TÌNH THẦY TRÒ
Tin mừng Chúa nhật XVI thường niên B hôm nay cho chúng ta thấy tình thầy trò giữa Chúa Giêsu và các tông đồ thật ân cần. Qua đó, để lại cho chúng ta những suy tư về cuộc hành trình của người môn đệ theo Chúa:
1.“Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6,30).
Hình ảnh các “tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu”, cho thấy Chúa Giêsu ngồi ở giữa còn các tông đồ ngồi xung quanh và hướng về Chúa. Điều này cho chúng ta một điều chắc chắn rằng: người môn đệ đích thực luôn đặt Chúa Giêsu làm trung tâm điểm của đời sống tông đồ, luôn quy hướng về Chúa là cùng đích của mọi sự. Nếu người môn đệ đặt điều gì hay nhân vật nào khác ngoài Chúa Giêsu thì người đó không phải là môn đệ Chúa, đánh mất căn tính tất yếu của người tông đồ. Và chắc chắn đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy chới với trong mọi việc chúng ta làm và mọi điều chúng ta sống. Bởi chỉ duy Chúa Giêsu là chân lý, là nền tảng vững chắc cho mọi việc chúng ta làm và cho điều chúng ta sống. Tất cả những gì thuộc về Chúa thì tồn tại và có tính vững bền, đem lại giá trị cứu độ duy nhất cho con người và vạn vật.
Quả thật, để có một đời sống luôn quy hướng mọi sự về Chúa thì người môn đệ phải tập cho được sự gắp bó mật thiết với Chúa qua việc “ở lại” và kể cho Chúa tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc sống: những niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại, những lo toan thao thức, những mong ước hay cả những yếu đuối, lỗi lầm… Bởi người môn đệ của Chúa phải là người có Chúa, luôn trao đổi, bàn hỏi với Chúa, có khả năng sống thật với Chúa với tất cả những gì “là mình” và luôn biết mở ra để lắng nghe Chúa nói. Có được như vậy người môn đệ Chúa mới đủ can đảm và vững vàng thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời.
2. “Người bảo các ông: Chính anh em hãy lánh riêng ra mà nghỉ ngời đôi chút” (Mc 6,31).
Lời Chúa nhắc nhở chúng ta, người môn đệ Chúa không thể để mình rơi vào tính trạng “nghiện việc”. Không phải lúc nào chúng ta cũng phải trở nên bận rộn bên ngoài nhưng Chúa muốn chúng ta cần cân bằng đời sống hoạt động bên ngoài và sự trầm lắng bên trong tâm hồn, sao cho cân bằng và hài hòa. Chúa nói: “chính anh em”, là Chúa nói với chính mỗi người chúng ta, đời sống tông đồ rất cần thiết phải có những sáng kiến cho các hoạt động, công việc bên ngoài, nhưng tất cả những điều đó phải là hoa trái của Thánh Thần sau khi chúng ta đã gắn bó, mật thiết và được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện với Thiên Chúa. Do vậy, mọi hoạt động của người môn đệ phải được phát xuất từ Thiên Chúa và ý định của Người. Tất cả những gì ngoài Chúa, vắng bóng Chúa sẽ chỉ mang đến sự đổ vỡ hay phá hoại, và chắc chắn đó không phải là hoa trái của Thánh Thần.
Và một điều chắc chắn rằng, Chúa muốn chúng ta có thời gian để nghỉ ngơi cả thể xác và tâm hồn qua chính sự hiện diện của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể. Nơi Chúa chúng ta được an ủi, đỡ nâng, khích lệ, để được chữa lành và ban ân sủng dồi dào của Người cho chúng ta. Có như vậy, người môn đệ như được “sạc pin” đầy tràn Chúa để có sức mạnh của Chúa và ra đi làm việc tông đồ như thánh ý Chúa muốn. Và chăc chắn Chúa sẽ ở cùng chúng ta, có Chúa cùng đi với chúng ta, nơi đó chỉ có tình thầy trò ân cần, thắm thiết “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (Mc 6,32).
