻ sâu sắc. Sau đó, Đức Thánh cha ngồi tại chỗ và thân tình bắt tay chúc mừng từng người tiến lên chào thăm và chúc mừng ngài.

Dưới đây là nội dung bài diễn từ mừng lễ giáng sinh của Đức Thánh Cha


Anh chị em thân mến!
1. Một lần nữa Đức Chúa ban cho chúng ta hồng ân cử hành mầu nhiệm giáng sinh của Người. Mỗi năm, khi quỳ gối trước Hài Nhi nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:12), chúng ta có dịp để nhìn đời mình từ ánh sáng đặc biệt này. Đó không phải là ánh sáng vinh quang của thế gian, mà là “ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9). Sự khiêm nhường của Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thân phận con người, là một trường học gắn liền với thực tại của chúng ta. Giống như Đức Giêsu đã chọn sự nghèo khó, không chỉ đơn giản là thiếu của cải, mà thiếu cả những thứ cần thiết, thì mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở về với những gì thiết yếu của cuộc đời mình, để loại bỏ mọi thứ thừa thãi và có thể biến thành chướng ngại trên con đường nên thánh. Và con đường nên thánh này không thể bị đánh đổi bởi bất cứ thứ gì.
2. Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải rõ ràng là khi nhìn lại cuộc sống và quá khứ của mình, chúng ta phải luôn bắt đầu bằng việc hồi tưởng những điều tốt đẹp đã lãnh nhận. Thật vậy, chỉ khi ý thức được những điều tốt lành Đức Chúa đã làm cho mình, chúng ta mới có khả năng đặt tên cho những điều ác mà chúng ta đã thực hiện hoặc phải gánh chịu. Ý niệm về sự khó nghèo sẽ nghiền nát chúng ta nếu nó không đi kèm với nhận thức về tình yêu của Thiên Chúa. Do đó, thái độ nội tâm mà chúng ta cần coi trọng hơn, đó là lòng biết ơn.
Để giải thích về lòng biết ơn, Tin Mừng thuật lại câu chuyện mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành; nhưng chỉ có một người quay lại cảm ơn Người, và đó là một người Samari (x. Lc 17,11-19). Hành động tạ ơn đã mang lại cho anh, ngoài sự chữa lành về thể xác, còn có sự cứu rỗi trọn vẹn (x. c. 19). Cuộc gặp gỡ với những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã ban cho anh không chỉ dừng lại ở bề ngoài; nhưng còn chạm đến trái tim. Vì vậy, nếu không liên lỉ thể hiện lòng biết ơn, rốt cuộc chúng ta sẽ chỉ liệt kê ra một danh sách những thất bại của mình và sẽ đánh mất điều quan trọng nhất, đó là những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày.


