Thứ bảy, 23/11/2024

Bài giảng của Cha Tổng Đại Diện Đaminh Hoàng Minh Tiến Trong Thánh Lễ Khấn Dòng Tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa

Cập nhật lúc 18:24 16/10/2020
 
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta hôm nay cùng chia vui với Hội dòng MTG HH nhân ngày lễ Tạ ơn của 5 chị kỷ niệm 60 năm khấn dòng; 4 chị kỷ niệm 25 năm khấn dòng và 18 chị tuyên khấn trọn đời. Đây là một ngày trọng đại đối với các chị, là niềm vui đối với Hội dòng và là niềm hạnh phúc đối với thân quyến của các chị. Nhìn lại những năm tháng sống đời tu trì, có lẽ các chị không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, tri ân mẹ Giáo hội và cảm ơn Hội dòng đã đào tạo và nuôi dưỡng các chị cho đến ngày hôm nay và trong suốt cuộc đời còn lại. Tôi cũng muốn chia sẻ một vài tâm tình với các chị và cộng đoàn.
Cách đây khoảng hơn 1 tháng, có 2 Dì lớn tuổi của nhà dòng sang nhà thờ Chính Tòa tìm gặp tôi và ngồi chờ ở phòng khách. Khi gặp các Dì, tôi thấy các Dì đem theo một số tượng ảnh và túi tràng chuỗi để xin làm phép. Cẩn thận hơn nữa, các Dì còn đem theo cả dây stola và nước phép nữa. Tôi thấy cũng vui vui và tự hỏi: không biết các Dì lấy cái dây Stola ở đâu? Trông thấy cũ cũ như đã được cất kỹ ở đâu đó, giờ mới đem ra. Dường như tôi chưa nhìn thấy cái dây Stola ấy bao giờ. Sau khi làm phép các ảnh tượng và tràng chuỗi xong, trước khi về, 1 Dì hỏi tôi: “con hỏi thật cha nhé! Tại sao khi cha chuyển từ Tgm vào nhà thờ Chính Tòa này làm cha quản xứ, cha lại xin 2 cha hưu về đây ở với cha?” Tôi trả lời ngay: “Sống với các cha hưu, con tập sống tuổi già của con đang ở gần phía trước”. Các Dì xem ra chưa hài lòng với câu trả lời ấy, nên lại nói thêm: “bên các cha, già cả nghỉ hưu thì thế nào? Chứ bên chúng con, già khó tính khó nết lắm!”. Tôi đáp: “con đồng ý rằng người già có thể hơi khó tính khó nết, nhưng được một cái mau quên, biết sống với người già sẽ học được nhiều bài học lắm! Con thấy các Soeur đi xưng tội, vẫn thích xưng tội với các cha già đấy thôi!”
Thưa cộng đoàn, câu chuyện vụn vặt vậy thôi, nhưng gợi lên cho chúng ta bao suy nghĩ về cuộc sống của đời tu, tương quan giữa người lớn tuổi và thế hệ trẻ trong cộng đoàn, mà nếu không có ơn Chúa, con người ta không thể sống ơn gọi tu trì trong cộng đoàn dòng tu.