3. Đám đông “thấy các ngài ra đi” nên họ theo đường khác mà đón gặp các ngài. Và khi “ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương…. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc6, 33-34)
Người môn đệ phải xác tín vững vàng rằng: Thiên Chúa là Chủ tể còn người môn đệ là khí cụ Chúa dùng để làm việc của Chúa. Do đó, mọi việc chúng ta làm đều phải phát xuất từ Thiên Chúa và hoàn toàn quy hướng về Người mà thôi. Chúa cần chúng ta, những môn đệ theo Chúa để cộng tác vào trong chương trình của Ngài. Chúng ta hãy luôn sẵn sàng, dấn thân theo Chúa với tất cả khả năng, sự cố gắng của bản thân và hoàn toàn phó thác mọi sự cho Chúa. Bởi chính Chúa sẽ soi sáng, chỉ dạy trong tâm hồn mỗi người mà người môn đệ tiếp xúc và rao giảng. Cho nên, người môn đệ Chúa cần thâm tín rằng: Khi đã cố gắng hết sức với khả năng Chúa ban thì dù kết quả có ra sao thì hãy luôn bình an và dâng cho Chúa tất cả. Chúa dùng mọi sự, ngay cả những thất bại để sinh ích cho các linh hồn và cũng là để tôi luyện người môn đệ. Khi gặt được thành công, hãy chắc chắc rằng đó là việc Chúa làm chứ không do sức con người. Chúa ban điều đó để an ủi, đỡ nâng và khích lệ người môn đệ trên đường theo Chúa.
Lạy Chúa! Qua bài Tin mừng Mc 6,30-34, Chúa cho chúng con thấy sự ân cần, chăm sóc và dạy dỗ chúng con, những người môn đệ Chúa trên đường truyền giáo. Chúa sai chúng con ra đi nhưng Chúa cũng dạy chúng con trở về. Ra đi để trở về, trở về để chuẩn bị ra đi. Ra đi để đem Chúa đến với mọi người. Trở về để đem mọi người về với Chúa và chính chúng con cũng được đầy tràn Chúa để có thể tiếp tục ra đi. Bởi chỉ có cuộc ra đi đích thực khi có Chúa, mà người môn đệ có Chúa khi và chỉ khi biết trở về. Xin cho chúng con biết ra đi- biết trở về và biết quy hướng mọi sự về Chúa là cùng đích duy nhất. Amen!
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Vĩnh Lộc
LÀM VIỆC VÀ NGHỈ NGƠI TRONG CHÚA
“Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. (Mc 6,31).
Tiếp nối bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng. Hôm nay, các ông trở về và tranh nhau kể chuyện những ngày qua mình đi rao giảng và làm được những gì. Chúa Giêsu nhìn thấy sự rạng rỡ thành công của các tông đồ cũng như thấu hiểu những gì trong lòng các ông. Chúa còn nhìn xa hơn nữa nhu cầu của các ông nên mới nói với các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. (Mc 6,31). Đó cũng là lời mời gọi Chúa dành cho mỗi người chúng ta là hãy biết dành thời gian nghỉ ngơi bên Chúa.
Cũng như các tông đồ, sau chuỗi ngày ra đi theo lệnh truyền của Thầy Giêsu, ra đi đem Lời Chúa đến với muôn dân. Hành trang của các ông rất chi là nhẹ nhàng: không mang bao bị, không mặc hai áo, được đi dép, nhưng không mang tiền đồng để giắt lưng…Các ông còn được sai đi trừ quỉ, làm phép lạ, chữa lành người đau yếu….
