WMTGHH - Có lẽ không có gì thay đổi thì vào năm 2024 (chỉ 1 năm nữa thôi) giáo xứ Nỗ lực của chúng ta sẽ kỷ niệm 425 năm đón nhận Tin mừng, có lẽ thời điểm ấy cũng sẽ là thời điểm thích hợp để cha xứ xin Đức Cha đề nghị tòa thánh mở năm thánh.
Như vậy để cho chúng ta thấy Nỗ Lực là nơi đón nhận Tin mừng khá sớm, nếu năm 1672 Đức Cha Lambert de la Motte họp công đồng Đàng Trong tại Hội An (Hải Phố) thì 7 năm sau vào năm 1679 địa phận Đàng ngoài được tòa thánh chia thành đông đàng ngoài và tây Đàng ngoài[1]. Lúc bấy giờ xứ Đoài đã có tên trong sử sách Tây Đàng ngoài rồi, mà xứ Đoài lại được chia làm 2 vùng, vùng thượng Đoài và vùng hạ Đoài, vùng thượng Đoài là 3 xứ đã được nói đến nhiều là Bầu Nọ (giáo xứ Nỗ Lực hôm nay), Yên tập và Sông chảy, đứng đầu danh sách luôn là tên Bầu Nọ (Nỗ Lực) còn vùng hạ Đoài là xứ Kẻ Bạc mà ngày nay gọi là xứ Bách Lộc. Đây được coi là 4 giáo xứ đầu tiên của giáo phận Hưng Hóa.
Địa phận xứ Đoài này (Nỗ Lực) là vùng đất chóp đỉnh của đồng bằng Bắc Bộ, cửa ngõ miền trung du trù phú, trải dài 2 km theo bờ sông, hướng đông nam nhìn ra miền hợp lưu rộng mênh mông của 3 con sông lớn là sông Thao, sông Đà và sông Lô, lúc bấy giờ việc đi lại chủ yếu bằng đường sông rất thuận tiện nên các nhà truyền giáo cũng dễ dàng đặt chân lên vùng đất này để làm cho mảnh đất này được phong phú và phì nhiêu đủ mọi mặt.
Thời cấm đạo: Khi hạt giống tin mừng vừa mới được gieo xuống mảnh đất Việt Nam, đã bị những cơn nắng lửa của các cuộc cấm đạo thời Nhà Nguyễn, mà đỉnh cao là Minh Mạng (1820), Thiệu Trị (1841), Tự Đức (1847)…. hòng muốn thiêu dụi những mầm non đức tin còn yếu ớt, trong đó Bầu Nọ (Nỗ Lực) cũng cùng chung số phận. Chính vì vậy Nỗ Lực cũng in đậm những chứng tích hào hùng của những cuộc bắt bớ ấy, bằng chứng là có tới 6 vị tử đạo đã sống và làm việc tại Nỗ Lực này, cả 6 vị bị bắt tại nơi này và bị dẫn về Sơn Tây, cuối cùng bị kết án tại pháp trường Năm Mẫu (Sơn Tây) và cả 6 vị đều được phong thánh bởi thánh Giáo Hoàng Gioan - Phaolô II ngày 19 tháng 6 năm 1988 của thế kỷ trước và cũng chính tại nơi này có lưu trữ tới 5 mụn xương thánh của các vị tử đạo. Thật là một vinh dự lớn lao cho Nỗ Lực và đó cũng là dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc qua các bậc tiền bối để rồi con cái của họ được như ngày hôm nay. Khi nói đến Nỗ Lực, người ta nghĩ ngay đến một giáo xứ cổ kính, nề nếp, đạo đức, kinh tế ổn định. Quả là một ân ban của Thiên Chúa, Ngài nhớ đến công phúc của tổ tiên để rồi chúc lành cho con cháu của họ.
