“SỐNG CHO NHỮNG GÌ CAO QUÝ HƠN...” “Tôi được sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn”. Châm ngôn sống của vị thánh trẻ dòng Tên - Staniskô Kostka tựa một dòng suối nhỏ, trong lành phát xuất từ Nguồn suối ân sủng của Thiên Chúa, thấm nhuần tinh thần sống mà Chúa Giêsu hôm nay tha thiết mời gọi mỗi người: “Hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). Phần tôi, tôi đang sống vì điều gì? Phải chăng vì “những gì cao quý hơn”, những gì đem lại sự sống vĩnh cửu hay vì một điều gì không phải như vậy?
Thiên Chúa đã tạo dựng con người gồm thân xác và linh hồn không tách rời. Bởi đó, đời sống -hạnh phúc của một ai đó thường được đo bằng sự phát triển về vật chất cũng như tinh thần: sức khỏe, tiền bạc...; niềm vui trong tâm hồn, “ơn trên”... Tất cả những điều đó đều chính đáng và là quà tặng Đấng Tạo Hóa ban cho con người. Tuy nhiên, cả hai lại có giá trị không giống nhau. Sức khỏe, lương thực, nhà cửa, tiền bạc... là những điều cần thiết và đáng trân trọng trong cuộc sống nhưng rồi cũng qua đi như sự qua đi của thân xác theo thời gian. Còn niềm hạnh phúc duy nhất tồn tại mãi mãi với linh hồn bất tử, cao quý hơn tất cả là ân sủng, ơn cứu độ của Thiên Chúa, là lương thực thương tồn mang lại phúc trường sinh. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất, là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời mà Đức Giêsu nhắn nhủ mỗi người hãy “ra công làm việc” để đạt tới.
“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Lời khiển trách xuất phát từ tình yêu của Vị Mục Tử nhân lành không chỉ nói với đám đông vì cơm bánh mà đi theo Người năm xưa, nhưng đặc biệt, Ngài nói với con người hôm nay. Nhờ trí tuệ và ân sủng Thiên Chúa ban, cuộc sống nhân loại ngày càng phát triển. Tiền bạc, địa vị, cuộc sống sung túc có sức hút mãnh liệt, trở thành mối bận tâm đầu tiên và lớn nhất trong suy nghĩ của mỗi người, chi phối mọi hành động, kế hoạch trong cuộc sống. Để rồi, những giá trị vĩnh cửu dần bị lãng quên hoặc coi nhẹ. Tình trạng đáng ngại ấy của con cái lẽ nào không làm cho Người Cha lo lắng và đau lòng; Vị Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đoàn chiên lẽ nào không khắc khoải? Chúa Giêsu đã thẳng thắn khiển trách và nhắc nhở, nhưng đúng hơn là Người mở dạy bằng tình thương, niềm tin và hy vọng đối với con mình. Có người cha nào lại không muốn cho con mình những của tốt của lành hay có thể an tâm khi con cái còn chưa tìm được đúng hướng đi? Trong lời nhắc nhở con cái cảm nếm được sự ngọt ngào của tình yêu.
Tình yêu của Thầy không dừng lại ở sự khiển trách nhưng mở cho con một con đường. Người nói: hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh - thứ lương thực Con Người sẽ ban cho. Thiên Chúa thực đã ban cho con người mọi ân sủng: sự sống với vinh dự được mang hình ảnh Đấng Tạo Dựng, được vui hưởng muôn loài thụ tạo; cùng với lương thực cho linh hồn là ơn tha thứ và cứu chuộc bằng chính mạng sống của Con Một Thiên Chúa, nguồn ân sủng từ Lời Chúa và Thánh Thể cùng ân huệ Thánh Thần... Đó là thứ lương thực Thiên Chúa đã ban để con người không chỉ lớn lên về thể chất mà còn đạt tới cuộc sống vĩnh cửu. Và Chúa dạy con không thể chỉ thỏa thuê hưởng dùng mọi thứ mà cần phải ra công làm việc để đạt tới ơn cứu độ, như thánh Augustino đã cảm nghiệm sâu sắc: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Ơn đức tin Thiên Chúa ban cho rồi sẽ tiêu hao dần nếu chúng ta không gắn bó với Người qua đời sống hàng ngày. Sự sống vĩnh cửu Con Thiên Chúa thay chúng ta chuộc lại cũng sẽ không thuộc về chúng ta nếu chúng ta không sống giới luật yêu thương của Người. Chúa ban cho chúng ta ân huệ được cộng tác với Người nhưng chúng ta thường không trân quý mà chối bỏ. Cám ơn Người đã nhẹ nhàng đối với chúng ta. Ước chi trước sai lỗi của ai đó, và của chính mình, chúng ta biết theo gương của Chúa, không dừng lại ở sự nhắc nhở hay phê bình, nhưng sẽ gợi mở tới điều tươi sáng hơn với niềm tin, bởi xuất phát từ một tình yêu chân thật và lòng quý trọng phẩm giá của tha nhân.