Những sứ vụ mà Chúa trao phó cho các ông đã hoàn tất ban đầu. Hôm nay, họ trở về, trên khuôn mặt đầy hân hoan vì những gì đã làm được, thành công cũng nhiều và thất bại cũng có. Mường tưởng khung cảnh những người đàn ông sau một lộ trình sứ vụ, về gặp Thầy và gặp nhau, cùng nhau chia sẻ những gì đã làm được trên hành trình truyền giáo. Họ hoan hỷ vui mừng xiết bao, ai cũng nô nức, háo hức kể chuyện cho Thầy mình nghe. Lòng phấn khởi lắm chứ, có người không biết bắt đầu kể từ đâu, bầu không khí rất chi là rôm rả và hào hứng. Thầy lắng nghe một cách chăm chú, đầy thấu hiểu và vui mừng. Chúa đón nhận hết những thành quả đó, nhưng Chúa cũng nhìn thấy sự mệt mọi nơi khuôn mặt của các ông. Chúa chú trọng đến con người hơn là công việc, nên mới bảo các ông tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi. Chính Chúa Giêsu đã kéo các tông đồ ra khỏi sự ảo tưởng về những thành công của mình, vì mọi sự các ông làm đều nhờ bởi ơn Chúa ban. Qua đó, Ngài dạy các ông trở về với thực tế cuộc sống thường ngày. Đừng có ai vì thành công trước mắt “cháy hết mình” mà không biết dùng thời gian dành cho Chúa, ở bên Chúa để nghỉ ngơi, để Chúa tiếp thêm năng lượng: tình yêu và lòng nhiệt huyết cho hành trình tiếp theo trong sứ vụ, cũng như đời sống của mình. Điều mà Chúa muốn cho các tông đồ xưa cũng là điều mà Chúa muốn cho chúng ta ngày hôm nay.
Con người ngày hôm nay, nhiều khi người ta quên đi mất điều cốt yếu của cuộc sống. Họ lao đầu vào tìm kiếm những danh vọng trong công việc. Họ dành quá nhiều thời giờ để lo cho những hư danh ở đời cũng như những vinh quang thoáng qua. Khi họ thành công trong một việc gì đó, họ như ngủ mê luôn trong hào quang đó, kể cả việc tông đồ cũng thế. Như thế họ sẽ rất nhanh chán và lòng nhiệt huyết cũng như niềm vui nội tâm nơi những thành công đó sẽ không có. Vì nhiều khi những thành công và chiến thắng họ có, họ tưởng là do họ tài năng, là do công lao của họ…nên họ dễ đâm ra khoe khoang, kiêu ngạo và có khi công việc thất bại không như họ mong muốn, họ lại dễ dàng xa lìa Chúa.
Chúa thấu hiểu tâm tư của con người nên Ngài luôn mong muốn và mời gọi họ nghỉ ngơi thực sự sau những công việc cũng như những hoạt động. Chúa biết nhu cầu thực sự của con người và Ngài luôn đi bước trước.
Vậy nghỉ ngơi bên Chúa là gì ? Nếu không phải là gặp gỡ Chúa, là lắng nghe tiếng Chúa, là làm mọi sự theo sự hướng dẫn của Chúa. Chúng ta là những người đang trên đường lữ hành về trời, con đường vừa hẹp vừa dốc nếu không nghỉ ngơi lấy sức thì không thể đến đích.
Đời sống chúng ta xoay vần theo 2 nhịp độ là lao động và nghỉ ngơi. Lao động chính là phúc lành cho chúng ta, giữa bộn bề cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải làm việc, chăm sóc gia đình… Nhưng đôi khi chúng ta quá mải mê lao động mà quên đi phần tâm hồn thiêng liêng mà Chúa trao tặng cho mỗi người, rồi dần dần chúng ta sẽ rời xa Chúa, hình ảnh của Chúa trong tâm hồn chúng ta sẽ phai nhạt dần đi. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Như khí trời cần cho con người, người Kitô hữu cũng cần phải cầu nguyện.
Vì vậy, chúng ta phải lao động và nghỉ ngơi bên Chúa. Nghỉ ngơi bên Chúa để Ngài bồi dưỡng, tăng cường sức lực tinh thần, cũng như để cảm nếm sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Nhờ vậy, việc lao động của chúng ta được đổi mới và tràn đầy sáng tạo, tràn đầy sức sống hơn. Amen.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Vĩnh Quang