3. Nhiều điều đã xảy ra trong năm qua, và trước hết, chúng ta muốn tạ ơn Thiên Chúa vì mọi ơn lành mà Ngài đã ban. Và, trong số những phúc lành đó, phải kể đến sự hoán cải của chúng ta. Hoán cải là một câu chuyện không bao giờ có điểm kết. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta nghĩ rằng mình không cần hoán cải nữa, cả ở cấp độ cá nhân lẫn cộng đoàn.
Hoán cải là học cách đón nhận sứ điệp Tin Mừng ngày càng nghiêm túc hơn, và cố gắng đem ra thực hành trong cuộc sống của chúng ta. Vấn đề không chỉ đơn thuần là tránh xa điều ác, mà là làm tất cả những điều tốt có thể: đây là hoán cải! Trước Tin Mừng, chúng ta vẫn luôn như những đứa trẻ cần học hỏi. Việc cho rằng mình đã học được mọi thứ sẽ khiến chúng ta rơi vào sự kiêu ngạo thiêng liêng.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Biến cố của Công đồng là gì nếu không phải là một cơ hội tuyệt vời để hoán cải đối với toàn thể Giáo hội? Như Thánh Gioan XXIII đã nói: “Không phải Tin Mừng thay đổi, mà chính chúng ta bắt đầu hiểu Tin Mừng hơn”. Sự hoán cải mà Công đồng đề nghị là nỗ lực để hiểu Tin Mừng hơn, và làm cho Tin Mừng trở nên thời sự hơn, sống động hơn, và hữu hiệu hơn trong thời điểm lịch sử này.
Do đó, như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử Giáo hội, cũng như trong thời đại hiện nay, chúng ta cảm thấy, với tư cách là một cộng đoàn tín hữu, được kêu gọi để hoán cải. Và hành trình này còn lâu mới kết thúc. Suy tư hiện nay về tính hiệp hành của Giáo hội bắt nguồn từ niềm xác tín rằng hành trình hiểu biết sứ điệp của Chúa Kitô là vô tận và không ngừng thách thức chúng ta.
Ngược lại với hoán cải là “thái độ cố định”, tức là ngầm tin rằng chúng ta không cần bất kỳ sự hiểu biết nào khác nữa về Tin Mừng. Thật là một sai lầm khi muốn cô đọng sứ điệp của Đức Giêsu trong một hình thức duy nhất có giá trị vĩnh viễn. Trái lại, hình thức phải có khả năng thay đổi để bản chất luôn được giữ nguyên. Lạc giáo thực sự không chỉ hệ tại việc rao giảng một Tin mừng khác (x. Gl 1, 9), như Thánh Phaolô nhắc nhở, mà còn hệ tại ở việc ngưng diễn tả Tin mừng trong những ngôn ngữ và phương thức đương thời, như thánh Tông đồ dân ngoại đã làm. Bảo tồn có nghĩa là là giữ cho sống động chứ không phải giam giữ sứ điệp của Chúa Kitô.