1/ Đời sống cộng đoàn:
Nét căn bản của đời sống Ơn gọi tu sĩ là sống đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn dòng tu bao gồm những con người với những lứa tuổi khác nhau, tính nết khác nhau, đến từ nhiều địa phương, nhiều tập tục văn hóa khác nhau… nhưng cùng một giới tính, chung một lý tưởng bước theo Chúa Giêsu, cùng theo đuổi một ơn gọi, một linh đạo đặc thù của dòng tu, sống chung trong một mái nhà. Nơi đó, họ cùng ăn uống với nhau, cùng nhau sớm tối đọc kinh cầu nguyện, cùng nhau làm việc và sống trọn cuộc đời với nhau. Họ đặt mọi thứ làm của chung, không sở hữu cá nhân những tài sản có giá trị. Đời sống cộng đoàn của dòng tu như thế họa lại một hình ảnh lý tưởng của cộng đoàn tín hữu tiên khởi được sách Công vụ Tông đồ chương 2 kể lại. Bên cạnh đó, cộng đoàn dòng tu vẫn thường được mô tả như một gia đình như chúng ta vẫn thường nghe: gia đình Tập viện, gia đình học viện, gia đình Hội dòng … Cụm từ “gia đình” luôn bao hàm một ý nghĩa gần gũi thân thương đối với mọi người, vì ai cũng được sinh ra và đã từng sống trong một gia đình. Ai cũng hiểu được trong một gia đình hạnh phúc, mọi thành viên phải sống thuận hòa yêu thương. Với lời tuyên khấn trọn đời trong Hội dòng MTGHH, 18 khấn sinh hôm nay thuộc trọn về gia đình Hội dòng. Họ sẽ sống cả cuộc đời còn lại, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn của gia đình này. Từng thành viên trong gia đình Hội dòng đương nhiên trở nên những người chị em “ruột thịt” của mình. Lời tuyên khấn tự nguyện và tự do chính là chọn lựa và quyết định của cá nhân đối với mọi sinh hoạt của cuộc sống trong gia đình Hội dòng. Họ có trách nhiệm và nghĩa vụ vun đắp hạnh phúc cho gia đình mới này.
Một thiếu nữ đến tuổi lập gia đình. Khi quyết định yêu ai, kết hôn với ai, họ cần phải biết tất cả những gì của cuộc sống gia đình đang chờ đợi phía trước. Một khi can đảm dấn bước vào đời sống hôn nhân, cô gái ấy không chỉ yêu chồng-thương con, mà còn phải yêu mến cha mẹ chồng, anh chị em và họ hàng của nhà chồng. Chỉ khi nào sống tình yêu thương như thế, cô gái ấy mới có thể kiến tạo được hạnh phúc cho đời sống gia đình.
Cũng vậy, một khấn sinh khi dấn bước trọn đời sống trong gia đình Hội dòng, phải đón nhận những cái tốt cũng như những cái không tốt của mỗi thành viên trong gia đình: tính bồng bột nhẹ dạ của tuổi trẻ; tính hay tự ái của tuổi trung niên, những người thường tỏ ra tự mãn về những thành công của mình; tính hay áp đặt, thành kiến, xét nét của người huấn luyện; tính nóng nảy nghiêm khắc của Bề Trên; tính bảo thủ của người có tuổi luôn muốn bảo tồn những thành quả do mình làm nên; tính nhầm lẫn hay quên và mệt mỏi của tuổi già; tính mặc cảm tự ti của những người yếu đau bệnh tật, thiếu kém năng lực… tất cả đều được bày ra trước mắt của một khấn sinh. Chị tân khấn sinh có thể nhận ra tất cả những khó khăn và gian nan đang ở phía trước, nhưng vẫn sẵn sàng và can đảm dấn thân vào trong gia đình Hội dòng, để san sẻ yêu thương, tận tình giúp đỡ lẫn nhau cùng bước đi trong linh đạo MTG, để thánh hóa bản thân và giúp nhau sống trọn vẹn cuộc đời thánh hiến cho Thiên Chúa. Các chị được mời gọi phải sống làm sao như Lời Chúa trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê “Anh em là những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.” (Cl 3, 12-14). Mỗi ngày sống thánh thiện và yêu thương, các chị đang viết lên những trang sử của gia đình Hội dòng. Các chị đang đóng góp phần mình vào gia sản chung của Hội dòng để lại cho thế hệ tương lai.

