Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 14 TNB (Mc 6, 1- 6)
Bài Tin Mừng ngày hôm nay ghi lại việc Chúa Giê-su trở về quê hương xứ sở của mình. Ngài không những không được đón tiếp mà còn bị dân làng thắc mắc về lý lịch của Chúa. Họ biết rõ cha mẹ và những người bà con thân thuộc với Chúa. Điều họ thắc mắc là Chúa chỉ là một con người tầm thường tại sao Chúa lại làm được những phép lạ, những điều phi thường nên họ không chịu tin và như ganh tị với Chúa và muốn chiếm giữ Chúa độc quyền cho họ. Bài Tin Mừng này mời gọi chúng ta suy gẫm về thái độ của những người Nazareth với Chúa; và về tâm trạng của Chúa Giê-su khi không được đón tiếp tại quê hương mình.
Nếu như Con Một Thiên Chúa không nhập thể làm người để ở với con người chúng ta thì Thiên Chúa mãi chỉ ở trên chốn cao vời vợi mà con người chẳng có thể nào chạm tới được; và Ngài sẽ mãi như một lý thuyết trìu tượng với chúng ta. Ấy thế mà khi Chúa đã làm người và ở với nhân loại thì con người ta lại quên đi thiên tính của Ngài để rồi chỉ quan tâm đến nhân tính của Ngài như ta. Thế nên, điều đó trở nên như một vật cản vô hình khiến họ không thể nhận thấy điều phi thường, điều siêu nhiên nơi sự tầm thường ấy. Phải chăng đôi khi chúng ta cũng có những thái độ “Gần chùa gọi bụt bằng anh” y như họ? Cũng có khi ta lại tự xây cho mình những định kiến về người khác khi biết xuất thân, gốc gác của họ “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được” (Ga1, 46). Cho dù người ta đã cố gắng đã thay đổi nhưng ta lại cứ xét nét, săm soi quá khứ có thể là không mấy tốt đẹp của người đó mà không muốn nhìn nhận hoặc làm cho giảm thiểu thành tựu mà họ đang có. Thái độ này cũng giống như thái độ của những người đồng hương với Chúa Giê-su; thay vì khởi sự tin vào Ngài thì từ ngạc nhiên thán phục họ lại trở nên thù nghịch công khai với Chúa. Trong đời sống, con người dễ ganh tỵ với những thành công của người khác hơn là vui mừng công nhận. Qua đó, chúng ta cũng nên nhìn lại thái độ của mình mỗi khi tham dự thánh lễ hay các giờ kinh nguyện có khi nào vì ta “quen quá hóa nhàm” chăng? Có khi nào ta tham dự phụng vụ, thay vì nhận biết mình được hợp với triều thần thánh trên trời cùng ca tụng Chúa thì ta chỉ có thân xác ở trong nhà thờ còn lòng trí ta lại ngao du ở phương nào đó.
Người Nazaréth ngạc nhiên về những lời giảng dạy của Chúa Giêsu không phải với thái độ tin mến, thán phục nhưng là đi đến chỗ ngạc nhiên vì một con người tầm thường như ai mà nói năng cách khôn ngoan như vậy làm cho họ không chịu tin. Bởi vậy mà Chúa không thể làm được phép lạ nào tại nơi đó (x.c5). Chúa Giêsu chấp nhận thực tại đó, Ngài nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”(c4). Là Ki-tô hữu, chúng ta được tháp nhập vào ba chức năng của Chúa qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên con Chúa trở nên môn đệ của Chúa. Trong khi thi hành sứ vụ, chính Chúa cũng đã bị người ta khước từ, mà buồn nhất là sự từ khước ấy tới từ những người thân thuộc. Còn chúng ta khi đi phục vụ và rao truyền Lời Chúa, chúng ta cũng không tránh khỏi điều đó. Vì thế, Chúa đã dạy chúng ta: nơi nào không đón tiếp, chúng ta vẫn nói Lời Chúa rồi rời đi nơi khác (x. Lc10,10-11). Như vậy, cho dù chúng ta được đón tiếp hay bị khước từ thì Lời của Chúa vẫn luôn được rao truyền.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức tham dự thánh lễ và những cử hành phụng vụ với tâm hồn sốt sáng. Xin cho chúng con biết nhìn nhận những thành công của người khác và khám phá ra điều siêu nhiên, phi thường nơi những con người tầm thường xung quanh chúng con, nhờ đó chúng con nhận biết tình thương và quyền năng của Chúa nơi họ. Xin cho chúng con, là môn đệ của Chúa biết đón nhận thất bại cũng như thành công trên đường truyền giáo, biết theo Chúa và nghe lời Chúa dạy. Amen.
Cộng đoàn Co Hay