4. Tuy nhiên, vấn đề thực sự mà chúng ta thường bỏ qua, đó là sự hoán cải không chỉ giúp chúng ta nhận ra điều ác để chọn điều thiện; mà còn khiến cho sự dữ phát triển, ngày càng trở nên quỷ quyệt hơn, ngụy trang dưới những hình thức mới mẻ đến nỗi chúng ta khó nhận ra. Đó là một cuộc chiến thực sự. Tên cám dỗ luôn quay trở lại, và trở lại trong bộ dạng được trá hình.
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu dùng một phép so sánh giúp chúng ta hiểu trận chiến này diễn ra vào những thời điểm và theo những cách khác nhau như thế nào: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được” (Lc 11, 21-22). Vấn đề lớn trước hết của chúng ta là chúng ta quá tin vào bản thân, vào các chiến lược, và vào các chương trình của mình. Đó là tinh thần “Lạc thuyết Pelagio” mà tôi nhắc đến nhiều lần. Thực ra, một số thất bại lại là ân sủng, bởi vì chúng nhắc chúng ta rằng chúng ta đừng quá tin vào chính mình, nhưng hãy tin vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Một số lần chúng ta sa ngã, ngay cả với tư cách là một Giáo hội, là một lời kêu gọi mạnh mẽ để đặt Chúa Kitô trở lại vị trí trung tâm, vì: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11, 23). Đơn giản là như vậy.
Anh chị em thân mến, tố giác sự dữ, kể cả sự dữ đang âm thầm len lỏi giữa chúng ta, là chưa đủ. Điều chúng ta cần phải làm là quyết định hoán cải khi đứng trước sự dữ ấy. Chỉ riêng việc tố giác cũng có thể khiến chúng ta cho rằng mình đã giải quyết được vấn đề, nhưng trên thực tế, điều quan trọng là phải thay đổi để đảm bảo rằng chúng ta không còn để mình bị giam cầm bởi logic của sự dữ, vốn thường là logic của thế gian. Theo nghĩa này, một trong những đức tính hữu ích nhất để thực hành là sự cảnh giác. Đức Giêsu dùng một ví dụ nổi bật để minh họa sự cần thiết phải cảnh giác đối với chính chúng ta và đối với Giáo hội. Người nói: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: "Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi”. Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước” (Lc 11, 24-26). Sự hoán cải ban đầu của chúng ta khôi phục lại một trật tự nhất định: điều ác mà chúng ta đã nhận ra và cố gắng loại bỏ khỏi cuộc sống của mình đã rời xa chúng ta một cách hiệu quả; nhưng sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng nó sẽ biến mất trong một thời gian dài. Trên thực tế, ngay sau đó, nó tái xuất trong một vỏ bọc mới. Nếu như trước đây điều ác có vẻ thô lỗ và bạo lực, thì bây giờ, nó hiện lên tao nhã và tinh tế hơn. Chúng ta cần nhận ra nó và một lần nữa vạch mặt nó. Cho phép tôi diễn đạt theo cách này, điều ác là “những con quỷ tao nhã”: chúng xâm nhập một cách nhẹ nhàng mà chúng ta thậm chí không hề hay biết. Chỉ có thực hành việc duyệt xét lương tâm hằng ngày mới có thể giúp chúng ta nhận ra chúng. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy tầm quan trọng của việc xét mình, đó là để canh chừng ngôi nhà của chúng ta.
Ví dụ, vào thế kỷ XVII, có trường hợp nổi tiếng của các nữ tu ở Port Royal. Một trong những bề trên đan viện, Mẹ Angelica, đã có một khởi đầu rất tốt đẹp; Bà đã canh tân bản thân và đan viện “một cách đặc sủng”, thậm chí đuổi cả cha mẹ mình ra khỏi đan viện. Bà là một phụ nữ đầy phẩm chất, được sinh ra để lãnh đạo, nhưng sau đó bà trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến Jansenist, thể hiện sự khép kín không khoan nhượng ngay cả khi đối diện với thẩm quyền giáo hội. Người ta nói về bà và các nữ tu của bà là "Trong sáng như thiên thần, kiêu hãnh như ác quỷ". Họ đã trục xuất được con quỷ, nhưng sau đó nó đã trở lại mạnh mẽ gấp 7 lần, và dưới vỏ bọc khổ hạnh và nghiêm ngặt, nó mang đến sự cứng nhắc và tự phụ cho rằng mình tốt hơn những người khác. Ma quỷ, sau khi bị trục xuất, luôn tìm cách quay trở lại; mặc dù nguỵ trang dưới một vỏ bọc khác, nhưng nó vẫn quay trở lại. Hãy cảnh giác!

5. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu kể nhiều dụ ngôn trước hết nhắm vào những người thông thái, các kinh sư và Pharisêu, để vạch trần sự ảo tưởng tự cho mình là công chính và khinh thường người khác (x. Lc 18, 9). Chẳng hạn, trong những dụ ngôn về Lòng Thương xót (x. Lc 15), Đức Giêsu kể chuyện con chiên lạc và chuyện người con thứ của người cha nhân hậu. Những câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng cách đầu tiên dẫn đến tội lỗi là bỏ nhà ra đi, lạc lối, và làm những điều sai trái rõ ràng. Nhưng trong những dụ ngôn này, Đức Giêsu cũng đề cập đến đồng bạc bị mất và người con trai cả. Điều này đã mang lại sự so sánh hiệu quả: chúng ta có thể bị lạc ngay khi ở trong nhà, như trường hợp đồng xu của người phụ nữ; và chúng ta có thể sống một cách bất hạnh trong khi vẫn duy trì hình thức trung thành với bổn phận, như đã xảy ra với người con cả của người cha nhân hậu. Nếu như người bỏ nhà ra đi dễ dàng nhận ra sự xa cách; thì với người ở lại nhà, thật khó để nhận ra là mình đang sống trong địa ngục như thế nào, vì họ tin rằng mình chỉ là nạn nhân, bị đối xử bất công bởi thẩm quyền và, cuối cùng, bởi chính Thiên Chúa. Và bao nhiêu lần điều này xảy ra với chúng ta, khi chúng ta ở đây, ở nhà!