2/ Gia sản cho thế hệ tiếp nối:
Người sống đời tu luôn luôn phải ý thức mình là kẻ được Chúa chọn gọi để sống ơn gọi tu trì. Ơn gọi thuộc về Thiên Chúa, được Chúa chọn gọi không phải vì ta xứng đáng hơn người khác, hay tài năng xuất chúng, khôn ngoan hơn người, nhưng chỉ vì ta là kẻ bé mọn được Chúa mạc khải và yêu thương. Lời cảm tạ của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay cho chúng ta xác tín về điều này. “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan …, nhưng đã mặc khải cho những kẻ bé mọn, đó là thánh ý Cha”. Cho nên, cuộc đời người tu sĩ là theo sát Chúa Giêsu Kitô trên con đường thập giá, thánh hóa bản thân, sinh ích cho các linh hồn. Đó là những giá trị thiêng liêng tồn tại mãi mãi.
Sống cuộc đời thường, các bậc cha mẹ luôn cố gắng làm việc, tích góp của cải, sống đạo đức làm người với mong muốn để lại cho con cháu một gia sản quí giá. Có khi giá trị của gia sản được tính bằng vật chất, có khi đó là gia sản tinh thần. Nói chung, gia sản ông bà cha mẹ để lại, dù là vật chất hay tinh thần, bao giờ cũng có một giá trị thiêng liêng và được con cháu đón nhận một cách trân trọng.
Đối với gia đình Hội dòng, đâu là gia sản của thế hệ đi trước để lại cho các thế hệ đi sau? Giá trị của gia sản đó không thể đo lường bằng vật chất, nhưng vô cùng cao quí, đó là gia sản đức tin và truyền thống. Thế hệ đi trước dù có bất tài, yếu kém, bị coi là lạc hậu, vô dụng, nhưng trong cái nhìn đức tin, dù ít nhiều, họ vẫn để lại gia sản có một giá trị nhất định. Ông bà chúng ta thường nói: “có bột mới gột nên hồ”. Không có các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng và kiến thiết, làm gì chúng ta có được ngày hôm nay. Kinh nghiệm của thế hệ đi trước cho dù có lỗi thời, nhưng vẫn còn giá trị. Sự cẩn thận, chu đáo và ân cần của tuổi già luôn dạy cho người trẻ những bài học quí giá. Kinh thánh dạy trong sách Châm ngôn: “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển, được tặng ban cho kẻ sống công chính.” (Cn 16,31). Người lớn tuổi mà sống công chính, sẽ nhận được một triều thiên vinh hiển. Họ sẽ là tấm gương sống động cho người trẻ. Sự thánh thiện công chính của những mái đầu bạc kia không phải một sớm một chiều mà có được, nhưng đó là cả một quá trình, cả một cuộc đời sống trọn vẹn cho Chúa với niềm tín thác cậy trông. Nếu tuổi trẻ của các ngài không sống gắn bó với Thiên Chúa, không trung thành với ơn gọi, thì làm sao có thể sống công chính trong tuổi già. Hình ảnh các nữ tu lớn tuổi nghỉ hưu luôn vững vàng trong đời sống đức tin, đêm ngày cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể, chuyên chăm lần chuỗi Mân Côi, chính là linh hồn của đời sống cộng đoàn. Phải chăng Giáo hội vẫn luôn cần đến những cộng đoàn dòng tu sống đời chiêm niệm để cầu nguyện cho những hoạt động tông đồ của Giáo hội. Thế thì một cộng đoàn dòng tu hoạt động vẫn luôn rất cần đến những người âm thầm cầu nguyện. Một lời nguyện tắt, tràng chuỗi Mân Côi dâng lênThiên Chúa đôi khi còn giá trị hơn cả chức vụ Bề Trên hay Hiệu trưởng; vượt xa những tấm bằng cao cấp mà người đời hằng mơ ước và ngưỡng mộ.  Gia sản đức tin được để lại cho các thế hệ mai sau vẫn luôn được sinh lãi nhờ đời sống chuyên chăm cầu nguyện của những người hưu trí, những người ốm đau bệnh tật, những người âm thầm làm việc tông đồ, chứ không phải là của những tu sĩ giỏi làm kinh tế. Của cải vật chất, tài sản tiện nghi luôn là một cám dỗ mà người đi trước muốn lưu danh cho các thế hệ tương lai, nếu không cẩn thận nó sẽ đẩy mọi người vào vòng xoáy của việc ưu tiên tìm kiếm cơm-áo-gạo-tiền và tiện nghi vật chất, đến nỗi lấn át các giá trị tinh thần và làm mờ khuất những giá trị Tin mừng của đời sống tu trì.
Trách nhiệm của một cộng đoàn dòng tu luôn phải vun xới và chăm sóc về tất cả mọi lãnh vực cho mỗi thành viên và gia đình Hội dòng. Giá trị cao quí nhất của đời sống cộng đoàn chính là mọi thành viên sống tình hiệp nhất và yêu thương không phân biệt già trẻ hay chức vụ, vì đây là một gia đình. Gia sản đức tin hay tài sản vật chất phải được tích lũy cách hợp lý, đúng với thánh ý Thiên Chúa, để đảm bảo hạnh phúc cho mỗi người sống ơn gọi của mình, sinh ích lợi trong việc tông đồ bác ái, mưu cầu ơn cứu độ cho các linh hồn. Đời sống chan hòa yêu thương trong cộng đoàn dòng tu là họa ảnh của cuộc sống sau này trong Nước Chúa, nơi mà Chúa Giêsu đã nói: “con người ta không còn cưới vợ gả chồng”. Cho nên, dưới nhãn quan đức tin, mỗi thế hệ đi qua đều để lại ít nhiều gia sản có giá trị tích cực thuộc về tài sản của Nước Trời. Điều quan trọng là mỗi người tu sĩ biết nhận ra những chân giá trị đó như là những kho tàng vô giá Thiên Chúa ban tặng cho thời đại của mình, để sống khôn ngoan như Chúa Giêsu nói: “Những kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ." (Mt 13, 52). Amen.
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log