Chiều nay nhận được thông báo nghỉ học, nên tôi dành thời gian để học bài riêng và viết nội san chuẩn bị cho ngày ra trường vào tháng bảy tới. Đứng ngoài hiên lớp học, tôi nhìn sang phía Nhà thờ Chính tòa sừng sững trước một khoảng sân khá rộng. Dưới cái nắng nhàn nhạt với chút gió cuối xuân se lạnh hòa vào không khí ảm đạm của mùa Chay Thánh. Khung cảnh này đã gợi lên trong tôi những suy tư về ngôi nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong giáo phận này.
Nhắc đến Nhà thờ Chính tòa, người ta thường hình dung đến một nơi có đông đúc giáo dân, các hội đoàn sinh hoạt đa dạng và đều đặn, có ca đoàn hoành tráng với hàng trăm ca viên... Nhưng nơi đây, giáo dân tại họ nhà xứ chính tòa chỉ vỏn vẹn gần 30 nhân danh, chủ yếu là người già. Trừ những Thánh lễ đặc biệt, quy tụ giáo dân của toàn giáo phận, thì các Thánh lễ ngày thường chỉ có khoảng 3-5 giáo dân tham dự. Một nghịch lý khác là Giáo phận Hưng Hóa có địa bàn rộng nhất Việt Nam nhưng Nhà thờ Chính tòa lại gần như nhỏ bé và lặng lẽ nhất so với các giáo phận khác.
“Cái lặng của nhà thờ mẹ” giáo phận tôi là thế đấy! Nhớ lúc trước khi dịch Corona vừa bắt đầu chạm đến đất nước. Học sinh phải nghỉ học, công nhân nghỉ làm sớm, những người lương dân sống xung quanh vào sân nhà thờ đi dạo, chơi bóng, chơi cầu lông vào buổi chiều… không khí có phần nhộn nhịp hơn. Nhưng vào những ngày dịch Corona trở nên trầm trọng hơn, chính quyền yêu cầu không tụ tập đông người để tránh dịch lây lan. Thế là là nhà thờ lại chìm trong tĩnh lặng. “Người mẹ” đứng đó chờ những đứa con đến thăm, Nhà Tạm vẫn sáng, và lòng “mẹ” thênh thang với những băng ghế dài mà không một bóng người. Sân nhà thờ vắng lặng thỉnh thoảng nghe vài tiếng lá xào xạc trong gió. Khung cảnh mùa Chay thêm u ám, như đồng cảm với nỗi hoang mang của con cái khi phải đối diện với nạn dịch nguy hiểm và lan rộng chưa từng có trong lịch sử này. Lúc ấy như có một điều gì đó thúc đẩy tôi rời chỗ đứng của mình…Tôi bước đi từng bước, miệng lẩm nhẩm kinh Kính Mừng. Để dép ở ngoài cửa, tôi bước vào lòng “mẹ” với đôi chân trần. Hòa mình trong một khoảng không tĩnh lặng, tôi cúi mình cung kính Thánh Thể, rồi từng bước chậm rãi tiến lên gần cung thánh, quỳ gối cầu nguyện. Trái tim “mẹ” vẫn sáng và như đang thổn thức đập từng nhịp đón chờ đứa con viếng thăm và thổ lộ cõi lòng. Quỳ trước Thánh Thể, tôi cảm thấy lâng lâng và lòng tôi vang lên lời thánh ca: “Một mình con với Chúa, trong nơi cô vắng tâm hồn con như lắng đọng Lời của Chúa trong lòng con”. Không gian trầm mặc, càng làm cho tôi có cảm giác như đang lạc vào cõi tịch liêu vô tận của cõi lòng. Tôi bắt đầu cầu nguyện cho những đứa con của “mẹ” trong giáo xứ, những đứa con của “mẹ” trên miền thập tỉnh của giáo phận. Cầu nguyện cho công cuộc tân Phúc Âm Hóa trên cánh đồng rộng lớn này. Sau đó tôi cầu nguyện cho thế giới nhất là những nơi, những người đang phải đối diện với bệnh dịch nguy hiểm vì virut Corona. Tôi cảm thấy xót xa cho phận người đầy yếu đuối và giới hạn, đã một thời huyênh hoang vì những phát minh vĩ đại của khoa học mà nay bất lực trước một loại virus vô cùng nhỏ bé. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì đã sắp hết mùa Chay mà tôi chưa làm được điều gì. Từ trong sâu thẳm cõi lòng tôi như gào lên tiếng kêu than thống thiết, xót xa cho tôi và cho nhân loại. Tôi đã hiểu, chỉ trong cô tịch tôi mới thực sự là chính mình, chỉ trong cô tịch, tôi mới thấy được nỗi đau của người khác và ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại. Tôi thầm tạ ơn Chúa, đã cho tôi giây phút với những cảm nghiệm vừa qua, tạ ơn Chúa vì đã cho giáo phận ngôi nhà thờ mẹ này. Một không gian lý tưởng cho những tâm hồn hồi tâm và cầu nguyện.
Bước trên quãng đường ngắn từ nhà thờ về Tu viện, lòng tôi tràn ngập bình an. Một chút niềm vui sâu thẳm, sự ấm áp từ trái tim của “mẹ” giáo phận còn đọng lại. Lòng tôi thầm mong ước những đứa con của giáo xứ sớm đoàn tụ đông đủ trong lòng nhà thơd “mẹ” vào những ngày Chúa Nhật, nhất là vào những ngày đại lễ. Nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong giáo phận vẫn đứng đó, hiên ngang giữa trời cô tịch, kiên vững chờ đợi những đứa con đi xa trở về để cùng nhau ca tụng Chúa.
Hoài Thu