Anh chị em thân mến, có thể tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về sự lạc lối, giống như con chiên đó, hoặc quay lưng lại với Thiên Chúa như người con thứ đó. Đó là những tội lỗi khiến chúng ta bẽ mặt, và chính vì lý do này, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta đã có thể đối diện với chúng một cách thẳng thắn. Nhưng vào thời điểm này, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến thực tế là, về mặt hình thức, chúng ta hiện đang sống “ở nhà”, bên trong các bức tường của cơ chế, phục vụ Tòa Thánh, ở trung tâm của thân mình Giáo hội. Chính vì thế, chúng ta dễ sa vào cám dỗ nghĩ rằng mình an toàn, rằng mình tốt lành hơn người khác, rằng mình không cần phải hoán cải nữa.
Tuy nhiên, chúng ta đang gặp nguy hiểm hơn bất kỳ ai khác, bởi vì chúng ta bị vây bủa bởi “con quỷ thanh lịch”, kẻ không bước vào cách ồn ào, nhưng đến với những bông hoa trên tay. Thưa anh chị em, xin thứ lỗi cho tôi nếu đôi khi tôi nói những điều nghe có vẻ gay gắt và cứng rắn; không phải vì tôi không tin vào giá trị của sự ngọt ngào và dịu dàng nhưng vì thật tốt khi dành sự âu yếm cho những yếu đuối và bị áp bức, và để có can đảm “làm khổ những ai được an ủi”, như Tôi Tớ Chúa Don Tonino Bello thích nói. Vì đôi khi niềm an ủi của họ chỉ là trò bịp bợm của ma quỷ chứ không phải là quà tặng của Thần Khí.


6. Cuối cùng, tôi muốn dành một vài lời về chủ đề hòa bình. Trong số các tước hiệu mà ngôn sứ Isaia dành cho Đấng Mêsia là tước hiệu “Hoàng Tử Bình An” (9, 5). Chưa bao giờ chúng ta lại cảm thấy khao khát hòa bình mãnh liệt như lúc này! Tôi nghĩ đến Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, và cũng nghĩ đến nhiều cuộc xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chiến tranh và bạo lực luôn là một thất bại. Tôn giáo không được cho phép mình để thúc đẩy xung đột. Tin Mừng luôn là Tin Mừng của hoà bình, và không ai có thể nhân danh Thiên Chúa để tuyên bố một cuộc chiến tranh là “thánh”.
Ở đâu sự chết chóc, chia rẽ, xung đột và đau khổ của người vô tội ngự trị, thì ở đó chúng ta chỉ có thể nhận ra Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vào thời điểm này, tôi muốn hướng suy nghĩ của chúng ta đến chính những người đang đau khổ nhất. Những lời của Dietrich Bonhoeffer được viết từ trong tù có thể giúp ích cho chúng ta: “Theo nhãn quan Kitô giáo, việc đón lễ Giáng sinh trong phòng giam không phải là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Rất có thể, nhiều người trong tòa nhà này sẽ cử hành lễ một Giáng sinh ý nghĩa và chân thực hơn so với những nơi mà ngày lễ chỉ còn trên danh nghĩa. Một tù nhân hiểu rõ hơn bất kỳ ai khác rằng sự khốn khổ, đớn đau, nghèo đói, cô đơn, bất lực và tội lỗi, dưới mắt Thiên Chúa, có một ý nghĩa hoàn toàn khác so với phán đoán của con người; rằng Thiên Chúa hướng ánh mắt của Ngài về phía những người mà con người thường ngoảnh mặt đi; rằng Chúa Kitô đã được sinh ra trong một chuồng bò vì không có chỗ cho Người trong quán trọ; tất cả những điều này đối với một tù nhân, là một tin mừng đích thực  (Letters and Papers from Prison, Letter to his Father, 17 December 1943).