Sự sống vĩnh cửu được Thiên Chúa hứa ban cho toàn thể nhân loại. Bất kì ai trên thế giới sẽ đạt tới sự sống ấy một khi sống theo tiếng lương tâm mà Đấng trọn tốt trọn lành đã đặt để trong tâm hồn của mình. Cách riêng, với người Kitô hữu, những con người vinh phúc được Chúa ban cho ơn đức tin, được sinh ra một lần nữa bởi Thần Khí, nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô qua phép Thánh Tẩy, được dưỡng nuôi bởi Lời Chúa, Thánh Thể và ân sủng. Những người đã biết rõ về thứ lương thực mang lại phúc trường sinh thì phải có thái độ sống nghiêm túc hơn, phải kiên quyết hơn để vượt qua những quyến rũ đơn thuần về vật chất và vươn tới phúc trường sinh. Lời khuyên “hãy ra sức làm việc” vì Nước Trời của Chúa không đòi buộc chúng ta phải làm gì đó thật lớn lao nhưng là làm mọi việc nhỏ hay to trong cuộc sống với một tình yêu lớn, để kết hiệp với công nghiệp cứu độ của Chúa Giêsu, làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Thước đo giá trị của những kế hoạch, lời nói hay hành động của ai đó là lý do vì sao người đó thực hiện chúng hơn là kết quả đạt được. Một việc bác ái có thể xuất phát từ những lý do khác nhau, có thể vì tôi đang dư thừa, có thể vì để cho thấy tôi là người tốt, có thể vì lòng yêu thương, có thể vì muốn nên nhân ái như Chúa đã dạy... Mỗi lý do sẽ tạo cho hành động giá trị không giống nhau. Và đương nhiên, Thiên Chúa muốn con cái mình thực hiện tất cả vì Nước Trời.
Đối với tôi, được trở thành Kitô đã là một nguồn hạnh phúc quá lớn lao rồi, nay Chúa tiếp tục cho tôi được sống trong đời thánh hiến. Để từ đây, đã bao lần Chúa ban cho tôi được cảm nếm sâu sắc tình yêu của Ngài để tôi được nhận biết rằng không một lúc nào tôi không được sống trong ân sủng của Chúa. Tôi sẽ trở thành người vô ơn và ích kỷ biết bao nếu tôi giữ lại cho riêng mình. Còn biết bao nhiêu người chưa được biết Chúa, chưa được biết tới nguồn sống vĩnh cửu. Biết bao tâm hồn đang khao khát Chúa. Biết bao Kitô hữu vì điều gì đó mà dần xa Người, không cảm nhận được ân sủng. Nếu không được biết Chúa, tâm hồn của người giàu có nhất cũng sẽ thường là cô đơn và sự bất an... Tất cả chúng ta chỉ hạnh phúc thật khi biết Chúa, tin Chúa và gắn bó với Người.
Lạy Chúa! chúng con không thể cho ai đó điều mà chúng con không có. Nếu trong tâm hồn chúng con không có Chúa, chúng con cũng sẽ không bao giờ thực hiện được sứ mạng của mình. Bởi đó, trước tiên và luôn mãi xin kéo chúng con ở lại cùng Ngài và trong Ngài - nguồn sống, nguồn hạnh phúc, nguồn dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Đấng ban cho chúng con tình yêu và lòng khao khát loan báo Tin Mừng. Sẽ không ít lần chúng con làm điều gì đó vì những điều chóng qua, nhưng xin Chúa hãy kịp thời thức tỉnh và biến đổi con để con chỉ làm mọi sự vì lòng biết ơn – yêu mến Chúa và yêu mến các linh hồn. Ước chi nhờ ơn Chúa, đời sống của con cũng thấm nhuần lời của Ngài như thánh Staniskô Kostka: “Tôi được sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn”.