Bên cạnh một giáo xứ đầy chứng tích đức tin như thế, chúng ta cũng phải kể đến 1 sự đóng góp không nhỏ của nhà mụ Nỗ Lực ngày xưa là tiền thân của Tu viện Mến Thánh Giá Nỗ Lực hôm nay. Chẳng ai biết nhà mụ có từ bao giờ, nhưng nhìn vào diện tích đất đai, khuôn viên nhà mụ, vườn ao chuồng ngày xưa thì đủ hiểu nhà mụ này cũng có từ rất lâu rồi, bởi trong sử sách thời cấm cách có nhắc tới nhà mụ này.
Trong sách lược sử giáo xứ Nỗ Lực kỷ niệm 410 năm có viết thế này: “khởi đầu như thế nào không ai biết, chỉ biết rằng đây là cơ sở quy tụ các chị em không gánh vác việc đời, tình nguyện sống tập thể, làm nông nghiệp, chăn nuôi, bán thuốc gia truyền để sinh sống, cầu nguyện, ăn chay kiêng thịt, đặc biệt giúp việc truyền giáo, giúp việc nhà xứ. Trong giai đoạn bị bách hại, các đấng phải lẩn trốn thì nhà mụ cũng là cơ sở ẩn náu, gác xép chứa rơm bên trên chuồng trâu của nhà mụ Nỗ Lực có một số đấng đã trú ẩn ở đó. Trong trường hợp các đấng bị bắt, bị giam tù, các chị em là lực lượng can đảm dám đến thăm viếng, kiệu Mình Thánh, tiếp tế lương thực…”[2] hết lời dẫn.
Có một điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện nơi này là trong những giai đoạn khó khăn: Thời cấm đạo có, thời đấu tố, giảm tô cải cách có, chiến tranh hoang tàn có, chính sách triệt hạ những người Công giáo miền Bắc có, không có bóng dáng của người đàn ông (tượng trưng cho sự mạnh mẽ) ấy thế mà đất nhà dòng không mất 1 phân (1cm); nhân sự tuy phải lúc ẩn lúc hiện, nhưng sau những lúc phong ba bão táp như thế thì sự bình an lại tràn về cộng đoàn trong tiếng cười tạ ơn của các “bà” nhà mụ. Nhìn về khía cạnh con người chúng ta phải thấy an bài của Thiên Chúa thực hiện nơi những con người bé nhỏ, ít học như vậy.
Trong sổ bìa đá nhà mụ thông kê năm 1943 thì người đầu tiên đến nhà mụ này là bà Anna Kính quê Nam định vào năm 1870 và người đến cuối cùng là bà Anna Huệ quê Bằng giã vào năm 1951[3]. Nhà mụ này đã phải ấp ủ trong thử thách, phải thai nghén trong đau thương, phải vất vả lao nhọc, phải quặn đau sau nhiều trăm năm để rồi sinh ra đứa con duy nhất vào ngày 03.12.1992 “mang tên Tu viện Mến Thánh Giá Nỗ Lực.”
Vẫn mảnh đất ấy, vẫn khuôn viên ấy, vẫn những ngôi nhà cũ kỹ ấy nhưng nay lại mang một tên mới, sắc thái mới, tinh thần mới là Tu viện Mến Thánh Giá Nỗ Lực. Sau nhiều thế kỷ mang tên nhà mụ, sau 30 năm mang tên dòng Mến Thánh Giá Nỗ Lực, tinh thần thì thay đổi như vậy đấy, sắc thái thì cũng đổi thay đấy, nhưng cơ sở vật chất vẫn là những ngôi nhà cũ kỹ, chấp vá thiếu tiện nghi giữa một ngôi làng trù phú về chất, nhiều xe cộ đắt tiền, nhà cửa to lớn, phương tiện xử dụng lại hiện đại…..Hơn nữa cách nhà xứ không đầy 200 mét đường chim bay, một nhà xứ nguy nga, lộng lẫy, rộng lớn mới được xây dựng và tân trang, thì không lẽ gì lại để một cộng đoàn Mến Thánh Giá Nỗ Lực lụp xụp, thiếu thốn, lại còn không an toàn về tính mạng nếu tiếp tục sử dụng…. bởi vậy đến lúc cần phải thay đổi lại để tương bằng, xứng hợp với những khung cảnh xung quanh.