 

7. Anh chị em thân mến, nền văn hóa hòa bình không chỉ được xây dựng giữa các dân tộc và các quốc gia mà còn bắt đầu trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Trong khi phải đau khổ vì sự bành trướng của chiến tranh và bạo lực, chúng ta có thể và phải góp phần cho hòa bình bằng cách cố gắng loại bỏ khỏi tâm hồn mình mọi gốc rễ của hận thù và oán giận đối với anh chị em sống bên cạnh chúng ta. Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta đọc thấy những lời này, những lời cũng được đọc trong Phụng vụ Giờ Kinh Tối: “Ðừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô” (4, 31-32). Chúng ta có thể tự vấn: Có bao nhiêu cay đắng đang ở trong lòng chúng ta? Chúng ta nuôi dưỡng những cay đắng này bằng cái gì? Đâu là nguồn gốc của sự phẫn nộ thường tạo ra khoảng cách giữa chúng ta và châm ngòi cho sự tức giận và oán hận? Tại sao những lời vu khống, dưới mọi hình thức lại trở thành cách duy nhất để chúng ta nói về thực tế?
Nếu thực sự muốn chấm dứt tiếng ồn của chiến tranh và nhường chỗ cho hòa bình, thì mỗi chúng ta phải bắt đầu từ chính mình. Thánh Phaolô nói rõ rằng sự tử tế, lòng thương xót và tha thứ là phương dược sẵn có để chúng ta xây dựng hòa bình.
Tử tế là luôn chọn cách thức tốt lành để bước vào mối tương quan với người khác. Không phải chỉ có bạo lực bằng vũ khí, mà còn có bạo lực bằng lời nói, bạo lực tâm lý, bạo lực bằng việc lạm dụng quyền bính, và bạo lực ngầm của những lời đàm tiếu, gây ra rất nhiều tổn thương và hủy hoại sâu sắc. Trước mặt Hoàng Tử Bình An, Đấng đến trong thế gian, chúng ta hãy hạ mọi loại khí giới xuống. Mong rằng đừng ai trong chúng ta lợi dụng vị trí, và vai trò của mình để hạ thấp người khác.
Lòng thương xót bao gồm việc chấp nhận sự thật rằng người khác cũng có giới hạn của họ. Trong trường hợp này cũng vậy, thật công bằng khi thừa nhận rằng cá nhân và các thể chế, chính vì đều là con người, nên cũng có những giới hạn. Một Giáo hội thuần khiết dành cho những người thuần khiết chỉ là sự hồi sinh của Lạc thuyết Cathar. Nếu thế, thì Phúc Âm và Kinh Thánh đã chẳng thuật lại cho chúng ta biết về những giới hạn và khuyết điểm của nhiều người mà ngày nay chúng ta công nhận là những vị thánh.
Cuối cùng, tha thứ là luôn cho người khác một cơ hội khác, nghĩa là hiểu rằng một người trở thành thánh nhân dựa trên những nỗ lực của việc thử và sửa sai. Đây là cách Thiên Chúa luôn thực hiện đối với  mỗi người chúng ta; Ngài luôn tha thứ, luôn nâng chúng ta dậy, và luôn cho chúng ta một cơ hội khác. Chúng ta cũng nên làm như vậy. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, chỉ có chúng ta mới là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ.
Để mọi cuộc chiến kết thúc, cần phải có sự tha thứ. Nếu không thì công lý sẽ trở thành sự trả thù, và tình yêu chỉ được coi là một hình thức của sự yếu đuối.
Thiên Chúa đã trở thành một Hài Nhi, và Hài Nhi ấy, khi lớn lên, đã để mình bị đóng đinh trên thập giá. Không có gì yếu đuối hơn một người bị đóng đinh, nhưng trong sự yếu đuối đó, quyền năng siêu phàm của Thiên Chúa đã được biểu lộ. Sự toàn năng của Thiên Chúa luôn hoạt động trong sự tha thứ. Ước gì lòng biết ơn, sự hoán cải và bình an sẽ là quà tặng của Lễ Giáng Sinh này.
Cầu chúc anh chị em một lễ Giáng sinh vui vẻ! Và một lần nữa, xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn anh chị em!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (22. 12. 2022)

Nguồn: hdgmvietnam.com
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log