Anna Lê Thị Chang – Học Viện
LƯƠNG THỰC THẦN LINH
Lương thực là nhu yếu phẩm cần thiết đối với mọi người sống trên trần gian, tuy nhiên đối với người kitô hữu, ngoài của ăn nuôi dưỡng phần xác còn cần thần lương nuôi dưỡng phần hồn. Lương thực này, chúng ta chỉ có thể lãnh nhận khi tin thật Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
Trong Cựu ước, dân Do Thái đã được Thiên Chúa nuôi dưỡng bằng mana và chim cút để tiến về Đất Hứa 40 năm. Khoảng thời gian đó, dân Do Thái chỉ lên đường mà không cần trồng trọt, chăn nuôi mà vẫn có của ăn. Vì thế, Tin Mừng Gioan đã chứng minh điều này khi dân chúng chất vấn Đức Giêsu: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (Ga 6,31). Nhưng Đức Giêsu đã khẳng định không phải ông Môse cho các ông ăn bánh bởi trời mà chính là Cha tôi. Thế rồi, dân chúng xin được ăn mãi thứ bánh bởi trời. Đức Giêsu trả lời: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).
Qua cuộc đối thoại với dân chúng, Đức Giêsu dạy cho họ bài học chỉ Ngài mới là của ăn đích thực để dẫn đưa dân chúng đến Chúa Cha. Bài học này cũng áp dụng cho mỗi chúng ta trong đời sống đức tin. Vì yêu thương chúng ta mà Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha nhập thể trong thân phận một con người. Để chu toàn sứ mệnh của Chúa Cha mà Đức Giêsu chịu đau khổ, chết và Phục sinh về cùng Cha. Tuy Đức Giêsu về cùng Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn yêu thương chúng ta nên đã ban tặng cho loài người bí tích Thánh Thể để giữa Ngài với chúng ta không còn giới hạn bởi không gian và thời gian. Vì thế, mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, rước Mình Máu Chúa là chúng ta được kết hiệp mật thiết với Ngài được chính Ngài hiện diện trong mỗi tâm hồn chúng ta. Khi rước lễ, Mình Máu Chúa trở nên lương thực thần linh nuôi dưỡng phần hồn chúng ta vì trong máu thịt của chúng ta có AND của Chúa. Bởi vì khi linh mục đọc lời truyền phép: bánh và rượu trở nên Mình Máu Chúa nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Cho nên, khi rước lễ chúng ta được kết hiệp trở nên một với Ngài, đây là niềm hạnh phúc và vinh dự lớn lao của loài thọ tạo trong bàn tay Đấng Tạo Hoá dưới tác động Chúa Thánh Thần.
Như vậy, Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể luôn là quà tặng vô giá nhất mà Ngài đã ban tặng cho loài người. Bí tích Thánh Thể được ví như là “Bí tích của các Bí tích” Vì thế, “Tất cả các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (GLHTCG số 1211). Cho nên, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta đến kín múc tình yêu và lòng thương xót của Ngài trong bí tích tình yêu này. Nhờ đó, chúng ta được chữa lành phần hồn mỗi khi chúng ta ngụp lặn trong tội lỗi hay khi chúng ta chưa biết trao ban tình yêu của Chúa cho mọi người bởi thái độ dưng dưng mà quên đưa bàn tay ra cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn về: tình thương, lương thực, tri thức và các tệ nạn khác.
Lạy Chúa! xin cho chúng con hàng ngày biết luôn chạy đến với Bánh trường sinh là chính Chúa Giêsu Thánh Thể để chúng con có sức mạnh và tình yêu của Chúa. Qua đó, chúng con có thể trao ban năng lượng của Chúa cho mọi người đang đói khát lương thực tình thương. Đồng thời, chúng con biết làm chứng nhân về tình yêu của Chúa trong thế giới hôm nay. Vì chính Chúa đã dạy chúng con bài học yêu thương nên Ngài đã hiến mình trên cây thánh giá và hiện tại hoá trong mỗi thánh lễ. Xin Chúa biến đổi trái tim chai đá thành trái tim thịt mềm của chúng con để chúng con trở nên Nhà tạm di động biết động lòng trắc ẩn và xót thương mọi người như Chúa. Amen.
CĐ Yên Bình