Nếu nhà xứ là nơi sinh hoạt chung cho một cộng đoàn lớn, thì cộng đoàn Mến Thánh Giá này cũng nơi sinh hoạt cho những nhóm nhỏ, nhóm nhỏ của nhà dòng, nhóm nhỏ của hội đoàn giáo xứ. Bởi 30 năm qua, kể từ thoát thai từ nhà mụ để trở thành Tu Viện Mến Thánh Giá Nỗ Lực, thì nơi đây đón nhiều trăm lượt các hội đoàn trong giáo xứ đến nơi này để sinh hoạt, tĩnh tâm, học hát, chia sẻ Lời Chúa, học hỏi sự khôn ngoan…nếu hiểu như thế thì nơi đây cũng là nơi sinh hoạt cộng đoàn của giáo xứ, bởi vậy chúng ta được mời gọi để cộng tác. Cộng tác về tinh thần bằng lời cầu nguyện, trí tuệ, cộng tác bằng vật chất, tiền của, tài chính, vì đây cũng là công trình của giáo xứ, của giáo hội và của dân làng Nỗ Lực.
Tại sao chúng ta phải cộng tác?
Nhà mụ này, cộng đoàn Mến Thánh Giá này đã sánh vai cùng với làng Nỗ Lực rất nhiều thế kỷ, chính nó đã chứng kiến biết bao nhiêu sự thay đổi của làng Nỗ Lực này, vui buồn hay sướng khổ, thành công hay thất bại của làng đều có nó chia sẻ và chứng kiến, và cũng có thế nói nhiều người cũng được ơn chữa lành bệnh tật, được ơn hoán cải từ chính nơi này, không dám nói “nó” đồng sinh đồng tử cùng với làng Nỗ Lực, nhưng nó chỉ là người bạn hữu, người bạn thân thiết và đã đi với nhau suốt chặng đường dài từ thế kỷ này qua thế kỷ khác và sẽ còn tiếp tục đồng hành cho đến tận thể. …….
Nỗ Lực ơi….không thể bỏ nó lại phía sau được, ngược lại nó cũng không thể sống đơn côi nếu không có Nỗ Lực. Thế thì chúng ta không thể thờ ơ trước công trình này, vì đây là công trình của sự hiệp thông: Hiệp thông với Chúa, hiệp thông với Giáo Hội và hiệp thông với mọi người. Tinh thần hiệp thông này được múc kín để làm nền tảng là từ 3 ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần, tuy khác biệt nhưng lại là một Thiên Chúa duy nhất trong tình yêu và mọi hoạt động sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, đó là mầu nhiệm của sự hiệp thông. Ba ngôi vị ấy chỉ là một và đấy cũng là mẫu gương của sự hiệp thông cho một Giáo Hội duy nhất và một giáo xứ Nỗ Lực duy nhất.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho công trình sắp được xây dựng này, từ khởi sự cho đến hoàn thành tất cả đều bởi ơn và nhờ ơn Chúa. Amen
[1] giáo phận Đàng Ngoài được chia ra 2 giáo phận mới là Đông Đàng ngoài (từ sông hồng ra biển do đức Cha Deydier cai quản) thì Tây Đàng ngoài (từ sông hồng đến biên giới Lài cai do đức cha J.de Bourges coi sóc) [2] Lược sử giáo xứ Nỗ lực (1599-2009) trang 55. [3] Lược sử giáo xứ Nỗ lực (1599-2009) trang 55-56
Linh mục Anton Cao Trung Trực